Một người con sinh ra không biết mặt cha. Anh đã lặn lội bằng chuyến trở về nguồn để được biết cha mình là ai? Rồi trong hành trình ấy, anh đã tìm kiếm được cha cho chính mình và tìm kiếm học bổng cho gần 1.000 người con mang hai dòng máu Hàn – Việt. Anh chính là Trần Văn Ty, Trần Đại Nhật tên Hàn Quốc là Kim Sang IL.

 
Đau khổ ghi giấy khai sinh
 
“Tôi sinh ra không tìm thấy quê hương/ Không có cha những ngày tôi còn nhỏ… Tôi còn nhớ ngày dẫn tôi đến trường/ Chiếc áo sờn vai, mảnh quần rách gối/ Nép bên mẹ, tôi như người có tội/ Tội sinh ra đời mang dòng máu con lai… Khai sinh ghi cha tôi: vô danh” – đó là lời tâm sự của anh qua bài thơ “Những đứa con lạc loài trong phố”. Trần Đại Nhật là con lai giữa kết quả tình yêu của một cô gái làng chài Tuy Hòa – Phú Yên và một người lính Hàn đánh thuê cho Mỹ ở Việt Nam. Năm 1973, người cha vội vã từ Cam Ranh trở về cố quốc. Mẹ một mình nuôi con trong sự tủi hổ, hắt hủi ngay cả chính người thân và hàng xóm. Trần Đại Nhật cũng vậy lớn lên trong tủi phận, lao động vất vả làm đủ mọi nghề từ dắt heo đực đi thả giống đến chăn bò, cắt cỏ… nhưng anh không xấu hổ. Chỉ xấu hổ khi bạn học chọc ghẹo “đồ con lai”, và đớn đau hơn khi người hàng xóm dè bỉu, khinh rẻ “đồ con hoang”. Anh may mắn có mẹ bên cạnh làm chỗ dựa tinh thần “Chiến chinh đi qua, vật đổi sao dời… Con lớn khôn mới hiểu lòng mẹ. Dù vật chất đói nghèo, tình vẫn thế. Mẹ một lòng tần tảo để nuôi con” (Mẹ). Anh quyết tâm học nhưng trong lòng vẫn gióng lên câu hỏi “Tại sao tôi không có cha? Tôi không có tội. Những đứa con lai vô tội” càng thôi thúc anh tìm cha.
 
Hành trình tìm cha
 
Hy vọng tìm cha nhen nhóm khi anh nghe tin có Hiệp hội Hảo tâm Hàn Quốc sang TPHCM tìm giúp con lai Hàn. Anh vội vã khăn gói vào Sài Gòn, đó là năm 1989. Để có thể nhờ người Hàn tìm giúp, anh học tiếng Hàn và thi vào vào trường Đại học và tốt nghiệp ngành Ngữ văn-Báo chí. Lân la, dò hỏi đến cả đi phát báo, anh đã làm quen thêm được nhiều người Hàn rồi tìm được việc trong một công ty Hàn. May mắn công ty này gởi anh sang Hàn Quốc học thêm kinh doanh và tiếng Hàn ở trường ĐH Yonsei, đồng thời vừa làm việc tại tổng hành dinh công ty phụ trách khu vực Đông Nam Á. Những ngày cuối tuần, anh đi tìm những người Hàn từng đến Việt Nam trong chiến tranh nhờ tìm cha, thậm chí anh đã vào tận những sư đoàn Bạch Mã (đóng ở Đèo Bánh Ít, Ninh Hòa, Khánh Hòa), Thăng Long (Chu Lai, Hội An) Mảnh Hổ (An Sơn, Bình Định)… từng tham chiến ở miền Trung Việt Nam và vào cả những cơ quan chức năng Hàn Quốc để nhờ họ tìm cha mình. Hạnh phúc mỉm cười anh đã gặp cha. Nhưng ngạc nhiên hơn anh lại không nhận cha. Trần Đại Nhật uất ức: “Tôi đã nói với ông ta, tôi thật sự thèm khát tình cha con nhưng không phải vì vậy mà người đàn ông Hàn nào tôi cũng gọi là cha. Mặc dù tôi đã vất vả đi tìm trong nhiều năm. Nếu ông chịu sang Việt Nam để mẹ tôi nhận mặt gọi là chồng thì tôi sẽ gọi ông là cha”.
 
Xây dựng câu lạc bộ con rơi Hàn
 
Tủi thân cho mình và cho hàng ngàn con lai khác, anh đã kêu gọi từ chính những người Hàn Quốc sang làm ăn, sinh sống ở Việt Nam giúp đỡ con lai Hàn. Từ bản thân, anh đã có nghĩa cử cao đẹp giúp lại thế hệ mình và thế hệ con cháu mình, chúng tôi hỏi. Anh giải đáp: “Tôi được may mắn có cơ hội đi nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, chứng kiến bao mảnh đời luân lạc, đang trầm luân trong khổ não của những người con lai Hàn, không những chính họ mà còn của con, cháu họ. Như thể sự đói rách, khổ đau, dốt nát là gia tài của người con lai Hàn, được truyền lại từ đời con sang đời cháu. Đa số không có giấy tờ tùy thân, không nghề nghiệp, nhà cửa… bị ruồng bỏ và bị ghẻ lạnh. Họ đang sống cuộc sống vô cùng khốn khổ dưới đáy xã hội, làm nhiều nghề lao động chân tay: quét rác, hốt phân, bồi phòng, phụ hồ, bán vé số… Họ mong được tồn tại, dù lây lất qua ngày, với hy vọng mong manh là biết đâu một ngày nào đó, họ sẽ được bảo lãnh sang Hàn Quốc, như những người con lai của Pháp, Mỹ, Nhật, Úc, Tân Tây Lan…, sau chiến tranh Việt Nam, đã được bảo lãnh từ lâu. Nhưng không, họ tuyệt vọng. Tôi có nhiều cuộc tiếp xúc với người Hàn, có đưa vấn đề này nhưng hầu hết đều nhận… cái lắc đầu. Hình như mọi người đều muốn quên đi quá khứ; quên hết những kỷ niệm đau buồn mà những người lính Đại Hàn đã tham dự vào cuộc chiến Việt Nam…”. Anh đau khổ, thốt ra: “Chúng tôi là con người! Không phải là những đứa con hoang. Chúng tôi là một con người, không phải là phế liệu của chiến tranh mà người ta sẽ vứt đi sau khi đã dùng. Như hầu hết mọi con người đang sống trên mặt đất, chúng tôi cần có quê hương, tình yêu thương, công việc… và một người cha, dẫu đã muộn màng. Chúng tôi là nạn nhân của chiến tranh. Chúng tôi không có tội!”.
 
Trần Đại Nhật đã sang Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc để vận động học bổng cho các con lai thế hệ thứ ba. Tìm những người cha, chồng Hàn Quốc trong thời bình: “Trăn trở lớn nhất của tôi chính là làm sao bù đắp lại nỗi đau của các bà mẹ Việt Nam đã chịu đựng hi sinh nhiều từ tinh thần cho đến vật chất, nỗi đau đó bây giờ phải làm sao để họ lấy lại danh dự của người phụ nữ Việt Nam hiền hậu, chất phác, chung thủy với chồng hi sinh hết cả cuộc đời với con. Họ còn chịu đựng, chịu thương, chịu khó và đã chịu nhiều “tai tiếng”. Tôi đi về Hàn Quốc đã gần 20 năm nay. Có nhiều người mời tôi ở lại, cho nhập quốc tịch nhưng tôi từ chối vì tôi đã sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Tôi làm việc trong tinh thần tranh đấu, bởi tôi nghĩ đó là việc làm nhân đạo, đòi lại quyền lợi, sự công bằng cho người phụ nữ Việt Nam. Ngoài ra, mục đích cao hơn là tranh đấu để các cháu thế hệ con cháu lai Hàn thứ ba được đi học và có tương lai” –Trần Đại Nhật tâm sự.
/
 
Viết văn, làm thơ về đề tài con lai
 
Hằng ngày truyền hình công chiếu về xứ sở kim chi – một đất nước quá tươi đẹp của Nam Á nói riêng, châu Á nói chung – một miền đất hứa của những cô gái lấy chồng Hàn nhưng khi đọc “Những mảnh đời luân lạc”, NXB Hội Nhà văn, 2008 của nhà văn chính hiệu con lai Hàn – Trần Đại Nhật, chúng tôi mới thấy, ở đó lần trở lại cách đây hơn bốn mươi năm những người lính “đánh thuê” được gọi là Sư đoàn Mảnh Hổ đã tham chiến tại Việt Nam 9 năm (từ 1965 đến 1973) với những hệ quả của hậu chiến là mảnh đời luân lạc của những đứa con lai Hàn, hậu duệ con lai. Đề tài con lai Hàn chính Trần Đại Nhật một mình một chiếu phản ánh xã hội con lai thành công. Tuy có những truyện chưa phải là truyện chỉ là tư liệu, ghi chép… nhưng phần nào cung cấp một bức tranh rất hiện thực về một xã hội con lai Hàn được thu nhỏ tại Việt Nam.
Số phận đó chính tác giả là người trong cuộc, anh đã “chịu khó” đi tìm lại “những mảnh đời luân lạc” để dày – dụng công thể hiện qua ngòi bút bằng những trang văn nhân bản tuy có xót xa với thực tại nhưng ấm lòng cho “tiếng nói” chung của … con lai.
 
Tập truyện ngắn này ra đời, như tâm sự của tác giả: “Đã nhiều đêm tôi không ngủ. Bao hình ảnh khốn khó, bao cuộc sống đọa đày của những người con lai Hàn Quốc, của những bà mẹ già với ánh mắt mờ nhòe, tuyệt vọng đã ám ảnh tâm trí tôi. Tôi không thể không ghi lại những mảnh đời luân lạc này, như những nỗi buồn cần chia sẻ, như một tiếng lòng chung của những thân phận đã từng bị xã hội gọi là con hoang… Những mảnh đời luân lạc tập hợp phần lớn truyện ngắn tôi viết trải dài trong khoảng đời 19 năm quan sát, theo đuổi đề tài và số phận những đứa con lai Hàn – Việt, những người dân quê yêu ruộng vườn, mảnh đất gắn bó suốt cuộc đời họ. Bối cảnh của những câu chuyện xảy ra trải dài ở các làng quê từ Phú Yên đến Cam Ranh. Có một điều thú vị bây giờ mới tiết lộ: đó là không hiểu sao, số phận cuốn sách cũng long đong như số phận người viết nó. Phải lăn lóc ở một số nhà xuất bản. Cuối cùng mới ra mắt được ở Hội Nhà văn, lại là một nhà xuất bản có uy tín và thương hiệu văn chương cao nhất hiện nay. Tập truyện được những người Hàn Quốc mua bản thảo 2.500 đôla để không phát hành về một quá khứ đau buồn cũng như tương lai… nên tôi quyết không bán”. 
Trần Đại Nhật (sinh 1970 tại Phú Yên), là Hội viên Hội Nhà văn TPHCM. Viết văn từ thôi thúc về thân phận mình và những con lai đồng cảnh ngộ. Ngoài công việc, Trần Đại Nhật còn viết văn, làm thơ như giải bày những gì mình là người trong cuộc và chứng kiến. Anh đến với văn chương từ năm 18 tuổi. Đã xuất bản hai tập thơ “Về mái nhà xưa”,  và “Những đứa con lạc loài trong phố” cùng tập truyện ngắn đầu tay “Những mảnh đời luân lạc”.
 
Vấn đề con lai do chính anh đích thân thực hiện từ năm 1991 bằng những hành trình từ Bình Định đến Phú Yên qua Cam Ranh.
 
Hiện anh là Giám đốc Công ty Du lịch Lữ hành Đại Nhật và chủ trì dự án: Tìm kiếm và xây dựng câu lạc bộ Con rơi Đại Hàn được dư luận quan tâm, chú ý. Đến nay danh sách thành viên của CLB này đã gần 1.000 người, học bổng dành cho học sinh từ lớp 1-12 là 400.000 đồng/tháng; sinh viên là 800.000 đồng/tháng (kể cả sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt). Tất cả sinh viên học tại TPHCM đều có chỗ ăn, chỗ ở, có giáo sư dạy tiếng Hàn (đã có hơn 30 sinh viên và đã tốt nghiệp hơn 10 người). Anh cho biết sẽ còn tiếp tục bổ sung thêm trong nay mai. Hiện tại anh đã đi khảo sát xây dựng được bốn căn nhà tình thương (mỗi căn trị giá từ 70-80 triệu đồng) và sẽ xây dựng thêm nhiều căn nữa. Anh cũng đang xúc tiến xây dựng Trường Trung cấp Dạy nghề cộng đồng cho người Việt Nam. Trong đó, ưu tiên miễn giảm 100% học phí cho con lai Hàn và khi tốt nghiệp tạo điều kiện dạy nghề và giải quyết việc làm cho 50%.
NGUYỄN TÝ- THOẠI KHANH