/

                             

 

          Tiếng róc rách nhịp chèo khua sóng nước. Tiếng máy chạy lạch tạch trên nghe khi xuôi khi ngược, và những tiếng nói câu cười phóng khoáng chân quê đã làm nên bức tranh sinh động về cuộc sống của những người sống trôi nổi trên  sông.

          Bất kể là ngày hay đêm, sớm hay chiều. Đời sống thương hồ cứ như những chiếc ghe, chiếc xuồng mãi lao về phía trước để đua cùng thời gian.

          Người đàn ông thì cầm máy hoặc cầm chèo ở phía sau. Còn người phụ nữ thì ngồi trước mũi để trao, đổi, bán, mua… Hàng hóa trên ghe xuồng luôn bày đủ các thứ. Dường như xuồng ghe nào cũng đầy ắp những chuối, cam, xoài, mận, dưa hấu cùng các loại rau củ và cả đồ ăn thức uống, còn có cả hàng tạp hóa dùng cho gia đình v.v… Tất cả đã làm cho những dòng Ngả Năm, Ngả Bảy thành “chợ  nổi trên sông”. Luôn tấp nập, ồn ào kẻ bán người mua, một nét đặc trưng độc độc đáo của miền sông nước Nam bộ. Và đó cũng là niềm vui, nỗi buồn trong cuộc mưu sinh của những ai gắn bó đời mình với kiếp thương hồ.

          Làm nghề thương hồ trên sông luôn đủ nắng, dư sương nên dường như ai cũng thường rắn rỏi mặn mòi, chắc thịt chắc da.

          Hồi tôi còn nhỏ, cha tôi cũng một thời làm nghề thương hồ. Trên chiếc ghe tam bản và cái máy dầu lạch tạch trên sông là đời sống của cả gia đình. Cứ rài đây mai đó các nơi để mua những thứ trái cây đem về chợ nổi Ngã Năm và các vùng lân cận để bán. Nào là bưởi vàng tươi, nào vú sữa bóng hới. Rồi nào quýt, nào nhãn, nào xoài… Tất cả điều có những mùi thơm đặc trưng làm tôi luôn thích thú.

          Nhớ có hôm bán hàng xong, cha tôi cùng mấy người bạn thương hồ đậu ghe cập gần với nhau rồi vừa lai rai chai đế vừa nói những chuyện nhân tình thế sự trên đời. Đêm về khuya, màu trăng soi lấp lánh trên mặt sông. Cha cùng mấy người bạn ngà ngà say lại đem cây đàn ra, người đàn, người hát làm cho không gian trên sông cũng chìm vào nỗi niềm tâm sự kiếp thương hồ. Câu vọng cổ mùi mẫn đan xen cùng tiếng gió rì rào trên sóng nước làm tôi chìm vào giấc ngủ thật say. Khi mở mắt ra thì một ngày mới đã bắt đầu.

          Tôi cũng đã từng chứng kiến những lễ cưới được tổ chức ngay trên sông do ba bốn chiếc ghe cập lại. Họ cũng treo đèn, kết hoa… nhìn vừa lạ mà cũng thấy vui. Bởi cô dâu, chú rễ đều là con cháu của các chủ ghe. Họ chọn ngay bến chợ neo ghe lại, vậy là bè bạn thương hồ trở thành sui gia, cùng dìu dắt con cháu mình theo nghề lênh đênh sông nước.

          Khi đời sống trên sông gặp khó khăn, cha tôi đã bỏ nghề thương hồ lên bờ làm rẫy. Từ đó những ngày lênh đênh trên những ngã sông đối với tôi cũng trở thành kỷ niệm.

          Trở lại bến sông xưa vẫn vầng trăng đêm buông màu óng ánh. Vẫn những chiếc ghe xuồng ngược xuôi của đời sống thương hồ. Dường như trong tôi vẫn còn luyến lưu từng  câu ca vọng cổ tỏa lan theo sóng nước lúc đêm về.

          Thương lắm dáng áo bà ba phất phơ trước gió, và chiếc nón lá che nghiêng soi bóng mặt sông dài. Ghe thương hồ vẫn lao về phía trước. Những chuyến hàng thơm thảo gởi hương tình. Ai bán ai mua sau một ngày tắt nắng. Để lại ngã sông bao tâm sự lòng  người.

 

                                                                                        Trần Thị Thùy Linh

 

Địa chỉ: Trần Thị Thùy Linh

Hộp thư số 2

Bưu điện huyện Cù Lao Dung

Tỉnh Sóc Trăng

ĐT 01686183173