/

Phạm Thanh Quang vốn là chuyên gia cao cấp, từng giữ nhiều cương vị quan trọng trong ngành thủy điện Việt Nam. Ông còn được nhiều người biết đến trên lĩnh vực văn chương. Trên 80 tuổi, ông vẫn sáng tác sung sức và tiếp tục cho ra đời đứa con tinh thần thứ 11 là tập truyện Tình yêu không bỏ cuộc. Nhan đề có vẻ lãng mạn nhưng điều làm nên sức hấp dẫn của cuốn sách lại là sự phong phú của những sắc màu hiện thực.

     Tập sách gồm bốn truyện vừa hai truyện ký, mỗi tác phẩm đưa bạn đọc đến một vùng đất khác nhau. Truyện vừa Tình yêu không bỏ cuộc dẫn dắt người đọc vào một không gian xa lạ mà có lẽ nhiều người rất muốn tìm hiểu: đời sống của các du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc giai đoạn 1954 – 1960. Lúc ấy, Việt Nam và Trung Quốc đang ở thời kỳ bao cấp, nhiều nhu cầu của con người bị hạn chế. Bi kịch tình yêu của đôi trai tài gái sắc Mai Huy Long (du học sinh) và Âu Mỹ Dung (nữ sinh viên Trung Quốc) càng thêm sóng gió khi có sự hiện diện của Lưu tiên sinh (giảng viên ĐH Thiên Môn). Kết quả, Long bị kiểm điểm, Dung bị chuyển trường. Họ chia tay nhau trong nước mắt khi Long về Việt Nam: Buổi chia ly này sao mà đáng yêu, mà buồn bã. Nỗi buồn này nếu đem rắc sẽ đầy ắp không gian. Tình yêu này nếu đem thả sẽ ngập tràn biển cả mênh mông. Tình yêu của họ như cơn lốc cuồng phong, như nhiệt hạch mặt trời, không gì ngăn cản nổi. Dẫu hơn 10 năm sau, chuyện tình của họ kết thúc có hậu nhưng vẫn để lại cho bạn đọc nhiều suy tư, day dứt về một thời khó khăn, lạc hậu của đất nước.
     Phạm Thanh Quang từng là thực tập sinh cao cấp tại Liên Xô. Nhờ đó, ông có thêm nhiều kiến thức xã hội để sáng tác. Biết rằng đã có nhiều người miêu tả nước Nga bằng gam màu sáng nên tác giả đã chọn một góc nhìn khác. Truyện vừa Người muốn chết hoàn hảo miêu tả cảnh thương trường của Việt kiều ở Liên Xô. Hai kiểu làm ăn ở đây được khái quát qua hai nhân vật: Nhân (làm ăn chân chính) và Cao Tầm (buôn bán chợ đen). Tác giả đã vẽ lên khung cảnh Chợ Vòm ở Nga bằng hai mảng màu sáng tối đan xen, giúp cho bạn đọc có một cái nhìn toàn diện hơn về sự đổ vỡ giá trị con người ở thời kỳ hậu thiên đường. Qua đường dây làm ăn của đại gia Cao Tầm, tác giả còn dẫn ta đi chu du ở nhiều nước châu Âu như Tiệp Khắc, Rumani… Mỗi vùng đất góp thêm một mảng màu làm sinh động thêm bức tranh hiện thực của tác phẩm.
    Từ khi về hưu, Phạm Thanh Quang có dịp đi nhiều nơi, mở rộng thêm đề tài văn học. Trong chuyến sang Mỹ thăm bà con, ông viết bút ký Đôi điều về nước Mỹ, ghi chép rất tỉ mỉ những điều mắt thấy tai nghe: Sóng Đại Tây Dương êm ả, con thuyền đưa du khách ra đảo nổi có tượng Nữ Thần Tự Do. (…) Tượng nặng 225 tấn, cao 46 mét (riêng cánh tay giơ bó đuốc cao 12,8 m). Ở chân tượng có một đoạn xích bị chặt đứt với hàm ý phá tan xiềng xích vì tự do của nhân loại (…) Trước Cách mạng tháng Tám, tượng Nữ Thần Tự Do không xa lạ gì với nhân dân ta. Tượng bán thân Bà Đầm xòe đặt ở quảng trường gần cửa Nam (Hà Nội) và được khắc trên đồng tiền bạc 1 hào, 2 hào lưu hành trong nhân dân. Điểm nhìn của tác giả thay đổi rất linh hoạt, từ cái nhìn bao quát tầm đại dương chuyển sang cái nhìn cận cảnh về các con số chi li của pho tượng. Từ chi tiết sợi xích nhỏ nhoi cụ thể, tác giả nêu lên ý nghĩa khái quát sâu sắc. Rồi từ tượng thần Tự do bên Mỹ, tác giả liên tưởng đến sự phổ biến của Bà Đầm xòe ở Việt Nam – một vấn đề có thể làm cho rất nhiều bạn đọc trẻ ngạc nhiên, thú vị.  
     Tập sách cũng giới thiệu nhiều sự tích về đất và người Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Truyện vừa Mối tình Vân Giang – Jean Martin khai thác một tình tiết mới mẻ: mối tình trắc trở và lãng mạn giữa viên hàng binh Pháp và cô cán bộ Việt Minh. Tác giả lại dẫn ta bước sang thời bao cấp với những cảnh nghèo khó, lạc hậu, một số cán bộ ưa đấu đá tranh giành chức vụ, tôn sùng chủ nghĩa lý lịch… Theo chân của kỹ sư Long, ta lên Tây Bắc chứng kiến nhiều phong tục tập quán kỳ thú và vẻ đẹp tuyệt vời của núi rừng: Hoàng hôn. Sắc màu núi rừng Tây Bắc thêm huyền ảo. Các con suối vẫn ca khúc nhạc rì rào, mang theo những bóng đồi hoa ban trắng ngần đổ vào lòng sông Đà. Ở các sườn đồi, khói lam chiều trên các nhà sàn quyện vào sương chiều bảng lảng. Giờ phút giao hòa giữa ngày và đêm thật kỳ diệu (Tình yêu không bỏ cuộc)Đến Nhà máy trong núi, thăm thủy điện Hòa Bình, ta mới biết kỹ sư Phạm Thanh Quang là người đã đưa ra đề án nhà máy thủy điện ngầm tầm cỡ thế giới này. Tuy là nghệ sĩ nhưng ông cũng rất thực tế, luôn nghĩ đến chuyện làm giàu cho đất nước. Đi du lịch trên đất Mỹ, ông luôn nghĩ đến Sài Gòn với tâm trạng vừa buồn vừa vui và kỳ vọng thành phố trẻ này sẽ có những công trình lớn làm rạng danh đất nước.
     Truyện của Phạm Thanh Quang chưa hẳn có nghệ thuật ngôn từ đặc sắc nhưng vẫn có một sức hấp dẫn riêng. Nó lôi cuốn bạn đọc ở những chi tiết mới lạ, góc nhìn độc đáo, sự chân thực của sự kiện và tầm kiến văn của tác giả. Trong khi nhiều nhà văn khác né xa đề tài khoa học kỹ thuật thì Phạm Thanh Quang đã mạnh dạn xông vào. Nếu không có ông thì địa hạt này sẽ vắng lặng biết bao nhiêu !
PHẠM NGỌC HIỀN