Tâm sự của nhà thơ Triệu Lam Châu:
 
Hai tác phẩm này của tôi đều có tứ đàng hoàng, song tôi vẫn chưa dám gọi chúng là thơ. Cần phải có một cái gì đó toàn bích hơn nữa, gợi cảm và lay động hơn nữa… – thì hai tác phẩm này may ra mới mon men bước tới lãnh địa của thi ca. Tôi đang phân vân: Thơ chính luận ư? Không phải! Thơ văn xuôi hay văn xuôi thơ, cũng không xong. Thơ tản văn… à, hay là tản văn thơ, nghĩa là tản văn mang chất thơ – hẳn đúng hơn chăng? Và Triệu Lam Châu xin mạnh dạn đề xuất tự gọi hai tác phẩm này của mình là: Tản văn thơ (chất văn xuôi vẫn nhiều hơn chất thơ). Chất thơ ở đây chỉ thể hiện được là: Đã có hẳn một tứ tương đối trọn vẹn, thể hiện được tư tưởng của tác giả muốn chuyển tải tới công chúng.
 Sau đây Triệu Lam Châu xin trân trọng gửi đến bạn đọc yêu quý hai bài tản văn thơ nóng hổi của mình, phản ánh hai sự kiện văn học học lớn vừa qua: “Hội thảo thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều” và Hội thảo “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử”.
  
 
Phỏng vấn nhà thơ Maiacốpxky
 
– Thưa nhà thơ Maiacốpxky quý mến (1)
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này
Ông có ấn tượng gì đặc biệt
Xin vui lòng giãi bày cho chúng tôi được biết?
 
– Ấn tượng trong tôi vô cùng đặc biệt
Hẳn là chỉ có ở Việt Nam này
Một công chúng yêu thơ chân thành ngây ngất đắm say
Diễm phúc lớn của làng thơ xứ Việt
 
Tôi đã đi khắp trong nam ngoài bắc
Đọc thơ mình trước công chúng Việt Nam
Cũng nhờ công của dịch giả Thuý Toàn (2)
Thơ tôi mới đến được tiếng lòng của họ.
 
– Ông là nhà thơ cách tân cộng sản
Với những vần thơ xuống thang lay động hồn người
Chinh phục giới yêu thơ năm châu bốn bể
Ông có ý kiến gì về thơ cách tân của chúng tôi hôm nay?
 
– Cảm ơn, bạn đã quá khen thơ tôi
Đổi mới thơ – thời nào cũng vậy
Thơ phải là tiếng lòng của mọi người
Một tấn chữ mới lọc được một từ thơ đắc đạo
Những vỉa hồn phải lấp lánh trong thơ.
 
Hôm nọ tôi nhờ anh Thuý Toàn
Dịch nghĩa sang tiếng Nga những tập thơ vừa được trao giải thưởng
Của Hội Nhà văn Việt Nam vô cùng sang trọng
Tôi không hiểu gì, biết phát biểu sao đây?
 
– Tháng sáu vừa qua Viện Văn học Việt Nam
Có “Hội thảo thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều”
Ý kiến của ông về việc tôn vinh ấy thế nào
Xin vui lòng cho chúng tôi được biết?
 
– Sự kiện này đến với tôi đột ngột
Nên giờ đây tôi không nói được gì
Nhưng tôi tin lòng yêu thơ sáng trong của người dân Việt
Sẽ tôn vinh những gì xứng đáng được tôn vinh…
 
– Xin chân thành cảm ơn nhà thơ
Xin chúc ông thượng lộ bình an trở về nước Nga
Sẽ gặt hái những vần thơ mới
Những vần thơ cách tân xuống thang lay động lòng người!
 
Tuy Hoà, sáng 14 tháng 8 năm 2012
 
(1)   V.V. Maiacốpxky (1893 – 1930): Nhà thơ cộng sản vĩ đại của nước Nga Xô Viết
(2)   Thuý Toàn: Dịch giả thơ Nga uy tín nhất của Việt Nam
 
  
Phỏng vấn nhà thơ Transtromer
 
– Thưa nhà thơ Transtromer quý mến (3)
Ngài là nhà thơ ở xứ Bắc Âu
Thế mà lại có thơ hay theo thể haiku Nhật Bản
Xin nhà thơ sẻ chia kinh nghiệm của mình?
 
– Bất cứ thời nào, dù ở phương tây hay phương đông
Thơ đều là tiếng lòng chân thực nhất
Những trăn trở, buồn vui, tâm huyết
Nhịp thở tâm can trước dâu bể cuộc đời
 
Phương đông cũng là một chiếc nôi văn minh của loài người
Có truyền thống thi ca vô cùng xán lạn
Hãy mở hết cõi lòng mình đón những tâm hồn bè bạn
Thể nào rồi cũng sẽ có thơ hay.
 
– Ngài có ý kiến gì về thơ thiền xưa nay
Đặc biệt là thơ thiền của Hoàng Quang Thuận
Dẫu bản dịch sang tiếng Pháp, tiếng Anh – có khi chưa được chuẩn
Nhưng hồn thơ – Hẳn ngài thẩm được ít nhiều?
 
– Thơ thiền Việt Nam, Nhật Bản, Trung Hoa
Là kiệt tác của thi đàn thế giới
Nét thanh trong của những tâm hồn cao vợi
Nâng đỡ mọi kiếp người bước lên đỉnh Nhân văn.
 
Tôi có đọc thơ thiền Hoàng Quang Thuận, bản tiếng Anh
Rồi nhờ nhà thơ Diệu Hường đang sống bên Thuỵ Điển (4)
Dịch nghĩa sang tiếng nước tôi, từ nguyên bản thơ tiếng Việt
Tôi phân vân: Thơ chưa với tới hồn thiền…
 
– Thế mà người ta tổ chức rùm beng
Đưa thơ ông ấy lên tầm cao nhân loại
Nào là Thần mượn hồn ông ta để cấy
Những tinh tuý của Mường Trời xuống trần gian!
 
– Những nguỵ thơ, thời nào cũng có
Các cụ Việt Nam đã từng dạy chúng ta đấy thôi
‘Văn mình – vợ người”
Cần tỉnh táo, tránh quá đà bạn nhỉ?
Tuy Hoà, sáng 14 tháng 8 năm 2012
 
(3) Tomas Transtromer: Nhà thơ Thuỵ Điển, đoạt giải thơ Nobel năm 2011
(4) Nhà thơ Diệu Hường: Người Việt Nam định cư ở Thuỵ Điển 20 năm nay,
thông thạo tiếng Thuỵ Điển và tiếng Anh
 
trieulamchau@gmail.com
ĐT: 0983 825502