Trong cuộc sống, mỗi người có một sở thích, một cái “gu” riêng của mình, không ai giống ai. Bạn thích màu vàng nhưng tôi lại thích màu xanh, bạn thích nhạc trẻ, tôi thích nhạc trữ tình…đó chính là thị hiếu của mỗi người, nhờ sự khác nhau ấy mà tạo lên sự phong phú và sinh động của thị hiếu xã hội. Chẳng ai có thể ép người khác phải thích cái này hay cái khác một khi người đó không thích, mỗi người có một thị hiếu riêng. Vì thế ngạn ngữ phương Tây đã nói rằng: “Thị hiếu là cái không thể bàn cãi được”.

         Hiện nay, thị hiếu là một vấn đề được nhiều người quan tâm, ở bất cứ lĩnh vực gì người ta cũng đều chú ý đến thị hiếu của khách hàng từ thời trang, điện ảnh, hội hoạ, âm nhạc… đến các ngành kĩ thuật khác. Vậy thị hiếu là gì? Có rất nhiều định nghĩa về thị hiếu nhưng dù có định nghĩa như thế nào đi chăng nữa thì cũng nói về sở thích, thái độ, cảm xúc, thích hay không thích, thoả mãn hay không thoả mãn của con người trước cái đẹp, cái cao cả, cái xấu, cái bi, cái hài trong sáng tác và nghệ thuật. Nói một cách ngắn gọn thị hiếu là sở thích của chủ thể trong cuộc sống, bộc lộ thái độ đánh giá của chủ thể với mọi sự vật trong cuộc sống.
        Thị hiếu tồn tại ở rất nhiều mặt trong cuộc sống, ăn, mặc, vui chơi, lao động, học hành cho tới tư tưởng, đạo đức, tôn giáo. Như đã nói ở trên mỗi người có một sở thích riêng không ai giống ai, chẳng hạn bạn thích kiểu tóc này nhưng tôi thích kiểu tóc khác, bạn thích ăn chơi thâu đêm suốt sáng để hưởng thụ cuộc đời còn tôi thích sống một cuộc sống bình dị, bạn thích ăn mặc thật “mốt” thật “ model” để người khác khen bạn là sành điệu còn tôi lại thích cách mặc bình dị…Vì vậy có thể nói rằng thị hiếu là do mỗi người tự quyết định, tự lựa chọn lấy cho riêng mình hay nói theo cách nói của ngạn ngữ phương Tây “Thị hiếu là cái không thể bàn cái được”.
/
        Tuy nhiên việc tuyệt đối hóa vai trò của thị hiếu cá nhân, coi việc mình thích cái này hay thích cái kia là do chính bản thân mình quyết định không phụ thuộc vào bất cứ cái gì, bất cứ ai, ngay cả đời sống xã hội như ngạn ngữ phương Tây là một điều chưa đúng lắm, cần phải xem lại. Thị hiếu thẩm mĩ mang tính cá nhân là một điều đã được làm sáng tỏ và đã được khẳng định ở trên. Nhưng một điều mà ta phải biết là không có cá nhân nào sống tách biệt xã hội mà hình thành được thị hiếu thẩm mĩ cả. Ta thử nghĩ mà xem nếu một người bị bỏ trong rừng từ lúc nhỏ cho tới lúc lớn không được tiếp xúc với xã hội loài người, liệu người đó có hình thành được cho mình một thị hiếu nào không ? Chính vì thế, thị hiếu cá nhân mà mỗi người có lại phụ thuộc vào xã hội.
       Ở mỗi xã hội khác nhau thì thị hiếu cá nhân lại khác nhau.Ví dụ khi nước ta còn ở chế độ xã hội phong kiến, còn phân chia giai cấp thì mỗi giai cấp lại có một thị hiếu riêng, sở thích riêng và quan điểm về cái đẹp cũng khác nhau. Người giàu có thì thích cái gì phải mĩ miều, e lệ, còn những người nghèo khổ lại thích sự thật thà, chất phát.
         Trong sáng tác văn học nghệ thuật thời đó cũng vậy. Giai cấp thống trị thì yêu thích những tác phẩm lãng mạng, ướt lệ, còn đối với người nông dân thì họ chủ yếu thích những tác phẩm thể hiện đời sống lao động như tục ngữ, Ca dao… “Trâu ơi ta bảo trâu này trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”.
        Khi nhà nước tiến lên xã hội chủ nghĩa, cuộc sống của con người đầy đủ hơn thì thị hiếu của mọi người cũng thay đổi. Thị hiếu hiện nay của mọi người chủ yếu là về thời trang và ăn uống. Nghệ thuật văn học cũng vậy, những tác phẩm về người quân tử, thiếu nữ, chàng và nàng không đuợc mọi người ưa chuộng nữa mà thay vào đó là những tác phẩm phản ánh được hiện thực của xã hội như “cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, bài thơ “ Hỏi” của Hữu Thỉnh…Ngay cả kịch cũng vậy, trước kia người ta thường coi những vở kịch kết thúc không có hậu, coi xong ai cũng chảy nước mắt vì xúc động. Ngày nay, xã hội phát triển con người muốn trẻ trung, yêu đời hơn lên họ không thích những vở kịch như thế nữa mà thay vào đó là những hài kịch vui tươi, giúp họ thư giãn sau những ngày làm việc mệt nhọc, vất vả.
/
       Mỗi dân tộc có những khác biệt về truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán, tâm linh riêng nên thị hiếu thẩm mĩ cũng khác biệt nhau, có khi còn trái ngược với nhau. Người phương Đông thì cho rằng màu trắng là màu của hành kim (hướng Tây) theo ngũ hành mọi thứ liên quan đến hướng Tây đều là xấu. Chính vì thế màu trắng thường được dùng trong tang lễ của các nước phương Đông, còn đối với phương Tây thì họ lại cho rằng màu trắng là màu tốt, màu của hạnh phúc và dùng trong ngày cưới.
         Do những đặc điểm xã hội, văn hoá khác nhau nên mỗi nước lại có những thị hiếu thẩm mĩ khác nhau, kể cả về tư tưởng. Ở Mỹ, người ta có tư tưởng là thích con mình sớm tự lập, chính vì vậy khi con họ đủ 18 tuổi thì họ cho con ra ở riêng và nó có thể quyết định tất cả mọi mặt mà không cần xin phép cha, mẹ. Ở Việt Nam thì người ta lại không nghĩ vậy, họ thích con họ luôn nghe theo lời mình, bất cứ việc gì con cái muốn làm cũng đều phải xin phép cha, mẹ và khi đủ 18 tuổi con cái vẫn ở với cha, mẹ, chỉ khi nào con gái đi lấy chồng phải về nhà chồng thì lúc đó mới hết ở với cha, mẹ, còn con trai thường thì sau khi lập gia đình vẫn ở với cha, mẹ, ít khi nào ra ở riêng.
          Văn học nghệ thuật cũng vậy, ở mỗi nước khác nhau thì sở thích về văn học nghệ thuật cũng khác. Phương Tây họ thích những tác phẩm chính xác, tả thực, chẳng hạn tác phẩm của Banzắc có nhiều tên tư sản, mỗi nhân vật mỗi vẻ, không ai giống ai, từ lí lịch, dáng vẻ, tác phong, tâm tư, hành động, ngôn ngữ đều làm cho người đọc như đang tiếp xúc với con người ở ngoài đời. Còn ở Phương Đông thì thích những tác phẩm tạo khoảng trống hay nói cách khác là để người đọc tự suy nghĩ trước ý đồ của tác giả. Trong tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, hình ảnh chị Dậu chạy ra ngoài “ trời tối đen như mực và như cái tiền đồ của chị”. Đây là một kết thúc mở để người đọc tự suy ngẫm về số phận của chị Dậu sẽ ra sao.
         Thị hiếu của con người luôn thay đổi theo thời kì, trước kia người ta thích mặc quần ống loe, giờ lại thích quần ống bó. Chính vì thế, ta không nên tuyệt đối hoá vai trò thị hiếu cá nhân, cá nhân là người tự quyết định sở thích của mình nhưng sở thích của cá nhân lại dựa vào điều kiện, lịch sử xã hội.
         Hiện nay, ta đang sống ở thế kỉ XXI , một thế kỉ đang trên đà phát triển mạnh mẽ như vũ bão, với hàng loạt các loại hình nghệ thuật phát triển, phục vụ nhu cầu thị hiếu của con người như: ca nhạc, điện ảnh, thời trang, phim ảnh…góp phần tạo nên sự phong phú của cuộc sống nhưng nó cũng gây ra nhiều phức tạp trong cuộc sống. Ở Việt Nam ta hiện nay chỉ riêng nói đến vấn đề thời trang thôi là cũng đã phức tạp rồi chứ chưa cần nói đến các vấn đề khác, hôm nay mốt này ngày mai mốt khác, chẳng cái nào tồn tại được lâu, cứ xoay tròn như chong chóng, cuối cùng cũng chẳng biết được chính xác thị hiếu của mình là gì. Nói cho đúng hơn đó là học đòi, bắt chước người ta chứ chưa thể gọi là thị hiếu được. Bởi vì thị hiếu là sự nhảy cảm về cái đẹp, từ việc lựa chọn trang phục, xem phim…cho đến cách chọn bạn bè, nghề nghiệp…Tất cả đều phải thỏa mãn khát vọng tinh thần hướng tới cái đẹp, mà cái đẹp là cái luôn hướng tới chân- thiện- mĩ. Vậy việc thay đổi hết mốt này đến mốt khác có thể cho là thị hiếu chưa hay là lối a dua theo người khác ?
/
            Trở lại với câu ngạn ngữ  Phương Tây, ta có thể thấy rằng thị hiếu của cá nhân được hình thành trên nền tảng xã hội, ta sống ở xã hội này thì sở thích của ta thế này, ta sống ở xã hội khác thì thị hiếu ta thế khác. Chẳng hạn người dân tộc họ cho rằng nhuộm răng đen thì đẹp còn ta thì cho rằng răng phải trắng mới đẹp. 
            Thị hiếu là vấn đề cá nhân nhưng luôn được quy định bởi yếu tố xã hội. Điều đó cho thấy thị hiếu cá nhân không phải là bất biến, tuyệt đối “ không thể bàn cãi được” theo quan niệm ngạn ngữ phương Tây. Cùng là anh em sinh đôi nhưng một người từ nhỏ ở với dân tộc còn một người ở với ba mẹ, thì đảm bảo rằng gì thì gì hai người này cũng sẽ có sở thích khác nhau, bởi chính môi trường họ sống khác nhau nên thị hiếu cũng khác nhau.
             Tuy nhiên, ta cần chú ý một điều: không nên nghĩ rằng thị hiếu thẩm mĩ ở mỗi nước, mỗi giai cấp là khác biệt nhau hoàn toàn, người Phương Tây hay người Phương Đông, người công chức hay người công nhân đều có thể đánh giá một viên ngọc đúng với giá trị của nó. Một dân tộc hay một giai cấp nào thì khái niệm về cái đẹp cũng đều phù hợp với nhau.
           Tóm lại, thị hiếu thẩm mĩ của mỗi người đều chịu sự ảnh hưởng của đời sống xã hội. Vì thế câu ngạn ngữ phương tây “thị hiếu là cái không thể chối cái được” chỉ đúng được một phần, đó là khẳng định thị hiếu thẩm mĩ mang tính cá nhân, mỗi người có một sở thích khác nhau nhưng lại sai lầm khi tuyệt đối hoá vai trò của thị hiếu cá nhân, cho rằng cá nhân là người quyết định sở thích của mình mà không phụ thuộc vào bất cứ cái gì, không thấy được chính xã hội là cái nôi tác động đến thị hiếu thẩm mĩ cá nhân.
Nguyễn Thị Xuân Hồng
Lớp DVA 1101 – ĐH Sài Gòn