Ngày lễ từ phụ là một ngày lễ của nhân loại. Ngày chủ nhật thứ ba của tháng 6 đã trở thành ngày lễ chính thức để vinh danh người cha của 55 quốc gia trên thế giới không kể đến các quốc gia chọn thời điểm khác nhưng cũng cùng mục đích là vinh danh tình cha con. Đối với người Việt Nam, câu ca dao hầu như mọi người đã thuộc nằm lòng. Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Nhân dịp ngày từ phụ, trong muc tản mạn văn học, chúng tôi xin nói về đề tài thiêng liêng này để phác họa lại một vài chân dung người cha trong văn chương. Để từ đó, qua những cảnh đời và kiếp người, thấy được bất cứ trường hợp nào, tình thương cha con cũng có vị trí trường cửu của nó.

src=http://tuvienhuequang.com/images/stories/nguoi/vo-hong.jpgNgày Father Day’s là ngày lễ chính thức của quốc gia Hoa Kỳ.

Trong lịch sử, dự luật để chính thức hóa ngày lễ Từ Phụ đã được nhiều lần biểu quyết tại Nghị Viện. Dự thảo luật đầu tiên vào năm 1913, rồi sau đó Tổng Thống Woodrow Wilson vào năm 1916 cũng tại cuộc phát biểu tại Spokane đề nghị một ngày lễ chính thức nhưng sau đó nghị viện không đồng thuận vì sợ ngày lễ này bị thương mại hóa. Năm 1924, tổng thống Calvin Coolidge cũng có ý định đó nhưng nghị viện cũng không thông qua. Đến năm 1966, thì tổng thống Lyndon Johnson chính thức vinh danh người cha và đề nghị chọn ngày chủ nhật thứ ba của tháng 6 làm ngày lễ chính thức. Mãi đến năm 1972, tổng thống Richard Nixon mới chính thức ký dự thảo luật chọn ngày nói trên thành ngày lễ quốc gia của Hoa Kỳ.

Có người hỏi, ở văn chương Việt Nam, anh thấy có tác giả nào viết về người cha mà anh đọc thấy thích thú và chia sẻ nhất? Câu trả lời là theo ý riêng tôi, khi tôi đọc Võ Hồng, viết về người bác mà ông coi như cha trong “Người về Đầu Non” cũng như khi tôi biết đời sống của ông trong cảnh gà trống nuôi con, tôi thật nhiều thương cảm. Một đời sống qua đi, của Việt Nam với những tình cảnh sinh hoạt của nông thôn và đô thị miền Nam từ năm 1930 đến sau này, đã in đậm dấu ấn trong văn chương. Và ở đó, con người còn ảnh hưởng đời sống cũ xưa đến những người sống trong thời đại ảnh hưởng của chiến tranh khốc liệt được phác họa lại, sâu sắc hiền hòa nhưng không kém phần nặng mang thời đại tính. Ở một khía cạnh nào đó, Võ Hồng đã viết như sống lại cuộc đời mình.

Nhà văn Võ Hồng sống trong cảnh gà trống nuôi con chắc phải chật vật trong cuộc sống. Ông là một nhà giáo và đời sống cũng khá thanh bạch. Vợ ông mất sớm và ông đã nuôi ba người con nên người. Ông đã viết một bài thơ để nói về tình cảnh của mình. Bài thơ Sau Ba Mươi Năm.

“nhờ đất cho món ăn

nhờ nước đưa thức uống

hô hấp nhờ khí trời

mà cây đầy sức sống

cũng vậy ba đứa con

truyền cho cha sinh lực

lao khổ đầu sớm hôm

cô đơn dù nhức buốt

nhưng nhìn con lớn khôn

cha quên mọi cơ cực

đứa út vừa lên ba

biết mẹ qua tấm ảnh

miệng chỉ quen gọi cha

khi đói và khi lạnh

chị lớn chín tuổi tròn

đóng vai người mẹ nhỏ

vội vã học điều khôn

cửa nhà tập coi ngó

thằng giữa khi vào lớp

tên mình tưởng tên ai

thầy hỏi không biết đáp

nghe chim hơn nghe bài

nay các con nên người

mỗi đứa đi một ngả

mình cha căn nhà xưa

trông vừa quen vừa lạ

không còn ngày gian khổ

chỉ dư ngày tiêu điều

vắng con như cây cỏ

héo úa giữa quạnh hiu

tuổi già ngồi gẫm lại

quý nhất của đời mình

là ba đứa con dại

cha nuôi đến trưởng thành.”

Tình cảnh của nhà văn Võ Hồng bây giờ thì cô đơn trong tuổi già.

Hiện ông đang sống tại thị xã Nha trang và chắc là thanh bạch nghèo nàn như phóng viên Cao Chư mô tả trong bài viết đăng trên Kiến Thức Ngày Nay số tháng sáu năm 1994:

“… Lần theo địa chỉ tôi tìm đến Hồng Bàng một đường phố vắng vẻ của Nha Trang. Bước vào căn phòng ông ở tôi ngẩn người vì trước mắt tôi không phải là một người năm sáu mươi như tôi tưởng khi nhìn trong bức ảnh, mà là một ông lão! Đúng, một ông lão trán hói cao quá đỉnh đầu, má hóp, người cao gầy. Trong bộ đồ pijama và vắt ngang vai chiếc áo khoác màu hoa đào đã phai, mắt đeo kính trông ông như một đạo sĩ phương Đông thuở nào. Võ Hồng đang ngồi trên chiếc võng dừa cột vắt qua căn phòng nhỏ, một tay cần tờ báo, tay kia đang nâng một chiếc ang-gô. Có lẽ ông đang ăn sáng. Thấy khách lạ ông có vẻ hơi lúng túng vì trong phòng ngoài mấy thứ đồ đạc, sách vở chẳng có bàn ghế gì cả. Tôi trấn an ông rồi ngồi xuống sàn gạch. Tôi tự giới thiệu tên mình…”

Đoạn văn ấy nghe như có một chút gì vương vướng. Của một người cầm bút sống trong một hoàn cảnh nghèo khổ mà lại bất an. Những đứa con của ông hình như bây giờ đều sống ở hải ngoại để lại một ông già cô đơn sống cảnh xế bóng buồn phiền. Một hình ảnh người cha Việt Nam suốt đời hy sinh cho con bây giờ sống thật tội nghiệp…

Trong văn chương chắc nhà văn Võ Hồng có viết nhiều về đề tài người cha. Ông đã viết tùy bút “Một Bông Hồng Cho Cha” với cả tấm lòng:

”Ngày Vu Lan nhiều chùa tổ chức lễ hội bông hồng cài áo. Hoa hồng tượng trưng cho mẹ. Để tỏ lòng thương nghĩ tới cha, nhiều nơi buộc thêm dải nơ tượng trưng cho Cha. Cha còn sống: nơ xanh. Cha đã mất: nơ trắng. Lễ đường xếp thành bốn dãy, dãy cha mẹ song toàn: hoa hồng nơ xanh. Mẹ còn cha mất: hoa hồng nơ trắng. Mẹ mất cha còn hoa trắng nơ xanh. Mẹ cha đều mất: hoa trắng nơ trắng. Người dự lễ đứng theo hoàn cảnh của mình. Có lần một em nhỏ tuổi chừng lên tám đứng trong hàng hoa trắng nơ trắng. Em nhìn quanh tủi thân khóc òa và cả lễ đường cũng khóc òa theo. Cha cũng như mẹ, rồi sẽ một ngày Đỉnh hoa biểu từ khơi bóng hạc. Nên mỗi người con đều phải vội vàng. Trả hiếu không bao giờ đủ không được coi là dư bởi tình cha thương con là cho chứ không phải cho vay để có thể gọi là trả đủ”

Những tùy bút như Một Bông Hồng Cho Cha, Nghĩ Về Mẹ, Nửa Chữ Cũng Thầy, Lời Sám Hối Của Cha,… thấm đẹp nét đẹp của nền văn hóa Đông Phương. Có người hỏi với tình trạng đất nước lúc đó, ảnh hưởng của văn chương Võ Hồng có tác dụng nào trong đời sống xã hội Việt Nam?

Chính nhà văn Võ Hồng trả lời câu hỏi ấy khi có một ký giả hỏi một câu cũng tương tự như vậy: “những tùy bút của tôi không nhằm tạo ra được sức bật mà chỉ khiêm tốn góp phần đắp giữ nền móng đạo đức trong xã hội. Ngạc nhiên và cảm động biết bao khi rất nhiều bạn đọc thuộc mọi lứa tuổi viết thư cho tôi tỏ ý tán thưởng. Có người mượn tạm tấm ảnh của mẹ bạn mình, đem lắp vào chỗ họa sĩ minh họa nơi bài báo “Nghĩ về Mẹ” đem photocopy. Rồi gửi tặng bạn nhân sinh nhật của mẹ bạn. Giá rẻ chỉ có vài trăm. Rẻ hơn đóa hoa hồng mau tàn nhiều người đã khóc khi đọc bài “Lời Sám Hối Của Cha”…

Truyện dài “Người Về Đầu Non”, nhân vật người bác ấy là anh ruột của người cha không có con nên nhận tác giả làm con nuôi. Và trong suốt cuộc đời của ông đã là bóng mát để che chở cho con cháu. Đọc Người Về Đầu Non, tôi như thấy hiển hiện trước mắt người bác già quê mùa đã đi theo tác giả suốt một hành trình dài, một mẫu nhân vật đặc thù người miền Nam Trung Bộ, sống và thở quặn đau theo từng biến cố của đất nước. Một điều rõ nét, trong bất cứ hoàn cảnh nào, vẫn là thái độ hy sinh quên mình và tình thương là cái mộc che chắn tất cả những bất tường không may cho những người mà ông thân yêu. Nhân vật ấy vui cái vui của con cái, hãnh diện vì thành công cũng như buồn vì nỗi thăng trầm của chúng.

Lại có người nhận xét rằng trong Người Về Đầu Non hình ảnh nông thôn miền nam Trung Bộ làm người đọc thích thú và là một nét riêng biệt đối chiếu với các tác giả miền nam như Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc … Đó là phản ánh từ lòng yêu thương quê hương qua người qua cảnh. Tả cảnh, tác giả đã mang vào trong đó hồn người. Cảnh, tuy có lúc chỉ là những phác họa thoáng qua nhưng mang lại những cảm giác hồn hậu của quê hương. Và người, qua hình ảnh của sông của núi cũng tượng trưng cho một đời sống phong tục cũ xưa nhưng lại gợi nhiều hoài cảm.

Ngôn ngữ mà các nhân vật trong Người Về Đầu Non có phong vị của địa phương quê mùa có phải là một đặc tính của truyện dài này. Có người cho là thô thiển nhiều địa phương tính. Nhưng cái ngôn ngữ bình dân ấy lại gợi lại những mảnh đời sống thực và làm sinh động hơn. Chính trong một cuộc phỏng vấn của nguyệt san Văn (số 209 ngày 1/9/1972), tác giả Võ Hồng đã nói:

”Ước vọng của tôi là tìm gặp những ông nông dân già, ông chài cá lưới tôm, ông thợ rừng… nghe họ kể chuyện làm ăn âu lo hy vọng. Khi được in một loạt những cuốn sách như Hồi ký Của Một Ngư Phủ Ở Tiên Châu, Phút Nói Thật Của Một Nông Dân miền Hóc Lá,… thì ông tưởng tượng xem độc giả các thế hệ sau sẽ yêu quê hương tha thiết đến bực nào. Quê hương được nuôi dưỡng được bồi đắp được bảo vệ bằng sức cần lao âm thầm của đại đa số những người sống đạm bạc nghèo nàn nơi thôn quê chớ đâu phải nhờ lớp thị dân sung sướng ở thành phố?”

Thi sĩ Phạm công Thiện khi viết về kỷ niệm với nhà văn Võ Hồng, trong tập thơ Ngày Sinh Của Rắn có hai câu thơ, tả cảnh mà tả tình, đẹp một cách đơn giản như phong vị của những câu Hai-Ku:

“Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn

Cây khế đồi cao trổ hết bông”

Và, hình như từ hai câu thơ này, Võ Hồng đã viết truyện ngắn ”Hoa khế lưng đồi” như một cách thế đáp tạ người tri kỷ.

Trong một lá thư gửi cho tác giả “Hoài Cố Nhân”, thiền sư thi sĩ họ Phạm viết: …” Anh V.H. ạ, anh có cần gì phải thuyết giảng philo? Tất cả những trang văn anh, những trang văn rất từ tốn khiêm nhượng kia đều tiềm tàng những tư tưởng triết học rất sống. Nó cao hơn philo nữa, bởi nó là sagesse của quả tim.

Và một Triệu trang giấy Triết Học cũng không đáng giá bằng một tiếng đập của con tim. Anh có nghe rõ chưa? Tôi muốn hét to lên như vậy.

Anh có nghe tim con người đập trong những trang “Xuất hành năm mới”, trong “Trận đòn hòa giải”? “Xuất hành năm mới” còn cảm động muôn vạn lần hơn những chuyện mà người ta cho rằng buồn nhất! Những đứa nhỏ Hằng, Hào, và Thủy trong “Xuất hành năm mới” và “Trận đòn hòa giải” là những hình ảnh đau thương nhất trên đời, là những hình ảnh tượng trưng cho tất cả những đứa trẻ ở trần gian này…”

Phạm Công Thiện tâm sự như thế, dù trong ngôn ngữ của ông có một chút gì hơi phấn khích nhưng cũng khá thành thật.

Còn với tôi, Võ Hồng đã có một góc kỷ niệm riêng mình từ lúc còn bắt đầu vào ngôi trường trung học. Lúc ấy, hình như năm 1960, buổi sáng trước cổng trường có mấy người bán sách dạo trải tấm bạt bầy hàng bán. Trong đó có cuốn “Hoài Cố Nhân”, tác phẩm mà sau này chính tác giả nhìn lại: ”Hoài Cố Nhân, nhìn lại mà thương, nghèo nàn, in sai nhiều và chắc chắn có bao nhiêu non nớt”, bìa mầu xanh lam có bức tranh người con gái mặc áo dài cổ thật cao. Tự nhiên tôi thấy thích quyển sách ấy, giở từng trang sách đọc “cọp“ nhiều lần và tôi học được câu chữ Hán “Tam Nhân Nhật, Hoài Cố Nhân” và biết thêm ba chữ tam, nhân, nhật ghép lại thành chữ xuân. Ông thầy dạy Việt văn đã tròn mắt ngạc nhiên khi tôi phát biểu về điều mình học lóm trong lớp bởi một đứa học trò đệ thất khờ khạo mà “thông thái“ đến như vậy. Đâu biết rằng tôi đã nhịn đói cả một tuần quà sáng để có được cuốn sách này. Và, từ đó về sau, mỗi khi vẽ hình khuôn mặt phụ nữ tôi lại nhớ đến hình bìa sách Hoài Cố Nhân và tự nhiên vẽ cái cổ thật cao bắt chước như họa sĩ nào đã trình bày….

Kỷ niệm ấy vụn vặt nhưng điều mà tôi thích từ Võ Hồng là những truyện mà ông mô tả về cảnh về người của một đất nước và một thời kỳ khá lạ lùng với tôi. Tuy Hòa, một nơi chốn mà tôi chỉ ghé qua có vài lần trong thời kỳ ở lính ở Pleiku, nơi có hai phi trường Tuy Hòa North, Tuy Hòa South khá lớn và tôi nghĩ là nơi có giá sinh hoạt thấp nhất vùng 2. Đồ ăn thức uống ở đây rẻ và ngon, mỗi lần có người bạn nào từ Tuy Hòa biệt phái về là có thịt ngon, có cua cá tươi mà giá thì khá rẻ. Ấn tượng về nơi ấy chỉ dung dị như thế.

Nhưng, đọc những trang sách của Võ Hồng, tôi lại thấy một đời sống của một thời đã qua, hiển hiện. Tôi chỉ là một người đọc sách và viết những cảm nghĩ của mình trong tư cách một độc giả. Tôi soi tìm trong trang sách những gửi gấm mà tác giả muốn tỏ bày bằng chữ nghĩa của mình. Với chủ quan như vậy, tôi vẫn nghĩ Võ Hồng là một người yêu quê hương rất mực. Ông yêu Tuy Hòa, ông thương Phú Yên như một câu nói với nhà văn trẻ đã tử trận tại đồn Nora ở Phan Thiết, Y Uyên, người được dựng tượng tại thành phố Tuy Hòa vì những truyện ngắn viết về nơi chốn này: “Một nhà văn chân chính bao giờ cũng nặng tình với mảnh đất nơi nó cư ngụ“ Cả hai nhà văn, Võ Hồng và Y Uyên, cùng nặng tình với Tuy Hòa, với Phú Yên, và cùng chia vui sẻ buồn với đất và người, cũng như tìm được nét văn chương trong đời sống ấy trong một thời đại chiến tranh đầy giông tố
.