Phê bình góp phần định hướng người tiếp nhận, kích thích sự sáng tạo của người viết, thúc đẩy nền văn học phát triển. Nhưng, nhìn vào thực trạng, người viết phê bình trẻ ở nước ta gần đây còn quá ít ỏi, khiêm tốn so với các thế hệ trước. Vấn đề này, dường như không chỉ là khó khăn của miền Trung nói riêng mà còn là khó khăn của cả nước nói chung.

Ở miền Trung, sau 1975, phê bình hoàn toàn thiếu hụt so với hai đầu đất nước. Đa phần các nhà thơ, nhà văn vừa sáng tác vừa phê bình như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đông Trình, Thanh Thảo, Hoàng Vũ Thuật, Mai Văn Hoan, Nguyễn Trọng Tạo, Thạch Quỳ, Hồng Nhu, Nguyễn Khắc Phê… Về sau, miền Trung mới có những người chuyên sâu về phê bình như Lê Quý Kỳ, Hà Quảng, Hồ Thế Hà, Phạm Phú Phong, Mai Bá Ấn, Trần Hoài Anh,… Đến thế hệ 7x, đáng chú ý có nhà phê bình trẻ, TS. Trần Huyền Sâm. Trần Huyền Sâm đã có một số công trình chuyên sâu như: Tiếng nói thi ca; Tự sự học; Thời hiện tại không hoàn kết trong tiểu thuyết Việt nam đương đại; Những vấn đề lý luận văn học Phương Tây hiện đại… Những vấn đề về lý luận, nghiên cứu, được Trần Huyền Sâm khai mở có hệ thống, khoa học, nghiêm túc. Sau Trần Huyền Sâm, có thể kể một số gương mặt phê bình như: Phan Tuấn Anh, Nguyễn Văn Thuấn, Ngô Hương Giang, Hoàng Đăng Khoa, Nguyễn Anh Dân, Hoàng Thuỵ Anh,… Những tác giả trẻ này có nhiều bài viết tiêu biểu, đáng chú ý. Phan Tuấn Anh có bài: Mỹ học tính dục và cuộc phiêu lưu giải phóng thiên tính nữ trong văn học nghệ thuật; Hình tượng Macondo trong Trăm năm cô đơn – từ góc nhìn văn hóa Mỹ latinh…Nguyễn Văn Thuấn: Khởi sự của cái chết: văn bản nhấn chìm chủ thể; Sự thể hiện con người cô đơn trong tiểu thuyết Rừng Nauy của H. Murakami…Ngô Hương Giang: Góp thêm một cách hiểu về thơ nhìn từ thông diễn học hiện đại; Lý thuyết mỹ học của Adorno và vấn đề nhận thức luận văn học…Hoàng Đăng Khoa: Cánh đồng bất tận từ ba góc nhìn: hậu hiện đại, phân tâm học và nữ quyền luận; Những kỉ niệm tưởng tượng hay là ám ảnh hiện sinh trong thơ Trương Đăng Dung… Nguyễn Anh Dân: Tìm kiếm bản thể đích thực và giải phẫu tinh thần Nhật Bản hậu hiện đại trong tác phẩm của Haruki Murakami; Sự mâu thuẫn giữa các luồng tư tưởng và vai trò của nó đối với quá trình hiện đại hóa văn học Nhật Bản và văn học Việt Nam (cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX)…
Nếu so sánh các cây bút phê bình trẻ miền Bắc, miền Nam với miền Trung, có thể nói, phê bình trẻ miền Trung không thua kém gì về đội ngũ lẫn trình độ chuyên môn. Miền Nam, hầu hết, các tác giả vừa sáng tác vừa kiêm phê bình như: Phạm Ngọc Hiền, Nguyễn Trọng Bình, Trần Nhã Thụy… Miền Bắc, một số cây bút phê bình trẻ chuyên sâu như: Nguyễn Diệu Linh, Đoàn Minh Tâm, Phạm Xuân Thạch, Đoàn Ánh Dương, Trần Thiện Khanh, Phùng Gia Thế, Cao Việt Dũng… Điểm qua những gương mặt phê bình trẻ tiêu biểu, chúng ta thấy đội ngũ phê bình trẻ cả nước chưa thực sự lớn mạnh. Dẫu vậy, phê bình trẻ miền Trung cũng có những nét riêng của nó. Những nét riêng ấy bao gồm cả những mặt ưu và nhược.
Về ưu điểm, ở miền Trung, có một tín hiệu đáng mừng, dù ít dù nhiều, những bài viết của các tác giả phê bình trẻ hiện đang được sự quan tâm của công chúng. Các vấn đề mới về mặt lý luận bước đầu được nhìn nhận, đánh giá, thẩm định, soi chiếu vào bài viết một cách tinh nhạy, khoa học. Những đóng góp thiết thực của tác giả phê bình trẻ miền Trung là tiền đề quan trọng cho sự phát triển và đổi mới nền lý luận văn học nước ta. Đặc biệt, một số bài viết thể hiện tính học thuật, tư duy lý luận khá sắc sảo. Các kiến thức liên ngành như: ngôn ngữ học, tự sự học, phân tâm học, kí hiệu học, thông diễn học, văn hóa học… đã vận dụng khá vững và quy chiếu vào tác phẩm một cách sáng tạo. Sở dĩ, những người viết phê bình trẻ miền Trung có được thành công như thế là nhờ vào những lý do sau đây: Thứ nhất, họ được đào tạo một cách bài bản, có hệ thống. Vốn ngoại ngữ khá tốt. Có một số tác giả trẻ đã tự dịch, tự nghiên cứu các kiến thức từ lý luận văn học nước ngoài đưa đến những đóng góp nhất định cho sự phát triển nền lý luận văn học; Thứ hai, đa phần họ đang công tác, giảng dạy ở các trường đại học. Đặc thù công việc này cũng góp phần giúp họ liên tục tiếp cận, vận dụng và phát huy những nguồn lý thuyết mới.
Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, cáccây bút phê bình trẻ miền Trung cũng còn một số hạn chế. Đa phần, các bài viết chỉ đăng tải trên các tạp chí, chưa tập hợp thành sách. Điều này đã làm hạn chế khả năng ảnh hưởng của họ đối với đời sống văn học. Không khí phê bình trẻ miền Trung cũng còn buồn tẻ. Những vấn đề đối thoại, trao đổi trong hoạt động phê bình trẻ miền Trung… chưa tạo được làn sóng sôi động, nhộn nhịp. Các cây viết phê bình trẻ còn dửng dưng trước những vấn đề nóng bỏng của đất nước. Họ chưa thực sự nhiệt tình, xông xáo. Đối tượng mà những tác giả phê bình trẻ hướng đến chưa bao quát, đa phần thiên về những tác giả, tác phẩm có tên tuổi, đang gây sự chú ý, ít để ý đến những gương mặt sáng tác trẻ miền Trung. Các cây bút sáng tác trẻ, có nhiều đóng góp ở miền Trung như: Đông Hà, Châu Thu Hà, Lưu Ly, Nguyễn Lãm Thắng, Nguyễn Hương Duyên, Nhuỵ Nguyên, Lê Minh Phong, Lê Vũ Trường Giang, Meggie Phạm, Nguyễn Anh Đào, Trần Thị Quỳnh… chưa được những người viết phê bình trẻ quan tâm, phát hiện, giới thiệu. Không riêng gì ở miền Trung, mà ngay cả nước ta, thực trạng, nhiều sáng tác của các cây bút trẻ chưa được theo dõi đánh giá kĩ lưỡng, không ít người trong số họ bị khuất lấp. Nhiều cây bút sáng tác trẻ quay lưng với việc in báo, xuất bản thành sách, chỉ xuất hiện trên các trang mạng trong và ngoài nước. Điều này cảnh tỉnh, đang có một ranh giới vô hình giữa hai hình thức công bố tác phẩm, hai cách thẩm định, hai cách kiểm duyệt tác phẩm. Đó không phải là môi trường lành mạnh đối với công việc sáng tạo. Do vậy, lúc này, một công việc quan trọng của người phê bình trẻ miền Trung là kiếm tìm, giới thiệu, đưa họ đến với công chúng. Hoặc việc đánh giá, nghiên cứu văn học đô thị miền Nam trước năm 75(*), văn học Việt Nam ở hải ngoại – một trong những vấn đề lớn của văn học nước nhà trong xu thế hòa giải, hội nhập cũng chưa được các tác giả phê bình trẻ chú ý. Nói như vây, đối tượng nghiên cứu, phê bình của các tác giả trẻ miền Trung còn nhiều chỗ/khoảng trống, chưa đặt chân tới, chưa được lấp đầy. Mặt khác, việc đi tìm cái mới trong lý luận của phê bình trẻ miền Trung còn mờ nhạt. Các bài viết mới chỉ mang tính chất vận dụng lý thuyết, ít có sự đúc kết, phát kiến về mặt lý luận. Tính tư tưởng, tính triết học trong phê bình còn yếu, thậm chí vẫn còn tồn tại những kiểu phê bình thù tạc, khen, chê một cách chung chung, không có cơ sở lý thuyết nào cả, mục đích nhằm lấy lòng nhau, PR nhau. Tôi nghĩ, khía cạnh này không chỉ là hạn chế của phê bình trẻ miền Trung mà còn là hạn chế của hầu hết giới phê bình trẻ cả nước.
Nhìn lại chặng đường mà các cây bút phê bình trẻ miền Trung đã và đang đi, có thể khẳng định, những đóng góp của các cây bút phê bình trẻ miền Trung là đáng ghi nhận. Họ đã góp phần tạo thêm bề dày cho nền phê bình nước nhà. Tuy nhiên, để đội ngũ phê bình trẻ miền Trung phát triển, tôi nghĩ cần có những biện pháp sau:
+ Biện pháp lâu dài và hữu hiệu, đề nghị Ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn thành lập Ban phê bình văn học trẻ miền Trung và một số vùng miền khác. Nhiệm vụ của Ban phê bình là luôn kiếm tìm, phát hiện những cây bút phê bình trẻ, tạo thành một đội ngũ vững mạnh. Ban phê bình cần khích lệ, động viên các gương mặt phê bình trẻ, mới, tạo điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần; thường xuyên có kế hoạch đào tào, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận.
+ Hội Nhà văn Việt Nam cần thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, trao đổi cởi mở với các Ban phê bình văn học trẻ địa phương. Và nhất là, cần phải đảm bảo tính khách quan, dân chủ và tự do cho sân chơi của giới phê bình trẻ cả nước. Có như vậy, lực lượng tác giả phê bình trẻ cả nước mới thực sự mạnh mẽ và đông đảo.
+ Trước mắt, sau Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ 8 này, Ban Nhà văn trẻ nên tổ chức xuất bản tuyển tập về lý luận phê bình cho các cây bút phê bình trẻ cả nước, giúp độc giả có một cái nhìn bao quát và đầy đủ hơn.
Tựu chung, tôi nghĩ rằng, nhiệm vụ cấp thiết đối với người phê bình trẻ miền Trung là đi sâu/tiếp cận vào/với các trường phái lý luận văn học tiên tiến/hiện đại và hậu hiện đại cũng như phát hiện, đánh giá đầy đủ các hiện tượng văn học, tác phẩm văn học, sự kiện lịch sử đã trải qua trong văn học. Song, làm sao để hoạt động phê bình văn học trẻ mang lại bầu sinh khí dân chủ với sự nhìn nhận mới, thật sự khoa học, khách quan và nghiêm túc để nền lý luận – phê bình văn học dân tộc sớm hòa nhập với những giá trị của lý luận phê bình văn học thế giới trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay? Đó là trọng trách của Hội nhà văn Việt Nam, đồng thời cũng là trách nhiệm không thể thiếu của giới phê bình, trong đó có phê bình trẻ.
Đồng Hới, ngày 22.8.2011
Hoàng Thụy Anh
__________________________
(*)Theo chúng tôi được biết, một số đầu sách viết về lý luận phê bình văn học đô thị miền Nam 1954- 1975 đã xuất bản như: cuốn Nhìn lại một chặng đường văn học của PGS. TS Trần Hữu Tá; cuốn Văn học yêu nước tiến bộ – cách mạng trên văn đàn công khai Sài Gòn 1954 – 1975 do NXB Văn Nghệ – Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật – Trung tâm thông tin triển lãm thuộc Sở VHTT TP.Hồ Chí Minh xuất bản (48 tác giả); cuốn Lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954 – 1975 của TS. Trân Hoài Anh; cuốn Văn học Việt Nam Thế kỷ XX (Lý luận – phê bình 1945- 1975, Quyển 5, tập 11)) do nhóm biên soạn gồm: PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện (chủ biên), PGS.TS. Tôn Thảo Miên, TS. Hà Công Tài, TS. Nguyễn Thị Kiều Anh, TS. Trần Hoài Anh, ThS. Cao Kim Lan.