src=http://hoianheritage.net/uploads/news/2012_07/choi-chot-lach.jpg
 

Hình như trước đợt đổi tiền năm 1985, thị trấn Ba Tri còn nghèo quá nên không có nhiều trò chơi cho con nít như bây giờ. Nhưng mỗi khi ăn cơm chiều xong là tụi nhóc bày đủ trò để chơi. Thường thì bọn con nít chúng tôi tụ tập lại miếng sân chút xíu của ông Hai. Trước sân ông kê cái chõng tre mục nát, lắc lư cọt kẹt như tiếng thằn lằn tặc lưỡi nửa đêm. Bỏ đi thì tiếc, làm củi chụm thì chẳng được mấy hồi. Mà để trong nhà thì sợ mang họa vào thân, nên ông chỉ bỏ thí ở sân trước, ai ngồi bị té thì ráng chịu, vậy mà vẫn thu hút đám con nít xóm giềng ưa thích náo nhiệt. Chúng tôi tụ lại cái chõng đó, đứa thì nằm kềnh ra cho nhỏ em ngồi trên chân đưa lên đẩy xuống như đi máy bay. Đứa khác thì chen mình vào giữa, hổng thèm làm gì hết, chỉ nhảy lưng tưng như con khỉ đột. Có đứa thì chun mình dưới cái chõng, mạng nhện dính đầy mặt và tóc, ngồi chong ngóc dòm mấy đứa kia chơi lò cò ở kế bên.
Con trai cũng xáp vô chơi lò cò với mấy đứa con gái tóc xơ xác vàng hoe vì nắng gió của miền duyên hải. Cặm cụi kẻ khung ô đàng hoàng rồi mỗi đứa lượm viên gạch bể, đập tới đập lui cho ra hình thù ưng ý. Xong thì thảy vào khung vừa kẻ, xem đứa nào liệng ra xa và chính xác vào ô thì được nhảy trước. Đầu tiên thì thảy vào ô thứ nhất, nhảy một chân vào ô rồi lấy ngón chân đẩy viên gạch của mình lên ô kế tiếp. Đến chỗ ô cái được vẽ thành một cặp thì được quyền để hai chân vào chẹp ngay ô đó. Nhưng trò lò cò này hay xước móng chân chảy máu tùm lum, lại phải đòn của mấy chị lúc trở về vì quần áo ướt đẫm mồ hôi mà không được thay cái áo khác. Vậy là đêm về mình mẩy rin rít chua chua, gặp lúc cúp điện nóng nực thì ngứa ngáy hôi rình, chán ơi là chán!
Mấy đứa con gái điệu đàng thì thích chơi nhảy dây hơn, vì má nó dặn rằng con gái phải biết uốn éo cho cái bụng thon gọn. Vậy là có đứa chỉ thích bứt bông bụp bông ti gôn chơi trò nấu cơm bán quán cũng phải học đòi nhảy dây. Vì lúc đó không có nhiều dây thun cọng, nên tụi nó phải lượm lặt mấy cọng dây chuối ngoài chợ rồi đem về phơi cho ráo để kết thành cọng dây dài dài. Hai đứa cầm đầu dây cho đám kia nhảy qua nhảy lại, hoặc quay vòng vòng. Nhảy mệt rồi thì ngồi phệt xuống đất vọc cát, xúc từng muỗng cát cho vào trong những chai thuốc trụ sinh ông bác sĩ quăng ra đường. Nhưng chơi một đỗi thì tụi nó cũng nản, vì cả bọn chỉ nhìn nhau nói nhăng nói cuội rằng tui nấu cà ri, bà làm bánh bò đi nhe. Nói mỏi miệng cũng chỉ thấy toàn cát là cát, làm tụi nó đói cơm thèm bánh nuốt nước miếng ừng ực. Nhớ lại buổi cơm chiều có đứa chỉ được lưng chén cháo húp với muối cục mà thôi. Thế nên đứng lên phủi quần bèm bẹp, chơi nhảy dây nữa đi tụi bây ơi! Tụi con trai cũng xí phần bắt cặp chơi nhảy cao. Nhảy không qua nổi mốc lưng quần nên bọn con gái chịu thua bèn đổ bướng, nói mấy thằng bây đi chỗ khác mà chơi, tự nhiên tới đây phá đám!
Bị ruồng rẫy nên đám con trai rủ nhau chơi tạt lon. Lượm lon sữa của ai nhà giàu uống xong vứt ngoài đường, chẳng thèm rửa ráy chi cho mất thời gian, dựng ngay giữa sân của ông Hai rồi lấy dép phang bừa. Đứa nào giữ lon phải dựng cái lon đứng lên đàng hoàng rồi mới được chạy ù đi chụp đứa chọi lon. Cả đám la hét rần trời làm mấy bà già ăn trầu bực dọc, đã rụng răng hết rồi, nói chuyện không ra hơi mà còn bị đám con nít phá phách um trời, có khi còn bay cả chiếc dép vào cơi trầu làm bể mất bình vôi. Mà rượt đuổi tụi nó chạy có kịp cho cam, nên đành lầm thầm chửi tục đến cả dòng họ gia đình nó. Nhưng chúng tôi kiêng kị bà Năm Tú lắm, thấy yếu yếu trong người, chứ bà dám xách guốc chọi lại là u đầu chứ chẳng chơi. Chưa đã nư, bà cặp nách chiếc còn lại, đi khập khà khập khiễng đến tận nhà mắng vốn anh chị thì phải đòn suốt đêm. Thế là hơi ơn ớn mỗi khi quăng chiếc dép quá đà, đôi khi lọt tuốt ra giữa đường bị mấy thằng cà khịa xóm dưới lấy cắp chạy ù mất tiêu. Thế là tiếp tục bị no đòn đến tận hôm sau.
Để tránh mất mát hay bị chửi bới nên tụi tôi tụm lại chơi năm mười, không mất nhiều sức, lại không gây phiền toái đến người khác nên đám con gái cũng lò dò xin cho chơi chung. Ừ, chơi thì chơi, nhưng cấm ngặt tụi bây không được khóc nhè à nhe. Không được chơi ăn gian, nửa chừng mở mắt thấy tụi tao trốn ở đâu là không được. Mà sợ ma thì cũng đừng có chơi, chứ mày méc má tao thì tao đón đường mày đi học về đánh không còn cái răng ăn cháo á! Ừ, tụi này đâu có sợ ma. Nhưng mà mấy ông trốn ở đâu thì trốn, chứ đừng trốn sau lưng nhà ông Ba Tải nhe, nghe má tao nói ở đó có con ma nữ treo cổ trên cây khế, nhe răng thè lưỡi, tối về nó theo mình trèo lên giường đó! Trời, ma đàn bà thì có gì đâu mà sợ, ba tao nói ma ông mới đáng sợ kìa mày! Ma ông là sao? Là ma cha chú của tất cả các con ma chứ sao! Ông ma này dữ lắm, nghe nói ngày xưa ổng ăn cướp của nhà giàu chia cho người nghèo. Sau về già ổng lại nghèo quá nên chết đói, bây giờ thấy đứa nào giàu giàu mà có đeo bông là ổng chạy lại giựt liền cho rách lỗ tai luôn! Vậy mà có mấy đứa nhăn mặt vì tụi nó vừa xỏ lỗ tai, đeo cọng chỉ đen thùi còn tẩm thuốc đỏ ri rỉ. Tụi nó xụi lơ, đành ngồi tụm năm tụm bẩy kể chuyện ma mị ở thị trấn này cho hết buổi chiều tà.
src=http://1.bp.blogspot.com/-IkJB6THoAHE/T02tp711J8I/AAAAAAAAFTw/O8c9e6b6CXs/s1600/tim-lai-tuoi-tho.jpg
Còn đám kia thì chạy vù lại oẳn tù tì để coi đứa nào bị bắt đi kiếm. Tụi tôi chạy tán loạn như vỡ chợ, ban đầu còn la hét rát họng chứ về sau thì nằm im re. Có lần tụi này đánh bạo chạy tuốt ra sau vườn ông Ba Tải, trốn biệt dưới cái giếng khô còn lạo xạo những viên bi tụi tôi vứt xuống từ hồi đầu mùa mưa năm trước. Nằm yên dưới cái giếng khô lành lạnh đẫm mùi rêu mùi nước, ngó lên bầu trời đầu hôm chỉ thấy lác đác vài ngôi sao đi lạc. Có khi chúng tôi mơ hồ làm thinh, quên bẵng mình đang chơi trốn tìm, mà lòng lại chợt đi lạc đâu đó trên dãy ngân hà bát ngát. Tôi lặng lẽ nhìn màn đêm vừa phủ lên nóc nhà ông Ba Tải, choàng bóng mình lên đọt cây nhãn cao chồng ngồng không bao giờ đơm trái. Tôi thấy hình như tôi đang bay lên trong bóng tối vô hình, theo một vài ánh sao non trăng trắng đi về phía mù xa. Trong sự tĩnh lặng vô bờ đó, tôi hít lấy hít để mùi ngọt ngào của bông khế tím rụng man mác xuống thành giếng, nghe khe khẽ tiếng bà Dưỡng bị điên đang ru hờ nẫu ruột phía đằng sau dãy nhà phố liền kề. Chắc có lẽ khi con bà chết yểu vì bị đau ban cua ban khỉ, tiếng ru của mẹ lạc con nghe ai oán não nề nên người ta thêu dệt thành chuyện ma treo cổ trên cành cây khế. Bỗng thằng bạn giật mình chỉ bừa vào bóng cây mận rồi la toáng có ma, co giò leo lên thành giếng chạy mất biệt. Tôi còn thậm thụt đằng sau, tiêng tiếc vì tiếng la hoảng giữa chừng làm mất đi những yên bình ảo tưởng của riêng tôi.
Bực bội với đám bạn chết nhát, tôi chạy về nhà lấy cây ống thụt ra bắn lia lịa vào tụi nó. Vậy là cả đám xúm lại chơi bắn súng đánh trận. Ban ngày thì hì hụi đi bộ về miệt Phú Lễ, Giồng Nhàn để xin ống trúc nho nhỏ thon thon. Về nhà chặt khúc cỡ hai gang tay, khoét cho rỗng bên trong. Lại lén lén ăn cắp chiếc đũa tre mẹ phơi trên nắp giếng, vót lại cho vừa lỗ ống. Vậy là xong tuốt, chỉ chờ đầu hôm, len lén xé mấy tờ nhật trình cũ mèm để ngâm vào nước cho mềm đi để nhét vào đầu ống làm đạn. Mẹ không thích chút nào, vì giấy báo còn để dành đi vệ sinh, rủi hết giấy thì có nước mà xé lá chuối khô rách tả tơi hay hái lá bình bát xanh rờn nhơn nhớt.
Mà ngẫm lại cái gì làm lén lút thì càng thú vị. Có khi đứng rình chị năm, xem chị ra đằng sau rửa chén hay chưa để thò tay xé đại tờ báo. Rủi thay chị năm đi rồi mà chị tư đằng hắng ở đằng sau. Sợ điếng hồn, giả đò nói em muốn đi cầu mà, mắc muốn gần chết rồi nè. Ừ, thì chị đi với em luôn thể. Đành ậm ừ, mặt mày buồn hiu, nhét tờ giấy vào lưng quần rồi lừ đừ theo chị đi bộ ra cầu cá ông Tám Quới xa ơi là xa. Ngồi trên cây cầu lắc lẻo mà hổng dám tống khứ ra chút gì, sợ xài hết giấy báo làm đạn, nên giả bộ nhổ bãi nước bọt xuống nước cho cá quậy ầm ầm rồi đứng lên kéo quần cái rột. La lên thiệt lớn, em xong rồi đó nhe, nhắm mắt nhắm mũi chạy về nhà cho kịp lần “xuất quân” với mấy thằng nhóc cùng xóm.
Cả bọn bắn nhau bằng chéo, mặt mũi đứa nào đứa nấy tèm lem, vì giấy ướt văng vào mặt và quần áo. Có thằng cả nhà nó không bao giờ xài giấy để đi vệ sinh, nên nó phải đi bộ tuốt lên mấy khu vườn hoang gần bệnh viện huyện, hái trái bùm sụm còn xanh để làm đạn. Người ta đồn rằng ở trên đó có ma Tàu lẫn ma ta thấy ghê, nghe nói họ chết vì bị bệnh dịch tả ngày xưa nên bây giờ ma ra ngoài vườn kiếm con nít mần thịt nấu cháo để ăn cho mau hết bệnh! Nghe ớn da gà, vậy mà nó vẫn làm gan, hái thêm mớ trái bùm sụm nhỏ tí nị chín đo đỏ dúi vào túi áo rách của mình lúc hai đứa ở cùng một phe. Ăn ngòn ngọt, hỏi nó, mày ăn không mà sao dòm miệng tao hoài vậy hả? Tao trả lại cho mày hai trái nè. Thằng nhỏ lắc đầu quầy quậy, nói hổng ăn. Tao gặp ma bà già, bả biểu tao hái mấy trái này cho mày á! Oái, sao mày cho tao ăn đồ ăn của ma? Ừ, ở đây chỗ nào cũng có ma không hà. Mày đi ban đêm lạng quạng thì bị ma nhát chết đó nhe con! Vậy tối nay đi xem phim thì sao đây trời? Không sao, tối nay tao đi với mày nhe. Mày nhớ nói chị mày dắt tao vào coi ké với!
Anh chị của nó đi lên Phương Lâm làm mướn ngoài rẫy hái cà phê. Mẹ nó thì bị phong thấp nằm rên hừ hừ trong nhà, nên nó một mình mặc sức đi lông nhông đầu trên xóm dưới. Được cái nó hay tỏ vẻ đàn anh, dù lâu lâu hay hù dọa tôi chuyện ma cỏ, nhưng lại ra sức bảo bọc chị em tôi mỗi khi đi xem phim về lúc nửa đêm, tỷ như dám hù ma lại mấy anh lẽo đẽo đi sau chọc hai chị của tôi làm mấy chị mắc cỡ mà trong lòng bực bội thằng nhóc vô tư phá đám cuộc hẹn hò, hay huơ đại nhánh cây khô đuổi con chó già khi đi ngang nhà ông Ký Thông. Nhờ vậy mà mấy chị lại sẵn lòng rủ nó đi coi phim với chúng tôi mỗi khi cả nhà bị ông tổ trưởng khu phố ép mua vài ba vé xem phim, với lý do là lấy tiền để “kiến thiết đất nước”. Người lớn thì mặt mày nhăn nhó vì bị mất tiền. Đám con nít thì hồ hởi ra mặt, náo nức đòi ăn cơm sớm để lội bộ xuống chùa Ông xếp hàng vào xem phim. Tụi nhóc nào có hiểu hay ho của phim ảnh chi đâu, chỉ thích tụ tập chỗ đông người. Xem người ta làm cái này cái nọ còn thích hơn nhiều so với việc ngồi bó rọ trong lòng người lớn, im re dòm lom lom diễn viên khóc cười trên miếng vải to đùng giăng ủ rũ trước mắt, phía sau có cái máy quay tổ chảng chạy rồ rồ nhức óc.
Từ khoảng năm giờ chiều thì mấy bà mấy cô đã dọn đồ xuống bán cho rạp chiếu phim. Thời đó không có bắp rang bơ hay nước ngọt uống như bây giờ. Chỉ có đậu phộng luộc, đậu phộng rang, khế chua chấm muối ớt, chùm ruột ngâm ăn với mắm ruốc Bà Rịa, mía ghim, kẹo me, bánh con đuông, hay mấy thứ quà tào lao vặt vãnh ăn vào làm bao tử cồn cào suốt buổi chiếu phim. Người ta thường ăn đậu phộng để không hôi miệng và lại no hơi cả đêm, nên cô Tư bán đậu vênh váo mặt mày, quát nạt đám trẻ con hay thò tay bốc vụng vài hột đậu cho vào mồm nhai ngấu nghiến cả vỏ. Được cái ông già bà cả ưa nằm nhà nghe cải lương trên đài hoặc đi ngủ sớm, nên rạp chiếu phim tưng bừng hớn hở, chỉ toàn thanh niên nói năng mạnh dạn và đám nhóc quậy quạng mà thôi.
Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài bộ phim, xem riết rồi thuộc cả lời thoại nghe như ông già sắp đứt hơi vì cái loa của rạp kêu rè rè. Hết “Về nơi gió cát”, rồi đến “Hòn Đất”, “Cánh đồng hoang”, “Mùa gió chướng” hay “Muối quý hơn vàng”. Có lẽ đi xem phim không để xem phim, mà để người ta thoát ra khỏi bốn bức tường nhà câm lặng và cái đói nghèo bịn rịn trong từng nếp nhăn mặt mày, len lỏi vào trong hơi thở buồn rười rượi của người lớn, giọng càu nhàu đói bụng của đám con nít đến tuổi lên mười. Người ta đi xem phim với tấm lòng hồ hởi, dung dăng dung dẻgiả đò như đang cố tình tận hưởng sự xa xỉ của cuộc trần ai, mà cố quên đi bữa cơm chiều nhiều khi độn toàn khoai lang và xác dừa nạo.
Anh chị ngồi ghế trước cắc củm ít tiền mua cây mía ghim ăn cho vui miệng, vừa nhai vừa lấy xác mía quẳng vào nhau như cách tình tự âu yếm bình thường. Ăn xong rồi lại quay ngang ngắt nhéo lẫn nhau làm mấy chị hết hồn, phải chồm lên che mắt đám em út đang tròn xoe mắt không hiểu đó là thương hay ghét. Rồi kế bên có thằng nhỏ tài lanh, giành một ghế cho riêng mình nên lẹ lẹ ngồi xuống kẻo người khác chen chân vào. Nhưng cái ghế cũ xì chỉ bật xuống được phân nửa làm nó bị kẹt đít gỡ không ra, nên phải la làng oai oái náo động cả rạp. Anh kỹ thuật máy chiếu phải chạy đến, xách đầu thằng nhỏ lên rồi hét tướng rằng vé của mày đâu. Nó bị cà lăm, lập cà lập cập một buổi mới biết thằng nhỏ lượm được vé ai làm rớt ở bên ngoài nên mới đĩnh đạc bước vào đây. Thế là ông con lại bị lôi cổ ra ngoài, loa phát lên ra rả rằng bà con có ai đánh rơi vé thì đến cửa để nhận lại. Rủi thay có cả thảy hơn mươi người nói bị mất vé nên xảy ra cãi vã om sòm. Mệt mỏi quá chăng nên chị soát vé nảy ra sáng kiến bán vé chợ đen, bằng nửa tiền so với giá vé bình thường. Thế mà có người cầm vé vừa bước vào cửa đã vội quay ra, cong cớn nói chị mần ăn thế mà coi được à? Sao mà công bình cho được? Tui bị ép mua vé này hơn chục bạc, giờ chị phải trả lại cho tui năm đồng, tui thà mua vé chợ đen…
Thiếu điều xảy ra ẩu đả thì anh quản lý rạp kêu họ vào hết, khỏi soát vé chi cho mất lòng bà con lối xóm. Thế là thằng nhỏ lúc nãy lại chễm chệ bước vào rạp, khỏi phải nói cái mặt của nó cà chớn thấy ghét! Nhưng không có đủ chỗ ngồi cho đặng, nên nó cùng những người vào sau phải chen chân đứng sau cánh gà cũ mèm có sơn hình bông sen màu hồng hồng loang lổ trắng. Không biết họ có xem được phim ảnh gì không khi ló mắt nhìn lên màn ảnh to đùng ngay trước mặt, nhưng tôi cá rằng họ xem được bộ phim náo động không kém ở hàng ghế bên dưới. Một anh ngủ gục, ngáy khò khò, bị chị gái kế bên bực bội lấy cây quạt giấy gõ lên đầu. Giật mình quạu quọ nên ảnh văng tục tùm lum, đến khi ngoảnh sang gặp chị kia cười có lúm đồng tiền duyên trên má thì lại vụt ngồi thẳng lưng thủ thỉ làm quen, trông lịch sự quá chừng. Cô kia thì bị ai đó lén khều lấy mất chiếc dép kẹp màu xanh vừa mới nhận hàng tem phiếu ban sáng, mà không dám nặng lời thô tục nên đành khóc thút thít một mình.
src=http://farm4.static.flickr.com/3116/2544876626_4c831be196.jpg?v=0
Mấy thằng con nít như tôi thì ngọ nguậy trong lòng người lớn mà hơi người trong rạp lại nóng hầm hầm, nên năn nỉ mấy chị, nói cho em ra ngoài để đi tiểu nhe, rồi biến luôn ra đằng sau rạp. Ngoài đó có cây da, dây thòng tới đất, trái đo đỏ ngọt ngọt nhưng không đứa nào dám ăn. Người lớn nói đó là cây da của ông Quan Công, ai ăn vào sẽ bị ông quở, miệng mồm méo xẹo nói tiếng được tiếng không. Tôi hay ra ngồi bẹp đít ngoài gốc da, chờ mấy thằng bạn cùng xóm trốn ra ngoài để ngồi tán láo mà thôi. Đứa thì hăm hở kể lại chuyện phim nó vừa mới coi trong rạp mà không hiểu gì hết, có đứa còn huênh hoang khoác lác rằng cô bé Maika bị thằng Xăm bắt làm lính chạy xe tăng ở tận bên Đức!
Tụi nó hay nhầm giữa phim này với phim nọ, nhưng hình như lại tạo ra những câu chuyện mới mẻ có vẻ hoang đường nhưng không kém phần phiêu lưu kỳ lạ. Ví dụ như tụi nó khoái được ăn muối để chạm vào mọi thứ sẽ trở thành vàng, nên vẽ vời ra chuyện ngao du ngoài biển Tiệm Tôm để xin về gánh muối, rồi đi qua bên Liên Xô để đổi lấy cục vàng. Không biết Liên Xô là ở đâu, thằng nhỏ ngồi sát bên tôi gào tướng lên rằng nó ở xa hơn Sài Gòn một tẹo, đứa kia trề môi, sỉ vả thằng kia ngu dốt, Liên Xô ở tuốt trên trời chứ ở đâu mà còn không biết! Không phải à, muốn đi Liên Xô thì phải đi bằng máy bay, mà máy bay thì bay trên trời chứ có chạy dưới đất như xe lam đâu! Mà có vàng để làm chi hả ta? Tao thấy má tao hôm nọ ra tiệm bác Út bán chút xíu vàng mà khóc quá trời kìa. Má tao nói chiếc cà rá đó cả nhà tao làm ăn mấy năm mới tậu được, mà bù lại chỉ mua được ngoài chợ trời vài xấp vải may đồ Tết là hết sạch. Vàng là gì, tụi tôi ngây thơ thiệt tình không biết, mà cũng không muốn biết vì chỉ thấy người lớn mặt nhăn mày nhó khi nói đến vàng. Mà cũng không biết lấy vàng để làm chi để bỏ công cãi cọ. Thằng thì muốn mua vé xe đò đi cho biết Bến Tre là gì, đứa thì muốn mua cả chiếc xe lam của ông Năm để cha chở đi học mỗi ngày. Tôi cũng có ước ao khùng điên như vậy, trong lòng lại muốn sắm cái ti vi Sanyo đặt trong cái tủ gỗ xinh xinh giống hệt của nhà cô Thắm. Ti vi đó dường như đã mở rộng thế giới be bé yên bình của tôi ra những gì xa lạ mà trong tâm tưởng thằng nhỏ lên mười chưa bao giờ biết đến.
Đó là những tối thứ bảy mọi người nô nức chờ đến bảy giờ rưỡi tối đi xem cải lương trên ti vi nhà hàng xóm. Hồi đó có mấy tuồng diễn đi diễn lại, cỡ như mếu máo thì có “Tô Ánh Nguyệt” hay “Đời cô Lựu”, tuồng cổ thì có “Thái hậu Dương Vân Nga”, hay cười bể bụng thì có “Nghêu sò ốc hến”. Thấy mấy bà mấy cô cứ hít hà rồi lén lén lấy tay áo quệt nước mắt khi cô Lệ Thủy vào vai Nguyệt nức nở hát hết lý giao duyên, trách cứ chú Minh Vương trong vai Minh sau hai mươi năm cô phải chịu cảnh phũ phàng chăn đơn gối chiếc, mà tôi cứ hếch mắt nhìn hết người này đến người khác, không hiểu sao ti vi có cái gì mà lại thu hút tâm ý của người xem đến dường vậy.
Tôi thấy hình như chúng tôi không đơn giản là người xem ti vi nữa, mà chúng tôi đã thâm nhập vào trong cái màn hình nhỏ xíu trắng đen nhập nhòe kia. Tôi đã hòa mình tôi vào những dòng xe tấp nập ở Sài Gòn trong mục thời sự. Tôi mơ thấy tôi đang đi lang thang đó đây trên những chiếc xích lô đạp cong cong, vi vu ngang qua Khách sạn Caravelle và Thương xá Tax, rồi lang thang xem chú nọ thổi kẹo bông gòn màu đo đỏ bên hông chợ Phú Lâm. Tôi bỗng muốn la hoảng khi thấy bóng thằng nhỏ nào trên ti vi, lon ton băng ngang tượng Trần Nguyên Hãn ngoài chợ Bến Thành sao giống hệt mình vậy. Có khi tôi lại thấy những ngôi nhà cao tầng ngớp mắt ở Matxcơva trong chuyên mục thế giới đó đây, gặp những người Liên Xô tóc vàng mắt xanh to lớn nói chuyện xí xô xí xào. Tôi bắt đầu biết rằng bên ngoài thị trấn bình dị này còn một thế giới náo động hơn mà khi ngồi kháo chuyện với đám bạn sau những trò chơi ồn ào, chúng tôi đều mường tượng ra thế giới ấy theo cách mỗi thằng một kiểu. Riêng tôi, tôi chợt nhận ra rằng mình nhỏ bé biết dường bao trong thế giới to đùng nằm trong chiếc ti vi nhỏ xíu. Đó là khi tôi chợt mơ mộng về một lần đi xa đâu đó, thèm được chen mình vào những con đường tấp nập người xe ở Sài Gòn đô hội, hay đứng ngóc đầu nhìn lên tòa nhà cao chót vót ở phương trời xa lạ.
Những mơ mộng êm đềm này đưa tôi vào giấc ngủ mơ hồ khi cải lương còn chưa kết thúc. Đó là khi những rạo rực của trò chơi ban chiều làm tôi mệt mỏi, tựa đầu lên tay chị ngủ thiếp lúc nào không hay. Đến khi chị cõng xốc về nhà lúc nửa đêm tôi mới choàng tỉnh giấc, quờ tay chụp con đom đóm vừa bay qua bờ vai của chị. Dù bà nội hay quở, không cho bắt đom đóm ban hôm, sợ con nít quen thói chạy đùa bắt bóng nên khi ngủ sẽ bị té giường, tôi vẫn khum khum bàn tay mình giữ chặt con đom đóm đó, để tối nay thả vào trong mùng cho nó bay nhấp nháy trong màn khuya. Tôi sẽ chong mắt nhìn theo những ánh lập lòe của con đom đóm, tựa ánh đèn lấp lóe của một vài chiếc máy bay đôi khi bay xẹt ngang đọt cây mận, tựa như hối hả đi về chân trời mộng tưởng bao la diệu kỳ. Tôi sẽ đi theo ánh đèn đom đóm vào những giấc mơ huyền bí mà riêng mình tôi sở hữu được. Nhìn đèn đom đóm trong đêm và mơ màng một chuyến đi chơi đâu đó trong đời là trò chơi cuối ngày thanh bình của tuổi thơ tôi.
 src=http://media.yeutretho.com/2013/09/27/1380216198-tro-choi-dan-gian-cho-be-anh-1.jpg