/

Gởi Gò Công và các bạn
Một.
Năm tháng đời người. Một khoảnh khắc. Một sát na… xét đến cùng chỉ là điểm vô thường trong dòng thời gian chảy cuộn bời bời, trong cõi phù sinh ồn ả luôn bứt phá về phía trước. Bầu trời vẫn trong. Vẫn xanh. Mây xếp tầng. Mây thả trôi mênh mang…Vài cơn mưa chuyển mùa bất chợt đổ ào làm dịu phần nào oi bức cho xôn xao hoài nhớ .
Tháng Tư buổi ban đầu… Tháng Tư – Mùa Xuân.
Tháng Tư 1975. Khắc thời Đất Nước rạng chân trời mới. Lịch sử, Dân tộc sang trang mới. Như là điểm chung cho nhiều, nhiều người cứ chọn Tháng Tư – Mùa Xuân để về nguồn, hội ngộ, tâm tình… để nhớ về một chặng đời, một nơi chốn đã trãi qua.
Tháng Tư, tôi lại về Gò Công – nơi đã từng đến, từng đi. Mới năm ngoái đây thôi, nhóm cựu học sinh khóa 14 TH Gò Công (Trương Định) gởi thư mời về họp mặt. Tôi và vài người bạn cùng dạy thời ấy- Phinh dạy Địa, Sơn dạy Lý, tiếc là không có Tuấn Tú cũng dạy Lý hiện định cư ở Mỹ – lại có dịp qua phà Mỹ Lợi nối Cần Đước sang xứ Gò. Là dân thành phố chính hiệu, sinh ra lớn lên, học hành nuôi ước mơ, thả hoài bão bay cao dọc dài những con đường mát rượi hàng me, trong quán xá trầm tư thơ nhạc. Vậy mà những ngày đầu vào đời lại là ngôi trường của vùng đất mặn có biển Tân Thành lộng gió. Đám lá tối trời huyền hoặc anh hùng Trương Định. Sơ- ri trái đỏ, bánh giá mời khó chối từ. Phà đã ra đến giữa sông. Hai bạn đi xe máy phải chen vào giữa khoang, mình tôi đứng phía ngoài. Gió dậy từ xa lên vờn tóc tai. Qua phà, ơi những chuyến phà…Những đầu tuần, giữa tuần hết những ngày dạy phà đón tôi về Gò, đưa tôi lại phố thị, gặp bạn bè…Lại đi, về…. Nỗi bồi hồi cũng dâng theo. Chiều đi mây trắng ngút ngàn/ Cùng ta mấy kẻ bâng khuâng xuống phà…
Chúng tôi đến vừa sát giờ họp mặt. Những em học sinh nam, nữ trong đồng phục học trò đón và cài hoa cho thầy cô giáo cũ. Khá đông những bạn dạy ngày trước đã có mặt sớm hơn. Những mái tóc pha sương, có người đã bạc trắng. Hơi ngỡ ngàng rồi cũng nhận ra nhau. Tháng 11 năm 1973 tôi về dạy môn Triết học lớp 12 với tư cách giáo sư hợp đồng. Thời gian biểu tôi dạy chỉ có ba ngày. Trường không có chế độ họp hội đồng hàng tuần như bây giờ, chỉ có giờ nghỉ giữa buổi thầy cô giáo vào văn phòng gặp chào hỏi nhau. Hoặc biết tên người dạy cùng lớp qua học trò của mình.
Loa từ khán đài vang vang mời thầy cô giáo cũ vào gặp gỡ giao lưu và cáo lỗi hẹn giờ khai mạc trễ ba mươi phút vì còn người ở xa chưa về. Dòng chữ xanh “ Họp mặt cựu GV – HS khóa 14 TH Gò Công 1976” lấp lánh. Chưa kịp ngồi chúng tôi đã bị vây bởi những cái nắm chặt tay, ánh mắt nụ cười hân hoan của những cô cậu học trò …ba mưoi sáu năm xưa! Thu Nga, Văn Hợp giờ nối nghiệp chúng tôi, giáo viên của trường. Bạn đứng trên đài mang cà- vạt đỏ đó thầy, nhà doanh nhiệp trẻ trong tốp 100 toàn quốc tài trợ buổi họp mặt này…Một niềm vui nhỏ len nhẹ trong tôi bởi không gì hạnh phúc hơn khi biết được công sức mình bỏ ra đã thu về trái ngọt thơm lành. Một lớp trẻ học trò của mái trường Gò Công của những ngày tháng Tư đã thành nhân, thành đạt. Tôi giơ tay chào Văn Huyện, Văn Chương, Duy Tư…những bạn dạy thời ấy giờ đều qua tuổi “lục tuần”. Tần ngần tôi nán lại dưới tàn cây phượng nhìn lên là dãy lầu cao phía trong. Lớp 12 học trên tầng ba mà tôi có giờ dạy đầu tiên khi về trường. Ở vùng quê, các em lớn phổng phao nhờ quen việc ruộng đồng chỉ kém tôi bốn năm tuổi. Nhiều học sinh gái đã ra dáng thiếu nữ với tà áo dài trắng, mắt trinh nguyên tóc mượt mà. Học trò xếp hai hàng chờ thầy dạy đến. Thầy ơi, có run không thầy…Một giọng nữ nghịch phá cất lên. Tôi nghiêm mặt, thôi chúng ta vào lớp mà tiếng trống ngực như nghe rõ được ở anh thầy giáo vừa mới qua tuổi hai mươi hai!
Chỗ tôi đứng chính là phòng giám học cũ, nay trường dùng vào việc khác. Đâu rồi dãy bốn phòng học chỉ cách mười bước sải chân? Kỉ niệm hiện về xôn xao. Đâu rồi ánh mắt cậu học trò sửng sốt kêu lên thơ của Việt Cộng sau khi tôi đọc cho cả lớp nghe bài thơ với bao xúc cảm trong tiếng ve râm ran đầu mùa hè tháng Tư lịch sử 1975 ở ngôi trường này ( Bài thơ bắt đầu của Tư Truyền – nhà thơ Triệu Từ Truyền lúc đó ký tên là Nguyễn Ngàn Xưa). ** Các em lại làm khó tôi rồi. Chỉ có thể sẻ chia …vui và xúc động…Phinh vừa nghe xong điện thoại nói với tôi. Vẫn còn “lửa” chán. Giọng Văn Huyện ấm nồng trong mi-crô như ngày còn đứng lớp. Học sinh, phụ huynh nhất là giáo giới xứ này đều yêu mến chất tài hoa, nhiệt tình giảng dạy văn chương của anh dù nay đã là một giáo hưu mấy năm rồi. “ Đệ tử” vừa gọi kìa, chắc không dự tiệc được đâu, mi ở lại mai về. Lại học trò cũ ở Vĩnh Bình réo gọi về họp mặt khi biết chúng tôi đã đến Gò Công. Chắc là phải vậy vì đây là cơ hội ít có với tôi. Bởi Phinh, Sơn ở Thành phố còn tôi là người ở xa nhất, mấy lần trường kỉ niệm ngày thành lập đều không về được. Như bữa nay, rạng ngày đã ngồi xe đò từ Đồng Nai bon về thành phố, gặp hai bạn rồi cùng đi xe máy. 10 giờ mới đến trường cũ…
Hai.
Phải khéo lắm tôi mới ra đến cổng trường. Sẽ về. Về nhiều lần nữa. Học trò cũ, bạn cũ của tôi ơi! Và thật bất ngờ tôi gặp lại anh Thạnh, một tay đàn trong ban nhạc trường của những ngày Tháng Tư ấy. Anh gầy yếu đi nhiều, hơn tôi gần một giáp chứ ít gì. Nhân sinh thất thập…Bất chợt tôi và anh cùng nhìn sang Trung tâm sinh hoạt thể thao Thị Xã đối diện trường. Còn nhớ không bạn…Nắm lấy tay tôi, anh siết nhẹ. Bàn tay xương da nhiều quá. Ôi bàn tay điệu nghệ từng làm thức dậy những cung bậc trữ tình, sôi trào, cho ca khúc, vũ điệu bay lên. Gò Công những ngày đầu miền Nam giải phóng cuốn người người theo dòng chảy mới. Tôi tham gia Ban văn nghệ trường dù không biết đàn hát nhưng bằng cảm thức tự sinh yêu văn, thích làm thơ nhận làm anh “đạo diễn không chuyên” cho các tiết mục kịch. Đất nước, tỉnh nhà đón chào thắng lợi cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc sao có thể thiếu nhạc đàn, lễ hội ngợi ca. Chính tại sân bãi này vốn là sân chơi cho các bạn trẻ địa phương thi thố tài năng chân đất với trái bóng lăn thành nơi tập trung học sinh nhà trường, Thị Xã xếp chỉnh đội ngủ dự mít- tinh, diễu hành. Và cũng là nơi tôi cùng “nhóm diễn viên học trò” tập thô ôn luyện lời thoại, động tác cho những vai diễn thật nhuần trước khi khớp phối với ban nhạc của anh. Nhớ lại, thấy vui và cả “tự hào”. Bởi có mê thích mới lao vào”nghệ thuật” bất kể giữa chiều hay sẩm tối. Chỉ trừ vở kịch thơ tôi cùng ban kịch tập dựng theo nguyên bản của một tác giả thành danh sáng tác. Hai vở còn lại, Màu tím hoa sim dựa theo bài thơ cùng tên của nhà thơ Hữu Loan (tất nhiên có nâng tính Cách mạng ở phần cuối bài thơ cho hợp lẽ ) và Anh hùng Trương Định tôi viết kịch bản và kiêm luôn “đạo diễn” ! Nhiều đêm diễn tại Thị Xã bừng rộn sắc màu, âm thanh các “diễn viên” học trò áo đẫm mồ hôi hết mình với vai diễn, điệu múa.
Nhớ ai vậy bạn? Một giọng mềm, chị Luân đứng sau lúc nào không hay. Chị cũng dân tại chỗ nhưng ở tận Vàm Giồng – Vĩnh Bình quen nhau khi theo học chứng chỉ cuối Lý luận siêu hình đã giúp tôi về với xứ Gò, để có những ngày tháng Tư đáng nhớ này đây. Én đã bay rồi, bay xa nữa kìa. Vẫn hay pha trò như ngày nào. Đã có vài sợi bạc. Chị Luân lên chức bà từ lâu mà nét duyên sắc vẫn còn phảng phất. Gắng giữ sức khỏe. Tụi mình còn gặp nhau nữa, nhà “biên kịch liều mạng”… (vì tôi đã dựng vở kịch dựa vào thơ của Hữu Loan mà khi ấy nhà thơ còn bị treo bút).
Ba.
Tôi muốn chậm chân hơn nữa khi ngang qua ngã rẽ có dãy phòng tập thể của giáo viên năm xưa. Khuôn viên trường giờ bao trọn vậy mà âm vang, hình ảnh nhiều thầy cô như vẫn còn đó. Những buổi chiều, tối nơi đây luôn rộn ràng những ca khúc cách mạng, Nhạc rừng, Tình đồng chí…Anh Nguyễn Lễ Độ – trưởng ban văn nghệ trường chơi đàn ghi-ta, anh Nguyễn Đức Hậu dạy Toán đệm sáo. Ấn tượng là giọng ngâm thơ xứ Quảng của Cao Văn Hòa, dạy một điểm trường ở bến xe Gò Công. Anh là bạn học cùng khoa Triết ở Văn Khoa Sài Gòn với tôi nổi danh là “cao thủ” cờ tướng. Tiếng sáo dìu dặt nổi lên đưa thơ bay bổng:
Nghe em vào Đại học
Nửa tin, nửa ngờ tên lại trùng tên…
… Miền Nam, em ơi còn nhớ
Kháng chiến năm nào gian khổ
Đồn giặc bủa vây, thôn xóm điêu tàn
Mẩu than đen vẽ lên tường gạch đỏ
Những lá cờ sao bên những vòng tròn
…Anh sẽ để riêng một đêm thức suốt
Kể em nghe chuyện chiến đấu miền Nam…
Câu chuyện mở đầu: Thuở ấy, ở quê hương
Anh chỉ học có một trường: Cách mạng…
Nhà thơ Giang Nam được bao người yêu thơ mến mộ qua bài thơ “Quê hương”. Còn với bài “Nghe em vào Đại học” qua giọng ngâm truyền cảm của anh làm xao lòng người nghe (anh như gởi gắm một nỗi niềm với một đối tượng “em” nào đó mà nhiều bạn đoán là đang yêu!). Tôi nghĩ rằng nhà thơ tài hoa của đất Khánh Hòa nếu biết sẽ vui biết mấy khi thơ mình lan tận vào trường học, làng quê…Khắc thời Tháng Tư ấy tôi và nhiều thầy cô giáo trẻ còn nối dài với nhiều hoạt động phong trào. Những buổi lao động XHCN, biểu ngữ, cờ đỏ rộn ràng chúng tôi cùng các em làm sạch đẹp đường phố Thị Xã. Có buổi lao động xa ở Vàm Láng – Tân Thành. Trong đó có chuyến đi nhiều ngày đến các hộ dân kê khai cho đợt bầu cử Quốc hội thống nhất đất nước tháng 4 năm 1976. Ngẫu nhiên trong Tổ tôi do anh Minh Châu người to cao chân chất, dạy môn Địa phụ trách có Én đi cùng. Qua kênh rạch, bờ thửa chông chênh phơi nắng gió ruộng đồng nhọc nhằn mà vui tràn. Trời như xanh hơn, thênh thang hơn theo màu áo xanh Én hay mặc. Những cái nắm tay cùng nhau qua cầu khỉ. Những ca nước mưa ngọt
lịm của Bác Ba, Dì Bảy…Tất cả dịu êm, bồng bềnh lắng đọng mãi trong tôi.
Biệt danh Én mà chị bạn gọi là cô giáo Yến xinh đẹp dạy Tiếng Anh giàu tâm hồn văn nghệ hát hay, múa giỏi thuộc thơ Xuân Diệu, Huy Cận hơn cả tôi. Người đã giúp những vở kịch nói trên “thăng hoa” bằng những bài múa, khúc hát trữ tình. Nhất là nhiệt tình “thị phạm” những động tác múa, giai điệu khó cho học sinh tập theo không chê vào đâu được. Đoàn tụ với gia đình ở nước ngoài khá lâu. Nhưng có dịp về nước vẫn tìm lại Gò Công, về trường cũ…Ngôi trường mà những ngày đầu làm quen với cách dạy mới, cũng lắm boăn khoăn trước những đổi thay nhưng chúng tôi vẫn dồn tâm sức truyền dạy kiến thức, chuyên môn cho lớp trẻ. Bởi chân lý ngàn đời đã minh định, tri thức văn hóa, khoa học là tài sản quý hiếm của dân tộc, nhân loại và lớp trẻ cần được tiếp thu, sử dụng có hiệu quả cho con người, cho cuộc sống… Lan man theo dòng hồi tưởng tôi cũng sắp đến chỗ hẹn với Phinh, Sơn để về với học trò cũ Vĩnh Bình đang chờ gặp mặt.
Bốn.
Nhóm chúng tôi cuối năm 1976 chuyển về dạy trường THPT Vĩnh Bình – Gò Công Đông dần dà theo dòng cuốn cuộc đời có nhiều lối rẽ khác nhau
nhưng vẫn không thôi nhớ mái trường, nhớ vùng đất mặn Gò Công, Vĩnh Bình. Những bạn dạy thân tình, các em học trò chân quê, nhũng điểm nhấn sáng lấp lánh Tháng Tư khơi gợi thầy cô giáo trẻ chúng tôi hòa nhịp với cuộc sống mới dẫu chỉ là những tháng ngày ngắn ngủi.
Người xưa từng xếp niềm vui trùng ngộ cố nhân vào “tứ khoái” khi tha hương, lang bạt trong cõi nhân gian. Còn tôi và nhiều bạn dạy cùng thời thì cái khắc thời vào đời, đặc biệt khắc thời Tháng Tư- mùa Xuân lịch sử là buổi đầu đằm đượm khó phôi phai như nhà thơ Thế Lữ xao xuyến thốt lên cách đây 60 năm hơn, Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ Ngàn năm chưa dễ đã ai quên.
Những bông điệp vàng lay phay làm nền cho màu phượng thắm hồng lên dưới nắng trưa. Alô, Phinh đây quá ngọ rồi. Đệ tử Vĩnh Bình đang chờ. Đón mi ở cuối đường… Đi để đến. Đến rồi đi. Lịch sử và năm tháng đời người như những người tình gắn kết nhau bền chặt thủy chung. Chỉ có điều mỗi người chúng ta neo đậu với thời gian, với lịch sử những gì làm được cho đời, những gì đáng nhớ của đời mình mà thôi…
Vâng, tôi lại đi đây. Đi để có buổi về như buổi về với Tháng Tư hôm nay…
.

Gia Ray – Gò Công, 22/4/2013
NGUYỄN NGUYÊN PHƯỢNG

.(*) Ý Thơ Thế Lữ
(**) Mời đọc bài viết “Triệu Từ Truyền và bài thơ của một thời” – Nguyễn Nguyên Phượng (Triệu Từ Truyền – Dòng thơ giữa đôi bờ tri thức và tâm thức, NXB Trẻ 2013)

/