PHẢI CHĂNG THƠ HẬU HIỆN ĐẠI VIỆT NAM
 CHẤP NHẬN SỰ VÔ VĂN HOÁ ?
 Triệu Lam Châu
 .
Tôi phải dằn lòng, xót xa và đau đớn lắm, mới thốt lên một tựa đề như thế cho bài viết bất đắc dĩ này. Bởi viết như thế có nghĩa là mình đã có “sự hoài nghi vô căn cứ” về nội dung của thơ Việt Nam hậu hiện đại – mà “sự hoài nghi vô căn cứ ấy” hình như lại có “tính áp đặt” nữa chứ? Thơ hậu hiện đại Việt Nam – đó là một vấn đề lớn, cần có sự nghiên cứu thấu đáo, có hệ thống và mang tính khách quan cao độ của cả một đội ngũ phê bình có tài và tâm huyết – thì mới mong hiểu được những đặc trưng cơ bản của trào lưu thơ đang thịnh hành trên thế gian này. Để rồi từ đó mới lọc ra những tinh hoa của nó, cái nào hợp với truyền thống văn hoá ngàn năm của Việt Nam, thì ta tiếp thu nhằm làm phong phú thêm nền văn văn hoá đậm đà bản sắc của chúng ta. Còn những điều của trào lưu thơ hậu hiện đại phương tây không phù hợp với văn hoá và tâm thức của người Việt Nam – thì ta chỉ để tham khảo mà thôi.
 Vì quan niệm như vậy, nên từ năm 2004 tới giờ, khi đọc những bài thơ mang cảm thức hậu hiện đại từ nhiều nguồn, dẫu trong lòng tôi (một bạn đọc chân chính) bùng phát rất nhiều nỗi bức xúc – nhưng vẫn cố kìm nén và chờ đợi… chờ đợi mãi, cho đến tận hôm nay (tháng 8 năm 2012) mà vẫn chưa có nhà phê bình nào nêu lên cái hay cái đẹp và cái tinh tuý có sức thuyết phục bạn đọc rộng rãi của trào lưu thơ hậu hiện đại Việt Nam. Lòng tôi rất bức xúc, mà vẫn không dám có ý kiến về thơ hậu hiện đại. Vì sao? Vì:
 Một là: Tất cả các vị giáo sư tiến sĩ, một số nhà thơ chuộng cách tân hiện nay và đặc biệt là hai cơ quan chuyên về văn học lớn nhất của Việt Nam là Hội nhà văn Việt Nam và Viện Văn học – đều nhất loạt cổ vũ cho trào lưu cách tân thơ theo cảm thức hậu hiện đại. Điều này thể hiện rõ bằng việc tổ chức các hội thảo thơ rất hoành tráng: Hội thảo thơ Đồng Đức Bốn và Mai Văn Phấn – Hội thảo Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều – Hội thảo Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử.
 Điều đó còn thể hiện rất rõ trong việc trao giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 2012 cho các tác giả Mai Văn Phấn, Đinh Thị như Thuý, Đỗ Doãn Phương và Từ quốc Hoài…
 Hai là: Trào lưu thơ hậu hiện đại của phương tây cũng chỉ bùng phát hơn ba chục năm nay. Do đó nó rất mới, mới so với thế giới đã đành, mà đối với Việt Nam ta , thì nó lại càng vô cùng mới mẻ và hẳn chứa chan bao điều bí ẩn đầy quyến rũ. Chính vì lẽ đó, nếu ta chưa hiểu nó, mà chỉ căn cứ vào cảm tính nhất thời khi tiếp xúc với nó – thấy khác mình, liền vội lên tiếng tẩy chay nó một cách vô căn cứ – thì thật là không khách quan, không khoa học và đúng là hồ đồ. Nếu là bạn đọc chân chính và có lương tri – thì không nên và không được phép hồ đồ.
 Ba là: Điều này rất riêng – nhưng nó cũng góp phần làm cho tôi im lặng bấy lâu nay, không lên tiếng nói quan điểm của mình về thơ hậu hiện đại Việt Nam (dẫu rằng trong lòng rất bức xúc). Đó là nhà thơ Inrasara cũng là bạn tôi trên phương diện thi ca (cùng là người dân tộc thiểu số làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ của mình và bằng tiếng Việt). Anh Inrasara là người Chăm và tôi, Triệu Lam Châu là người Tày chính gốc.
Anh Inrasara là một nhà thơ có uy tín trong làng thơ ta hiện nay. Anh đã từng hai lần đoạt giải thưởng thơ cao nhất của Hội nhà văn Việt Nam và Giải thưởng văn học quốc tế Đông Nam Á. Nhà thơ Inrasara là một người để nhiều tâm huyết nghiên cứu trào lưu thơ hậu hiện đại của thế giới và của Việt Nam, nên đã có những bài viết công phu về trào lưu thơ mới mẻ này.
 Tôi không phải là một nhà nghiên cứu phê bình văn học, mà chỉ đơn thuần là một người làm thơ thôi. Dẫu vậy giờ đây, khi đọc được quan niệm của Inrasara là chấp nhận mọi sự khác biệt với mình (theo cảm thức hậu hiện đại) – thì tôi mạnh dạn có bài viết trao đổi này, cũng vì việc chung mà thôi. Tôi rất ngại và rất dè dặt…
 Ngày 29 tháng 8 năm 2012 trên lethieunhon.com có đăng bài viết của Inrasara với tựa đề là: Ai trách nhiệm định hướng thẩm mĩ độc giả?
Tiếp đó là phản hồi của bạn đọc khi đọc bài trên của Inrasara. Tôi xin copy các phản hồi đáng chú ý sau đây:
 Phản hồi của bạn Hoàng Gia Khanh:
28/08/2012 18:01
“ Xin hoan nghênh bài viết của In ra sa ra, nhưng có đoạn cần phải trao đổi thêm:
Rồi cả thập kỉ hình thành và lớn mạnh của phong trào sáng tác hậu hiện đại, non mười năm thơ tân hình thức xuất hiện và phát triển, tại sao Hội Nhà văn chưa có một hội thảo nhỏ, lớn nào bất kì về chúng? …Xin thưa, cái món hậu hiện đại bây giờ đã lạc mốt, lỗi thời, có thành tựu gì đâu mà nhăm nhe hội thảo?Không rõ nhà thơ ngây thơ hay ít đọc, hay cuồng tín mà tung hô cái món hậu hiện đại và tân hình thức này dữ vậy:
T
tôi nhặt lọn tóc đen cuối cùng tết bằng kỉ niệm  
và những khuôn mặt đêm lượm về trên phố  
cùng mùa thu vầng trăng hình như khuyết  
gửi vào số máy 09…015  

“tin nhắn gửi tới số 09…015 chưa thực hiện được  
viettel xin gửi lại bạn 250 đồng”  
và đêm  
những vụn độc thoại  
t…í…c…h…  
            t…ắ…c…
tôi không nghe tim mình đập 70 lần/phút  
tôi không nghe tim mình đập 70 lần/  
tôi không nghe tim mình đập 70 lần  
tôi không nghe tim mình đập 70  
tôi không nghe tim mình đập  
tôi không nghe tim mình  
tôi không nghe tim  
tôi không nghe  
tôi không  
tôi  
t.  
tôi nhặt thêm vài sợi tóc mùa thu  
bệt vào tờ thư gọi là nỗi nhớ  
niêm phong bằng con tem hồ nghi  
gửi đến số máy 09…015  

“tin nhắn gửi tới số 09…015 chưa thực hiện được.  
viettel xin gửi lại bạn 250 đồng”.
“thuê bao quý khách vừa gọi
                  tạm thời không liên lạc được  
xin quý khách vui lòng gọi lại sau”  
và quầng thâm  
võng xuống mắt  
       <bại  liệt>

tôi không nghe tim mình đập 70 lần/ phút  
tôi không nghe tim mình đập 70 lần/  
tôi không nghe tim mình đập 70 lần  
tôi không nghe tim mình đập 70  
tôi không nghe tim mình đập  
tôi không nghe tim mình  
tôi không nghe tim  
tôi không nghe  
tôi không  
tôi  
t…
Loại thơ đó thử hỏi có đáng ném vào sọt rác hay không mà ai đó còn định mang ra làm trang sức cứu cánh..”

 
 
Phản hồi của bạn Lý Văn Trinh:
29/08/2012 06:54
 
“ Tôi nghĩ ở các nước Phương tây sau khi đã lên đến tột đỉnh của văn chương lãn mạn. Sau khi nền công nghiệp đã hiện đại, khoa học kỹ thuật của họ phát triển đến đỉnh cao, trong khi sức chịu đựng ( tinh thần tình cảm) của con người có lẽ có hạn, thiên nhiên, tự nhiên bị tàn phá, lòng người thì ăn ngay, yêu ngay- hốt liền nên hình như họ vô cảm duy lí)…Nên văn chương của họ mới sinh ra chán chường và có hậu hiện đại và tân hình thức chăng?! Chả thế mà rất nhiều nhà văn hóa của Phương tây đang muốn tìm về văn hóa Phương đông) chăng? Tôi nghĩ văn hóa Việt, văn hóa Phương đông không chỉ và không thể cứ cố tình nhồi nhét cái  hậu hiện đại, áp đặt như ý nghĩ của INRASARA hay cách làm thơ của Nguyễn Quang Thiều được! Sự tinh tế giầu biểu cảm, phong phú và vẻ đẹp lung linh của tiếng Việt, của ngữ pháp tiếng Việt nếu đi theo lối này , chắc chắn sẽ chết!….”
 
Tôi, Triệu Lam Châu rất tán đồng với hai phản hồi này của hai bạn Hoàng Gia Khanh và Lý Văn Trinh về thơ hậu hiện đại Việt Nam.
Lâu nay tôi dè dặt phân vân, vì mình chưa có cảm thức hậu hiện đại, nên chưa chấp nhận và chưa thấm thía chất hậu hiện đại của trào lưu thơ này chăng? Rõ ràng là mình chưa thay đổi được thói quen thưởng thức thơ bấy lâu nay. Từ trước tới nay đông đảo bạn đọc nước ta quen thưởng thức thơ theo quan niệm truyền thống, theo tôi là có mấy điểm cơ bản như sau:
 Thơ là thiêng liêng là tâm huyết và vô cùng cao quý. Chính vì vậy nó rất sang trọng, nó không dung nạp sự vô văn hoá. Và nhờ vậy, đọc thơ như là sự thanh lọc tâm hồn. Thơ là thuốc bổ  dưỡng tâm hồn.
 Trước tiên hãy làm một con người tốt và một công dân tốt đã, rồi mới làm thơ. Phải có sự trải nghiệm cuộc sống sâu xa và có tài năng, có tâm huyết, đồng thời phải lao động nghệ thuật nghiêm túc – thì mới có cơ hội có thơ hay.
 Thơ phải mang những nỗi niềm của đông đảo dân chúng và của lòng mình.
 Do những chuẩn mực cơ bản như vậy về nội dung, nên hình thức thơ phải làm sao tác động hiệu quả nhất đến tâm hồn người đọc tri âm. Người đọc sẽ cảm thơ, hiểu thơ, yêu thơ, rồi cuối cùng là thuộc thơ. Xưa nay thơ hay thường là thơ trong sáng, giản dị, đẹp đẽ và ngân vọng trong lòng ta như tiếng hát tri âm không bao giờ phai.
 Từ quan niệm như vậy và từ hai phản hồi của hai bạn Hoàng Gia Khanh và Lý Văn Trinh như trên – mà tôi cảm thấy không dè dặt nữa, cần trao đổi thẳng thắn vấn đề: Thơ Việt Nam hiện nay nên tiếp nhận trào lưu thơ hậu hiện đại của thế giới như thế nào?
 Trước tiên xin nói về ưu điểm của trào lưu thơ hậu hiện đại:
 Một là: Nó chấp nhận mọi sự khác biệt với nó. Nghĩa là nó không kỳ thị, không phân biệt đâu là thơ nước này hay nước kia, dân tộc này hay dân tộc kia, tầng lớp này hay tầng lớp khác… Do đó về khía cạnh nào đó, nó có tính dân chủ và không có tính áp đặt. Chúng ta đã biết trong sáng tạo văn chương mà áp đặt phải thế này phải thế nọ – thì sẽ khó có tự do sáng tác. Và như vậy tác phẩm sinh ra trong sự áp đặt, sẽ khó thành những tác phẩm văn chương đích thực.
 Hai là: Quả thật họ (những người làm thơ theo cảm tức hậu hiện đại) đã tạo ra một loại thơ hoàn toàn mới mẻ và lạ lẫm, mà từ trước tới nay chưa hề có trong lịch sử phát triển văn học toàn nhân loại. Theo lô gích xưa nay, thì những phát kiến về khoa học tự nhiên và xã hội càng về sau càng hoàn hảo hơn giai đoạn trước đó. Có lẽ vì vậy mà nó là một miền đất lạ đầy quyến rũ cho những khám phá mới thả sức tung hoành. Chính vì lẽ đó nó dễ gây ảo tưởng rằng trào lưu này là đỉnh cao của mọi đỉnh cao về phương thức sáng tạo nghệ thuật, nên nó dễ lôi kéo nhiều người đi vào quỹ đạo của nó.
 Ba là: Thơ hậu hiện đại nói chung đều có tính cảnh tỉnh, phản tỉnh hay phản biện xã hội, nhất là trong xã hội phương tây còn ngổn ngang bao điều bất hợp lý cần giải quyết. Do đó nó cũng là tiếng lòng của một số bộ phận đối trọng với xã hội, chủ yếu là ở phương tây.
 Bốn là: Thơ hậu hiện đại thể hiện được cái tôi gần như tự do tuyệt đối, một kiểu tự do vô chính phủ. Chính đặc tình này nó rất đắc đạo với quan điểm đề cao tự do cá nhân rất thịnh hành ở phương tây. Tự do vô chính phủ, gần như đồng hành với nổi loạn.
 Năm là: Chính vì những đặc điểm nội dung trên mà chúng ta dễ nhận thấy, hình thức thơ hậu hiện đại là một loại thơ rất khó hiểu. Và một số người quan niệm làm thơ không phải để hiểu !? Nó là một loại thơ hình như chỉ nhằm xả nỗi bức xúc mà thôi!
 Hẳn còn nhiều điểm khác nữa, khi nói về mặt “ưu điểm” của trào lưu thơ hậu hiện đại. Song theo tôi, thì tạm dừng lại năm điểm như vậy đã.
.