Tạo hóa thật tuyệt vời khi đã trao cho mỗi người những sở thích, quan điểm, cách nhìn nhận về cuộc sống khác nhau, chẳng ai giống ai. Vì thế, ngạn ngữ phương Tây có câu: “ Thị hiếu là cái không thể bàn cãi được”.

    Vậy, thị hiếu là gì? Thị hiếu là xu hướng ham thích về hứng thú của chủ thể trong tiếp nhận các giá trị thẩm mỹ. Thị hiếu thẩm mỹ thường để chỉ sở thích chung của một loại người nhưng được thể hiện qua từng cá nhân với cá tính đa dạng. Tùy vào trình độ và lối sống của từng người mà nảy sinh thị hiếu cao quý hoặc thị hiếu thấp kém.
    Thế tại sao phương Tây lại cho rằng: “ Thị hiếu là cái không thể bàn cãi được” ? Vì thị hiếu là sự thích thú, lựa chọn, sở thích của một cá nhân hoặc nhóm người nào đó. Thị hiếu có thể bắt nguồn từ những vấn đề quen thuộc như ăn uống, giải trí, lao động, học tập…Người thích sân khấu, kẻ yêu ca nhạc, người mê thơ, văn chương, hội họa, lại có người thích chơi hoa, chim cảnh…Thị hiếu còn mở rộng phạm vi đến những vấn đề lớn lao như: chính trị, đạo đức, tôn giáo, khoa học…Chẳng hạn, bạn có thể theo Tín ngưỡng Phật giáo còn tôi lại theo Thiên Chúa giáo. Bạn có thể giáo dục con cái theo quan điểm này còn tôi lại thích giáo dục con cái theo khuynh hướng riêng của tôi. Như vậy, rõ ràng ta thấy thị hiếu là một vấn đề vô cùng phong phú, đa dạng, nó góp phần làm nên cái tôi, cái riêng của mỗi cá nhân, từ đó làm cho cuộc sống thêm nhiều hương vị, màu sắc.
.
/
     .
     Trong xã hội loài người, con người là một chỉnh thể, mỗi người là một cái riêng, cái đơn nhất, do vậy tồn tại sở thích cá nhân, thị hiếu cá nhân. Vì thế, có thể cho rằng: “Thị hiếu là cái không thể bàn cãi được”. Bởi, thị hiếu được thể hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau, qua nhiều đối tượng, tầng lớp, giai cấp khác nhau. Hơn nữa, thị hiếu thẩm mỹ nghiêng về phía tình cảm sẽ thay đổi nhanh, nếu nghiêng về phía lý trí thì sẽ bền vững, ổn định hơn. Trình độ học vấn, mức độ được giáo dục về mặt thẩm mỹ, được tiếp xúc với nghệ thuật, ảnh hưởng và chi phối mạnh đến thị hiếu thẩm mỹ của mỗi cá nhân. Thị hiếu thẩm mỹ ở mỗi con người không phải là bẩm sinh, bất biến mà thay đổi tùy theo từng lứa tuổi, từng thời kỳ, theo giới tính khác nhau.
Lấy ví dụ như xu hướng thời trang ở phương Tây vào thập niên 60 – 70, phụ nữ nhà giàu mặc quần âu trơn với áo khoác măng tô, áo sơ mi in hoa, kết hợp với áo tunic dài hoặc phỏng theo phong cách thủy thủ. Ngày nay, người ta thích kiểu quần jean – áo pull vì nó đơn giản và thoải mái, phù hợp với xu hướng trẻ trung, năng động. Quay trở về với Việt Nam, thị hiếu thẩm mỹ truyền thống của con người Việt Nam thích những giai điệu êm ả, dịu dàng, mượt mà nhưng lắng đọng có âm sắc từ thiên nhiên, như giai điệu của các bài hát ru, dân ca, tuồng, chèo, cải lương. Đến ngày nay, khi mà thời đại hội nhập quốc tế toàn cầu nên thị hiếu về âm nhạc của ta có sự thay đổi. Một bô phận người trẻ tìm đến những bài hát mang phong cách: rap, rock, pop ballat, DJ…
      Thị hiếu thẩm mỹ của từng cá nhân luôn thay đổi, biến hóa từng ngày, từng giờ, vì thế việc bàn cãi về thị hiếu sẽ là cái không thể bàn cãi được. Thật khó để giải thích được tại sao tôi thích cái này, anh thích cái kia. Điều này chỉ có thể giải thích là thị hiếu cá nhân có tính xã hội.
/
     Mặc dù thị hiếu thẩm mỹ mang tính cá nhân, song những phán đoán, đánh giá thị hiếu thẩm mỹ lại bị chi phối bởi những quan điểm thẩm mỹ, quan điểm chính trị, đạo đức, triết học và suy cho cùng tính xã hội của thị hiếu thẩm mỹ lại có ý nghĩa định hướng những giá trị của mỗi cá nhân thành giá trị chung của toàn bộ xã hội. Giới trẻ Việt Nam hiện nay thích những “mốt” thẩm mỹ như đua theo hình tượng giới nghệ sĩ Hàn Quốc, nam thích để tóc dài, nhuộm nhiều màu,…còn nữ thích tóc duỗi, cắt nhiều tầng, nhuộm…Đành rằng, đó là sở thích, thị hiếu của mỗi con người, không ai có quyền cấm cản, nhưng có câu: “Ăn cho mình, mặc cho người”. Ta cho rằng kiều tóc như vậy sẽ đẹp và hợp thời trang, nhưng phải xem nó có phù hợp trong môi trường học tập và những nơi tôn nghiêm không? Mốt có thể làm cho những yếu tố truyền thống trở nên lỗi thời, không phù hợp với cuộc sống hiện tại. Cũng có thể chính bản thân mốt nếu không phù hợp với hoàn cảnh tâm lý – xã hội, không phù hợp với môi trường, không hòa nhịp với xu thế vận động xã hội sẽ nhanh chóng bị loại bỏ.
     Trước tình hình đó, việc giáo dục thẩm mỹ cho công chúng, đặc biệt là lứa tuổi trẻ đã trở nên một vấn đề quan trọng và cần thiết, chúng ta hòa nhập chứ không hòa tan. Thực tế trong mấy năm qua các nhà phê bình và báo chí đã rất bối rối, không dám hoặc khó lên tiếng phê phán những thị hiếu thẩm mỹ tầm thường, a – dua, lộn xộn, lo chạy theo “mốt”. Từ góc độ này, mặc dù thị hiếu là cái không thể bàn cãi nhưng chúng ta có quyền can thiệp, điều chỉnh thị hiếu đó cho phù hợp với chuẩn mực đạo đức của xã hội. Thị hiếu thẩm mỹ còn được coi là “tính trội của hành vi”. Nghĩa là, qua thị hiếu thẩm mỹ, ta có thể đánh giá năng lực của chủ thể thẩm mỹ.
       Thị hiếu thẩm mỹ, nói gọn lại là sự nhạy cảm về cái đẹp, là “thú chơi”, thú thưởng ngoạn tinh thần hơn là thực dụng về vật chất. Nhưng cái đẹp ấy phải luôn luôn gắn bó với cái Chân, cái Thiện. Một thị hiếu tốt là năng lực có được khoái cảm do cái đẹp chân chính đưa lại, là nhu cầu thụ cảm và sáng tạo cái đẹp trong lao động, sinh hoạt, trong nghệ thuật. Hãy biết lựa chọn cho mình một thị hiếu thẩm mỹ phù hợp, biết thụ cảm sự hài hòa giữa hình thức và nội dung, biết nhận ra giá trị thẩm mỹ của các hiện tượng xã hội, của các tác phẩm nghệ thuật dưới ánh sáng của lý tưởng thẩm mỹ tiên tiến bạn nhé!!!
Huỳnh Thị Thanh Trang

Lớp: CGM1101 – ĐH Sài Gòn