//
.
Năm 1964, ở tuổi 28, Nguyễn Mỹ đã nổi tiếng với bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ và nhanh chóng trở thành nhà thơ trẻ tiêu biểu thời chống Mỹ cứu nước. Từ đó đến nay, cùng với nhiều thi phẩm khác, thơ của ông luôn được bạn đọc và các nhà phê bình yêu mến tìm hiểu, khám phá, nhất là khi đặt nó trong bối cảnh của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tác giả, Ths Bùi Văn Thành, một người con của mảnh đất Tuy An đã dành khá nhiều thời gian nghiên cứu về thơ Nguyễn Mỹ. Mới đây, Nhà xuất bản Văn học vừa cho ra mắt công trình nghiên cứu của anh với cuốn tiểu luận phê bình Nguyễn Mỹ vẽ tranh bằng ngôn từ.  Cuốn sách dày 155 trang, khổ 14 x20 cm gồm có 3 chương viết về cuộc đời cũng như con đường thơ của Nguyễn Mỹ nhìn từ phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật.
Chương một, tác giả dành nhiều trang viết về nhà thơ Nguyễn Mỹ, một nhà thơ chiến sĩ tiêu biểu của miền Nam cùng với hệ thống tác phẩm của ông. Theo số liệu khảo sát của tác giả, Nguyễn Mỹ có sáng tác nhiều ca dao, diễn ca để tuyên truyền cổ vũ nhưng chính vẫn là thơ. Tuy nhiên, sự nghiệp thơ ngắn ngủi của anh chỉ thống kê được khoảng hơn 40 bài. Trong chương này, tác giả cũng đã nêu được quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Mỹ về thơ.
Chương hai, tác giả đi vào nghiên cứu sâu phương diện nội dung thơ Nguyễn Mỹ. Trước hết người viết khái quát cơ sở hiện thực của cuộc chiến tranh, từ đó nêu lên lí tưởng cách mạng của người cộng sản Nguyễn Mỹ. Qua quá trình nghiên cứu, Bùi Văn Thành đã khái quát được thơ Nguyễn Mỹ gồm hai nội dung chính: cảm hứng quê hương đất nước và cảm hứng về tình yêu. Ở nội dung cảm hứng về quê hương đất nước, tác giả đi sâu nghiên cứu các các bài thơ viết về quê hương, con đường cách mạng, rừng núi, phương diện văn hóa lịch sử, hình ảnh của mẹ, của nhân dân và Bác Hồ; ở mảng viết về cảm hứng tình yêu, tác giả cũng tập trung ở mảng thơ viết về tình yêu nước nhưng nhiều hơn vẫn là tình yêu đôi lứa trong thời ra trận. Riêng mảng thơ viết về tình yêu đôi lứa, Bùi Văn Thành có nhận xét khá xác đáng: “Trong thơ Nguyễn Mỹ, người yêu cũng là đồng chí của anh, cùng chung một mục đích, một lí tưởng”.
Chương ba, tác giả đi sâu nghiên cứu các phương diện về hình thức nghệ thuật thơ. Theo kết quả nghiên cứu, Nguyễn Mỹ sử dụng đa dạng linh hoạt các thể thơ như thơ tự do, lúc bát, thơ bốn chữ, năm chữ, bảy chữ…Một phát hiện mới, hay và là một phần nghiên cứu tâm huyết của tác giả trong công trình này chính là thấy được sự đa dạng của việc sử dụng ngôn ngữ tạo nên một sắc màu độc đáo, ấn tượng trong thơ. Trong thơ Nguyễn Mỹ, tựu trung nhất vẫn là màu đỏ với tần suất 56 lần/ khoảng 40 bài thơ. “Đó là màu đỏ của những chùm hoa đỏ, nhành hoa lửa đỏ, bông hoa chuối đỏ tươi, đồi đất đỏ, ông sao đỏ, cà phê chín đỏ, áo đỏ, cờ đỏ lửa đỏ…”. Có khi Nguyễn Mỹ lại chuyển từ đỏ sang màu hồng, đào thắm. Bên cạnh sắc đỏ, những từ chỉ màu xanh xuất hiện 54 lần như: “cây si xanh, cành xanh, đồng xanh, làng xanh, núi xanh, tre xanh, trời xanh, nóc vòm xanh, chiến khu xanh, mồ xanh, giấc mơ xanh…” ; màu vàng 21 lần và các màu bạc, nâu, tím, đen cũng xuất hiện khá dày. Đi liền với sự phát hiện thể thơ, sắc màu, khi nghiên cứu về âm thanh trong thơ Nguyễn Mỹ, anh viết: “Anh chọn âm thanh tiếng máy bay, âm thanh reo mừng của trẻ con, đất trời đưa vào thơ mình, khiến hình ảnh máy bay chiến đấu của ta hiện lên trong thơ thật sinh động giàu sức sống”. Riêng về giọng điệu thơ Nguyễn Mỹ, Bùi Văn Thành nhận xét: “Đọc thơ Nguyễn Mỹ, người đọc bắt gặp giọng hào hùng thiết tha trìu mến. Giọng hào hùng chủ yếu vang lên ở những bài thơ viết về chiến tranh phù hợp với cái tôi sử thi thời chống Mỹ”.
Bên canh ba nội dung chính trên, cuốn sách còn tập hợp được nhiều tư liệu, tác phẩm, bút tích, hình ảnh liên quan đến nhà thơ và tác phẩm của Nguyễn Mỹ. Có thể nói, đây là một công trình nghiên cứu đầu tiên có hệ thống, khá công phu, khoa học về một nhà thơ tiêu biểu, một người con anh dũng trên mảnh đất Tuy An. Với kết quả đạt được, công trình nhỏ sẽ là tư liệu tập hợp đầy đủ nhất về Nguyễn Mỹ đồng thời cũng là tài liệu tham khảo cho những người nghiên cứu nói chung và bạn đọc yêu thơ Nguyễn Mỹ nói riêng.