Ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh), nhiều người Ê Đê xem Oi Blứ như người giữ hồn cho dân tộc mình, bởi ông không chỉ biết cách làm nhạc cụ truyền thống mà còn chơi nhạc rất hay.
 
 
Con đường dẫn đến nhà Oi Blứ quanh co uốn lượn. Hai bên đường, những rẫy sắn, mía và những cánh đồng lúa trải dài trong hun hút gió của đại ngàn. Oi Blứ năm nay đã 78 tuổi nhưng trông vẫn rất khỏe. Ông có nước da ngăm ngăm đặc trưng của người Ê Đê; màu của thời gian điểm bạc phơ lên tóc, lên lông mày…
 
Trong ngôi nhà sàn chắc chắn, nhạc cụ được treo ở một bên cột nhà. Đó là một loại khèn có 6 ống thổi làm bằng nứa chắc ruột, gắn vào cái bầu khèn làm bằng trái bầu hồ lô đã phơi khô. Oi Blứ bảo ông tự trồng bầu và chọn lựa nhiều lắm mới có một trái ưng ý. Người Ê Đê gọi loại khèn này là đinh năm.
 
Ông già thổi đinh năm nhìn điệu nghệ lắm! Ông thả hồn theo tiếng khèn và người thưởng thức ngất ngây trong những âm thanh tình tứ, bay bổng của điệu kèn. Ông già nói đó là một điệu đối đáp giữa nam và nữ khi tán tỉnh, yêu nhau. Zôn Blứ, vợ ông, thích lắm giọng khèn của ông.
 
Oi Blứ biết chơi khá nhiều nhạc cụ truyền thống của người Ê Đê, từ cồng chiêng – a rap cho tới kèn môi. Ông già vào gian trong, lấy ra nào là t’ky (tù và mừng tuổi), đinh gúi (sáo). Ở tuổi 78, màu thời gian đã nhuốm lấy làn hơi của ông, có những lúc ngân xa, ông già thở hổn hển.
 
Sau một hồi biểu diễn cho khách xem, Oi Blứ trầm ngâm: “Tình yêu thiên nhiên, chim muông, tình yêu nam nữ, lòng biết ơn núi rừng đã cho ta thức ăn thức uống… chứa đựng trong những bài cúng, điệu múa, bài hát, điệu khèn. Đó là cái hồn của người Ê Đê chúng tôi”.
 
Oi Blứ có cả thảy 5 người con, nhưng không người nào thích học cách chơi nhạc cụ của đồng bào Ê Đê, dù việc này không khó. Ông già buồn lắm! Ông nói vài đứa trong xã còn thích học cách đánh cồng chiêng – a rap còn những nhạc cụ khác, chúng chê… lạc hậu nên không học. Ông sẵn sàng dạy không công cho con cháu trong buôn để chúng không quên đi cội nguồn của dân tộc mình.
 
Ông tình thiệt chia sẻ, rằng tỉnh Phú Yên thường mời ông đi biểu diễn tại các sự kiện giao lưu văn hóa. Năm nay kỷ niệm 400 năm Phú Yên, ông được đi diễn nhiều. Mỗi đợt diễn, tỉnh đều bồi dưỡng tiền cho ông.
 
Oi Blứ đã nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen. Ông nhớ mình đã đoạt huy chương bạc với tiết mục biểu diễn đinh năm, trong một sân chơi lớn do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức vào năm 2009. Cũng trong năm này, ông được nhận bằng khen của Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Phú Yên.
 
Lưng buổi trưa, bà Zôn Blứ đi rẫy về. Bà soạn trong gùi ra nào là ớt tươi, chanh mọng nước, củ sắn. Bà chia sẻ: “Ông đi diễn nhiều; nhiều người biết đến người Ê Đê, tôi vui lắm. Bọn trẻ bây giờ lạ lắm, ngay cả trang phục truyền thống tụi nó cũng không muốn dệt. Trong buôn ít người trẻ biết dệt trang phục truyền thống của dân tộc mình”.
 
Ông già rất khéo tay, đan gùi đẹp, làm nhạc cụ cũng hay. Ông sống bằng tiền bán gùi, bán nhạc cụ. Mỗi khi đi biểu diễn ở đâu xa, ông đều mang theo. Ai mua thì ông bán. Mỗi thứ giá 400.000 đồng. Ông già bán nhạc cụ không phải chỉ để kiếm thêm thu nhập mà còn muốn quảng bá văn hóa truyền thống của người Ê Đê cho những ai quan tâm đến văn hóa của dân tộc mình.
 
Anh Y Canh, cán bộ văn hóa xã Ea Trol, nói: “Trong xã, Oi Blứ là một trong hai người biết thổi sáo, đinh năm và là người cuối cùng biết làm nhạc cụ truyền thống của dân tộc Ê Đê ở đây. Chúng tôi muốn thanh niên học cách chơi nhạc cụ truyền thống nhưng xã còn nghèo, không thể xoay xở ra kinh phí cho công việc trên”.
 
Người dân Ea Trol sống chan hòa với đại ngàn, song bóng dáng của cuộc sống hiện đại đã phần nào pha trộn vào không gian hoang sơ nơi đây. Một cách âm thầm và bền bỉ, những người như Oi Blứ đang gìn giữ nét đẹp văn hóa của đồng bào mình trong dòng chảy tất bật của đời thường.
 
TUYẾT DIỆU