Chuyến xe của Hội Văn nghệ – Nghệ thuật Phú Yên khởi hành vào một ngày giữa tháng 7 tại Tuy Hòa lúc trời đang tờ mờ sáng.
 
Đoàn thăm Di tích Côn Sơn, tỉnh Haỉ Dương . Ảnh HVQ
 
Theo kế hoạch năm 2011 của Hội, đây là chuyến đi thực tế và giao lưu với các hội bạn ở phía Bắc, sau chuyến đi miền Nam do nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Phó chủ tịch Hội dẫn đầu. Lần này, Chủ tịch Hội, nhạc sĩ Ngọc Quang và các hội viên Trần Quốc Cưỡng, Trần Hoài Nam, Nguyễn Hoài Sơn, Huỳnh Văn Quốc, cây bút trẻ Nguyên Hậu cùng đi. Bác tài Cao Tấn Thọ suốt ngày và đêm hôm trước lo phục vụ trại sáng tác Nhiếp ảnh và các việc bên lề, sáng nay vẫn dậy sớm từ 3g, “gõ cửa” từng nhà bằng phone di động, nhặm lẹ thu xếp hành lý cho đoàn, đảm bảo trực chỉ Quảng Trị – điểm đến đầu tiên sao cho không quá muộn!
 
Ban mai yên ả của TP Tuy Hòa đang lùi lại sau lưng. Với tôi, đây là chuyến đi Bắc cùng với các hội viên của Hội lần thứ hai. Lần thứ nhất cách nay gần chục năm do nhà văn Đào Minh Hiệp, nguyên Chủ tịch Hội thiết kế đi các tỉnh, thành: Quảng Nam, Huế, Quảng Bình, Hà Nội, Lào Cai. Lần này theo dự kiến sẽ đi Quảng Trị, Nghệ An, Hải Dương, Thái Nguyên. Đang là tháng 7, tháng của những hoạt động uống nước nhớ nguồn-đền ơn đáp nghĩa, trên quốc lộ 1A chúng tôi đi nắng và gió rát rạt, cứ chốc chốc lại gặp một chuyến xe hòa lẫn vào dòng đường xuôi ngược với tấm băng rôn nền đỏ chữ trắng “Xe chở hài cốt liệt sĩ”. Những chuyện tiếu lâm, những câu bông đùa rôm rả lại cứ chốc chốc bỗng chùng xuống, để rồi mỗi người lại dõi về những cảm nhận xa xăm.
 
Vượt trên 600 cây số, xe đến Quảng Trị lúc 8g tối. Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật Quảng Trị Hoàng Sĩ Cừ vốn là chỗ thân tình với nhạc sĩ Ngọc Quang do cùng là nhạc sĩ, từng gặp gỡ trong các hội diễn trước đây, chờ chúng tôi tại Trung tâm văn hóa tỉnh mới xây xong với trị giá 144 tỉ đồng. Anh Trần Hoài Nam cười cười, bấm nhỏ: “Ông này nhạc sĩ mà trông cứ như nhà thơ, đố cậu biết giống ai?”. Thấy tôi ngớ người, anh tiếp: “Trần Đăng Khoa! Chỉ khác cái tiếng nói!” Quả thật, nhận xét của nhà kiến trúc cố tình “thật thà như đếm” nhưng cũng thật… chí phải. Chúng tôi cười xòa với ấn tượng ban đầu.
 
Một ngày ở Quảng Trị là một ngày với nhiều cảm xúc và mãnh liệt hòa vào tháng 7 với mọi người từ mọi miền đất nước hội tụ về đây, để thắp những nén nhang tưởng nhớ hàng vạn anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống mảnh đất này. Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường Chín là hai nghĩa trang quốc gia nằm trên đất Quảng Trị khốc liệt trong chiến tranh, khói hương nghi ngút không bao giờ tắt. Từ đây, chúng tôi về lại TX Quảng Trị, dừng chân lặng ngắm tác phẩm kiến trúc độc đáo tại đầu phía bắc cầu Quảng Trị bắc qua sông Thạch Hãn: Đài tưởng niệm Trung đội Anh hùng cầu Quảng Trị (Trung đội Mai Quốc Ca), mà theo Trần Hoài Nam thì đây là tiếng nói đặc trưng có một không hai của nghệ thuật kiến trúc để khắc ghi tên tuổi 19 anh hùng liệt sĩ do Trung đội trưởng Mai Quốc Ca chỉ huy chiến đấu đã chạm trán trực diện với địch và hy sinh anh dũng đến người cuối cùng trong cuộc tổng tiến công chiến lược mùa xuân năm 1972. Xuôi theo dòng Thạch Hãn, chúng tôi về cổ thành Quảng Trị với 81 ngày đêm bão lửa năm 1972, mà mỗi mét đất là một “mét máu”, như vẫn còn ngột ngạt nơi mỗi con tim, ai cũng nghẹn lòng cùng thơ Lê Bá Dương được khắc với tượng đài:
 
Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm...”
 
Cách cổ thành không xa cùng trên bờ sông Thạch Hãn, chúng tôi đến thăm nhà cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Ngôi nhà với kiến trúc truyền thống có cột kèo, ngạch địa, mái cong… hướng ra dòng Thạch Hãn lững lờ đang xuôi về Cửa Việt. Một phong cảnh đẹp, nên thơ, gợi lên bao nét thanh bình của những chiều quê đất Việt.
 
Ai đã tới miền quê em Quảng Trị – Thừa Thiên, qua đường Chín tình Gio Linh lắng nghe giọng hò… Vượt qua bao nhiêu gian khổ. Máu đã đổ trên đường quê hương…”. Những ca từ của nhạc sĩ Huy Thục bất giác vọng về trong tôi, giúp chúng tôi hiểu thêm đất và người Quảng Trị một thời đau thương mà anh dũng.
 
Buổi chia tay các hội viên của Hội Văn học – Nghệ thật Quảng Trị diễn ra ấm áp. Tạm biệt Quảng Trị, chúng tôi chạy thẳng tiến đến Hải Dương, tỉnh kết nghĩa với Phú Yên từ những năm 60 của thế kỷ trước. Trên đường đi, trưởng đoàn Ngọc Quang “bồi hồi” nhớ về kỷ niệm những lần lưu diễn ở Hải Dương khi còn là Trưởng Đoàn ca múa nhạc dân gian Sao Biển, hoặc khi làm lãnh đạo Sở Văn hóa – Thông tin. Anh cứ nhẩm đi nhẩm lại hai câu trong một bài hát của mình từng được tỉnh Hải Dương trao giải nhất, hai câu mà theo anh là… đắc địa: “Về Hải Dương, nghe bâng khuâng như về với người thương… Từ trong nỗi nhớ anh về Hải Dương ”. Anh nói vậy thì hay vậy, nhưng hai ngày ở Hải Dương đã làm chúng tôi “thực mục sở thị” cái nghĩa, cái tình của Hải Dương đối với người Phú Yên: Ngoài Hội Văn học – Nghệ thuật, các ban ngành có “họ hàng bà con” với văn học nghệ thuật ở đây đều lên hẳn một chương trình và muốn giữ chúng tôi ở lại những… năm ngày, trong khi kế hoạch của đoàn là mỗi tỉnh chỉ dừng lại một ngày! Làm sao đây? “Cò kè” mãi, mỗi bên chịu “nhường” một ít nên cùng nhất trí lưu trú hai ngày để có thời gian gặp gỡ. Chỉ sơ sơ ba cuộc “cụng ly” hoành tráng với Hội Văn học – Nghệ thuật, Đoàn Ca múa nhạc, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch, mà bên nào cũng muốn giành thời gian cho phần mình nhiều hơn, đã làm cho chúng tôi thực sự sống trong không khí của người nhà. Nhưng có một “nỗi lo” là còn đâu thời gian để thăm thú các địa điểm văn hóa – lịch sử trên vùng đất địa linh nhân kiệt này? May thay, Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật Hải Dương Hà Huy Chương đã cử một chuyên gia văn hóa dân gian tầm cỡ của Hội là bác Tăng Bá Hoành làm… hướng dẫn viên! Phải nói, những tên đất, tên người từ thuở nảo thuở nào hằng bao thế kỷ, dường như sống lại qua từng lời của bác Hoành. Anh cán bộ quản lý khu di tích Côn Sơn đã nói hộ chúng tôi: “Các anh chị được bác Hoành đây thuyết minh thì không còn ai hơn và không còn gì kỹ lưỡng hơn!”
 
Phải dứt khoát lắm, chúng tôi mới “thoát” được Hải Dương để lên Thái Nguyên. Vậy mà các anh còn dặn: Trên đường quay về, nhớ ghé lại Hải Dương lần nữa, có gì mà vội! Ôi, cảm động vô cùng!
 
Cái câu “Chè Thái, gái Tuyên” từ lâu đã nổi tiếng tới tận trong Nam, nên một tay ngơ ngác về bản sắc vùng miền như tôi cũng đã “nhập tâm” hồi nào không hay. Nhưng tới Thái Nguyên, do bệnh nghề nghiệp nên tôi muốn “biên tập” lại câu trên cho phù hợp với tình hình: “Chè Thái, gái Thái”! Xin lỗi nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Tổng biên tập báo Văn nghệ Thái Nguyên và nhà thơ Nguyễn Thị Thu Huyền, thư ký tòa soạn. Ấy là tôi đang nói tới hai chị đó! Xinh đẹp và giỏi giang! Đó là cảm nhận không phải mang tính xã giao, mà còn được bắt nguồn từ hai cô “gái Thái” khác mà tôi từng có dịp là bạn bè nhân dự trại sáng tác năm 1999 tại Hà Nội: Tiến sĩ văn học Dương Thu Hằng, giảng viên Trường đại học Thái Nguyên, và “sắp tiến sĩ” Vũ Thị Tú Anh hiện đang du học ở Hoa Kỳ! Nghe tin có đoàn Phú Yên đến, vì vướng việc riêng, “em gái” Dương Thu Hằng gọi điện hỏi thăm tôi sau mười mấy năm “việc ai nấy làm, chuyện ai nấy biết”, nhưng vì tính đuểnh đoảng bấy lâu nên mất một lúc tôi mới nhận ra. Thật tệ quá!
 
Tôi nói hai chị Nguyễn Thúy Quỳnh và Nguyễn Thị Thu Huyền xinh đẹp và giỏi giang, vì tờ báo Văn nghệ Thái Nguyên đang ra mỗi tháng ba kỳ, mỗi kỳ 4.000 bản được trình bày và chế bản tại trụ sở Hội. Sau đó gửi Email xuống Hà Nội, sáng hôm sau có xe chở báo về Thái Nguyên, ung dung gửi phát hành cố định 3.500 bản tới từng cơ sở Đảng từ tỉnh đến xã, phường. Đây là chủ trương được Tỉnh ủy chỉ đạo, thành ra tờ báo có điều kiện “ăn nên làm ra”, thậm chí còn đóng góp cho “ngân sách” của Hội để hỗ trợ các hoạt động chung. Từ lâu, theo nhìn nhận chung về các báo – tạp chí văn nghệ ở các địa phương thì đầu vào (kinh phí, cơ sở vật chất…) khá là “văn nghệ” và đầu ra (ấn phẩm) lại càng “văn nghệ” hơn, chủ yếu là người trong giới hoặc ai yêu thích thì tìm đọc với số lượng khiêm tốn. Nhưng đối với Văn nghệ Thái Nguyên, có được “dây chuyền sản xuất” như vậy là mang tính chuyên nghiệp cao. “Nói không phải để khoe, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh chia sẻ, để nâng cao hiệu quả công việc, ở đây các cán bộ của tòa soạn đều được trang bị laptop, máy ảnh kỹ thuật số, máy ghi âm… từ nguồn của tạp chí”.
 
Buổi giao lưu ở Thái Nguyên do Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật Triệu Văn Doanh thiết kế diễn ra thật đúng nghĩa giao lưu. Chả là chúng tôi có may mắn đến đây vào lúc diễn ra cuộc họp Ban chấp hành Hội vào ngày hôm sau. Anh Doanh một mực không cho đoàn đi sớm, bảo khó có dịp gặp mặt đông đủ như thế này. Vậy là “cung kính không bằng tuân mệnh”, phó đoàn Trần Quốc Cưỡng đành phải “xuống nước” để cùng đoàn lưu trú thêm ngày hôm sau. (Cũng nên nói thêm, lúc này trưởng đoàn Ngọc Quang đang tranh thủ làm việc với các nhà văn, nhà thơ ở Hà Nội về việc mở các trại sáng tác sắp tới ở Phú Yên). Nếu như mấy ngày trước, việc cụng ly tôi chỉ làm lấy lệ rồi trốn tránh cho qua, thì bây giờ được nhắc nhở chu đáo, từng người một mời nhau những ly rượu nhãn hiệu “Sương mù” nồng đậm đặc sản Thái Nguyên, cộng lại không biết mấy mươi người và bao nhiêu lần, thành ra vui bốc trời, nhưng mệt cũng… sát đất. Ấy là tôi nói tôi, chứ còn các “cao thủ” của cả chủ lẫn khách thì chắc chẳng thấm vào đâu!
 
Nếu đi Bắc mà không có dịp nghỉ lại đêm một làng quê nào đó thì cái hồn vía của xứ Bắc vẫn còn chưa thấm sâu, cho nên khi anh Nguyễn Hoài Sơn ngỏ ý muốn mời đoàn cùng ghé về thăm quê Phú Thọ của mình một đêm thì ai cũng vui vẻ ô kê, mặc dù hơi mệt vì đã có “nước chân” từ cuộc rượu ở Thái Nguyên! Chả vậy mà đêm Phú Thọ đầy ắp nghĩa tình với gia đình anh Hoài Sơn, tôi bị say… hỏng cẳng! Nhưng cơn mưa đêm ở đây đã làm dịu mát một ngày đường hanh hao, đã tưới vào giấc ngủ tôi những tiếng rì rào của lá chè, lá cọ vùng trung du, như những tiếng vỗ về của bà mẹ quê xứ Bắc. Chỉ một đêm ngắn ngủi mà sao tôi như thấy mình đã tan loãng vào nếp ăn nết ở và hồn vía cảnh vật ở đây tự lúc nào! Có lẽ cũng đồng cảm xúc đó mà nhà thơ trẻ Nguyên Hậu đã có liền bài thơ “Nhớ bầm Phú Thọ” với những câu sâu nặng nghĩa tình: “Đêm Thanh Ba chợt mưa về sáng/ Bầm thương con trở giấc mấy lần/ Những đứa con chưa một lần gặp mặt/ Lòng mẹ vô cùng lại hóa tình thâm./ Con tĩnh lặng để nghe lòng dịu vợi/ Bên mái hiên tán cọ chuyển mình/ Bầm sợ rét thăm chăn từng đứa một/ Đêm hiểu lòng, đêm cũng lặng thinh./ Sáng mai ra con lại về xứ Nẫu/ Xa ngái miền Trung đèo dốc trập trùng/ Mang hơi ấm bàn tay bầm Phú Thọ/ Ngái ngái mùi chè, tán cọ mưa rung…”.
 
Giã từ Phú Thọ với bản sắc họ hàng, gia tộc… của một làng quê xứ Bắc, chúng tôi vào Nghệ An thăm Làng Sen quê Bác giữa chen chúc khách thập phương. Những điều mắt thấy tai nghe như minh họa thêm cho sách vở đã đọc và phim ảnh đã xem. Ai cũng tranh thủ chụp ảnh, mua quà lưu niệm. Đi tới đâu, tôi với Nguyên Hậu cũng ghi ghi chép chép, có gì chưa rõ thì “dã ngoại cùng Google”, tức “khai thác” anh Trần Hoài Nam trong đoàn. Anh có cha mẹ tập kết, nhiều năm tháng gắn bó máu thịt với quê hương miền Bắc, lại thích tìm tòi nghiên cứu nên hình như anh cái gì cũng biết, anh em gọi đùa anh là “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, đặt anh là “Google” quả cũng không oan! Điều tôi “khoái” nhất ở anh là sự tường tận bản sắc vùng miền mà tôi đang thiếu.
 
Chuyến hành trình đang dần khép lại. Bác tài Cao Tấn Thọ vẫn khỏe khoắn sức trai cho xe thả đều những vòng quay về với miền Trung nắng gió quê nhà…                                
 

Bút ký Huỳnh Văn Quốc