Thiên nhiên trong tanka có đủ bốn mùa với những hình ảnh rất đặc trưng của xứ sở Phù Tang như: tuyết, trăng, hoa anh đào… Tuy nhiên, thu lại là mùa xuất hiện nhiều nhất trong tanka. Có lẽ vì đây là mùa của những cảm thức tế vi của con người trước trạng thái chuyển giao của đất trời:Mùa thu là mùa cây cỏ hoa lá úa vàng, con người buồn, sinh vật ít hoạt động, nhưng cũng là giai đoạn đang còn tăng tiến của tính chất này, chưa phải là đỉnh cao của sự tàn lụi (như mùa đông). Nó là cái âm chưa trưởng thành đầy đủ…(9). Mùa thu là không gian tâm trạng phù hợp nhất cho tâm hồn Nhật Bản vốn nhạy cảm trước sự phập phồng của những vận tiết dù là nhỏ nhoi nhất của vũ trụ.

    Thơ tanka có nhiều bài hay viết về thu:
Trong cỏ dại
Mái lều nằm sâu
Giữa niềm cô tịch
Dù không khách viếng
Mùa thu ghé vào
(Pháp sư Egyô)
     Bài thơ như một cơn gió dịu nhẹ thoảng qua nhưng chứa đầy thi vị. Hình ảnh mùa thu ghé vào mái lều nằm sâu trong niềm cô tịch trong cỏ dại kia dường như đã thâu tóm được khoảnh khắc linh diệu của đất trời khi có sự hiện diện của mùa thu. Thu đang về trong một mái lều nơi không khách viếng, lặng lẽ nhưng ẩn chứa bao sự bí ẩn, diệu kì…
      Cũng có khi thiên nhiên trong tanka hiện lên là một bức tranh trong sáng, đầy khoáng đạt với hình ảnh ngọn núi Phú Sĩ – biểu tượng thiêng liêng, niềm kiêu hãnh của xứ sở Phù Tang, ngàn năm đứng lặng yên, trầm mặc:
Từ biển bờ Tago
Ta nhìn lên núi
Fuji ơi
Một màu trinh bạch
Tuyết buông xuống đời
(Akahito)
     Hay một bức tranh sinh hoạt của con người vô tình được nhà thơ bắt gặp trong khoảnh khắc giao mùa từ xuân sang hạ:
Mùa xuân qua rồi
Và mùa hạ đến
Thấy chăng, dưới trời
Áo người đang phơi
(Nữ hoàng Jito)
    Nhưng những bài thơ miêu tả thiên nhiên tươi vui, giàu sức sống như vậy là không nhiều. Thiên nhiên trong tanka chủ yếu là những gam màu buồn và hình ảnh điêu linh của cái đẹp, của cây lá cỏ hoa:
Vào giữa mùa đông
Ngôi làng trên núi
Âm u vô hồn
Cỏ cây tàn tạ
Con người héo hon
(Muneyuki)
     Một đặc điểm dễ nhận thấy nhất của thiên nhiên trong tanka là ở đó thường chất chứa nỗi lòng của những người đang yêu, thiên nhiên là người bạn thân thiết, tâm giao của con người. Tôn thờ tín ngưỡng Kami, người Nhật cho rằng trong mỗi sự vật đều có một linh hồn. Vì vậy, họ không ngần ngại thổ lộ tình yêu với người bạn thiên nhiên thủy chung và thầm lặng ấy:
Bụi trúc nhỏ nhoi
Giấu mình trong cỏ
Tình yêu của tôi
Bỗng dưng lớn dậy
Giấu sao được người
(Hitosi)
     Thiên nhiên tươi đẹp cũng là nơi để con người bộc lộ những tâm sự thầm kín về cuộc đời phù thế. Nhìn những cánh hoa đào, Komachi nghĩ về sự hư ảo của cuộc đời người con gái:
Hoa đào ơi!
Nhan sắc phai rồi
Hư ảo mà thôi
Tôi nhìn thăm thẳm
Mưa trên đời tôi.
     Thiên nhiên quyến rũ, xinh đẹp và khắc nghiệt của xứ sở Phù Tang được khắc họa chân thực, sống động trong tanka. Ẩn chứa trong linh hồn thiên nhiên ấy là tâm hồn của con người với nhiều trở trăn, suy tư, hoài niệm. Thiên nhiên và con người dường như là hình và bóng của nhau, soi chiếu cho nhau trong những chỉnh thể thơ  ngắn gọn và hàm súc. Thiên nhiên trong thơ tanka hầu hết là những bức tranh đẹp và buồn bởi tâm hồn con người gửi gắm vào đó là tâm sự chứa đầy niềm bi cảm về cõi đời phù thế.
    Đặc trưng nổi bật nhất, cũng là linh hồn của mỗi bài tanka chính là chất dư tình (yoji) lắng đọng của nó. Tiến sĩ Mai Liên đã nhận định: Đặc điểm nổi bật mà một bài tanka phải đạt tới là dư tình – tức những dư ba của xúc cảm bâng khuâng, xao xuyến, dịu dàng, không phải những cảm xúc dữ dội, mãnh liệt. Chính vì vậy mà thơ tanka cũng rất giàu nữ tính(10). Chất dư tình trong những bài tanka được tạo ra từ những cảm thức thẩm mĩ truyền thống của người Nhật như: aware, yugen, sabi, wabi…. Quan trọng nhất là cảm thức aware.
   Aware  cảm thức thâm trầm trước cái đẹp não lòng của thiên nhiên và con người(11). Nói một cách khái quát, đây là thứ cảm xúc hay tâm trạng sâu lắng khi chạm tới sự cơ vi và mong manh của đời người(12). Một học giả Nhật thế kỉ XVIII là Motoori Norinaga thì cho rằng đây là tư tưởng trung tâm của mĩ học thời Heian. Aware không chỉ là cảm thức chủ đạo mà còn là nguồn gốc của mĩ học Nhật Bản. Aware có mặt trong hầu hết các bài tanka, chi phối, quy định cảm xúc, ngôn ngữ và hình ảnh thơ.
    Ngoài cảm thức aware, trong thơ tanka còn đặc biệt nổi trội một cảm thức thẩm mĩ khác đó là yugen (u huyền). U huyền vốn là một từ Hán Nhật dùng để chỉ những cảnh giới sâu xa, vi diệu và thần bí mà con người không dễ dàng nắm bắt được, trong waka (tanka) thời trung đại, đây là từ dùng để chỉ một trạng thái lí tưởng mà ở đó, vẻ đẹp tao nhã đóng vai trò chủ đạo khiến nảy sinh những cảm xúc hay tâm trạng sâu xa nằm ngoài ngôn ngữ(13). Yugen cũng được coi là tiêu chí đánh giá vẻ đẹp của một bài tanka. 
    Như vậy, với aware, yugen,…  tính nữ trong thơ tanka bộc lộ rõ nhất.
   Thơ tanka luôn ẩn chứa sức mạnh quyến rũ kì lạ của tính nữ. Tanka có mềm yếu đấy (đặc trưng của tính nữ) nhưng đó không hẳn là những vần thơ quá bi lụy, bởi: tanka hiếm khi thể hiện những cảm xúc dữ dội như sự cuồng nộ, uất hận, những khát vọng điên dại, sự kinh hoàng… những cảm xúc mà ta dễ bắt gặp ở những nền thơ ca khác, nam tính hơn, sử thi hơn(14).
    Trải qua 13 thế kỉ, đến nay, tanka vẫn sống trong tâm thức của người Nhật như một biểu tượng của niềm hoài vọng cổ xưa, của tính nữ vĩnh cửu trong văn hóa, văn học. Cùng với haiku, tanka là bộ phận quan trọng trong nền thơ Nhật Bản nói riêng, thi ca nhân loại nói chung. N.I. Conrad đã nhận định: Thơ trữ tình Nhật Bản thời sơ kì trung đại là một trong những khâu hay nhất của chuỗi thơ tráng lệ trong thi ca phong nhã thế giới và là một trong những hiện tượng tuyệt vời nhất của nền văn hóa Nhật Bản các thế kỉ từ X đến XII(15). Thơ tanka cùng với văn chương nữ lưu Heian là di sản văn hóa của xứ sở Phù Tang. Tanka là tiếng nói diễm tình không chỉ của riêng giai cấp quý tộc thời ấy mà nó còn có sức sống lâu dài trong đời sống tinh thần của không ít người Nhật hôm nay. Thơ tanka như những cánh hoa anh đào kiêu sa nở giữa cuộc đời mà chắc chắn sẽ làm say lòng bất cứ ai đến với nó.
 
Nguyễn Bích Nhã Trúc
Tài liệu tham khảo:
(1) (5) (6) (11) (14) (15) Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868– Nhật Chiêu. NXB Giáo dục, 2003.
(2) Sinh ra từ vẻ đẹp Nhật Bản- Diễn từ Nobel văn chương 1968- Kawabata Yasunari. Đoàn Tử Huyến dịch từ bảng tiếng Nga. (Evan.com.vn)
(3) Thơ ca Nhật Bản– Nhật ChiêuNXB Giáo dục, 1998.
(4) (10) Khái quát về Vạn diệp tập (Manyoshu) – TS. Nguyễn Thị Mai Liên
http://vanhoa.blogspot.com/2005/04/khi-qut-v-vn-dip-tp-manyoshu.html
Evan.com.vn
(7) 69– Ryu Murakami. Người dịch: Hoàng Long. NXB Văn học, 2009. Trích từ Phụ lục: Sự biến đổi giá trị văn hóa thể hiện trong văn học Nhật Bản hiện đại– Hoàng Long.
(8)(9) Thơ thiền Việt Nam thời Lí Trần – Khảo sát từ góc độ nghệ thuật (chuyên đề cao học). PGS. TS Đoàn Thị Thu Vân. Đại học Sư Phạm Tp.HCM.
 (12) (13) Thế giới thơ và Tiểu thuyết từ Truyện Genji đến Murakami Haruki-Mitsuyoshi Numano, giáo sư văn học Đại học Tokyo (Tài liệu Hội thảo văn học Nhật Bản, tháng 9.2009. Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam).
(*) Những bài tanka được sử dụng trong bài viết do Nhật Chiêu dịch.