Sáng hôm đó tôi tỉnh giấc khi trời chưa nhìn rõ mặt người, bên ngoài mưa vẫn lất phất, thỉnh thoảng lại có một cơn gió lạnh lùa vào nhà qua các khe cửa. Cảm giác đói như có kiến bò trong bụng kèm theo gió lạnh đã làm tôi thức dậy. Đã hơn một ngày rồi tôi nhịn đói, trốn học, trốn gia đình đến nhà  thím Ba chơi.  Tôi thầm nghĩ sáng dậy sẽ không làm “khách nữa” sẽ ăn sáng cùng gia đình thím, sau đó sẽ đi theo Sâm (con lớn nhất của thím, hơn tôi một tuổi đang học lớp 1) đến nhà thầy Chắt Hai đang dạy tôi lớp vỡ lòng. Nhà thím và nhà thầy cùng ở một làng cách làng tôi khoảng hơn hai km, thím lại là anh em bà con họ hàng với thầy nên  Sâm thường hay đến nhà thầy chơi.

  Chuyện là thế này: Vào những năm đầu của thập niên sáu mươi, ở quê tôi các trường cấp một, cấp hai là do phòng giáo dục quản lý, riêng lớp vỡ lòng cũng tập đọc tập viết như lớp một hiện nay nhưng thầy giáo lại là “thầy giáo làng”, là một người có thể đã tốt nghiệp cấp hai hoặc đang học dở cấp ba chưa hề được học về sư phạm, được xã phân công dạy vỡ lòng. Cách buổi sáng hôm đó hai hôm thầy đã gọi tôi lên bảng và nhắc tôi phải nộp sáu hào học phí của tháng mười một, đây là lần thứ hai thầy nhắc tôi (một lần vào thứ bảy tuần trước). Tôi vẫn biết thầy rất hiền chưa bao giờ thầy la mắng các bạn lớp tôi, mỗi khi vào lớp thầy luôn mỉm cười với chúng tôi. Biết vậy nhưng khi thầy hỏi, tôi đã bật òa lên khóc, ôm sách vở ra về. Trong suy nghĩ của tôi lúc đó là sẽ bỏ học để đi theo dì Năm ra Quảng Ninh đi ở ẵm em cho dì. Thật ra sáu hào học phí lúc đó giá trị cũng không phải lớn lắm so với năm xu một cái “bánh đa vừng”. Thế nhưng hoàn cảnh nhà tôi để có được sáu hào là một chuyện quá khó. Bố tôi mất vì bệnh tim năm 1960, mẹ tôi mất vì dịch tả năm 1961 năm anh em chúng tôi phải ở với bà nội. Anh lớn nhất khi bố mẹ tôi mất mới được mười tuổi, đứa em nhỏ nhất kề sau tôi mới hơn một tuổi, bà nội tôi lúc đó tuổi cũng đã gần bảy mươi. Quê tôi lại chỉ độc canh cây nông nghiệp (chủ yếu là lúa và  khoai) năng suất rất thấp, không có tiểu thủ công nghiệp, không buôn bán được gì, phải ăn độn thêm khoai sắn, có khi phải ăn rau trừ bữa,  chỉ mong sao qua được ngày giáp hạt. Không phải như bây giờ có thể bán lúa gạo hoặc làm các nghề khác để lấy tiền đóng học phí.

  Khoảng chín giờ sáng hôm đó tôi và Sâm đã đến gặp thầy, Sâm đã nói với thầy về hoàn cảnh của tôi, nghe xong thầy nói: -Thầy có nghe nói về sự ra đi của bố mẹ em rất thương tâm, lâu nay thầy không biết em, thật đáng trách. – Tháng này em không phải đóng học phí nữa, chỉ cần sau này gặp thầy em còn nhớ đến thầy, còn biết mời thầy vào nhà uống nước là thầy vui rồi.

  Tháng tư năm 1966 làng tôi bị hỏa hoạn cháy mất gần hai mươi ngôi nhà. Đến nay tôi vẫn nhớ hình ảnh của thầy mồ hôi, mồ kê nhễ nhại đang cào gom tro tàn trên con đường làng tôi. Lúc này tôi đã học lớp hai, mặc dù rất nhút nhát nhưng tôi cũng mạnh dạn gặp thầy, mời thầy vào nhà uống nước. Không biết lúc đó thầy còn nhớ tôi nữa không, nhưng tôi rất vui là đã làm được điều thầy nói. Sau đó một năm quê tôi có các cô giáo được xã cử đi học các lớp đào tạo về dạy vỡ lòng, nghe nói thầy Chắt Hai đã chuyển ra Vinh và tôi không còn gặp lại thầy nữa. Hơn bốn mươi năm trôi qua tôi đã học cấp một, cấp hai, cấp ba rồi Đại học và đã vào miền Nam làm nghề dạy học trên ba mươi năm. Tôi nhớ tên, nhớ mặt hầu hết các thầy cô đã dạy tôi, mỗi người đều có một nét riêng để tôi kính trọng, cảm phục. Cô Vân dạy tôi lớp một, lớp hai, cô rất nghiêm khắc, năm người con của cô ai cũng đỗ cao vào các trường Đại học, chính cô đã đề xuất tôi cho Ty Giáo dục tỉnh Nghệ An khen. Thầy Doãn giáo viên chủ nhiệm tôi lớp tám đã đạp xe bảy – tám km đến thăm tất cả gia đình phụ huynh của lớp. Thầy Bảy dạy văn lớp chín, lớp mười đã dạy luyện thi Đại học khối C cho một số bạn trong lớp nhưng không bao giờ nói đến chuyện tiền nong hoặc bồi dưỡng cho thầy. Tuy nhiên ấn tượng sâu đậm nhất trong tâm trí tôi vẫn là thầy Chắt Hai.

 Viết câu chuyện  này tôi muốn gửi đến thầy Chắt Hai sự biết ơn và tôi muốn nói với các bạn đồng nghiệp: chúng ta rất hạnh phúc, khi để lại dấu ấn tốt đẹp trong các em học sinh, các em càng nhỏ tuổi thì dấu ấn càng khó phai mờ, chúng ta cố gắng không để lại vết đen, vết xấu trong trí não các em.

– Có những quyết định, những cách ứng xử của chúng ta có khi làm thay đổi một số phận, một cuộc đời của một em học sinh, cũng như tôi ngày đó nếu thầy Chắt Hai không thương tôi như vậy có thể tôi đã trở thành một người thất học hoặc một con người khác chắc chắn không được như bây giờ./.

NGÔ MINH HÒA

.