KỲ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2012

Môn thi: NGỮ VĂN – Giáo dục trung học phổ thông

Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề

 

I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)

Câu 1.(2,0 điểm)

Trong phần cuối tác phẩm Số phận con người, nhà văn M. Sô-lô-khốp viêt:

Hai con người côi cút, hai hạt cát đã bị sức mạnh phũ phàng của bão tố chiến tranh thổi bạt tới những miền xa lạ… (Ngữ văn 12, tập hai, tr. 123, NXB Giáo dục – 2008)

Hai con người được nói đến ở trên là những nhân vật nào? Vì sao tác giả gọi họ là hai con người côi cút? Hình ảnh hai hạt cát trong câu văn có ý nghĩa  gì?

Câu 2. (3,0 điểm)

Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội.

Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh / chị về ý kiến trên. 

I. PHẦN RIÊNG – PHÀN TỰ CHỌN (5,0 điểm)

Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc câu 3.b)

Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)

Phân tích đoạn thơ sau trong bài Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu:

Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi…

Thương nhau, chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.

Nhớ sao lớp học i tờ

Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan

Nhớ sao ngày tháng cơ quan

Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.

Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều

Chày đêm nện cối đều đều suối xa…

(Ngữ văn 12, tập một, tr. 111, NXB Giáo dục – 2000)

Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)

Phân tích hình tượng sông  Đà trong tác phẩm Người lái đò Sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân (phần trích trong Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập một, NXB Giáo dục – 2009).

Nhận xét về đề thi tốt nghiệp môn Văn năm 2012
 
Trong các kỳ thi tốt nghiệp và đại học, người ta quan tâm nhiều tới đề thi Văn, bởi lẽ, ai cũng có thể bàn tán được, chứ còn đề thi môn Toán thì… botay.com ! Môn Văn cũng là môn thi đầu tiên nên bao nhiêu con mắt đều đổ dồn về nó. Tôi cũng xin có vài lời bình luận về đề thi tốt nghiệp môn Văn năm 2012 như sau.
Về câu lý thuyết, ra như vậy là hay, nó tránh được công thức quen thuộc từ 20 năm nay. Cái hay của tác phẩm là nói lên tác hại của chiến tranh, cái hay của người ra đề là tìm được hai hạt cát nhỏ nhoi trong cái sa mạc nóng bỏng. Đề thi như vậy mới mẻ và cũng dễ trả lời. Như vậy là ổn.
Câu nghị luận xã hội cũng hay, bàn về sự dối trá làm suy thoái đạo đức xã hội. Cái này bàn lớt phớt trong 400 từ thì không sao nhưng bàn kỹ quá thì đôi khi… rách việc lắm. Nhất là khi thí sinh quá thông minh mà giám khảo thì quá… cứng nhắc. Câu này có tính giáo dục và cũng dễ làm. Như vậy cũng ổn.
Hai câu nghị luận văn học thì càng ổn hơn nhưng tạo ra tiếng thở dài cho những ai muốn cách tân việc dạy học Văn. Tên tác giả, tác phẩm đã cũ mà thao tác phân tích một đoạn thơ, một nhân vật thì càng cũ hơn. Nhưng biết làm sao được vì ngày nay, người ta đầu tư cho cái cũ nhiều hơn cái mới.
Bài Việt Bắc thì cũ hèm nhưng trong cái bình thường lại chứa đựng cái không bình thường. Cái bình thường lâu nay là phân tích ba đoạn thơ mang tính nghệ thuật như: 1. Nhớ khi giặc đến giặc lùng… Đất trời ta cả chiến khu một lòng; 2. Những đường Việt Bắc của ta… Đèn pha bật sáng như ngày mai lên; 3. Ta về mình có nhớ ta… Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung. Do bài thơ dài và thời gian ít nên giáo viên và học sinh chỉ chú ý những đoạn thơ hay, ít ai chịu khó cày nương rẫy tìm sắn ngô. Nay thì đề thi bảo phải phân tích cảnh chia sắn ngô, cơm gạo, đắp chăn sui, nắng cháy lưng… Đây là những cảnh khá xa lạ với các sĩ tử thời nay. Nhưng thôi, muốn qua vũ môn thì phải lụy ông lái đò, ông cho gì ăn nấy, đừng cãi việc nhỏ mà làm hỏng việc lớn.
Trong câu dành cho ban nâng cao, lẽ ra có thể ra câu khó hơn vì đối tượng thí sinh làm đề này thường là dân chuyên Văn. Nên ra đề mở, nếu khó làm thì thí sinh có thể bỏ câu 3b, chọn câu 3a cũng không sao. Nhưng ra cái đề phân tích con sông Đà như vậy là quá cũ, chỉ khuyến khích học vẹt. Khoảng 20 năm trước, vẹt cha đã gặp đề này và 20 năm sau, vẹt con cũng làm y chang vẹt cha. Đảm bảo là gần triệu thí sinh năm nay sẽ làm bài na ná giống nhau mà giáo viên không cần đọc cũng biết là viết gì rồi. Có người nói, phải ra đề dễ để đảm bảo thành tích tốt nghiệp. Nhưng câu 1, 2, 3a là dễ quá rồi, tất cả học sinh trung bình đều có thể thi đậu. Phải dành cho học sinh khá một câu để múa bút trường văn chứ !
Nhìn chung, đề thi tốt nghiệp môn Văn năm nay vừa sức, có thể giúp các học sinh trung bình thi đậu. Nhưng muốn vào đại học thì phải qua một lần vượt vũ môn nữa. Không biết cái vũ môn sắp tới được cấu tạo như thế nào, bằng đất sét hay xi măng và cấu trúc của nó theo kiểu Tây – Tàu hay Ta. Hãy đợi xem !
Ngọc Hiền