Phạm Ngọc Thái
Tập thơ Đôi hồn là sản phẩm thi ca của một mối tình đã được thăng hoa giữa thi nhân Hàn Mặc Tử (HMT) cùng nữ sỹ Hoàng Yến – Mai Đình (MĐ), mối tình ấy diễn ra cũng như thơ của cả hai người đều đã được viết từ trước đây hơn nửa thế kỷ.
Bây giờ ở trên đỉnh cao Gành Ráng, Qui Nhơn bên bờ biển Đông, mộ của thi nhân HMT quanh năm sóng phủ. Thơ của Người đang được nhân gian truyền tụng như những vì sao sa sáng láng. Đúng như lúc đương thời Người viết:
Với sao sương, anh nằm chết như trăng
Nhưng khi còn trong cõi sống, Người đã phải chịu bao nhiêu khổ hạnh vì bệnh tật. Tạo hoá đã cướp đi một tài hoa lúc đương độ rực rỡ, khi cuộc đời Ông mới chỉ vừa 28 tuổi. Ngẫm thế: kiếp người có khác gì kiếp nợ! Phải chăng muốn hoá siêu nhân… thì trước hết con người phải chịu đựng những sự đầy đoạ ở phàm trần? Nhưng thế giới sinh linh này cũng thật huyền diệu và bí ẩn, chính thiên diễm tình ấy lại nẩy nở trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của cuộc sống. Khi mà thi nhân lâm vào căn bệnh phong ác nghiệt, thì nàng Mộng Cầm (người con gái quê Phan Thiết đã từng một thời yêu thi nhân) lại bỏ đi lấy chồng… đẩy thi nhân thêm vào cảnh đau đớn, cô đơn.
Trời đất đã cho một ái nữ khác đến với Người. Theo như lời kể của Đắc Trung (trên báo Phụ nữ Việt Nam số 28 ra ngày 11-1-1994 ), thì ái nữ ấy:
Xuất thân trong một gia đình quan lại quê Nông Cống, Thanh Hoá. Thân phụ nhận chức tại Phan Thiết, mười sáu tuổi sống bên cha, sau này vào ở Sàigòn. Cô thiếu nữ ngây thơ xinh đẹp, rất được cưng chiều…)
Chính là nữ sỹ Hoàng Yến – Mai Đình. Nàng lại còn thông tuệ về văn thơ cùng với Người để tạo nên một thiên bi tình khả ái, với tập thơ Đôi hồn lai láng yêu đương. Tập thơ ấy được thi nhân cùng người nữ sỹ giao lưu trong mối tơ duyên và viết suốt ba năm (1937-1940): gồm 54 bài (kể cả hơn chục bài thơ mà bà Mai Đình viết sau này, khi HMT đã qua đời ngày 11-11-1940).
Đến nay năm tháng trôi qua, cuộc đời riêng chung biết bao biến đổi, nhưng lòng người nữ sỹ vẫn:
Nói sao cho xiết nỗi buồn?
Một trời binh lửa, một hồn cô liêu.
Hồn tôi theo đám mây chiều,
Tìm chàng trong một túp lều tranh con.
( Âm thầm – MĐ )
Đó chính là cái túp lều tranh ở Gò Bồi trên một khu cát rộng phía Tây thành phố Qui Nhơn. Cách đây trên nửa thế kỷ (1939) người nữ sỹ đã đến thăm thi nhân khi ông mắc bệnh hiểm nghèo, phải sống lẩn tránh cả chính quyền địa phương. Vì bệnh lây nên chính quyền buộc gia đình phải đưa HMT vào bệnh viện cùi Qui Hoà để chữa bệnh và ẩn náu, cách biệt tất cả mọi người. Đó cũng là lần đầu tiên Nàng mới gặp mặt người yêu, vì trước đó đôi năm tình yêu của hai người chỉ trao đổi qua các áng thơ, như Nàng kể lại:
– Đến trước túp lều tranh xơ xác, xiêu vẹo… vén tấm mành che cửa… một người đàn ông nhỏ bé, gầy yếu, ngồi trên chiếc giường chõng, cạnh bàn viết. Bàn là một tấm gỗ thùng đặt trên khung chân cũ. Người đàn ông ngước đôi mắt đen sáng long lanh nhìn tôi dò hỏi. Tôi đứng lặng đi. Hàn Mặc Tử đấy ư? …
Nàng tả về đôi mắt trong sáng như hai ngôi sao của thi nhân, tấm thân thì ốm yếu tàn tạ, nhưng thông minh và cám dỗ. Vâng, nàng đã yêu trong hoàn cảnh ấy:
Em theo mây gió anh ơi,
Em đi đi mãi vào nơi vô hình…
Yêu anh trên bước phiêu linh,
Để lòng bớt khổ, để tình bớt đau.
( Biệt ly – MĐ )
Mặc dù chỉ là một nữ nhi khuê các nhưng sức mạnh tình yêu của nàng không gì ngăn cản nổi, hoàn cảnh càng khắc nghiệt thì tình nàng càng đằm thắm, thiết tha:
Yêu anh trong lúc anh lâm chung,
Mới thấy tình em yêu lạ lùng.
( Anh hứa đi anh – MĐ )
Vượt lên trên tất cả sự chỉ trích của người đời:
Kịp nghĩ miệng đời hay mỉa mai,
Tảng lờ ngừng bước và im hơi,
Mộng hồn em gửi theo chiều gió
Để được gần anh ngỏ ít lời.
( Biết anh – MĐ )
Ta cảm thấy rợn tóc gáy, không thể không khâm phục ý chí quyết liệt trước lời tuyên bố của nàng:
Tôi chẳng sợ cảnh nghèo hèn đói khổ,
Tôi không kiêng thứ da thịt khác người
(vì HMT mắc bệnh hủi)
Vì lòng tôi, tôi chỉ biết yêu thôi !…
(Tuyên bố – MĐ)
Hoàn cảnh bi ai, sầu thảm thế nhưng tình nàng không chỉ đằm đìa mà còn trong sáng, mộng mơ một cách lạ kỳ:
Yêu anh chết nửa cõi lòng,
Gửi hồn bay bổng mấy tầng mây xanh.
(Tơ sầu – MĐ)
Còn thi nhân HMT, người yêu của nàng cũng mộng mơ không kém:
Dưới túp lều tranh, trên chõng tre,
Tứ bề cửa khép với phên che,
Kéo mền ủ kín toàn thân lại,
Để thả hồn bay gửi mộng về.
(Hãy đón hồn anh – HMT)
Cảnh ngộ thì khổ sở, nghèo hèn nhưng tâm hồn họ thật thanh tao, hoành tráng biết bao. Đúng là: Một túp lều tranh, hai trái tim vàng! Mai Đình đáp lại:
Bây giờ em đã bên anh
Đói nghèo em chịu, rách lành cũng vui.
(Em vẫn bên anh – MĐ)
Tuy vậy, nhưng nào họ có được ở bên nhau! Chỉ thăm người yêu ít ngày rồi nữ sỹ lại phải chia tay về gia đình tận Sàigòn. Hàn Mặc Tử với bệnh tình đành nằm lại trong túp lều tranh ở Qui Nhơn, người phương Bắc kẻ phía Nam. Hoàn cảnh đã khắc nghiệt mà không gian ly biệt thì xa vời, nhớ nhau cũng chỉ biết:
Anh đứng cách xa hàng thế giới
Lặng nhìn trong mộng miệng em cười.
(Lưu luyến – HMT)
Nhưng theo dõi hồn thơ ta có cảm nhận như đang gặp một cuộc tình duyên nơi chốn cung động thiên thai nào đó, chứ không phải ở trần tục đời thường. Thi nhân viết:
Đây Mai Đình tiên nữ ở Vu Sơn
Đem mộng xuống gieo vào muôn sóng mắt.
Hay là:
Quí như vàng, trọng như ngọc trên đời
Mai! Mai! Mai! Là Nguyệt Nga tái thế…
(Thắm thiết – HMT)
Nàng thì ví mình như Ngọc Nữ còn chàng là Kim Lang: vì để rơi chén vàng cho nên Ngọc Hoàng đẩy xuống trần thế, mặc dù nay đã hết hạn họ vẫn quyết ở lại bên nhau không về tiên giới:
Ta đã ở bên chàng nơi cõi tục,
Quyết không về điện ngọc sống cô đơn!
Để rồi:
Bốn bàn tay cùng chung xây hạnh phúc,
Túp lều tranh hơn cõi thiên đường.
(Hạnh phúc – MĐ)
Và tình yêu ấy đã đạt đến độ say đắm, giông bão khôn cùng:
Tôi ôm nàng, muốn cắn chết nàng đi!
(Thắm thiết – HMT)
Nữ sỹ Mai Đình kể lại khi họ gặp nhau:
– Vì sợ lây bệnh cho người yêu, nên Hàn Mặc Tử không dám đụng vào người Mai Đình…
Nàng nói:
– Những phút ấy mặt Hàn Mặc Tử đỏ rần lên rồi tím đi, còn Mai Đình cũng chết cả ruột gan không biết phải xử trí làm sao?
Thật là đau khổ và hy vọng:
Anh lành anh sẽ tặng em chi ?
Tặng cả đời anh cả hồn thi,
Với tất những gì anh ước vọng,
Cả hồn, cả xác, cả tình si.
(Anh hứa đi anh – MĐ)
Nhưng cũng như tình thường của bao đôi trai gái khác, tình yêu không chỉ có quấn quít đôi hồn mà cũng có lúc ghen tuông:
Em muốn thu anh thành vật nhỏ
Để em nắm kín ở trong tay…
Cho các cô nường hết ngất ngây.
(Ghen – MĐ)
Trong bài ghen với Mộng Cầm ta còn nhận thấy mặc dù Mộng Cầm là người con gái đã đến trước, được hưởng đầy đủ khoái lạc của tình yêu lúc thi nhân đang lành lặn, mà lại ruồng bỏ khi Người lâm bệnh. Nhưng với tư cách của Mai Đình vẫn tỏ ra là người tao nhã, trang trọng: ghen đấy mà không phỉ báng còn cảm thông với lẽ đời thường của một tấm lòng nhân hậu, khoan dung độ lượng:
Mộng Cầm hỡi, nàng là tiên rớt xuống,
Hay là vì tinh tú giáng trần gian?
Diễm phúc thay, sung sướng biết bao vàn,
Đầy đủ quá, nàng thương chăng kẻ thiếu?
(Ghen với Mộng Cầm – MĐ)
Đã bộc lộ tình cảm day dứt của một người con gái tha thiết yêu mà tâm sinh lý không được thoả mãn. Hàn Mặc Tử có lúc cũng không ra khỏi sự nghi kỵ, dằn vặt đời thường. Có lúc ông nghi oan người yêu có tình ý với người khác, buông ra những lời thơ hờn giận:
Mai tiên nữ! Đọc hồn ta cho rõ:
Đau không rên, chết cũng mặc mình thôi!
Mối tình si đã lỡ vỡ tan rồi,
Ta chỉ biết lặng nhìn thiên hạ khóc…
Hay là:
Tim hồn ta quằn quại giữa lầm than
Để trở lại những ngày đầy huyết lệ!
(Thầm lặng – HMT)
Sự mặc cảm đó cũng dễ hiểu: bản thân ông bệnh tật, người yêu thì trẻ đẹp lại ở cách xa…
Hôm nay trong lẽ sống thường tình trước mọi sự đổi thay, thăng trầm nhân thế… ta thưởng thức những tri âm, tri kỷ ấy càng thấy thiên tình duyên trác tuyệt này như một sự lạ cõi đời. Trong thời buổi kinh tế thị trường chi phối cả trong tình yêu trai gái và những mối quan hệ xã hội khác, thì cuộc tình xưa hẳn như một đài thơ diễm lệ, cho ta ngưỡng mộ và cảm phục!
Có phải chăng duyên ấy, phận này cũng đã là tiền định như khi nữ sỹ khóc bên mộ Người vào tháng 4-1941 (khoảng nửa năm sau khi thi nhân tạ thế):
Em đã về đây bên mồ cát trắng
Túp lều tranh muôn thưở đã chung đôi
Tự nghìn năm thượng đế định cho rồi…
(Em đã về đây – MĐ)
Hay cảm vì phận mỏng, tình dở dang, nàng than:
Anh ơi, xin hãy chờ em với!
Hết nợ rồi em sẽ trở về.
(Chắp lại đôi hồn – MĐ)
Ta chạnh nhớ tới câu thơ của cụ Nguyễn Du khi nàng Kiều than ở sông Tiền Đường:
Này thôi hết kiếp đoạn trường là đây!
Về thơ của thi nhân HMT thì chúng ta đã biết nhiều. Ở đây, qua tập thơ đôi hồn còn cho chúng ta thưởng thức tài hoa của nữ sỹ Hoàng Yến – Mai Đình… như Kiều Văn đã nhận xét trong lời giới thiệu tập thơ:
– Đó là một giọng thơ giản dị, chân thực mà sâu sắc, nồng nàn… Là thứ thơ huyết lệ. Hàm chứa những tình cảm cao quí thiêng liêng, thuỷ chung…Xứng đáng là tiền bối của thơ tình Xuân Quỳnh và các nữ sỹ khác sau này.
Nói thế có lẽ vẫn chưa đủ, bút pháp thơ của nữ sỹ Mai Đình có lúc quặn thắt, đau đớn như Nàng viết:
Nguyện để tang anh suốt một đời!
Nhưng trước tình yêu non sông đất nước, ta lại còn chứng nhận một phong cách cũng thật hào khí:
Chút nợ ân tình trả chưa xong
Đành mang tâm sự mãi bên lòng
Sắt son đã chẳng cùng nhau trọn
Em phải đem mình gửi núi sông.
(Trăng cũ – MĐ)
Gợi ta nhớ tơi âm hưởng những câu thơ đầy hùng khí, trác tuyệt của nữ sỹ Ngân Giang trong bài Trưng nữ vương:
Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi,
Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá!
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi.
Vào năm 1996 – Báo chí đã đưa tin về nữ sỹ Mai Đình… khi đó Bà bước vào tuổi thọ 80, Bà đã đến Gành Ráng, Qui Nhơn một lần nữa để thăm lại mộ của cố nhân. Một lần nữa, những giòng lệ xót thương lại chảy tràn trên đôi mắt Bà như thưở còn con gái, như câu thơ Bà đã viết:
Tóc trắng, tình xanh mộng chửa tàn.
Khi đó tuy tuổi đã già, cũng theo lời kể của Đắc Trung:
– Nữ sỹ Mai Đình vẫn giữ được những nét đẹp kiêu sa, quí phái. Mái tóc dài bạc trắng chải rất mượt, búi rất gọn. Da hồng, mắt sáng, miệng tươi. Giọng nói nhỏ nhẹ mà đầy âm hưởng. Khăn hoa áo lụa hảo hạng…
Để kết thúc bài viết về thiên tình ca trác tuyệt có một không hai này, tôi xin trích dẫn những lời thơ trăng trối của thi nhân Hàn Mặc Tử viết để lại cho người yêu. Đấy cũng là những bút tích cuối cùng, trong thi phẩm cuối cùng của Ông lưu lại cõi trần gian – Người đã Trút linh hồn trước lúc đi xa:
Ta trút linh hồn giữa lúc đây
Gió sầu vô hạn nuối trong cây,
– Còn em, sao chẳng hay chi cả?
Xin để tang anh đến vạn ngày!
.