Gã là một nhà thơ, phụ trách một thi đàn cũng khá xôm tụ. Chung quanh gã lúc nào cũng có hàng đống đệ tử và kẻ xu nịnh. Thơ của gã cũng không có gì đặc biệt, nhưng gã luôn tự cho mình có tài năng xuất chúng do Trời ban cho.
Gã cao, gầy gò. Toàn thân gã như một bộ xương biết đi. Mặt gã dài ngoẵng na ná như mặt ngựa với chiếc cằm nhọn hoắt. Hai hố mắt gã sâu hoắm cơ hồ thức trắng nhiều đêm để “xuất” những vần thơ “làm thay đổi cả thế giới”…Gã để tóc dài , bờm xờm xoã đến quá vai. Gã thích mình đặc biệt hơn để công chúng dễ nhớ? Gã luôn nghĩ mình là nhà thơ, mà nhà thơ thì không thể chỉn chu, khuôn mẫu như người thường được. Phải thoát ra, phải cách điệu, phải phóng khoáng …như những vần thơ “bay bổng” của gã thì mới độc đáo và hấp dẫn! Chưa đến nỗi quần áo của gã phải bẩn thỉu, hôi hám và những móng tay dài co quắp, vàng khè…, nhưng nhìn bộ dạng tưng tửng , cách nói chuyện lừng khừng của gã, người ta nghĩ gã là kẻ lãng tử, bất cần đời và những gì đang diễn ra xung quanh. Gã có vợ, con cái như bao người. Gã còn đưa hình gã và vợ chụp chung lên diễn đàn cho mọi người thưởng lãm, để họồ lên : “Ừ, có thế chứ, nhìn thế mà cũng có người yêu chứ đâu phải vất đi đâu!”. Gã biết cách , chiêu chước để tự đưa mình lên. Gã tham gia vài buổi diễn thuyết, gặp gỡ vài vị chức sắc nhà nước, hoặc các ông bà trong hội nhà văn…gã chụp hình chung với họ rồi đưa lên thi đàn cho ra vẻ ta đây quen biết rộng, có vai vế trong xã hội… Thi thoảng, vài tấm hình gã cười khoái chá, nhe hàm răng cải mả lộn xộn , mái tóc rối bù, quăn queo làm người ta liên tưởng đến mấy người trong viện tâm thần.
Gã chỉ làm thơ chứ không viết văn. Vì gã không thích, hay không có khả năng để viết? Chỉ biết những tựa bài thơấy luôn được post lên trang chủ, trên tất cả những tựa bài của các thành viên khác. Có nhiều người xầm xì thơ gã dở hơi như chính con người gã. Thơ lục bát thì thiếu âm điệu, thiếu hình ảnh, có khi lạc vận, ép vận lung tung… Thơ tự do thì rời rạc, lộn xộn như hàm răng của gã… Thơ bảy chữ bị gò ép, như cố nhét từng ấy chữ vào cho tròn câu, chẳng có ý nghĩa gì sất! Tựu trung không bài nào có ý tưởng cao siêu, khoáng đạt, sâu sắc khiến người ta phải đồng tình và ngưỡng mộ. Thật tội nghiệp khi gã cứ lẩn quẩn như một con chuột bạch đang loay hoay trong cái lồng chật hẹp của nó! Có ai đủ can đảm để nói cho gã biết về trình độ của gã như thế nào đâu? Thôi kệ, làm phước cho gã sống với, dù chỉ là sống trong hoang tưởng và ảo vọng về tài năng của mình! Vài thành viên được giải của cuộc thi thơ. Gã làm ra vẻ rất vui với những thành tựu của họ. Gã gặp gỡ, tay bắt mặt mừng, chia sẻ với họ. Nhưng trong thâm tâm, gã cảm thấy vô cùng khó chịu! Gã nghĩ thơ của mình xứng đáng được giải hơn. Dù gì gã cũng quen biết với các “ông lớn”, nhưng sao họ lại không đủ sáng suốt để nhận ra “tầm vóc” của gã nhỉ? Đời luôn luôn bất công, không với người này thì với người khác! Gã không hề có một thân hình khoẻ đẹp như Lý Đức, không có một nụ cười “hớp hồn” như Tom Cruise, không có một đôi mắt đa tình, lãng mạn như Leo Dicapro…, vậy ông Trời phải cho gã vận may chứ, sao gã lại đen đủi đến thế! Gã quên một điều quan trọng là: Trời cho ai nấy hưởng, mỗi người một số phận chứ có ai giống ai! Biết đâu, khả năng “làm tình” của gã vượt xa các quí ông khác thì sao (!)  Mỗi người có một sở trường riêng. Ca sĩ cũng có người hát tuyệt hay nhưng cũng có người hát tạm được. Làm sao mà đi so sánh hoặc ganh tị với những gì vốn dĩ Trời đã định sẵn chứ!
Hôm nọ, có một nhà thơ vừa xuất bản được tập thơ đầu tay, ông trịnh trọng phát thiệp mời cho cả hội đến dự buổi lễ ra mắt. Gã cầm tấm thiệp giơ cao lên, cười nhăn nhở , mái tóc rối bù rung rung như đắc ý thay cho bạn thơ. Mang tiếng là cả hội có mấy trăm thành viên, nhưng hôm ấy chỉ đi dự khoảng hơn chục người. Gã cũng gọi điện thoại cho tác giả, cáo là đang đưa bà xã đi bệnh viện khám bướu(?) Gã không thể chịu đựng được khi người ta tung hê, tâng bốc tài năng của một ai đó trong hội. Mặt gã nóng bừng , hai bên thái dương giật giật tựa như các mạch máu đang chực thoát ra ngoài… Cái mồm của gã cũng muốn giật nốt, khi từ đó thèm thốt ra những lời phản đối, không đồng tình với “nhân tài” kia! Thỉnh thoảng có vài người nịnh gã, khen thơ gã thơm như “mít chín”. Gã muốn nhảy dựng lên, ôm hôn người ấy thắm thiết như dễ đến hàng ngàn năm mới gặp được tri âm, tri kỉ hiểu được thơ mình hay đến mức nào! Người ấy dù có bị răng vẩu, mắt lé, sứt môi, chân đi cà thọt…gã cũng vẫn thấy họ toát lên vẻ đẹp cao quí, thanh thoát…tựa như họ là thần tiên đang bị mắc đoạ trong thân hình xấu xí vậy (!) Có một nhà thơ khá bảnh trai, mặt mũi chính chuyên quân tử, lỡ miệng hỏi một vần thơ bị lạc vận trong bài viết của gã. Gã miễn cưỡng giải thích qua điện thoại, nhưng từ đấy về sau, con cóc ghẻ xấu xí, gớm ghiếc chừng nào thì gã xem anh chàng này gớm ghiếc chừng ấy! Gã lẩm bẩm:
–       Sao ở đời lại có kẻ dốt đặc, vô học đến thế nhỉ! Mình cố tình “lái” cái vận ấy trượt đi một tí để câu thơ thoát khỏi sự gò ép khiên cưỡng, bay bổng phóng khoáng mà nó cũng không hiểu ra, giời ôi là giời!
Bà vợ xót chồng, đế thêm:
      –     Cái ngữ ấy thì làm sao hiểu được thơ của mình, trình độ của họ chỉ có thế thôi, kệ họ mình ạ!
Sau đó, gã đã “đì sói trán” nhà thơ ấy, bằng cách không đăng thơ của anh ta lên. Khi anh ấy nhắn hỏi thì gã vờ suýt xoa bảo bận, chưa kịp đăng, rồi mới thủng thỉnh từ từ đăng sau rốt mọi người.
Một nhà thơ nữ có tác phẩm đã xuất bản, gửi bài đăng trên trang gã. Gã thừa biết tỏng tên tuổi , giới tính nhân vật này là ai, thành tích của cô ấy thế nào! Nhưng gã vẫn vờ như cô ta mới rơi từ …cung trăng xuống! Gã cũng đăng bài, nhưng trong phần mục lục ngoài trang chủ, thay vì đăng  cái tựa, cộng thêm tên tác giả như bao thành viên tham gia, thì gã chỉ đăng tựa bài của cô thôi! Lòng gã nhen nhúm một sự tức tối, ganh tị… Gã cảm thấy bực bội quá đi mất!  “Nó” có tác phẩm thì đã sao, tưởng hay ho lắm đấy! Ui dào, đàn bà chưa “đái qua khỏi ngọn cỏ”, đã chắc gì hơn chúng ông mà bày đặt viết với chả lách… Nắm bắt được tâm trạng ghen ghét vô lối, biến thái của gã, cô nhà thơ đã xin …bái bai không hẹn ngày tái ngộ! Chả hiểu sao, con người Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung ngày nay, thường xảy ra tâm tính ganh tị, đố kị lẫn nhau. Họ sẵn sàng chà đạp nhau để ngoi lên. Xinh đẹp, tài giỏi, tốt bụng hơn người đều bị ganh ghét, bới móc, rủa xả … không tiếc lời. Chẳng lẽ họ có tội vì đã xuất chúng hơn người sao? Tại sao họ không được tôn vinh, ngưỡng mộ, ưu ái? Bởi vì có những thành phần như gã, tuy dốt nhưng cứ tưởng mình giỏi, không bao giờ thừa nhận cái hay của người, lúc nào cũng cho mình là “cái rốn của vũ trụ”: “chứ gì nữa, cũng đầu óc, mặt mũi, tay chân như nhau, sao mình có thể thua “thằng nào, con nào” được chứ! Sự thông minh, tài giỏi của chúng bây ông có thừa là đằng khác!”
Vất vả , lận đận mãi, cuối cùng gã cũng có được bài thơ đoạt giải ba. Vợ gã thiếu chút nữa mổ lợn để thết khách nhưng gã cản lại… Gã bảo bà mua thịt bò, gà, lươn, ếch, lợn để đãi cho sang hơn (chứ mổ lợn thì chỉ có một loại thịt thôi). Bà tủm tỉm… ừ nhỉ, anh ấy nói cũng phải, trong rừng người thi thố này, mà thơ của anh ấy đoạt giải thì cũng xứng đáng để ăn mừng lớn, nếu được đánh trống, gõ mõ cho cả làng biết thì càng tốt (!)
Buổi tiệc diễn ra hết sức đình đám và thân mật. Các con lớn của gã học ở Sài Gòn cũng về chung vui với gia đình. Mọi người nâng cốc chạm nhau chan chát, cười nói hỉ hả, khen tặng gã hết lời… Nào là, ông chủ của thi đàn quả thật tài ba cái thế, đúng ra bài này phải được giải nhất mới xứng đáng, xem bài của “thằng cu” giải nhất và “cái hĩm” được giải nhì này, có hay ho bằng bài của anh đâu mà được thế! Ôi dào, chắc lại quen biết hay lót tiền rồi… À mà thằng này vốn nó ở hội nhà văn thành phố mà, trách sao không “ẵm giải nhất” cơ chứ! Mỗi người góp một tiếng làm gã nở to lỗ mũi đầy lông thò ra ngoài cả sợi đen lẫn bạc…Gã giả giọng khiêm tốn:
–       Cảm ơn các chú, bác quá nhời khen! Tôi chỉ may mắn lắm mới đoạt giải thôi, còn khối người hay trong thiên hạ ấy chứ…
Gã đưa cốc thuỷ tinh đầy bia, cụng ly với mọi người rồi uống ừng ực. Gã nhón một cái đùi gà luộc vàng nhẫy, đưa lên miệng xé thịt nhai nhồm nhoàm… Gã rung đùi đắc ý. Gã cảm thấy đời gã toàn một màu hồng tươi đẹp…Bỗng thằng cu con chạy ùa vào, thở hổn hển:
–       Bố ơi, chuyện kì lắm này bố! Kì lắm cơ…
–       Cái gì từ từ nói, bố dạy con bao nhiêu lần là phải bình tĩnh…bình tĩnh và bình tĩnh…
Vẻ mặt thằng cu con hốt hoảng, nó đưa tờ báo cho bố, nhưng gã gạt đi, bảo:
–       Có việc gì con cứ đọc to lên cho các chú, bác cùng nghe…
Được lời , nó cầm báo đọc rõ ràng từng tiếng:
– Cuộc thi thơ chủ đề về “BÁC KÍNH YÊU” đã kết thúc tốt đẹp, nhưng do có sự nhầm lẫn, nên bài đoạt giải khuyến khích của tác giả N được đưa lên giải ba. Còn bài thơ đoạt giải ba của tác giả K bị loại…
Mọi người ồ lên … Gã đương nhai, nhưng cái mồm gã bất chợt há hốc, để lộ một đống hổ lốn rau thịt bầy nhầy bên trong… Mọi người hối nó:
–       Đọc tiếp đi, mau lên!
–       Vì bài này có tựa là “CHA YÊU”, nhưng nội dung hoàn toàn không liên quan gì đến Bác Hồ cả…
–       Sao vậy? Cháu đọc tiếp mau lên . Cô nhà thơ A hỏi dồn.
–       Vì bài này viết về CHA nhưng cha rất sợ nước, sợ lạnh, chỉ biết hai ngoại ngữ trong khi Bác Hồ lênh đênh trên biển hàng tháng ròng, chịu rét rất giỏi, chỉ cần nhét một cục gạch nung dưới nệm là ngủ ngon đến sáng và Bác biết …tám ngoại ngữ cơ!
–       Ối giời ôi!
Mọi người cùng la to và cười rộ lên như chợ vỡ, có ông còn lăn quay ra đất ôm bụng cười ằng ặc… Gã bỗng tím tái rồi ngã vật xuống…

Tiếng vợ gã hét lên:

–       Ôi làng nước ôi, cứu chồng tôi!
     Họ xúm vào bê gã lên giường, lăng xăng thoa dầu, giật tóc mai, cạo gió cho gã… Vợ gã mếu máo cảm ơn và mọi người chào từ biệt ra về.
–       Mình tỉnh chưa, mình ơi!
Gã he hé con mắt, nhìn quanh, hỏi:
–       Họ về hết chưa?
–       Về hết rồi…
Gã bật dậy, nhìn thằng cu con đang đứng ở đầu giường, gã nhào đến bợp tai nó đánh bốp. Chưa hả giận, gã co chân đạp một phát vào đít nó, miệng rít lên:
–       Thằng ăn cám lợn! Sao mày ngu thế hở, mày đợi họ về hết rồi nói không được sao?
–       Ơ… thì chính bố bảo con cứ bình tĩnh và đọc to lên cho mọi người nghe mà!
DIÊN MINH

/