/

Thời gian nghệ thuật là một phương diện và cũng là một yếu tố quan trọng của nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng. Nhà lí luận người Nga D.X.Li kha Trốp đã khẳng định: Thời gian vừa là khách thể vừa là chủ thể, lại đồng thời là một công cụ phản ánh của văn học. Rằng văn học ngày càng thấm dần ý thức và cảm giác về sự vận động của thế giới trong các hình thức hết sức đa dạng trong cảm giác.  Nghiên cứu yếu tố thời gian nghệ thuật trong văn học là đi vào tìm hiểu khám phá một yếu tố quan trọng của tác phẩm văn học. Nó vừa giúp ta cảm thụ được văn học trong tính cụ thể sinh động, vừa giúp ta cảm thụ được quan niện cụ thể của nhà văn. Bởi trong tác phẩm văn học bắt nguồn từ thế giới nghệ thuật của cuộc đời, của con người; vừa là thời gian được quan niệm bởi nhà văn. Nghĩa là thời gian nghệ thuật là hình tượng thời gian được văn nghệ sĩ thể hiện trong chiều sâu tâm thức hoặc phản ánh hiện thực. Cũng như trong tác phẩm văn xuôi, thời gian nghệ thuật trong thơ khá đa chiều: Thời gian tâm tưởng, thời gian quá khứ hoài niệm, thời gian hiện tại, tương lai…

Tìm hiểu yếu tố thời gian lịch sử trong tập thơ Ngàn xưa (NXB Hội Nhà văn 1998) của nhà thơ đất võ Nguyễn Thanh Mừng ta gặp được bao ngổn ngang kí ức chồng chất lên lớp thời gian đa chiều bao trùm suốt cả 33 bài thơ lục bát. Điều này, người viết cũng muốn giới thiệu, đưa người đọc đến với một vùng văn hóa của một vùng đất từng gánh nặng trên mình nhiều sự kiện lịch sử lớn của dân tộc trong suốt quá trình dựng và giữ nước. Ở đây ta sẽ gặp lại những địa chỉ gợi cảm thức văn hóa, lịch sử như Đồ Bàn, Thành Hoàng Đế…; những cung triều, lăng tẩm; những hiển hách, đau thương, trầm tích; những khát vọng và u hoài… lần lượt hiện về và sống động trong từng vần thơ.
Đọc tập Ngàn xưa, nhà thơ Mai văn Phấn nhận định: Có một thời các nhà thơ tên tuổi như Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan… đã làm nên kì tích trong văn học. Thơ Bình Định kế thừa xứng đáng những tinh hoa của thế hệ đi trước, các nhà thơ Bình Định hôm nay đã đem đến cho văn học một sức sống mới. Nguyễn Thanh Mừng là một gương mặt tiêu biểu cho một vùng thơ từng là chiếc nôi văn chương. Thơ anh tài hoa mà hoành bác, những cấu trúc hiện đại đã từng được trên mặt bằng văn hóa truyền thống (Tạp chí Hải quan 1.1998). Trên Báo Thừa Thiên Huế, số ra ngày 26.8.1998, nhà thơ Ngô Minh viết: Nếu có ai hỏi: Nhà thơ nào viết lục bát dễ thương nhất miền Trung hiện nay? Tôi sẽ trả lời ngay rằng: Nếu tìm được hai người, nhất định trong đó có Nguyễn Thanh Mừng! Vâng, lục bát của Nguyễn Thanh Mừng vừa hiện đại vừa phảng phất phong vị cổ điển, nhẹ như không mà thâm trầm trĩu nặng….  Và còn rất nhiều bài viết, nhận định về Mừng cũng như tập thơ Ngàn xưa của anh. Không chỉ ở thời điểm tập thơ ra đời và còn nhiều năm sau nữa về sau. Bao nhiêu đó cũng đủ để khẳng định sự đủ lớn và đứng vững của một cây bút thơ giữa dọc dài dải đất miền Trung nhiều trầm tích và nắng gió.
Nội dung tập Ngàn xưa là những hoài niệm về ngàn xưa; về những điều đơn giản như ruộng đồng, gò bãi, lau sậy, sim mua; về tình yêu thời cắp sách. Không những thế, những khái niệm thuộc về cảm thức văn hóa như quy, hạc, phượng, loan, lân, long một thời cũng hiện rõ; và ở đó còn có những phế tích của những triều đại đế vương đã đi qua mà bây giờ đã trở thành niềm kiêu hãnh của một dải đất, của một vùng văn hóa xứ sở. Để trình diện được những chuỗi dài văn hóa đó, nhà thơ đã dùng thủ pháp đi ngược thời gian bằng biểu đồ hóa nghệ thuật ngôn từ, áp sát vào những sự kiện lịch sử, vào trong tâm thức người đọc, mà nổi trội như một điểm nhấn tạo thành sự hợp trội là yếu tố thời gian lịch sử, một điểm quen lạ, gần xa, thực và biến ảo trong suốt chiều dài tập thơ.
Trước hết, tên của tập thơ gợi ta liên tưởng đến chiều sâu của cội nguồn dân tộc, của những câu chuyện huyền thoại cổ tích. Nói như nhà nghiên cứu Cao Chư: Mỗi người Việt đều có một sợi tơ mong manh khó thấy, nối tận ngàn xưa. Ngàn xưa xa hút, sợi tơ quá mỏng mảnh nhưng lại rất bền [6,394]. Ấy chính vì vậy mà trong tập thơ, có không ít những bài Nguyễn Thanh Mừng đã mượn tứ những câu chuyện, những vốn từ dân gian, gần hơn là những câu chuyện cổ tích để thể hiện cảm thức của mình. Ở đó, ta bắt gặp hương trầu cay, một câu chuyện có nguồn gốc trong dân gian nói về tục cưới xin, ở đó mối tình của đôi Tân Lang được nhân dân lưu truyền bằng câu chuyện Sự tích trầu cau. Từ câu chuyện này, tác giả đã dẫn dắt ta về với thời huyền sử của của một nền văn hóa, của nước Văn Lang 4000 năm trước. Ở đây mối liên hệ giữa lịch sử với văn hóa dân tộc cũng được tác giả thể hiện khá rõ như một điểm nhấn, tạo được sợi dây giữa những câu chuyện của ngày xưa với thơ lục bát có một một sợi tơ mong manh khó thấy, nối tận ngàn xưa và nay.
Tôi đi tìm vị trầu cay
ngàn xưa nối mối duyên đầu Văn Lang
mà nên lục bát hai hàng
nhớ thương ngui ngút dặm đàng ca dao
(Sinh thành)
Không những thế, trong bài Sinh thành còn có những câu thơ cũng đi theo hướng dân gian hóa kiểu như: Trăng tà dồn dập vó câu/ vệt lông ngỗng trắng rợn màu cả tin/ tấc thành cam hứng nỏ tên/ ba đào trước mặt vương quyền sau lưng.Theo bộ sử ký Đại Việt sử ký toàn thư, ở phần ngoại kỷ do sử gia Ngô Sĩ Liên viết ở thế kỷ 15 chép rằng: Đế Minh sinh ra Lộc Tục, Lộc Tục sinh ra Lạc Long Quân. Kế tiếp Lạc Long Quân và vợ là Âu Cơ sinh được 100 người con trai, 50 người theo mẹ lên núi cùng suy tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu – Phú Thọ. Nước Văn Lang được hình thành vào khoảng năm 2879 TCN và kết thúc vào năm 258 TCN bởi An Dương Vương Thục Phán. Từ đây hình thành quan niệm dân gian coi nước Văn Lang đời Hùng Vương ra đời cách ngày nay khoảng hơn 4000 năm và thường được sách báo nói tới 4000 năm văn hiến. Đến đây sợi chỉ thời gian đã xuyên qua được nhiều mốc lịch sử, nối từ thời Văn Lang sang tận An Dương Vương Thục Phán với những chi tiết lịch sử như: tấc thành, nỏ tên… để rồi kết thúc bài thơ, nhà thơ bật thức như một tiếng vọng về ngàn xưa để ý thức về mình: ngỡ ngàng trong bọc máu đào/  tiếng tôi ràn rụa vọng vào thế gian.
Tiếp theo một số bài thơ như: Cố hương, Từ đường… đã thể hiện khá rõ yếu tố thời gian lịch sử thông qua những câu chuyện cổ tích. Hay nói cách khác, nhà thơ đã mượn những câu chuyện cổ tích trong văn học dân gian để thể hiện điều mình muốn gửi đến bạn đọc. Trong bài Cố hương, Nguyễn Thanh Mừng viết: Nhiều khi trong giấc chiêm bao/ tôi về núi cũ trăng hao bóng gầy/ lối mòn khuất khuất khói mây/ tiếng chim nhỏ nhỏ tàn cây buồn buồn… Một phần chiêm bao cũng là một dạng hồi ức. Mà hồi ức đẹp hơn, nhân văn hơn là những giấc chiêm bao đưa ta về với cái ngày xưa với: núi cũ, tiếng chim, tàn cây, với trăng với bóng…. Cái cũ thường đẹp bởi cái cũ đã hoàn thiện, khác với cái ngày mai chư biết như thể nào. Đó cũng chính là những câu chuyện được xem như cổ tích đẹp, như bà tiên hiền mà thiếu thời ta thường ước ao, thánh thiện. Với khả năng phục hồi những hồi ức, kéo hồi ức sống lại với hôm nay, thêm vào đó là cảm nhận của con người đậm chất tạng thi sĩ nên thơ anh không cực đoan, khuôn mẫu, nếp lề mà có những câu tài hoa, độc đáo kiểu như. Trót vay dáng dấp cội nguồn/ tấm thân lau cỏ linh hồn trúc tre/ hỏi thăm cò hạc suối khe/ có còn nhận mặt bạn bè thơ ngây (Cố hương).
Vẫn mạch những câu chuyện xưa, lớp thời gian văn hóa, thời gian gợi mở tinh thần dân tộc trong tập thơ liên tiếp bậc về trong ta. Ở nhiều bài, anh còn không ngại dùng lối kể chuyện dân gian trong thơ. Nhặt chút sử, chút chuyện cổ, chút di vật, chút phong hóa xưa, những điều đã qua sàng lọc hàng nghìn năm, anh vừa như muốn khơi lại những tinh hoa của truyền thống và như muốn soi rội lòng mình và thể nghiệm thơ [6,396]. Có thể nói câu chuyện Lang Liêu sự tích bánh chưng bánh dày dù mang đôi chút huyền thoại thời Hùng Vương, là công thức đầu tiên của bếp Việt được truyền tụng trong nhân gian và được viết thành văn nhưng đến nay, Nguyễn Thanh Mừng mới đưa vào thơ một cách nhẹ nhàng ý vị đến vậy. Không những một câu mà chỉ trong bốn câu lục bát, tác giả tài hoa này đã linh hoạt gửi gắm tới 3 câu chuyện dân gian, đưa ta về với thời gian của một thời đã lâu, không biết mấy ai còn nhớ. Đó là câu chuyện Lang Liêu, chuyện chàng Mai An Tiêm lưu lạc trên đảo hoang, chuyện tình Trương Chi: Muốn vo nếp gặp Lang Liêu/ muốn trồng dưa gặp mái chèo An Tiêm/ muốn dâng đốt sáo nỗi niềm/ ngang trời giăng một bóng thuyền Trương Chi (Từ đường). Ngoài ra các chuyện Cây khế, chuyện cá chép hóa rồng, chuyện Rồng Tiên, núi Vọng Phu… cũng được tác giả tài tình vận dụng suốt chiều dài tập thơ: Tôi trồng cây khế bên thềm/ ngồi trong lều cỏ mong chim phượng hoàng… và sau đó: Gió và chỉ có gió thôi/ rung cành bứt quả thương người sa cơ (Cây khế) hoặc: Tháng ngày kinh sử chất chồng/ nằm mơ cá chép hóa rồng vinh quy (Ngày xưa trường huyện) và những câu thơ thần tình: Vạc bay lìa xóm Vọng Phu/ chị hai chải tóc tương tư cuối đồng/ trở mình một lá trầu không/ đầm đìa trong cõi long đong đất bùn (Xóm Vọng Phu) hay về với gốc tích của người Việt, anh viết những câu thơ có thể khẳng định chất tài hoa: Về nơi vỡ trứng Tiên Rồng/ em ơi cắt cỏ phiêu bồng mà đan/ lợp lên đỉnh nóc thời gian/ tay nâng vạn cổ lời vang muôn trùng (Lên non). Và cuối cùng, Mừng còn gợi nhắc một thói quen, một tập tục văn hóa tốt gọi là lì xì của người Việt trong ngày đầu năm: Phiêu du qua thế gian này/ đồng tiền của mẹ lại bay về trời/ tôi tiêu pha suốt cuộc đời/ bằng niềm tin – phúc lộc thời bé thơ (Đồng tiền phúc lộc)
Nói như nhà văn Trần Nhã Thụy: Thơ lục bát của Nguyễn Thanh Mừng như mượn cái không khí liêu trai của ngàn xưa để nói về cái hôm nay hay phác họa khúc hát cho ngàn sau (Báo Bình Định 12.2.2004). Nói để nhắc mọi ngươi và cũng nói để nói vậy thôi, tùy người đọc cảm thức chứ Mừng vẫn tin và nghĩ rằng: Đường dài như húp rượu cay/ bao vinh nhục tựa gió lay trước rèm (Mai kia)
Tiếp theo, ngoài những yếu tố về thời gian của những câu chuyện cổ tích, huyền thoại, thời gian gắn với những sự kiện lịch sử cũng được Nguyễn Thanh Mừng thể hiện khá thành công trong tập thơ. Đó là những phế tích, những vùng đất cổ, những phiên chợ Đồ Bàn, là đám cưới Huyền Trân, là đất vua một thời…
Để đưa người đọc về với thời gian của những sự kiện lịch sử, tác giả đã nhập vai cả nhân vật trữ tình thành nhân vật trong tác phẩm trữ tình để dẫn dắt người đọc về ngày xưa một cách thật nhẹ nhàng: Tuổi thơ thả lưới trên sông/ nón cời cắp nách ngước trông mây vàng. Hai chữ ngước trông đã vực cái hồn của ý thơ, của nhân vật trữ tình khá mạnh mẽ để hai câu tiếp, anh viết:  trưa nồm vỗ giấc thuyền nan/ tôi mơ tóc Lý Chiêu Hoàng tỏa hương (Dâng). Lý Chiêu Hoàng là lịch sử, là sự kiện thời gian nhưng cái tài của anh là đã vực cái thời gian lịch sử ấy về với thực tại ý đồ của mình, cho nên hai chữ tỏa hương ở cuối đoạn thơ hay lại càng hay hơn. Trong bài Đám cuới Huyền Trân, có thể nói có những câu lục bát đã chạm tới đỉnh thơ, như: Nghe đồn vua xứ Chà Bàn/ dâng miền Ô Lý rước nàng vu quy.  Hai câu trên nói lên sự thật lịch sử, lịch sử cay đắng và hân hoang được lưu truyền trong chuyện tình giữa vua Chăm Pa Chế Mân và công chúa Đại Việt Huyền Trân một thời để người đọc soi mình nhớ về lịch sử đất nước. Hai câu sau là hai câu thơ xuất thần, có ẩn bóng hình cá nhân, có chí khí của tuổi trẻ, có tâm tư của người yêu nước trong dòng lich sử: tôi mang rượu đến biên thùy/ hắt lên mây trắng biệt ly cả cười. Thật không thể hết lời nói lời ở hai chữ cả cười, cũng không thể nói hết lời về tài lục bát Nguyễn Thanh Mừng. Chỉ trong mấy câu thơ, nhà thơ đã đề cập đến Huyền Trân công chúa, vua cha Trần Nhân Tông, ông tổ của Trúc Lâm Yên Tử và câu chuyện lịch sử liên quan đến quốc gia dân tộc với tiếng nói của tuổi trẻ hôm nay. Lịch sử và hiện tại, cá nhân và đất nước, chí khí và hào hoa, đạo và đời đan xen trong cấu trúc vài câu thơ ngắn nhưng đầy đặn cả thế lẫn tình.
Khác với Đám cuới Huyền Trân, ở bài thơ Đất vua, yếu tố thời gian lịch sử được Nguyễn Thanh Mừng đề cập sang một hướng chệch khác, đó là vùng đất Bình Định lịch sử gắn với các triều vua tên tuổi Yangpuku Vijaya, Chế Mân, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ nay chỉ còn trong bụi mờ lớp rêu thời gian và phế tích. Đúng trước hiện trạng đó, thức lòng, nhà thơ viết: Anh về thăm lại hoàng cung/ thành cao đã phế, sân rồng đã hoang/ đoái nhìn mấy dặm quan san/ áo anh bay lẫn ráng vàng uy nghiêm/ giang hồ dừng bước một đêm/ trúc sen là lính, cỏ bìm là ngai/ kíp ban ngự tửu trong ngoài/ mời sông mời núi mời ai tương phùng/ bóng em xa ngọn đèn chong/ vai gầy tóc rối ẵm bồng con thơ/ truyền quân mã rước một giờ/ ngôi trời cô lẻ trẫm chờ ái khanh (Đất vua). Ngổn ngang di tích, ngổn ngang lịch sử với các cứ liệu trong bài thơ là: thành cao đã phế, sân rồng đã hoang; trúc sen là lính/cỏ bìm là ngai cùng với nhiều từ ngữ mang sắc thái trang trọng như: ngự tửu, quân mã, ngôi trời, trẫm, ái khanh, ban, rước… khơi gợi dáng vẻ hưng phế của một thăng trầm lịch sử.
Mượn chuyện lịch sử để giãi bày thế sự, tâm tư, nỗi niềm, tình cảm cũng là một hướng đi mới chỉ có Mừng mới làm được và hay như vậy. Chính chất tài hoa đó đã không làm cho ý thơ khô cứng mà hết sức mềm mại trữ tình, nặng tình người. Những câu thơ:Anh về phiên chợ Đồ Bàn/ mong tìm quyển sách bìa vàng cho em/ ngựa ô rung lạc bên thềm/ cụ già hàng quán ngồi têm trầu nguồn (Phiên chợ Đồ Bàn) hay: Khuất sâu ngõ cũ hoàng thành/ dáng em thắc thỏm đợi anh qua cầu/ mang thiên chữ nghĩa dãi dầu/ ngàn xưa gửi tới ngàn sau tấc lòng (Phiên chợ Đồ bàn) rồi: Ngày tôi kinh lý phủ Hoài/ rừng cam chín đỏ ngàn mai đương vàng/ ngựa voi cờ xí rộn ràng/ biết ai đứng tựa gốc lan vin cành (Thơ tình trăm năm trước) và: Nay lên Tử cấm thành chơi/ dốc chung rượu mới nghe mùi cảo thơm (Đồng dao phế tích) với những cụm từ phiên chợ Đồ Bàn, ngõ cũ hoàng thành, Phủ Hòai, Tử cấm thành… tuy cũ nhưng hay và đều mới nếu xếp nó vào thăng trầm mang tính thời gian lịch sử. Trong bài thơ Vũ nữ Chăm Pa, Nguyễn Thanh Mừng viết:Nghìn năm sương khói bời bời/ cuốn ta vào một cuộc chơi thần sầu/ bá quan văn võ đi đâu/ mình nàng đứng trước sân chầu đợi ta/ vượt qua mê lộ phù hoa/ nàng là vĩnh cửu, ta là hư không…cũng một sự độc đáo tương tự. Có lẽ, sự sức hút, tên tuổi trong sáng tác thơ của Mừng là cách gọi tên mới những sự vật, di tích lịch sử đã cũ. Điều đó mới làm nên một Nguyễn Thanh Mừng lừng lững giữa đất trời miên viễn miền Trung. Để rồi: Mai này cát bụi nhập nhòa/ biết ai còn nhận ai là cố tri? (Sim trên hè phố)
Từ dấu vết ngàn xưa, thành quách, phiên chợ Đồ Bàn, đám cưới Huyền Trân… đều được Nguyễn Thanh Mừng đưa vào những vần lục bát khá nhuần nhuyễn, tinh tế. Làm được điều ấn tượng đó, tất nhiên không chỉ đơn thuần là sắp chữ nghĩa mà cả một quá trình thức – nhận – cảm thông qua nhiều phương thức để thể hiện.
Trước tiên, có thể nói trong Ngàn xưa, Nguyễn Thanh Mừng đã khẳng định mình ở thể loại lục bát truyền thống dân tộc. Các dạng lục bát thông thường như: nhịp chẵn, hiệp vần, phối thanh đã được anh sử dụng nhuần nhuyễn, và hơn thế nữa, sự vận dụng thanh trắc ở đầu mỗi câu thơ, ngắt nhịp lẻ 3/3 kiểu như: Muốn vo nếp/ gặp Lang Liêu,  muốn trồng dưa/ gặp mái chèo/ An Tiêm… cũng xuất hiện khá dày trong tập thơ. Có thể khẳng định: thể loại lục bát đã là một con thuyền truyền thống có sức tải những vấn đề hiện đại và lịch sử với đủ  đầy những cái hay, cái đẹp mà bạn đọc có thể tìm thấy trong tập thơ.
Đi liền với thể thơ, cách sử dụng ngôn ngữ mơ mơ màng như: Ngày ngày ngẩn ngẩn ngơ ngơ/ trông trông ngóng ngóng mơ mơ màng màng hoặc dễ chừng tưng tửng kiểu: Gặp em xin gởi nụ cười/ cái cười quỵt rượu của người túi khô cũng để để lại một dấu nhấn riêng rất Thanh Mừng. Bên cạnh đó, tần số ngôn ngữ Hán Việt, từ láy, tiểu đối (thành cao đã phế, sân rồng đã hoang… trúc sen là lính, cỏ bìm là ngai) và một số câu thơ mang hơi hướng điển tích của thơ ca Trung đại cũng có một sức hút riêng cho tập thơ và giọng điệu của tác giả.
Thi pháp là một bộ môn mới và thu hút nhiều nhà nghiên cứu tham gia. Ở tập tiểu luận nhỏ này, người viết chỉ tìm hiểu một yếu tố nhỏ trong chuỗi thời gian nghệ thuật của tác phẩm văn học là Yếu tố thời gian lịch sử trong tập thơ Ngàn xưa của Nguyễn Thanh Mừng nên chắc chắn còn nhiều hạn chế về khả năng, phương pháp cũng như tính khoa học. Tuy nhiên, qua đây cũng giúp người đọc hiểu được phần nào về tính nhất quán trong phương pháp sáng tác, ý đồ nghệ thuật, buổi đầu tạo được phong cách riêng của một cây bút thơ đã định hình ở vùng đất võ Bình Định.
Viết không nhiều, tính đến nay Nguyễn Thanh Mừng chỉ mới ra mắt bạn đọc hai tập thơ riêng, đó là tập Rượu đắng (NXB Trẻ 1991)và tập Ngàn xưa (NXB Hội Nhà văn 1998). Thế nhưng chỉ trong Ngàn xưa, Nguyễn Thanh Mừng đã định hình được đam mê, bản lĩnh và hơn thế, anh có một chỗ đứng vững chắc trong lòng người yêu thơ.
Đào Tấn Trực
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng sinh năm 1960 tại Hoài Ân, Bình Định. Anh làm thơ từ thời áo trắng sân trường rồi những năm trên giảng đường Đại học Tổng hợp Huế. Ra trường đi làm nhiều năm, mãi đến năm 1991, anh mới xuất bản tập thơ đầu tiên có tên Rượu đắng (NXB Trẻ), anh cũng viết khá nhiều thể loại như khảo cứu văn hóa, nghiên cứu văn học, truyện ngắn. Đến năm 1998, Mừng mới dám in tập thơ thứ hai với nhan đề Ngàn xưa (NXB Hội nhà văn). Điều đáng nói là với 33 bài lục bát nhưng Mừng đã khẳng định được tên tuổi của mình trong dòng văn học Việt Nam đương đại.
 
Tài liệu tham khảo:
1. Báo Bình Định số ra ngày 12.2.2004
2. Báo Phụ nữ thủ đô số 1.1998
3. Báo Thừa Thiên – Huế số ra ngày 26. 8.1998
4. Báo Văn nghệ số 20, ngày 18.5.2002
5. Ngàn xưa – Nguyễn Thanh Mừng – NXB Hội Nhà văn – 1998
6. Nhà văn Việt nam tại Bình Định  – NXB Thông Tin – 2006
7. Những thế giới nghệ thuật thơ – Trần Đình Sử – NXBGD – 1995
8. Tạp chí Hải quan 1.1998
9. Thi pháp thơ Chế Lan viên – Nguyễn Quốc Khánh – Luận án Tiến sỹ – 1999.