id=imgArticleEmbedded

Nhạc sĩ Thanh Sơn sinh ngày 1.5.1938 tại Sóc Trăng, tên thật là Lê Văn Thiện. Năm 1955 ông trở thành ca sĩ đi hát trong ban nhạc Tiếng Tơ Đồng của Hoàng Trọng. Sau một thời gian tự học sáng tác, năm 1962 ông viết ca khúc Tình học sinh nhưng chưa có tiếng tăm gì. Một năm sau đó, Nỗi buồn hoa phượng ra đời và trở thành ca khúc nổi tiếng nhất thời gian đó. Ông đã sang tác gần 500 bài hát, chủ yếu là tình ca. Ông mất vào lúc 14g30 phút ngày 4.4 tại nhà riêng sau một cơn bạo bệnh. Lễ tang được tổ chức tại nhà riêng số 100/40/14 Đinh Tiên Hoàng, Q. Bình Thạnh, TP.HCM, và an táng tại nghĩa trang công viên Chánh Phú Hoà, Bến Cát, Bình Dương.

Những ca khúc tuổi học trò của Thanh Sơn mà khởi đầu là Nỗi buồn hoa phượng quá nổi tiếng, tới nỗi nhiều thế hệ học sinh, người nghe nhạc miền Nam mặc nhiên xem ông là “ông vua của mùa hè” – mùa phượng vỹ.

Thanh Sơn là dân miền Tây, âm nhạc của ông được kể trong dòng nhạc bolero (*) với ý nghĩa ông được xếp vào loại nhạc bình dân, đại chúng, chứ không hẳn ca khúc nào của ông cũng theo nhịp bolero. Ca khúc Nỗi buồn hoa phượng được viết bằng nhịp của habanera. Và nó đã làm thổn thức bao nhiêu là thế hệ học trò miền Nam nói chung. “Màu hoa phượng thắm như máu con tim, mỗi lần hè sang kỷ niệm, người xưa biết đâu mà tìm…”, ca từ mộc mạc, bình dân nhưng rất chặt chẽ về vần điệu như một thứ thơ phổ thông đi thẳng vào rung động của người nghe.

Thanh Sơn đứng riêng một cõi mùa hè dù không chỉ mình ông viết về mùa hè. Phạm Duy cũng lừng lẫy với Ngày xưa Hoàng Thị phổ từ thơ Phạm Thiên Thư: “hè sang phượng nở, rồi chẳng gặp nhau, ôi mối tình đầu, như đi trên cát…” Cũng mùa hè, cũng hoa phượng, cũng chia ly nhưng nhịp valse lente 3/4 của Phạm Duy buồn buồn, man mác, khác với cái thổn thức rất đời, rất thơ ngây của tuổi mới lớn. Và ngay cả sau này, khi đã ở tuổi rất xa trường học, đã phiêu bạt, lập nghiệp, đã thành công hay thất bại thì khi nhớ về mái trường cũ, những mái đầu chớm bạc vẫn thấm thía câu “mỗi lần hè sang kỷ niệm, người xưa biết đâu mà tìm…”

Nhạc sĩ Thanh Sơn sau 1975 vẫn có những ca khúc được biết đến như Thương về cố đô, Bạc Liêu hoài cổ, Áo trắng Gò Công, Như lục bình trôi… “Ông vua của mùa hè” qua đời ở tuổi 76, nhưng mùa hè vẫn còn mãi với đời học trò. Thế hệ này lớn lên, thế hệ khác vẫn tiếp tục chia sẻ thời áo trắng trong những sân trường, vẫn tiếp tục bồi hồi chia tay nhau mỗi khi hoa phượng mùa hè rừng rực đỏ. Ca khúc về học trò của tuổi trẻ hôm nay có thể khác nhiều về cách biểu đạt, nhưng tâm thức sẽ mãi giống với cái thổn thức của Nỗi buồn hoa phượng hay Lưu bút ngày xanh cũng cùng tác giả.

Đỗ Trung Quân