src=http://3.bp.blogspot.com/-JDcjIK2zUCg/UFbloQ7q5NI/AAAAAAAAAGg/yoq5Goi9C1M/s320/74524p6.jpg
.
PHAN HOÀNG

TỪ SỰ KHÁC BIỆT CỦA ĐÀ NẴNG…
Tôi có cảm giác mỗi người Đà Nẵng là một “đại sứ” cho chính thành phố của mình đang sống. Và với riêng họ, Đà Nẵng là thành phố đáng sống nhất thế giới! Tôi ước gì các địa phương nước ta đều tạo nên sự khác biệt như Đà Nẵng, để người dân có thể tự hào về nơi họ đang trú ngụ. Tôi cũng ước làm sao văn học nghệ thuật Đà Nẵng sẽ “cất cánh” cùng thành phố năng động của mình…
1. 
Dọc theo chiều dài đất nước ta, ở vùng biển nào cũng có bãi tắm hấp dẫn, thắng cảnh đẹp và quyến rũ. Nhiều nơi núi kề biển, tạo nên chốn “sơn thuỷ hữu tình”. Bên bờ biển lại có nhiều di tích, đền miếu, chùa chiền, nhà thờ… cũng góp phần quan trọng mời gọi du khách. Thời gian gần đây, nhờ các nguồn vốn khác nhau, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ. Giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không rất thuận lợi; phần lớn các tỉnh và thành phố ven biển đều có sân bay, có nơi còn xây cảng hàng không quốc tế. Dịch vụ cũng phát triển không ngừng. Khách sạn, nhà hàng, siêu thị hiện đại đua nhau mọc lên, cao chọc trời. Hàng hoá phong phú. Nơi nào cũng có đặc sản, đồ lưu niệm độc đáo. Nhiều sáng kiến, mô hình du lịch đã được triển khai. Các công ty lữ hành thi nhau ra đời. Đặc biệt, tư duy làm du lịch của người Việt Nam dần trở nên chuyên nghiệp và kinh tế du lịch được nâng lên thành ngành mũi nhọn của nhiều địa phương…
Những yếu tố trên đã giúp các vùng ven biển nước ta thu hút lượng du khách ngày càng lớn. Không chỉ du khách nước ngoài thích khám phá vùng đất mới, mà ngay cả người trong nước cũng hướng về biển vào các ngày lễ, ngày phép. Tuy nhiên, không ít du khách chỉ một hay vài lần đến các vùng biển nước ta thì ra đi… chẳng màng quay lại. Vì sao vậy?
Chẳng ai dại gì mất thời gian và tiền của để lặn lội đến tắm một bãi biển đầy rác, đầu cổ phải lắc lia lịa từ chối trước mọi thứ hàng rong mời mọc níu kéo, rồi thỉnh thoảng bất ngờ bị những trái bóng hoặc trái cầu “nã” vào đầu. Bãi biển bẩn, thiếu tổ chức. Nước biển ô nhiễm, tắm chỉ hại thêm sức khoẻ. Vào khách sạn, nhà hàng, quán ăn thì bị “chặt chém” không thương tiếc, nhân viên ăn nói “cục hòn” với khách. Lên xe lên tàu lại bị lừa, từ taxi, xe ôm, xích lô trên bờ đến cả khi đi du thuyền ra vịnh ra đảo. Đến dâng hương di tích, chùa chiền thì bị đón đầu đón đuôi “bắt” mua nhang mua đồ lễ. Không mua, có khi bị mắng chửi, hăm doạ. Khách lơ là một chút có thể bị giật túi xách.
Đó là chưa kể vào ban đêm đi dạo phố dạo biển, du khách tiếp tục bị quấy rầy bởi 1001 lý do khác nhau, thậm chí có cả ma cô, gái mại dâm “chào hàng” gạ gẫm…
Thật đau lòng khi phải thường xuyên chứng kiến những điều trên đây ở các vùng biển du lịch nước ta. Mà đâu chỉ ở biển, tại những điểm du lịch của thành phố, đồng bằng, trung du, miền núi cũng có những ứng xử không đẹp như thế. Nó trở thành một mối ác cảm đối với du khách.
Tuy nhiên, với riêng thành phố biển Đà Nẵng thì khác…
2. 
Máy bay hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Đà Nẵng lúc hơn 7 giờ sáng. Chúng tôi về khách sạn nhận phòng và ăn điểm tâm. Vừa ăn xong, có người đàn ông trong bộ complet lịch sự đến từng bàn chào khách, tự xưng là giám đốc khách sạn, tươi cười hỏi thăm mọi người ăn uống có vừa miệng không. Một điều hiếm thấy ờ các nhà hàng, khách sạn trừ khi khách có quen biết từ trước với các vị giám đốc. Còn nhân viên phục vụ thì niềm nở tận tình, từ việc hướng dẫn khách lên phòng đến các món ăn. Thấy tôi ngạc nhiên, một hướng dẫn viên du lịch nói: “Đà Nẵng gần đây có cung cách phục vụ du khách rất khác anh ạ. Anh sẽ còn thấy nhiều bất ngờ nữa”!
Sự bất ngờ nữa đến không lâu khi chúng tôi đi tắm biển. Ở nước ta có nhiều bãi biển đẹp không kém Mỹ Khê của Đà Nẵng, thậm chí có nơi còn thuận lợi hơn trong việc thu hút du khách vì nhờ gần thành phố lớn đông dân. Nhưng khó tìm nơi đâu có bãi biển sạch và được tổ chức tốt như nơi này. Biển trong xanh, không bợn chút rác. Dọc theo bờ biển được qui hoạch phân ra những khu chức năng hẳn hoi: bãi tắm, bãi cắm trại, bãi chơi thể thao… Nghĩa là du khách yên tâm không bị trái cầu hay trái bóng “đá” vào mình. Cũng chẳng tìm đâu ra bóng dáng người bán hàng rong, nhưng hàng hoá, thực phẩm thì không hề thiếu trong các hàng quán, quầy lưu niệm gần đó. Giá cả được qui định rạch ròi, hợp lý và rẻ hơn nhiều so với những nơi khác. Chẳng hạn, mỗi chiếc ghế ngồi trên bãi cát giá thuê 15.000đ (trong khi ở Vũng Tàu hay Mũi Né, Nha Trang phải từ 30.000đ trở lên); còn nếu tắm nước ngọt ở Vũng Tàu trung bình 20.000đ – 30.000đ/ người, thì ở Đà Nẵng chỉ mất 2.000đ, rẻ hơn tới gấp 10-15 lần. Trong các nhà hàng sang trọng lẫn hàng quán vỉa hè, giá cả đều phải chăng, không có chuyện “chém khách”, hoặc phân biệt Việt kiều giá khác, người Sài Gòn giá khác…
Biển sạch. Đường phố cũng sạch đẹp, khang trang. Nếu vào quán ăn ven phố nhiều nơi khác ta thường thấy rác từ thức ăn, túi ni lông hoặc khăn lau mặt rơi vãi từ trong ra ngoài, thì ở Đà Nẵng tuyệt nhiên không có. Cũng như ở bãi biển, vỉa hè trên phố vắng bóng hàng xổm, hàng rong. Muốn mua gói thuốc lá hoặc đồ dùng nào đó thì phải đến các cửa hàng tạp hoá. Đường phố chẳng có bong dáng người lang thang ăn xin, bán vé số. Tệ nạn ma tuý, mại dâm, ăn trộm ăn cướp cũng mất dạng. Đến dâng hương đền chùa không bị ai… níu kéo. Vào các quầy hàng lưu niệm dọc biển hoặc làng nghề Ngũ Hành Sơn, hàng hoá sắp đặt ngăn nắp, du khách tự nhiên chọn hàng, nhân viên phục vụ tận tình chu đáo. Khách ở xa mua những món hàng bạc triệu, chỉ cần gửi tiền trước 20%, còn lại khi nhận hàng thì mới chuyển khoản…
Kể từ Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ 7 hồi năm 2006 ở Hội An, bây giờ tôi mới có dịp chính thức trở lại Đà Nẵng. Nói chính thức vì tôi được sống mấy ngày đêm ở đây, tìm hiểu thành phố này kỹ hơn, còn những lần xe ghé ngang trong chốc lát thì không tính. Rõ ràng Đà Nẵng thay đổi khác thường, cả quang cảnh lẫn con người. Tôi nghe trong giọng nói của mỗi người dân thành phố này, từ bác tài xế đến các đồng nghiệp viết báo viết văn đều toát lên niềm tự hào về quê hương. Họ nói nhiều về chương trình thành phố “5 không 3 có” (5 không: Không hộ đói; Không mù chữ; Không lang thang xin ăn; Không ma tuý; Không giết người cướp của; còn 3 có: Có nhà ở; Có việc làm và Có lối sống văn minh đô thị). Họ cũng nói về vị thế và sự linh ứng của tượng Phật Bà khổng lồ trên bán đảo Sơn Trà, việc đầu tư và sức hút của Bà Nà, đề án phát triển làng nghề làm đá mỹ nghệ truyền thống Ngũ Hành Sơn và xây dựng 9 cây cầu bắc qua song Hàn phục vụ du lịch,… Người dân nói cả về chiến lược, cách hành xử của lãnh đạo thành phố, mà đặc biệt là những giai thoại về Bí thư Thành uỷ Nguyễn Bá Thanh. Đó là những cuộc gặp gỡ đối thoại trực tiếp của ông với người dân, với giới doanh nhân, với trẻ bụi đời, với những người lầm lỡ. Đó là sự cương quyết, kỷ luật cứng rắn của ông đối với cán bộ dưới quyền sai trái…
Tôi biết không phải ai cũng yêu quý vị lãnh đạo cao nhất của Đà Nẵng. Có người còn căm ghét, thù hằn ông. Nhưng đa số những người dân tôi gặp đều dành cho ông Nguyễn Bá Thanh sự nể vì về tài năng và cách hành xử!
Đà Nẵng cũng giúp tôi dần xoá dần đi mối “ác cảm” du lịch biển nước ta. Cũng cảnh quang ấy, cũng vùng biển ấy, cũng thành phố ấy, khi con người, nhất là người lãnh đạo biết tư duy, biết thay đổi thì tất cả đổi thay theo. Đà Nẵng cũng mở ra trong tôi niềm hy vọng về sự thay đổi của cả ngành kinh tế du lịch nước ta, nhất là du lịch biển, khi tư duy con người thay đổi, dám làm dám chịu trách nhiệm….
Tôi có cảm giác mỗi người Đà Nẵng là một “đại sứ” cho chính thành phố của mình đang sống. Và với riêng họ, Đà Nẵng là thành phố đáng sống nhất thế giới!
Điều tất nhiên, trong những ngày tắm mình trong nắng gió biển ở đây, tôi còn lắng nghe những câu chuyện về đời sống văn học. Người miền Trung ở đâu không yêu thơ, yêu văn chương. Trong quán cà phê, quán nhậu họ bàn tán nhau nhiều về “hiện tượng thơ nhập đồng” của Hoàng Quang Thuận vừa tổ chức hội thảo ở Hà Nội. (…) Xứ sở của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Văn Xuân hiện còn có những tên tuổi đáng trân trọng khác đang góp phần làm nên diện mạo văn học cho đất này, như Thanh Quế, Đông Trình, Thái Bá Lợi, Đà Linh, Nguyễn Kim Huy, Đỗ Phước Tiến, Nguyễn Nho Khiêm, Quế Hương, Phan Hoàng Phương, Trần Trung Sáng,… và đặc biệt là hai gương mặt đáng chú ý gần đây: nhà thơ Trần Tuấn – tác giảMa thuật ngón và nhà văn Nguyễn Minh Sơn (Hoa Ngõ Hạnh) với tập truyện Lãnh địa mèo rừng vừa mới xuất bản tháng 7.2012.
Đà Nẵng sản sinh và hội tụ nhiều tài năng văn học nghệ thuật. Nhưng tôi có cảm giác đời sống sáng tạo văn học chưa theo kịp sự phát triển của đời sống kinh tế – xã hội ở thành phố lớn thứ 3 cả nước này. Lên máy bay trở về TP.HCM, tôi luôn ao ước các địa phương trong cả nước làm sao đều tạo nên sự khác biệt như Đà Nẵng, như văn hoá du lịch Đà Nẵng, để người dân có thể tự hào về nơi họ đang sống; đồng thời tôi cũng hy vọng văn học nghệ thuật Đà Nẵng sẽ “cất cánh” cùng thành phố năng động của mình…

 PHAN HOÀNG