Trong văn học Việt Nam hiện đại, có nhiều trường phái thơ nổi lên tạo thành một phong trào mạnh mẽ thu hút sự quan tâm của công chúng. Có thể kể đến phong Thơ mới 1932 – 1945, phong trào thơ Tân hình thức ở miền Nam trước 1975 và phong trào Thơ trẻ hiện nay. Nội hàm của ba khái niệm này có sự khác nhau chút ít những giống nhau là lực lượng nòng cốt của cả ba đều là các nhà thơ trẻ.

Tôi muốn dừng lại nói sâu hơn về khái niệm Thơ trẻ, đây có phải là thơ của những người trẻ hay không ? Theo tôi, có hai cách hiểu về thơ trẻ: Một là, thơ của những người trẻ, ở độ tuổi dưới 40. Họ sáng tác sung sức, nội dung thơ tươi trẻ, lãng mạn, hình thức thơ mới mẻ, tân kỳ. Nói chung, họ là những kẻ bứt phá khỏi sự ràng buộc của những nguyên tắc sử thi cứng nhắc trong văn học cách mạng thời chiến tranh.
Tuy nhiên, không phải nhà thơ trẻ nào cũng làm thơ lãng mạn, kiểu cách. Cũng như không phải nhà thơ già nào cũng làm thơ cứng đờ, cũ rích. Nghĩa là cũng có những nhà thơ già viết theo hình thức tân kỳ, siêu thực, cảm xúc trẻ trung, tươi mát chẳng khác gì một chàng trai 20 tuổi. Từ đây, ta có thể hiểu khái niệm Thơ trẻ theo nghĩa thứ hai: chỉ một trường phái văn học. Trong phong trào văn học này, có cả thi nhân già và trẻ chơi chung.
Tuy nhiên, nếu ai đó muốn chơi phép hoán dụ, lấy cái bộ phận chỉ cái toàn thể, lấy lực lượng thi nhân trẻ để gọi tên cho trường phái Thơ trẻ thì cũng chưa hẳn sai. Sân thơ trẻ chủ yếu dành cho giới trẻ chơi nhưng nếu giới già có ham vui nhảy vào thì càng vui hơn chứ sao !
TS. PHẠM NGỌC HIỀN