/

Hơn ba giờ chiều. Trời vẫn gay gắt nắng. Cái nắng ở miền rừng thật oi bức. Không một gợn mây. Hoàn toàn không chút gió. Cây cối đứng yên.
Bỗng giông gió đùng đùng, cây cối bị xô rạp. Căn nhà tiểu khu tám cột gỗ muồng cũng muốn lung lay. Luân ôm cứng một gốc cột, mắt ngó xuống gầm sạp gỗ, nhà lỡ sụp chui tạm vào đó.
Nhuận, tiểu khu trưởng, cũng ôm một gốc cột, nói trong tiếng gió rú:
–  Có vấn đề rồi anh Luân ơi.
Tranh thủ lúc trời  tạm yên, Nhuận rút thẻ hương, thắp, lầm rầm khấn vái.
Gió lại chuyển mạnh, cát chạy đá bay. Trong tiếng gió gầm rú có cả tiếng muông thú. Tiếng mang tát, tiếng nai gừ, tiếng gầm của con gì chưa xác định được. Xen lẫn tiếng hú như có tiếng oan hồn. Luân và Nhuận sợ đến xanh mặt. Nhuận run run:
–  Nghiêm trọng rồi sếp ơi! Em đi rừng hoài, em biết. Sếp cẩn thận.
Khoảng một tiếng đồng hồ sau, trời ngưng gió. Vừa lúc ấy, Sang xuất hiện, người trầy sướt nhiều chỗ, hớt hơ, hớt hãi:
–  Động rừng Giám đốc ơi!
–  Hả? Động Rừng? Sao ông biết? Nhuận hỏi khi Luân chưa kịp lên tiếng.
–  Tôi đã bảo rồi mà họ không nghe. Ở đường số một. Tôi chạy trước nên thoát được về đây.
–  Còn ai trên đó không?
–  Còn ba người. Tôi ghé coi giám đốc có hề gì không. Thôi, tôi về đã, coi cái nhà …
Nhuận đốt nốt khoản hương còn, van vái. Luân vái theo: Trăm lạy chư vị tôn thần, liệt vị cô bác phù hộ anh em còn ở trên rừng.
– Nếu đúng là ở đường số Một, thì anh em không sao đâu sếp. Trưa nay họ đi phía đường số Ba, số Bốn.
– Động rừng là sao Nhuận? Chú gặp lần nào chưa? Luân hỏi.
– Chuyện dài lắm sếp ạ! Lát nữa về em giải thích. Giờ em vào xóm coi nhà thằng Sáng và bà con sao đã.
– Ờ, thế cũng được. Tôi lên đường số Ba đón hờ mấy đứa.
Nhuận là một tiểu khu trưởng nhiệt tình, tháo vát, sống hòa mình với anh em, coi trong xóm như người nhà, nghe xóm có chuyện gì là chạy vô ngay.
Luân, Phó giám đốc, phụ trách sản xuất. Nên thường lên công tác ở tiểu khu. Tiểu khu khai thác rừng. Ở đây là rừng Sông Nam sông Bắc. Một tháng anh có mặt trên này từ mười hai đến mười lăm ngày. Khi Luân chưa lên, anh em tiểu khu ở nhờ nhà dân, trong xóm. Luân lên cho làm một nhà gỗ ở khoảng đất cao gần mé sông, làm nơi sinh hoạt và ăn ở cho cán bộ nhân viên. Sẵn rừng, anh thuê người đốn  mươi cây gỗ muồng to về làm cột nhà, làm trụ cái sạp to để ngủ, đề phòng gió bão và mưa lụt. Luân trước đây là một trưởng phòng có năng lực của huyện nhưng thẳng tính, không bè phái, không chịu luồn cúi nên bị điều về làm Phó giám đốc xí nghiệp gỗ. Luân là Phó giám đốc thôi nhưng anh sống chừng mực, hòa đồng, dễ gần, thường giúp đỡ người gặp khó khăn nên bà con trong xóm rất mến, ai cũng gọi anh là Giám đốc. Vả lại Giám đốc chưa khi nào lên, nên bà con chỉ biết anh.
Gần năm giờ, anh em đi rừng về đủ. Tất cả đều bình yên. Mười khuôn mặt, kể cả Nhuận, đó là biên chế của tiểu khu. Thông có vẻ nông dân, cần cù nhưng hay nói trạng. Sinh thì đen như cột nhà cháy, để phân biệt với Sinh trắng trắng hơn nên gọi là Sinh đen. Thự, kế toán, có vẻ tỉ mẩn như con nhà kế toán…Và cậu Trân, kỹ sư lâm nghiệp mới ra trường, còn nguyên dáng thư sinh. Ngâm thơ cũng khá và rất ghiền truyện kiếm hiệp, thuộc lòng mấy bộ truyện của Kim Dung, đặc biệt cậu ta rất thích Hoàng Dung và thế võ “Giáng long thập bát chưởng” trong Anh hùng xạ điêu. Uống không nhiều, mau say. Khi ngà ngà múa may quay cuồng thế  Giáng long trông rất buồn cười mà cũng rất dễ thương. Vừa về tới nơi, Trân đã toang toác:
–   Em tưởng chiều nay ông trời đã Giáng long thập bát chưởng kéo sếp về nhậm chức to trên đó rồi chứ.
Tất cả đều cười xòa. Cũng vừa lúc đó , Sang có mặt.
–   Sự việc thế nào ông kể lại nghe coi. Luân bảo.
–   Ngày hôm nay, em với nhóm thợ của ông Dũng, bên đường số Một, lên dọn đường để mai xe ủi vào. Mãi đến hơn một giờ mới ăn trưa. Có uống rượu. Lúc ngà ngà say có người đem soong nồi ra gõ. Em bảo gõ gì thì gõ không  được gõ ba hồi chín tiếng, nguy hiểm đó. Say quá không làm chủ được, anh em gõ đúng vậy. Giông gió nổi lên, em sợ quá nhanh chân xuống núi. Động rừng thật Giám đốc ơi, có tiếng muông thú, cả tiếng hổ nữa, lại có tiếng oan hồn. Khiếp quá!
–   Trong xóm, có nhà nào thiệt hại gì không? Luân hỏi
–   Em và anh Nhuận mới đi sơ qua. Có ba nhà bị sập. Nhà em đi tiêu cái chái dưới.
–   Chú Nhuận đi xem mấy anh em đội ông Dũng có bị gì không. Mai tập trung lợp lại mấy miếng tôn bị gió bật rồi cùng bà con trong xóm dựng lại nhà.
–   Xin ý kiến sếp, mai cho Sinh trắng về mua lễ vật lên cúng. Động rừng hệ lắm sếp ạ! Nhuận nói.
Ngày hôm sau. Công việc chạy tốt, nhưng ai cũng ngạc nhiên vì buổi sáng không thấy Sang, anh chỉ tham gia vào buổi chiều. Mọi việc xong xuôi, đã chiều. Sang lên tiếng:
–   Mời Giám đốc với anh em cùng bà con xóm tối nay liên hoan mừng em thoát chết. Em đi mua rượu đây- Sáng mời rồi vội vã đi về phía đường Mười bốn.
“Sống vất vả đìu hiu ở góc núi bìa rừng nầy sao thoát chết lại mừng đến thế. Lại nghèo rớt mùng tơi nữa kia mà!” Luân chua chát lẩm bẩm, định gọi Sang lại nhưng anh đã đi ra xa.
Sang người Tiên Phước, cũng là hàng con cháu cụ Huỳnh Thúc Kháng. Huỳnh Văn Sang. Hồi chiến tranh, chạy ra Đà Nẵng. Ở quê, anh cũng có nhà rường, vườn bòn bon xanh mướt, trái ngọt đầy cành. Ra Đà Nẵng anh cũng mang theo được một ít tài sản nhưng mấy lần chạy hoãn dịch gia cảnh hết cả. Không đỗ Tú tài . Không làm được gì phải xe thồ kiếm sống. Bạn bè mới không có, bạn cũ xa dần. Lại ôm một mối hận tình cũng vì nghèo quá. Giải phóng anh về quê. Vườn ruộng tan hoang, nhà rường cháy rụi. Là con dòng cháu giống nhưng quá nghèo người ta khinh. Anh giận đời mang vợ con ra lại, lên vùng nầy sinh sống như người bất đắc chí. Sang chơi đàn ghi ta và hát rất hay. Khi say, Sang ôm đàn hát dáng vẻ rất nghệ sĩ. Bài ruột của Sang là bài Thói đời. Bạn rượu đặt biệt danh là Sang thói đời.
 Chập choạng tối, Sang tòn ten quảy một bên là can rượu gạo hai mươi lít, một bên là nửa con heo rừng. Cộng với hai mươi lít rượu anh em tiểu khu dự trữ. Một bữa liên hoan túy lúy càn khôn!
Đêm ấy, mừng vì thoát chết và vì lý do gì nữa chưa biết mà Sang uống rất nhiều. Ngà ngà say, Sang đứng lên ôm đàn, giọng đã nhừa nhựa mà trịnh trọng:
– Thưa Giám đốc và bà con. Tối nay tôi sướng quá, xin hát tặng giám đốc cùng bà con mấy bài hát.
Tiếng đàn cất lên. Có nhạc dạo hẳn hoi. Và Sang hát bài hát ruột, bài Thói đời đầy tâm sự: “Đường thương đau đày ải nhân gian, ai chưa qua chưa phải là người. Trong thói đời cười ra nước mắt, khi trắng tay gọi nhau bằng hữu, giờ giàu sang quên kẻ tâm giao, còn gian dối cho nhau…”(1). Dáng liêu xiêu, dường muốn ngả mà không ngả. Điệu nhạc buồn chơi vơi chơi vơi. Cao hứng Sang đàn mạnh tay. Đàn đứt dây rồi. Vất đàn qua một bên. Sang dang tay cười ha hả rồi khóc, tức tưởi.
–  Bây giờ thì thưa cả em nữa, loài gái đẹp. Một lần em đã bỏ tôi. Lần nầy em có bỏ tôi nữa không?
Không còn đàn, Sang lấy nắp vung gõ và hát tiếp, đầy ẩn uất: “ Bạn xa ta tình cũng xa ta, nên trắng đêm thui thủi một mình. Soi bóng đời bằng gương vỡ nát. Nghe xót xa ngùi lên tròng mắt, đoạn buồn xưa ta đã đi qua…”(1)
Say. Ai cũng muốn nói. Trân đứng lên, đã ngà lắm rồi:
–   Đời… buồn lắm…Tôi chưa gặp những nỗi buồn như anh Sang… Nhưng nhà thơ Nguyễn Bính thì chắc đã có lần cùng cảnh ngộ… Tôi xin ngâm bài thơ ngắn của ông:
“Từ dạo về đây sống rất nghèo,
Bạn bè chỉ có gió trăng theo
Những phường bất nghĩa xin đừng đến
Để mặc thềm ta xanh sắc rêu”
                        (Từ dạo về đây- Nguyễn Bính)
Luân cũng lên tiếng, muốn chấm dứt cuộc vui:
–  Đề nghị hôm nay dừng ở đây thôi. Trước khi dừng, tôi muốn nói cùng anh em rằng đời quả thật nhiều nỗi buồn lắm, nhất là những người nghèo. Nhưng ta có thể sống nghèo mà không sống hèn. Được chứ?
Đàng góc xa, trong tối, một giọng nữ, cũng đã say rồi, ngập ngừng, giàu cảm khái:
– Anh Sang chưa bao giờ sống hèn… Nghèo chỉ vì …sống nghệ sĩ quá thôi.
– Giám đốc nói hay và… ai đó… nói cũng đúng quá. Từ mai, Sang thói đời nầy không uống rượu nữa.
Buổi liên hoan chấm dứt. Trời tối om.
.
Người con gái nói trong đêm liên hoan là Láng. Láng đẹp. Có thể nói là bông hoa tươi thắm của núi rừng. Láng làm xóm thêm sức sống, hấp dẫn. Trước giải phóng học đến lớp Mười một. Không có việc làm, theo Mẹ và em trai còn nhỏ lên sống ở xóm. Hằng ngày đốn củi gởi xe bò vàng về Hòa Cầm, Cẩm Lệ bán, độ nhật. Sống lam lũ ở góc rừng hoang vắng vẫn mơ làm công chúa lọ lem. Láng đẹp nên nhiều chàng dạm ngó. Nhuận cũng rất dày công theo đuổi nhưng Láng cự tuyệt. Tính Láng dễ thương. Tuy mơ thế nhưng không kiêu kỳ. Hai mươi tám tuổi, tưởng chừng ở vậy… Nhưng không phải thế. Láng yêu cái tính nghệ sỹ, cái tài đàn hát của Sang. Sang, có vợ rồi, bốn đứa con gái, nhưng cũng thuộc nòi tình. Hai người yêu nhau, dần dần thành tha thiết. Và những lần cùng đi củi…hoa đã đơm thành trái…
Một buổi sáng, tiểu khu chỉ có mình Luân . Luân hỏi khi Sang vào:
–  Ông làm gì có tiền liên hoan thế?
–   Em nghèo lắm, làm gì có tiền liên hoan mừng thoát chết hôm động rừng. Giám đốc ơi! Em có chuyện nầy. Giờ Giám đốc hỏi, Em tin nên mới nói, Giám đốc giữ kín giùm em. Thật ra, hôm ấy gió to xô em xuống cái hố, em phát hiện được một gốc trầm. Trời cho. Em hết nghèo rồi. Ra Giêng, em về quê, làm lại cái nhà đàng hoàng, cho mấy đứa con đi học.
–   Mừng cho ông.
–   Em gởi cho ba nhà bị sụp mỗi nhà năm triệu đồng. Giờ em không tiện đưa ra. Với lại …nhờ Giám đốc chuyển cho cô Láng năm mươi triệu.
–  ….
–  Thú thật, Cố ấy có thai bốn tháng rồi, của em đấy. Em nhờ Giám đốc khi nào em về quê rồi hẳng đưa, cho cô ấy về phố làm ăn, sinh nở nuôi con. Em không lo được. Em mà đưa trực tiếp cô ấy không nhận.
–   Lẩm lỉ thế mà…ông cũng ghê thật! Cả khu rừng nầy có một bông hoa ông hái mất.- Luân cười.
–   Cô ấy thương em thật tình. Giám đốc thông cảm. Nói xong, Sang lấy bọc tiền đưa cho Luân.
–   Em cám ơn Giám đốc trước.
Một người có nghĩa. Luân lẩm bẩm nhìn theo…
.
Một tuần sau.
Chiều. Một buổi chiều mùa đông của năm 1991.
Hai mươi ba tháng Mười. “Ông tha bà chẳng tha, làm cho cái lụt hăm ba tháng mười”. Nhưng năm nay không lụt. Trời vẫn nắng, sáng trong. Luân lên tiểu khu. Tối ấy, tổ chức bữa ăn tươi gọi là ăn khai trương một mùa làm rừng mới, trời hết lụt rồi. Có Sang. Mọi người uống rượu nhưng Sang không uống. Đúng là anh cai rượu từ sau đêm liên hoan.
Sáng hôm sau thì trời mưa. Miệt trên thượng nguồn mây đen cuồn cuộn. Ở tiểu khu  mưa rây rây. Mực nước con sông cạnh tiểu khu vẫn bình thường. Láng qua sông ra đường Mười bốn mua mấy thứ cần. Khi về  qua đến gần giữa sông thì trời bỗng đổ mưa to. Lũ ống trên nguồn ùa xuống. Sang đang đứng trên xe bò vàng sửa mấy bó củi, la thất thanh:
–   Láng cẩn thận, lũ ống đó!
Nhưng đã chậm mất rồi. Lũ quét, mang theo Láng. Cô vùng vẩy nhưng không gượng được. Từ trên xe, Sang nhảy xuống thật nhanh, băng mình ra giữa dòng nước hung bạo, gào to:
–   Láng, bám lấy anh… Anh đưa vào bờ…
Sang không đưa Láng vào bờ được mà tấp và một bụi cây gần đó vì anh không đủ sức. Một cơn đau tim, đột ngột… Láng chụp được bụi rù rì cũng là lúc anh buông tay…
Hết rồi một đời tài tử. Cuộc đời ai buồn tựa khúc nhạc tình boléro!
Láng vật vã ôm xác Sang, tiếng khóc thê thiết…
Trời mưa như trút nước. Gió giật đùng đùng.
Rừng như cũng thương xót, động từng cơn, từng cơn.
 
(1) Bài hát Thói đời  –  Nhạc và lời Trúc Phương
Lương Hoàng Hạc