/

Dựng bờm. Sãi vó ào ào mù bụi trên đường xa, đường trần… Ngựa phi, ngựa phi đường xa/ Tiến trên đường cát trắng trắng xóa… (Ngựa phi đường xa – Lê Yên). Ngựa trong âm nhạc vang ngân nhiều cung bậc. Trong nhạc
Trịnh Công Sơn hình ảnh ngựa khá đậm đặc. Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần… ( Dấu chân địa đàng). Thấp thoáng niềm cô đơn. Ngựa hồng đã mõi vó/ Chết đồi quê hương…(Xin mặt trời ngủ yên). Trĩu nỗi ưu tư về phận người. Cả ngựa hoang cũng khát mơ một đồng cỏ yên ả, một bến sông thanh bình. Ngựa hoang nào dẫm nát tơi bời/ Đồng cỏ nào xanh ngát lưng trời…/ Ngựa hoang về tới bến sông rồi/ Cởi mở lòng ra với cõi đời. (Vết thù trên lưng ngựa hoang – Phạm Duy & Ngọc Chánh).
Ngựa xông pha giữa lằn tên mũi đạn, giữa lửa rực sa trường, thành lũy.
Ngựa in bóng, thơm men rượu Bồ đào hào sảng réo rắt tì bà giục quân trong bài tứ tuyệt nức tiếng – “Lương Châu Từ” của Vương Hàn. Có điều niềm cảm khái về chiến binh thời phong ba chiến địa sao mà bi thiết! Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/ Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi – Bãi cát nằm say, chê cũng mặc/ Xưa nay chinh chiến mấy ai về (bản dịch của Bùi Khánh Đản).
Ngựa còn đi vào tranh vẽ – biểu tượng cho thành đạt, may mắn. Đã có những ngọn bút đã lưu danh đời bằng kỳ tài vẽ ngựa.
Danh họa Từ Bi Hồng (1895- 1953) đã ra rời xa cõi thế tròn 60 năm nhưng giới hội họa Trung Quốc và nước ngoài vẫn tôn xưng ông là nhà danh họa vẽ ngựa hàng đầu đòi một, họa hai (Nguyễn Du). Tuyệt kĩ của Từ chính là khắc nét thần thái của ngựa từ độc mã, song mã, tam tứ mã…cho đến cả bầy, đàn. Từ phối hợp tương tác giữa phương pháp hình họa phương Tây với lối vẽ ước lệ phương Đông nhưng chọn cách vẽ động – họa pháp ý bút và niềm đam mê hội họa tặng cho đời những họa phẩm vô cùng độc đáo về ngựa.
Còn ở ta, giới hội họa nước nhà vẫn đánh giá họa sĩ – nhà văn Lê Trí Dũng ngoài đề tài tranh chiến tranh, chiến trường đã từng làm nên tiếng tăm cho mình thì tranh vẽ ngựa của họa sĩ khó có cây cọ nào vượt qua. Thậm chí họa sĩ lão thành Thành Chương còn đem tranh ngựa của anh so sánh với tranh ngựa của danh họa Từ Bi Hồng nói trên.
Trước tranh vẽ của nhũng tài năng thực thụ, người thưởng thức hẳn sẽ mê mẩn – ngựa trong tranh tung bờm, hí lộng, ngoái nhìn dọc ngang sống động như ngựa thật ngoài đời. Một nhà thơ đã hạ câu vần ngưỡng mộ, “Nghìn ngựa ào qua đầu ngọn bút/ Thân chưa khô mực, đã đường xa…” (Vũ Quần Phương)…
Đó là trong thơ, nhạc và tranh họa. Còn ngựa trong lịch sử chiến trận kim cổ vó bừng vó sãi tung khát vọng mã đáo thành công.
Người anh hùng – tướng chỉ huy trên lưng chiến mã rực ngời vòng nguyệt quế. Đất nước, Nhân dân một cõi vùng hoan ca yên lạc, tự chủ khi Người về, mã đáo thành công! Câu chuyện về ngựa thành Troia được kể trong trường ca Iliad của Homer vẫn được xem đoạn kết cuộc chiến mười năm ngăn trở bởi những bức tường thành kiên cố, chỉ bằng một lời nói dối thuyết phục của đối phương, quân Troia tự rước tai họa vào thành. Xét về binh pháp, quân Hy Lạp đã tương kế tựu kế, mười năm kẻ thù không đánh chiếm được thành, có gì phải ngán sợ, bị phòng. Ngủ mê trên chiến thắng, ngựa khổng lồ rỗng bụng là quà hữu hảo đã trở thành ác mộng kinh hoàng của những thủ lĩnh cầm binh chưa đủ tỉnh táo!
Vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308) – người anh hùng của đất Đại Việt, thời kì trực tiếp ra trận chống quân xâm lược đã sáng tác những vần thơ chiến trận. Ở mảng thơ này, nhà vua sáng tác không nhiều. Hiện nay chỉ tìm thấy ba bài. Mỗi bài là hai câu thơ ngắn nhưng đều xứng đáng xếp vào hàng danh thi. Trong đó, những câu thơ xúc cảm trước ngựa đá lấm lam bùn đất khi Trần Nhân Tông cùng quần thần dâng lễ khúc khải hoàn thắng giặc Nguyên Mông lần thứ hai trước Chiêu Lăng – Lăng vua Trần Thái Tông còn truyền tụng đến nay.
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
(Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng)
Hai câu thơ xuất thần khẳng định, thanh bình, yên lạc không bao giờ tự đến hoặc được ban cho mà phải đương đầu vượt qua trùng trùng gian lao, khổ ải. Đối đầu với giặc dữ phải chấp nhận hy sinh, da ngựa bọc thây. Chiến Tranh. Bóng ma đáng sợ, ta nào ham muốn. Vạn vạn binh. Ngàn ngàn ngựa vẫn phải xông vào trận địa để chở đón Hòa Bình. Như thạch mã kia đã cùng dân tộc chịu gian nan hai phen kháng chiến. Niềm cảm khái của vị chỉ huy tối cao Trần Nhân Tông đậm tính triết học. Trải gian lao, tốn hao xương máu mới đạt Sơn hà thiên cổ điện kim âu! Chiến tranh là nhất thời, Hòa bình là trường cửu. Chiêu Lăng uy nghiêm tràn vọng xúc cảm Người về – mã đáo thành công.
“Tướng của các vị tướng”. Vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp (1911 – 2013) của dân tộc ta và thế giới theo nhận xét tinh gọn của GS Sử học Phan Huy Lê, “Đó là vị thống soái trực tiếp chỉ huy chiến tranh và để lại những tổng kết mang tính binh thư hiện đại”. Nhưng vào buổi sáng định mệnh cho giặc và tập đoàn cứ điểm Điên Biên Phủ, ngày 26/1/1954 tại hang Thấm Púa (dưới chân núi đá vôi Pú Hồng Cáy, Tuần Giáo – Điện Biên), Đại Tướng đã đưa ra một quyết định khó khăn nhất trong sự nghiệp cầm binh của mình. Đó là quyết định chọn phương án đánh chắc, thắng chắc thay cho phương án đánh nhanh, thắng nhanh hợp nhất với tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ trước khi vào chiến dịch Điện Biên, Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Đại tá, TS Vũ Tang Bồng (Viện Lịch sử quân sự VN) từng có nhận xét lý thú Có thể coi lời dặn đó là Thượng phương bảo kiếm mà Bác tặng cho Đại tướng trong chiến dịch…”. Và với thanh bảo kiếm – chắc thắng mới đánh –đánh chắc, thắng chắc đó đã làm ngơ ngác nhiều học giả phương Tây khi nghiên cứu về Điện Biên Phủ: một hiện thực, một sự thực khó tin. Những khẩu pháo – những chú đại sơn mã theo lệnh kéo ra giờ lại kéo trở vào hoàn toàn bí mật. Kỳ tích chói lọi ấy được viết nên bởi những chiến sĩ VN! Đúng, khó ai tin được, mỗi đại sơn mã có trọng lượng gần 3 tấn được vận chuyển thế đồi dốc suốt quãng đường 500km chỉ bằng với sức người! Mồ hôi và cả máu của chiến sĩ đã thấm vào núi rừng, dây tời, đạn pháo… Mưa dầm, sương giá buốt tê ngừoi, ấm lòng lại sức chỉ với cơm vắt muối nhạt. Hò kéo pháo, khúc ca khởi nghiệp cho sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân ra đời trong hoàn cảnh ấy.
Hò dô ta nào… kéo pháo ta vượt qua đèo…
Hò dô ta nào… kéo pháo ta vượt qua núi…
Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi.
Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù.
Kéo pháo ta lên trận địa đây vùi xác quân thù. Hai, Ba nào…
17g 5 phút ngày 13/3/1954, những chú đại sơn mã hí gầm theo phát lệnh nổ súng của Đại tướng Tổng tư lênh Võ Nguyên Giáp. 40 khẩu pháo 75mm và súng cối 120mm đồng loạt bắn cấp tập 2000 quả đạn suốt hai giờ vào cứ điểm Him Lam…Giặc Pháp kinh hoàng, thảm bại ngay từ trận đầu. Và trong suốt chiều dài của chiến dịch, bộ đội pháo binh tiếp tục chung vai cùng bộ binh gầm lộng nhả đạn, tấn công hàng loạt cứ điểm địch. 56 ngày đêm bộ đội ta “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt/ máu trộn bùn non…” (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu). Hàng chục ngàn tiểu thiết mã của lực lượng dân công hỏa tuyến thuộc binh chủng xe đạp thồ rừng rực đưa thực phẩm, xăng dầu, đạn dược… ra chiến trường góp phần không nhỏ cho chiến dịch.
Ngày 7/5 trên nóc hầm chỉ huy của giặc Pháp lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng phơi phới bay. Tướng De Castries và Bộ Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. 16.200 lính Pháp lớp bị tiêu diệt, lớp đầu hàng trong khói mù đạn pháo đại sơn mã, gió rung reo lá rừng ngụy trang ngàn ngàn tiểu thiết mã.
Trời xanh đây là của chúng ta/ Núi rừng đây là của chúng ta…Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa! (Đất nước – Nguyễn Đình Thi). Những câu thơ chất ngất tự hào, rạng rỡ niềm tin dân tộc. Rầm rập âm vang của những đoàn quân băng rừng ra trận. Những đường Việt Bắc của ta/ Đêm đêm rầm rập như là đất rung/ Quân đi điệp điệp trùng trùng…(Việt Bắc – Tố Hữu).
Việt Bắc! Việt Bắc – Thủ đô kháng chiến – Thủ đô gió ngàn, xuất phát điểm để có một Điện Biên lừng lẩy nối tiếp một Điện Biên trên không, một chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đất Nước một mối thu về. Bước ngựa vút. Bước băm băm. Bước thong thả nở hoa ý kiến lớn góp sức mạnh chiến lược cho cuộc trường chinh giữa một chiều Đông đại ngàn. Vút ngựa vượt qua đèo/ Rì rầm tiếng suối reo… Ngựa mỏi đi bước một/ Người suy nghĩ vấn vương/ Nhiều khi ý kiến lớn/ Vụt đến lúc đi đường… (Đi họp – Sóng Hồng, mùa Đông Việt Bắc, 1953). Cũng một chiều giã biệt sơn khê, chia tay – không rời những con người đẫm thấm nghĩa tình hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son, nhà thơ Tố Hữu đã làm nên một kiệt tác Thi ca – Việt Bắc. Bằng hơi thơ da diết, ngọt ngào ca dao mình – ta chảy dọc tâm hồn tác giả trong đó nổi lên một bức tranh thơ truyền thần, lung linh hài hòa sắc màu về Bác. Bao khó khăn ăn đói ngủ rét, bệnh tật…trải chín năm kháng chiến Bác vẫn ung dung, đỉnh đạc cưỡi ngựa vượt suối, qua đèo. Quyết tâm “… dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập – Bác nói với Tướng Giáp tháng 7/ 1945 như ngọn lửa cháy mãi không thôi để nhân lên thành vô vàn bão lửa diệt thù.
Nhớ Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi rừng núi trông theo bóng Người…
Môt Tổ quốc vẹn toàn, khởi sắc hôm nay tính từ buổi chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chi Minh lên tàu bôn ba tìm đường cứu Dân tộc, Đất nước năm 1911 đã hơn trăm năm. Lịch sử ngàn năm dằng dặc. Bóng ngựa qua đèo của Người trong những năm tháng sơn trường Việt Bắc vẫn lộng ngời phong thái, tầm cao trí tuệ bản lĩnh dĩ bất biến, ứng vạn biến của Con Người – Dân Tộc Việt Nam.
Lịch sử chỉ lưu giữ tuổi tên những ai làm nên công trạng và sự nghiệp không toan tính hiến trọn tâm huyết, đời mình cho Dân, cho Nước bất chấp sự nghiệt ngã của cát bụi thời gian. Bảo tàng chiến tranh bảo quản, trưng bày những hiện vật chiến trường nhằm nhắc nhớ, giáo dục lớp ngừoi hôm nay và con cháu đời sau. Những khẩu pháo Điện Biên, những xe đạp thồ thần thánh luôn bóng ngời, trang trọng. Nhưng chỉ có Bảo tàng lòng dân – Bảo tàng lòng người mới lưu giữ thiên thu ngựa chiến trận thời Sát Thát – thạch mã lưỡng hồi trong thơ Trần Nhân Tông – đại sơn mã, tiểu thiết mã thời Điện Biên của Tướng Giáp và bóng ngựa ung dung qua đèo của BácHồ giữa rừng Việt Bắc. Và bảo tàng nhân dân nước nhà và nhiều Châu lục yêu chuộng hòa bình mãi mãi tự hào và ngưỡng mộ chiến thắng chấn động địa cầu – chiến thắng Điện Biên 1954 – Giáp Ngọ 60 năm xưa.
Xuân nay, Giáp Ngọ đang về trong rộn ràng cỏ hoa, hương sắc. Đất trời, lòng ngừoi tràn vui, mừng năm mới. Ngày từng ngày đổi mới… Xuân Ngọ về, Đất nước chuyến mình nước đại phi mã đáo thành công…

Đầu Xuân Giáp Ngọ 2014
NGUYỄN NGUYÊN PHƯỢNG

./

.