Tình yêu, tình dục là một trong những đề tài lớn của văn học. Tuy nhiên, ở Việt Nam thời chiến tranh, vấn đề tình dục rất ít được nhắc đến trong văn học cách mạng. Sau 1975, đặc biệt là sau Đổi mới, các nhà văn mới được phép miêu tả những bản năng thầm kín, những khát vọng tình yêu, tình dục của con người. Những tác phẩm viết về đề tài nhạy cảm này thường tạo ra những cuộc tranh luận sôi nổi trên văn đàn.

Những sự kiện ồn ào, sôi nổi nhất trong thơ ca đương đại đều có liên quan đến việc biểu hiện bản năng tính dục của con người. Từ thơ Nguyễn Quang Thiều, Bùi Chí Vinh, Hoàng Hưng… đến Dư Thị Hoàn, Phạm Thị Ngọc Liên, Đàm Thị Lam Luyến, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư… Nếu như trước đây, vấn đề gắn bó thể xác trong tình yêu là điều kiêng kỵ thì khi cuộc sống con người trở về với đời thường thì tình cảm riêng tư trỗi dậy. Những khát khao, những ước mong mang tính bản năng được thể hiện trực diện. Với Dư Thị Hoàn, dục tính cũng là phái tính :
Mọi chuyện rồi sẽ qua đi qua đi
Chúng mình sẽ thành vợ thành chồng
Nếu không có một lần
Một lần như đêm nay
Sau phút giây êm đềm trên ghế đá
Anh không cài lại khuy áo ngực cho em.
(Tan vỡ)
Người phụ nữ đòi được là mình như họ tự cảm thấy. Họ không chấp nhận cam chịu lệ thuộc với những lo toan bổn phận như đã bị mặc định mà còn vươn lên tự do, bình đẳng. Những Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly…viết về tình yêu tình dục bằng cái nhìn đậm ý thức phái tính. Họ là những người đàn bà « nổi loạn » có những hành động, suy nghĩ khác xa với quan niệm truyền thống. Vi Thùy Linh đam mê, cuồng nhiệt và thành thực trong tình yêu. Cái tôi cá tính bản lĩnh khiến Vi Thùy Linh không chút mặc cảm khi mô tả những khát khao bản năng:
Hãy xiết em cắn em hằn lên dấu vết
Hãy nhập vào em, hãy khóa và đánh mất chìa khóa trong em…
Môi em trong anh còn bầm
Chúng ta vẫn giấu hàm răng trong tiếng cười mang nỗi đau tuyệt dịu
                                                                                                (Lá thư và ổ khóa)
Ở lĩnh vực văn xuôi, vấn đề tính dục ngày càng gây ấn tượng với sáng tác của hàng loạt tác giả như Ma Văn Kháng, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương, Thuận, Nguyễn Đình Chính, Võ Thị Hảo, Y Ban, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Quỳnh Trang, Trang Hạ v.v…
Dễ nhận thấy rằng chuyện sex trong văn học ngày nay đã mở rộng biên độ và chiều kích so với truyền thống. Thường người ta đặt sex trong tương quan với tình yêu đôi lứa, sự sa đọa về nhân cách, những ẩn ức do của chiến tranh, những lệch lạc giới tính…Nhưng không chỉ có thế, trong xu hướng chuyển động chung, văn học còn như phương tiện để chuyển tải những ẩn ức khác nhau của đời sống nhân sinh mà rõ nhất là nó trở thành diễn ngôn nữ quyền.
Giai đoạn đầu Đổi mới, với những tác phẩm như Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Những mảnh đời đen trắng của Nguyễn Quang Lập, Bến không chồng của Dương Hướng… những cảnh ôm ấp làm tình táo bạo, những thèm khát xác thịt thường đặt trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt. Ở đó, dục tính là điểm nhấn để các tác giả nhận diện nhân tính. Sự đụng độ giữa cái tàn bạo của chiến tranh với nhân tính tự nhiên đem lại hiệu quả tố cáo thật sâu sắc.
Phần đông tác phẩm diễn tả vấn đề tình dục trên tinh thần dân chủ và nhân bản. Con người tự nhiên, con người bản năng có khi chống lại con người đạo lý, con người lý trí. Trong Chim én bay, Nguyễn Trí Huân viết về khát khao hạnh phúc đến nhức nhối của một nữ anh hùng, một cán bộ huyện thật cảm động “Hầu hết những đêm thao thức bởi những khát vọng bình thường của người phụ nữ chưa hề được làm vợ, làm mẹ, chị đã sống bằng mộng mị với Dũng. Những đêm như vậy, tỉnh dậy người chị trở nên phờ phạc. Chị vội vã chạy lao ra ngoài, cố trấn tĩnh cho thật tỉnh táo”. Cuộc sống độc thân kéo dài khiến chị luôn phải kìm nén, nhưng có những lúc nhu cầu ái ân trở nên bức xúc: “Chị luống cuống tìm hộp quẹt để trên bàn và đã gặp bàn tay của anh. Một bàn tay nóng hỏi như biết nói. Người chị tê dại. Cái ước muốn được chia sẻ, được thỏa mãn đột ngột đốt chát trái tim chị”
Chuyện Bốn mươi chín cây cơm nguội của Nguyễn Quang Lập cũng để lại niềm xót xa, day dứt trong lòng độc giả. Người con gái đi qua chiến tranh, không còn cơ hội tạo dựng hạnh phúc nhưng nhu cầu ái ân luôn ám ảnh thôi thúc, giữa khuya chị lao vào cơn mưa mịt mù, đi như kẻ mộng du rồi áp vào cây cơm nguội để mê muội thấy đó là khuôn ngực đàn ông.
Truyện “Ngồi” của Nguyễn Bình Phương đề cập đến nhiều vấn đề của xã hội hiện đại và không hiếm yếu tố nhục cảm, bản năng. Theo tác giả thì “cuốn sách này tôi viết về sự giãy dụa của công chức trong việc giữ gìn mô hình sống mẫu mực, những cám dỗ của một xã hội đang phát triển. Có những cốt lõi mà họ không được vi phạm”[66].
Đặc biệt, tính dục trong các tác phẩm của nhà văn trẻ gần đây được mở rộng phạm vi phản ánh với sự xuất hiện yếu tố tình dục đồng giới: Một thế giới không có đàn bà của Bùi Anh Tấn, 1981 của Nguyễn Quỳnh Trang, Song song của Vũ Đình Giang, Những đốm lửa trên vịnh Tây Tử của Trang Hạ, Phiên bản, Nháp của Nguyễn Đình Tú. Trong suốt gần 300 trang của Nháp, có hơn 1/3 số trang miêu tả yếu tố sex.  
Dễ nhận thấy rằng khi xã hội mở cửa hội nhập với thế giới, nhiều kinh nghiệm mới mẻ của văn học nước ngoài sẽ tác động mẽ đến văn học Việt Nam. Một số tác phẩm đã đưa đến cho độc giả Việt Nam một cái nhìn mới về sex và điều tất yếu là nó gặp gỡ với nhu cầu dân chủ hóa của xã hội Việt Nam để tạo ra những quan niệm mới. Đó là Hạt cơ bản của Michel Houellecq , Báu vật của đời của Mạc Ngôn, Tình ơi là tình, Cô gái chơi dương cầm của Jelinek, Rừng Na uy, Kapka bên bờ biển của Murakami, Những kẻ thiện tâm của Jonathan Littell, Huynh đệ của Dư Hoa, các tác phẩm của Vệ Tuệ, Thiết Ngưng, Sơn Táp, Xuân Thụ v.v…
Trong quan niệm văn hóa  truyền thống của Việt Nam, việc quan tâm đến tình dục là điều đáng xấu hổ. Hệ quả là hình ảnh con người trong văn học thường bị nhìn phiến diện. Vì thế khi tư tưởng được “cởi trói” thì nhu cầu đề xuất những quan niệm chân thực hơn về con người sẽ nổi lên như mối quan tâm hàng đầu của văn học. Ở các loại hình nghệ thuật khác như sân khấu, điện ảnh, hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh…tình hình cũng tương tự. Khía cạnh bản năng, tính dục được khai thác nhiều đến mức có khi thái quá trở thành chiêu thức câu khách rẻ tiền. Nhưng cần ghi nhận ở những nhà văn bản lĩnh và giàu khát vọng cách tân, tính dục đã trở thành một đột phá trong quan niệm về con người, đem lại nhiều ý nghĩa nhân văn và thẩm mĩ.
Bản chất của văn học là hướng đến con người trong đó bao gồm con người tự nhiên và con người xã hội. Văn học truyền thống quá thiên về con người xã hội, con người “sắm vai” nên con người tự nhiên chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ và khách quan. Nhìn nhận con người tự nhiên suy cho cùng là đưa con người trở về đúng bản chất của nó. Sự xuất hiện nhiều tác giả, tác phẩm viết về tính dục trong những năm gần đây có ý nghĩa thật sự trong văn chương Việt, góp phần mang đến một quan niệm mới mẻ, giàu nhân bản về con người.
   Ths. Võ Thị Thoa