/

Nhạc sỹ Ngọc Quang – Chủ tịch Liên Hiệp VHNT tỉnh Phú Yên trao giải Người đẹp Nguyên tiêu qua ảnh
 

Ngủ chưa em? Tiếng vọng từ miền đất Phú Yên. Giữa dòng của những nỗi nhớ – của tình yêu thương, bản năng dẫn dắt trái tim tôi tìm về với cảm xúc, với những vầng sáng làm lay động tâm hồn. Chiều cuối tuần, bệnh viện vắng vẻ hơn ngày thường, vết thương của tôi dù đã đỡ, nhưng cái cảm giác trống trải khiến tôi cảm thấy đau đớn. Tôi chỉ có một cuộc đời để sống, và biết đâu chỉ có một cuộc đời mà tôi có đầy đủ nghĩa tình. Cứ tưởng đâu tôi đã đánh mất cái khao khát sống cho trọn vẹn. Cứ tưởng đâu tôi đã chấp nhận bản thân mình theo những nhịp điệu buồn chán tẻ nhạt của tâm hồn. Rồi một ngày, khi trái tim tôi bất chợt chững lại, nó hối thúc tôi nhìn lại chính mình, bỗng dưng lại cảm nhận một sự mới mẻ xuất hiện. Sau những vấp ngã, sau những mất mát, và sau cả những thất bại, tôi chấp nhận những gì diễn ra vốn dĩ phải bước qua trong đời và đứng lên để đi tiếp con đường dài phía trước mặt. Hạnh phúc là khi tôi vẫn còn trong đời mục đích để tiếp tục bước đi. Hạnh phúc là tôi đã quay trở lại với con người mạnh mẽ của mình, khi khó khăn dồn dập ùa đến, và khi tâm hồn trở nên mỏi mệt, tôi vẫn không dừng bước, đi cho hết những ước mơ – những giấc mơ của riêng mình. Và khi gặp thất bại, tôi không còn là con bé chỉ biết khóc với ba, mà còn biết nở nụ cười với bản thân mình, cộng thêm một chút tỉnh táo và lạc quan. Nếu có cơ hội, tôi ước được đi thật nhiều nơi. Từng góc cạnh, từng dòng chảy, từng chút từng chút một để phá vỡ những đường ranh giới cảm xúc của trái tim mình, để đời sống của tôi tràn ngập những mảnh ghép yêu thương… “Có ai nghe thấy một tiếng vọng/ thì thả con thuyền sang với tôi” – câu thơ của nhà thơ Trần Lê Văn là nỗi khắc khoải tri âm khi tôi nghe được “tiếng vọng” của nhạc sĩ Ngọc Quang từ miền đất Phú Yên vọng đến. Gặp gỡ và quen biết Anh Ngọc Quang cũng chỉ là sự tình cờ. Phải chăng tôi là chiếc “cầu nối” tri âm để người nhạc sĩ tài ba đến với bài thơ “Ngủ chưa em?” của nhà thơ Hoàng Đình Quang? Chẳng biết có phải thế không mà khi nghe nhạc sĩ Ngọc Quang tâm sự, tôi xúc động và nghe đi, nghe lại bài nhạc “Ngủ chưa em?” trong cảm xúc tức tưởi, nghẹn ngào. Cái đêm đầu tiên tôi nhập viện, nhạc sĩ Ngọc Quang kể lại: “Anh vừa phổ, vừa phối, vừa thu âm cho đến sáng mới xong”. Trước đó thì tôi thấy trong máy điện thoại rung lên rất nhiều tin nhắn của anh Ngọc Quang “Ngủ chưa em?” hoặc “Ngủ đi em” , đau đớn quá, tôi không thể trả lời được. Bắt được tứ thơ của Hoàng Đình Quang như là những điều “thay lời muốn nói” trong tâm trạng của nhạc sĩ Ngọc Quang. Dòng cảm xúc trong anh như được cộng hưởng, bài nhạc “Ngủ chưa em?” được ra đời trong nỗi niềm khắc khoải, trăn trở, ngóng trông… của nhạc sĩ Ngọc Quang. “Đắm say chi đó người ơi Có nghe trong vắt ngang trời tiếng chim” Vũ Đức Dật, tôi càng hiểu được cái tình tri âm của người nhạc sĩ hơn. Dân ca Quan họ Bắc Ninh bài nào cũng thấy thổn thức, khắc khoải. Mà khắc khoải nhất với tôi là bài Bèo dạt mây trôi. Đây là nỗi khắc khoải của thân phận con người bao đời gửi gắm qua nỗi khắc khoải của tình yêu nam nữ: Bèo dạt mây trôi chốn xa xôi/ Anh ơi em vẫn đợi bèo dạt…/ Anh ơi, em vẫn đợi mỏi mòn…. Nghe lời ca ấy, tôi thấy cha ông ta thật nghệ sĩ, trái tim thật vô bờ. Không ngờ, ngàn đời trước, ông cha mình sống nghèo nàn về vật chất mà tâm hồn lại giàu có như vậy Bây giờ, thấy thương quá, nhiều người sống giàu có về vật chất mà tâm hồn lại nghèo nàn Vậy thì, phấn đấu để làm giàu đời sống tinh thần của nhân dân chính là nhiệm vụ của các nghệ sĩ nói chung. Ở bài nhạc “Ngủ chưa em?” tôi nhận thấy: Vốn sống tinh thần của nhạc sĩ Ngọc Quang rất giàu có, tâm hồn của anh mênh mông, dạt dào cảm xúc vượt thời gian. Không có trái tim nhạy cảm, yêu người, yêu đời tha thiết thì nhạc sĩ Ngọc Quang không thể viết được những nốt nhạc tình cảm da diết mà bay bổng như thế. “ Ngủ chưa em? Ngủ chưa? Anh vẫn thức/ đợi một dòng tin nhắn gửi vào đêm/ Để sáng mai anh biết là hư ảo/ đã bao lần thao thức ngủ chưa em” Nhạc sĩ Ngọc Quang tâm sự: Ngủ chưa em? , tuy không phải xuất sắc lắm nhưng tứ thơ và tâm trạng của tác giả anh rất thích, và vì thế suốt tối qua anh viết, phối và thu luôn. Tuy không hay lắm nhưng anh tin em sẽ thích vì nó diễn đạt được tâm trạng của tác giả, cũng như tâm trạng của anh lúc này vậy.” . Như thế mới thấy khắc khoải tri âm không phải riêng ai. Thi sĩ Nga Côngxtantin Ximônốp đã có câu nổi tiếng: Không nỗi đau nào của riêng ai… Đúng vậy, nhân loại là một cộng đồng, người ta luôn là mỗi cá nhân trong một tập thể. Bản nhạc “Ngủ chưa em?” của nhạc sĩ Ngọc Quang được vang lên do chính anh là người thể hiện ca khúc với chất giọng trầm, buồn… như xoa dịu mọi nỗi đau trong tôi. Ngoài trời đang mưa…để rồi nhìn mưa qua lăng kính cuộc đời sao thấy lòng mình rưng rưng lạnh, lời nhạc như chạm vào nỗi niềm để ta trở về với khoảnh khắc tĩnh lặng riêng mình. Ta lắng nghe thành phố thở, vẫn còn đâu đó sự bình yên…

/

BV Gia Định, chiều 24/9/2011

 Trần Huyền Nhung.