/ 

 Vùng quê tôi, cả làng làm lúa, coi như kế nghiệp từ đời này qua đời khác, nhưng có ai được đào tạo nghề nông theo đúng nghĩa đâu! Tất cả đều học theo lối truyền khẩu, có khi là truyền nhãn, tức là thấy người ta làm sao thì mình làm theo y vậy, riết thành quen. Lần đầu tôi đi gặt lúa, nhìn mẹ làm, tôi cũng làm theo, nhưng chẳng hiểu lớ ngớ thế nào mà chiếc lưỡi liềm lại móc vào ngón tay út, chảy máu rõ thành từng dòng, đẫm màu loang loáng trên mặt nước ruộng. Da tôi tái xanh, trong vô thức tay còn lại nắm chặt nơi vết cắt. Còn mẹ thì hoảng hốt, chạy quanh xin thuốc lá, xé quai nón cột chặt… Tôi lại nhớ đến mùa gặt tháng Ba, nắng cháy da, mắt nổ đom đóm, chân bỏng rát rồi lâu thành sẹo, chẳng thấy đau rát được nữa. Sau này đi lính, mang giày mãi theo bao năm tháng, da mỏng dần chẳng còn thấy sẹo đâu cả. Duy chỉ có vết cắt của mùa gặt đầu tiên năm nào cứ chạy dài ở giữa đốt thứ nhất và thứ hai của ngón út như sống mãi với thời gian. Một vệt trắng như kẻ chỉ, mong manh như ngón tay nhỏ nhắn này. Sau này, cứ mỗi lần nhìn vào, tôi lại dặn lòng mình, đừng quên sự cưu mang của quê hương, của cánh đồng, đừng quên những con người tốt bụng đã giúp cả nhà tôi vượt qua cơn túng quẫn năm nào.
Lớn lên một tí, tôi ra đi biền biệt. Thanh niên thời chiến mà, mấy ai được ở mãi bên gia đình. Rồi tôi tiếp tục đi học, đi làm để nuôi thân. Cái vòng xoáy của cuộc đời như cơn gió, cứ xoáy buộc chặt lấy tôi. Đến một hôm, tôi mới thấy tóc mình bạc gần giống tóc mẹ. Mẹ ốm, cầm tay mẹ xoa xoa vết đau ngoài da, và cả nỗi đau chất chứa trong lòng nữa, vô tình mới thấy bàn tay mẹ nhiều vết sẹo quá… Nước mắt trong tôi chợt ứa ra mà chẳng hiểu vì sao nữa…
Lần đầu cầm tay em tôi. Nhìn đâu cũng thấy vết sẹo. Sẹo trên cổ tay do bỏng dầu ăn khi vào bếp, trên mu bàn tay do va vào thành cầu thang khi chạy vội xuống tầng trệt mua thuốc cho người thân; vết chai trên lòng bàn tay do tì vào tay xe máy trên đoạn đường dài tìm kế sinh nhai… Sau này, tôi mới biết trong em còn có biết bao vết thương nữa. Có những vết thương mãi mãi chẳng thể liền da để thành sẹo. Rồi một ngày, bàn tay tôi được áp vào bàn tay em. Nhìn vào đôi mắt trong vắt của em, tôi thầm nghĩ, đó chẳng phải là phép cộng số học của những vết sẹo nữa, mà biết đâu sẽ vơi dần đi, và vết thương lòng ai kia sẽ được nhanh liền da.
Tay mẹ, tay em, tay tôi và biết bao bàn tay nữa trên cuộc đời này cũng đầy vết sẹo. Vết thương có thể rồi sẽ liền da, còn những vết sẹo như tồn tại mãi với thời gian, như đồng hành cùng với thân phận nhỏ nhoi của mỗi con người. Cầm chén cơm trắng, nóng hổi; thưởng thức món cá đồng kho tương… Có ai thấy vị mặn nồng của những vết sẹo mà biết bao người nông dân nhiều đời đã hằn vào trong ấy, để tạo nên hương vị đậm đà của làng quê.
Bỗng có lúc, dẫu cho vô tình hay hữu ý, có biết rằng ta hoặc người lại chạm vào nỗi đau của ai đấy hay là của chính mình, làm vết sẹo lại trở thành vết thương, như nỗi đau chồng lên nỗi đau, buốt rát cả thân phận con người.
Cứ mỗi độ cuối đông, chuẩn bị đón xuân, tôi lại cảm thấy nhói đau rưng rức khi gió bấc tràn về, mới cảm nhận thêm rằng, với mình, hạnh phúc giản đơn tưởng chừng như bắt nguồn từ những vết sẹo mồ côi, của mẹ, của em, của tôi và biết bao người nữa, âm thầm lặng lẽ tạo nên những hình hài lành lặn cho cuộc đời này…
 /