src=http://bintang.site11.com/Bintang.Travel/Airports/Graphics/Mel%20Airport%201.jpg

Vừa ra khỏi máy bay kết nối của hãng Virgin từ Brisbane xuống đây, tôi phải hối hả nhận lại hành lý và làm thủ tục cho chuyến bay tiếp nối của Vietnam Airlines từ Melbourne về Sài Gòn. Cứ tưởng mình trễ, hóa ra có hơn trăm người cũng trễ tràng như tôi, đứng xếp hàng bực dọc ở bốn quầy check-in. Hầu hết hành khách là Việt kiều đã tranh thủ mua được vé khuyến mãi để về ăn Tết.

Bà con mình thì hàng hóa cồng kềnh đủ kiểu nên các cô làm thủ tục lắc đầu quầy quậy không chịu nhận hàng ký gửi, nếu không phải trả thêm phí hơn hai mươi đô la cho mỗi ký lô. Người ta phải tháo hành lý ra, nhét vào túi xách tay, thì cũng bị các cô tiếp tục rầy rà, nói giỏ xách tay không quá bảy ký. Họ bèn quay trở ra, nhanh nhảu nhờ mấy ông đang đi lơn tơn một mình xách giùm vài ký, cứ như là mấy bà đi buôn thuốc lá lậu trên xe đò Châu Đốc về Cần Thơ ngày xưa vậy, hết nhờ người đến người kia rồi còn lại bao nhiêu thì lận cả vào trong mình.

Với phong cách rất Tây, họ vạch ngay giỏ hàng ra và nói, đây là dầu cá, nọ là sụn cá mập, kia là hai ký cherry, đảm bảo không có ma túy thuốc phiện. Mấy thứ này ở Việt Nam hiếm lắm, mua về làm quà biếu bên anh chị sui, thằng cháu con bà chị, ông Tám ở bên hông nhà của má. Dì kia thì than thở vì không có ai nhận mấy chai nước hoa, nên buồn hiu đứng ở lối đi vào làm thủ tục xuất cảnh. Tui trả công hai chục đô cho chú. Nhận giùm tui đi chú, mua cho đứa cháu sắp lấy chồng ở quê. Đó là tấm lòng của người ở xa gói ghém đem về làm quà cho quê hương.

Ngặt nỗi sân bay Tullamarine có quá nhiều hành khách vì nó là một trong những sân bay trung chuyển đến nhiều nơi trên thế giới. Vì vậy xếp hàng để qua khâu kiểm tra an ninh rất lâu. Có mấy dì ít đi đó đi đây, run run sờ sợ, hỏi nho nhỏ rằng tụi lính nó có rờ rẫm vào mình mẩy của mình không hả mấy bà? Đi máy bay mà như thể là bị bắt đi quân dịch hay đi phỏng vấn xin visa đi Mỹ ở Tổng Lãnh sự không bằng, bị dò xét, máy soi qua soi lại, rồi bị hỏi han đủ điều. Vừa qua chỗ kiểm tra an ninh thì lại tiếp tục đứng vào những hàng người dài bất tận để làm thủ tục xuất cảnh, đông đúc bồn chồn tựa như nhà tù Hít-le. Coi bộ mấy dì cũng mệt mỏi, nên khi vào đến nhà chờ ra máy bay thì dựa ngửa trên ghế, lột phăng cái áo khoác bằng nhung để dành chưng diện ra mà quạt lấy quạt để. Son phấn, má hồng bắt đầu nhạt phai. Thôi kệ, chờ đến lúc máy bay sắp hạ cánh thì mình sửa soạn lại mấy hồi!

/

Vừa lên chiếc máy bay Airbus 330, thấy các cô tiếp viên mặc áo dài màu đỏ thì cứ tưởng mình đã về đến Sài Gòn, thấy gần gũi quá trời! Khoang hành khách tôi ngồi có rất nhiều người Việt, nào là Việt kiều về quê ăn Tết, nào là sinh viên nghỉ hè tranh thủ về thăm người yêu. Tôi có cảm giác như đang đi trên chuyến xe Phương Trang từ Sài Gòn chạy về Cần Thơ, Rạch Giá, ngỡ mình chỉ đang đi đâu đó ở miệt đồng bằng mà thôi. Người này gọi người kia ơi ới, nghe niềm hạnh phúc nhỏ nhoi len lỏi vào cuộc đời. Tôi cũng biết rằng chuyến bay về bao giờ cũng đầy ắp niềm vui, chứ chặng bay qua thì im lìm lặng ngắt, đôi khi còn có nước mắt rơi rớt dọc đường. Chuyến bay về còn có nhiều người trông đợi, chứ lúc quay lại xứ người thì có mấy ai đợi trông.

Phía trên tôi mấy dãy ghế có gia đình gồm một mẹ già, vợ chồng và ba đứa con nhỏ. Xem ra họ hứng khởi quá chừng hay sao mà đánh rơi mất tiêu hộ chiếu. Lúc vào chỗ ngồi thì bà mẹ mới lọ mọ kiếm giấy tờ, rồi tức quá nên chửi đổng anh con trai. Anh ta cũng bực bội vì mớ hành lý cồng kềnh toát mồ hôi hột, lại bị mẹ mắng nên quay sang cự nự vô cớ với cô vợ đang loay hoay thắt dây an toàn. Thế là người này nói một câu, người kia đáp trả lại vô số câu nên biến thành cuộc cãi lộn ầm ĩ.

Cãi vã như vậy chỉ làm người phương tây hoảng vía, chứ tôi thừa biết rằng ai cũng lo lắng giấy tờ, giận thì nói thế chứ lòng thì không phải vậy. Âu cũng là tánh tình quen thuộc của người miền Tây mà tôi đã phần nào hiểu được. Thế là chúng tôi cùng rời chỗ ngồi, lui cui kiếm dưới các dãy ghế phụ giúp cho anh nhưng cũng không thấy gì. Cũng may là nhân viên sân bay thấy anh để quên hộ chiếu trên bàn soát thẻ lên máy bay, nên kịp thời chạy theo mà trao trả. Không màng cảm ơn ai hết, bà mẹ lại lẩm bẩm giận hờn, ừ, mất luôn đi để tao về Việt Nam ở quách cho sướng tấm thân! Lúc ngồi xuống thì bần thần nghĩ lại, chắc vài ba năm nữa sẽ nói với vợ chồng nó cho mình về Vĩnh Long sống với dì út của nó cho rồi, ở bên nay chẳng biết nói tiếng Anh, đi tới đi lui chẳng biết làm gì, chỉ tổ làm gánh nặng cho gia đình nó mà thôi!

Hành khách vừa ổn định thì có một dì đứng tuổi đến trễ với một giỏ xách to tướng, vừa hối hả vừa la làng, sao cô ngồi vào ghế của tui? Ghế này con trai tui đặt mua trên mạng hết mươi đồng bạc chứ phải ít sao! Cô kia cũng không vừa, nói rằng chị nhìn cho kỹ đi nhe, số 39A ngồi gần cửa sổ, chị là 39B thì ngồi cạnh tôi thôi! Kiểu thua đủ chiếm phần tiện nghi sao giống mỗi bận đón xe đò đi đâu đó ở quê mình, mấy bà cũng hay đòi hỏi ghế này ghế nọ cho xứng đồng tiền bát gạo bỏ ra. Đi ra xứ người, chứ nét nhà quê ky bo sao tự nhiên tôi thấy dễ thương quá chừng.

Thế là ấm ức đôi đàng ngồi xuống cho xong câu chuyện. Dì kia lỡ làng nên quay sang tôi nói bâng quơ, lâu quá không về Sài Gòn, muốn ngồi gần cửa sổ cho thấy đã con mắt cảnh sắc quê mình mà thôi. Tôi an ủi dì vài lời, thì phía bên dì đang ngồi chỉ có hai ghế, nên khoảng chín tiếng đồng hồ sau dì cũng sẽ thấy được quê hương. Có lẽ chúng tôi đều đếm tấm lòng tương tư đất nước được đo lường trong từng thời gian của chặng bay.

Chú ngồi trước tôi quay ra sau, hỏi nhỏ rằng ông phi công có chiếu cảnh trời đất mình bay qua hay không hả mậy, rồi làm sao để thấy được hình ảnh Việt Nam trên màn hình trước mặt. Tôi nói mình chỉ nhìn được bản đồ bay mà thôi, chú ơi, cứ như là cái hộp bít bùng vậy! Tiếc quá, vì chú đang ngồi ở dãy giữa nên không thấy gì hết. Tôi cũng như chú vậy, ao ước được nhìn thấy quê hương từ trên mấy tầng cao, nơi mà tôi đã từng thả cánh diều mơ ước bay cao vời vợi để thỏa chí tang bồng. Đến nửa đời người thì giấc mơ đó chuyển thành nỗi niềm ly hương, lại mong thấy cánh diều thuở xưa được bay là đà trên cánh đồng khô cỏ cháy.

Khi máy bay đạt đến độ bay bằng thì mọi người bắt đầu ngả ghế ra sau, bàn tán kế hoạch về quê. Tôi nghe lóm hàng ghế phía sau của đôi vợ chồng già sống ở Melbourne rằng họ sẽ mua miếng đất nhỏ của bà hàng xóm để sau này làm đất hương hỏa, lá rụng về cội. Không biết những chiếc lá như chúng tôi đây có còn kịp trở về nguồn cội, chứ tấm lòng lúc nào cũng khắc khoải quê hương. Chị gái ngồi cạnh bên lại góp thêm ít lời cho câu chuyện thêm phần kết có hậu, hai bác nhớ đi chùa ở Thủ Dầu Một nhe. Có tượng Phật nằm, lớn quá xá lớn, nghe nói thiêng lắm bác ơi, cầu gì được đó. Tui cầu chi nữa cô ơi, chỉ nguyện ơn trên cho chúng tôi được về chết trên mảnh đất Lái Thiêu! Nghe sao mà bỗng dưng buồn quá đỗi, chưa qua hết kiếp người đã toan tính kiếp sau. Mà nếu có kiếp sau hãy cứ cho tôi là người Việt, để tấm lòng mình lúc nào cũng được vương vấn với quê hương.

Nỗi nhớ quê hương lại tiếp tục được bàn tán khi cô tiếp viên bắt đầu phục vụ bữa ăn trưa. Mấy ông thì ngọ ngoạy đòi uống rượu cho bỏ công nhịn thèm lúc đi làm từ sáng đến khuya, mấy bà thì cứ yêu cầu cơm với cá cho xong. Sống mươi năm xứ người chứ nuốt đồ ăn tây không nỗi, vừa ngán tiền mà vừa thấy lờ lợ sao sao. Chỉ có món tráng miệng hôm nay được một phần chè đậu xanh. Nhưng bà bác kế bên lại trề môi khi dể, cả một hãng máy bay to đùng mà không mướn được đứa nào nấu chè cho ra hồn hả bây? Tôi chép miệng, nói ăn cũng được mà bác, chắc tại họ nấu cho phù hợp với khẩu vị của mọi dân tộc hay chăng. Nói như chú thì đâu còn gọi là chè.

Nè, chè táo xọn như vầy là phải lựa đậu xanh cà không có sạn nhe chú. Đậu xanh phải trồng miệt Đồng Tháp, An Giang mới bùi. Xứ mình phù sa ngập đất, ăn hột đậu vào mà cứ tưởng đang ngồi hửi mùi sông cái sóng đánh ầm ầm ngoài đầu cồn vậy! Phải nấu vừa mềm hột đậu thôi nhe, không thì nó nát bấy như vầy nè. Đây là cháo đậu chứ chè gì! Chè gì mà lạt nhách vậy? Chú phải mua đường cát vàng mới được à nhe. Nghe lời người ta dạy trên ti vi nấu bằng đường cát tinh là hư cả nồi chè. Đâu có thơm mùi mía được! Mùi mía ở miệt bùn Hậu Giang, Long Mỹ mà lại vừa vặn với mùi bùn đất miệt đầu nguồn. Sau thì phải tra thêm ít mùi bông bưởi, chứ đừng ham để va-ni hôi rình à. Không có mùi bông bưởi thì có thể xắt lớp vỏ trắng của trái bưởi Cổ Cò, ngâm trong phèn chua cho cưng cứng rồi nấu với chè này là ngon biết mấy. Bản thân tôi không biết nấu món chè này, nhưng hình như mình đang được ăn một chén chè có đầy đủ hương vị đồng bằng. Mùi thơm đồng bằng thoang thoảng trong chuyến bay.

Khi mọi người đang say ngủ, máy bay đi vào vùng không khí loãng nên đột ngột rơi tự do khiến ai nấy đều bị bay bổng lên gần chạm nóc rồi rớt xuống trở lại ghế ngồi. Bà già la hoảng, miệng niệm A-di-đà lia chia. Mặt mày mấy cô xanh mét, ngồi thấp thỏm, lại không hiểu ông cơ trưởng đang nói tiếng Anh chi đó. Mãi một lúc sau thì cô tiếp viên trưởng mới thông báo bằng tiếng Việt rằng máy bay vừa lấy lại độ cao và đề nghị mọi người thắt dây an toàn. Lúc đó mấy ông mấy bà dường như tỉnh ngủ hẳn, sôi nổi bàn luận chuyện sống chết nay mai mà quên béng đi điều hồi hộp vừa rồi.

Chú ở hàng ghế trên lớn giọng nói, hồi nãy sao đứng tim bằng lần chết hụt khi vượt biên qua bên Malaysia hồi đầu những năm 80. Chiếc ghe định mệnh năm đó gặp cướp biển Thái Lan tàn ác, lấy sạch đi hết cả thức ăn và nước uống. Chúng lấy cả vàng vòng của mấy bà mấy cô, còn trói đàn ông đẩy xuống hầm nước đá chứa cá bên dưới, bên trên thì hãm hiếp đàn bà. Tiếng kêu khóc van xin rền rĩ lẫn trong tiếng sóng biển khổ nhục muôn trùng. Có lẽ tại thời vận hay số phận ly hương nên đành ngậm đắng nuốt cay sống nơi này nơi nọ cho qua cơn đoạn trường. Thời xa xưa ấy đã dường như cái chớp mắt, để cho giờ này họ đặng bình an đoàn viên về quê cha đất tổ.

/

Bà bác ngồi cạnh bên cũng cám cảnh, lấy tay áo quệt nước mắt, nói tui già rồi, bước chân ra xứ người cho an phận. Sống dễ chừng mấy chục năm như vậy, cứ cam lòng cho qua để cháu con có cuộc sống đàng hoàng chứ trong lòng chỉ muốn về ngơi nghỉ trên miếng đất ông bà ngày trước. Quê bác ở Bạc Liêu, hồi trước chạy loạn theo người ta nên qua tận Philippines rồi định cư ở Úc, chứ có biết thời thế gì đâu. Lúc ra đi tuổi chừng bốn chục, ngoảnh mặt đã thành kẻ tha hương. Bác nói năm nay nhất định ở chơi qua Tết mới quay trở lại. Hơn ba mươi năm lang bạt xứ người, bác thèm được quay về ký ức thanh bình trong hương vị Tết Bạc Liêu.

Bác thèm được ngồi gói bánh tét chiều ba mươi, nghe mùi khói cay xè khóe mắt từ những khúc củi đước được bác trai đốn từ năm trước còn ngai ngái mùi bùn sình. Rồi xách giỏ đi bơi bơi ra chợ kỳ kèo mua cho được cặp dưa hấu tròn lẵn với nhánh mai vàng đượm nụ để chưng trên bàn thờ tổ tiên. Thèm được lấy miếng xơ dừa cọ rửa cái nồi to đùng treo trên gác bếp để một hồi nấu thịt kho tàu với nước dừa thơm lừng nhà cửa. Thèm được đi chùa đêm giao thừa cầu chuyện gia đạo đặng bình an, sẵn tiện xin lộc chùa về treo trước cửa nhà. Sáng mùng hai lại thèm được ngồi tréo chân trên tấm phản trước nhà miệt Giá Rai, nheo mắt nhìn gió giỡn nắng ngoài sân phơi thóc vụ đông xuân vàng rộm tháng ngày yên ả. Nửa đời người đã gửi lại quê hương, thì một nửa sau cần chi phải bôn ba xứ lạ. Ngày xưa ra đi để mưu cầu bình yên, bây giờ sắp hết kiếp người quay về cũng để cầu được chút bình yên. Bác nói, người ta ra đi vì nhiều lẽ, nhưng ai quay về cũng chỉ có một lý do là muốn được sống lại chính bản thân của mình tại quê hương của mình mà thôi.

Có lẽ những lời bác nói cũng chính xác. Tôi đã nghiên cứu về dòng di cư qua Úc theo diện có kỹ năng trong thời gian gần đây, và thấy rằng động cơ di cư có thể xếp thành một số nhóm nhất định. Dù lý do di cư có phần khác nhau, nhưng hầu như tất cả những người tôi phỏng vấn đều có chung quan điểm: họ luôn là người Việt Nam. Có anh còn gân cổ nói đi nói lại với tôi rằng Việt Nam đã ngấm vào trong máu của anh, dù anh có thay đổi diện mạo nhưng máu thịt trong người anh là Việt Nam. Tôi hiểu, Việt Nam đã là máu thịt của chúng tôi, chứ không chỉ đơn thuần chúng tôi là người Việt.

Có chị vì miếng cơm manh áo nên lang bạt qua xứ người khoảng mười năm trước, kết hôn với một anh người Úc đẹp trai như diễn viên Hollywood. Dù chỉ là nhân viên dọp dẹp vệ sinh nhưng anh chồng cưng chiều chị hết mực, không cho làm việc gì động đến móng chân. Chị chỉ đi làm công việc văn phòng cho vui, chứ tiền bạc thì do anh chu cấp. Thậm chí tiền gửi về cho gia đình ở Việt Nam cũng do một tay anh cáng đáng. Nhưng trong tâm thức, chị chỉ mơ một ngày được về Việt Nam.

Tôi hỏi về Việt Nam để làm chi trong khi hai người đã có cuộc sống ổn định tại Úc rồi. Chị cười, nói vui vui trong nước mắt, về để được ăn cá lòng tong mương kho quẹt với rau lang luộc ở vùng Kinh B, Thốt Nốt. Để sáng sáng chị được ngồi chồm hổm trên bậc thềm, ngoắc tay kêu con bé bán bánh gai rao tiếng Bắc pha giọng Nam cưng cứng vào mua đôi cái, lần mò gỡ hết lớp lá chuối khô xỉn màu để cắn vào lớp bánh đen đen thơm mùi lá mơ bùi bùi. Để trưa trưa chị được nằm cọt kẹt trên võng sau nhà, nghe ai ca vọng cổ dây Mỹ Châu xuống xề câu năm như đứt ruột. Sống ở xứ người nửa như lạ mà nửa như quen, chị không nhận diện được chính bản thân mình. Có lẽ chúng tôi cũng như chị, thèm được về Việt Nam trong thoáng chốc để nghe tâm hồn mình Việt Nam đang được ở Việt Nam.

Cũng tự nhận mình là người Việt Nam mang quốc tịch Úc, anh nọ đã từng làm trong ngành ngoại giao, bôn ba hơn hai mươi nước, về sau định cư tại Úc. Vậy mà anh chị vẫn xem mình là người Việt Nam thuần túy, đãi tôi bữa cơm với rau muống luộc chấm nước tương, gà luộc theo kiểu hồng đào và cá biển chiên sốt cà chua. Ba đứa con gái nhỏ của anh gặp mặt nhau thì nói tiếng Anh, nhưng lên bàn ăn thì bắt đầu nói tiếng Việt trọ trẹ. Chị dày công dạy cho sắp nhỏ tiếng Việt, rồi gửi nó đến trường Việt ngữ, mong sao tụi nó vẫn là người Việt ở xứ người. Rất hãnh diện với thành quả của mình sau một năm dạy kèm ở nhà cho đứa nhỏ học lớp ba, chị khoe tờ giấy được dán trên tủ lạnh: Nhớ là không mẹ, bảo là mẹ promise là mẹ never wash the đũa của con, nó là white, với cả nó là stick together, I hate you!

Tôi cứ há hốc miệng ra đọc mà không hiểu gì hết trong một câu sai ngữ pháp và từ vựng, lại pha trộn tiếng Việt và Anh. Chị tự hào dịch lại rằng: Mẹ có nhớ không, con đã bảo với mẹ rằng mẹ phải hứa không được rửa đôi đũa màu trắng của con, nó là một cặp, nhưng mà mẹ cứ rửa cho con hoài. Con ghét mẹ lắm! Thì ra chị dạy cho cháu cách tự lập trong cuộc sống bằng cách ăn xong phải tự rửa chén bát, nhưng lại thương con nên chị quên bẵng lời mình vừa dạy. Dù tiếng Việt của các em có phần lủng củng, nhưng tôi có cảm giác như mình đang ngồi ăn trưa với một gia đình người Hà Nội nho nhã ở tại Sydney mà thôi. Tụi nhỏ cầm đũa thành thạo trên bàn ăn, lại biết cúi đầu nói cháu mời chú dùng cơm, nghe ngoan hết sức. Anh chị cười thỏa mãn, nói đó chỉ là một phần Việt Nam mà thôi em ơi!

src=http://2.bp.blogspot.com/-HKaM_CyJnqI/UsQnl98a98I/AAAAAAAAQh0/hZgeYgJ5JBI/s1600/phong%2Bcanh%2Bdep%2Bmien%2BTay%2BNam%2BBo.%2Btranh%2Bson%2Bdau%2Ble%2Bsam%2Bart%2B%2B%2B.jpg

Nhiều người xa xứ xem Việt Nam như một bản thể để mang đi khắp nơi trên thế gian này, cho dù họ có đổi sang một quốc tịch khác hay sinh sống theo xu hướng hội nhập vào đất khách. Có khi họ nhận ra bản thể ấy một cách rõ ràng như kiểu phân biệt chè táo xọn với chè trên máy bay. Nhưng đôi khi bản thể ấy thể hiện trong hành vi của mình mà mình không nhận ra, ví dụ như cách hay kể lể chuyện đời xưa để giãi bày tâm sự. Chuyến bay này dù chuyên chở nhiều quốc tịch khác nhau, nhưng tôi có thể tìm thấy chính tôi đâu đó trong sự đa dạng nhưng khá thống nhất về mặt bản thể dân tộc này. Trong không gian khá chật hẹp đó, tôi đã đắm mình vào một cộng đồng Việt Nam nho nhỏ đang dịch chuyển dần về phía nơi bản thể được sinh ra và nuôi dưỡng. Chặng đường dài dường như được rút ngắn lại.

Ăn xong suất ăn nhẹ thì loa thông báo máy bay sắp hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Mấy bà rục rịch đứng lên sửa soạn mặc thêm cái áo khoác mới mua ngoài cửa hiệu Myer sang trọng hôm qua, người thì vội lấy kiếng ra soi để bới lại mớ tóc rối bù, cho dù cô tiếp viên cứ đến nhắc nhở ngồi yên với dây an toàn. Có chị lục lọi trong giỏ xách, tìm ra chai nước hoa Chanel 5 mua gần hai trăm đô để xịt lên cổ, rồi sẵn tiện chĩa sang ông chồng xịt cho một hơi. Ông này vùng vằng, dầu thơm của đàn bà mà xịt cho tui làm chi. Đừng có cằn nhằn, dầu thơm nào mà hổng thơm, xịt đi cho có mùi tây chút xíu!

Bà bác ngồi kế bên tôi cứ nhấp nhổm trên ghế, nói muốn đi tiểu một chút mà sao cô tiếp viên kia không cho đi. Tôi an ủi nói, một chút xuống máy bay thì bác đi cũng tiện lắm mà. Chú không biết, xuống tới nơi là tui phải chạy ra ngoài với bà con đang đứng chờ. Làm sao mà phí thời gian như vậy được hả chú? Thời gian được về với người thân của những người viễn xứ sao mà quý giá đến dường vậy…

Máy bay đang hạ độ cao, chắc giờ này đi ngang qua vùng Xuân Lộc, Đồng Nai. Chắc đồi Soklu vẫn êm đềm với mùa nắng cuối năm phơn phớt vàng, thơm ngát mùi hoa cà phê nở trắng buồn man mác trên những tảng đá ong đen xen lẫn màu xanh biếc của cây thuốc lá đang chờ ngày được hái lá kèo, đọt chồi mơn mởn. Chắc những người Khơ-me, người Bắc 54 còn đang háo hức trên rẫy bẻ bắp, chặt chuối xếp oằn cả chiếc xe công nông chạy ầm ầm con đường tỉnh lộ quanh co đìu hiu chỉ có những con sóc băng mình chạy ẩu ngang đám rẫy giữa triền đồi. Chắc chiều nay khói bếp nhà ai bay vương vấn Trảng Bom, làm con đường thiên lý như mờ như ảo. Tôi chợt nhớ lần liêu trai băng qua hết những xóm làng, bờ đá, thấy như mình ngày ấy đang mon men trở ra đường tỉnh lộ để háo hức trở lại thành đô. Tôi chợt nhớ da diết mùi mắm bò hóc hăng hắc của tô bún Trà Vinh trong một lần tao ngộ với đất trời miền Đông xa lạ. Nhớ cả con sông Đồng Nai chảy tha thướt ngang qua Biên Hòa đô hội, mênh mông tựa như đang vươn mình ra hải hà của giang hồ thế tục.

Gần bốn giờ chiều, máy bay hạ thấp xuống ngang Gò Vấp. Sài Gòn của chúng tôi, những kẻ tha hương được trở về miền cố quận. Tôi vô tình thấy bà bác kế bên lại lấy tay áo quệt nước mắt vừa chực trào. Tôi bỗng biết nước mắt không hẳn là đau buồn, nhưng có thể là sự tủi thân của người con viễn xứ khi được về lại quê hương, mà đối với nhiều người có thể nơi ấy chỉ còn kỷ niệm mà thôi. Quê hương mình kìa bác, bác đừng khóc nữa bác ơi! Dẫu có đi xa muôn vàn thì quê hương vẫn thủy chung chờ đợi. Quê hương mình đang nằm dưới cánh máy bay, nằm sau chặng đường dài chín tiếng, và vẫn thủy chung đợi bác hơn ba mươi năm trường.

Bên ngoài máy bay là Quận 1 với những cao ốc, sừng sững tòa nhà Bitexco vươn mình trong ánh hoàng hôn hàm tiếu trên những đôi mắt không ngừng ngóng trông về miền đất một phần xa lạ nhưng chín phần thân quen. Phía bên phải là những thửa ruộng xanh nằm lặng lẽ nơi một góc thị thành đô hội đông đúc người xe. Xa xa nữa là đồng bằng miền Tây bình yên giữa hai dòng Tiền – Hậu, nơi tôi đã lớn lên cùng ký ức ngọt ngào tuổi thơ, nơi tôi đã đi qua ngày tôi hai mươi tuổi, và nơi đã gìn giữ tình yêu đầu đời với những giây phút thăng hoa lẫn buồn tủi như số phận của mình. Đó là nơi tôi đã từng xuất phát cho cuộc hành trình mưu sinh, và cũng là nơi tôi lại quay về để bắt đầu cho những chuyến hành trình dự phóng vào tương lai khôn cùng tận.

Tôi sẽ hòa mình vào đồng bằng. Tôi là đồng bằng, và đồng bằng òa vỡ trong tôi.

Nguyễn Hồng Chí