Nguyễn Lục Gia
 
Sách “Phú Yên – Thế và lực mới trong thế kỷ XXI” [1] do ông Chu Viết Luân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh tế Đối ngoại đứng tên chủ biên và người viết Lời mở đầu cũng đồng thời là một trong ba vị thuộc Hội đồng Chỉ đạo Biên soạn, ông Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, cùng hai vị học giả kia: ông Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương và ông Trịnh Thúc Quỳnh, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia . Để quảng bá cho mục tiêu đầu tư và du lịch, sách được xuất bản bằng hai thứ tiếng Việt – Anh với rất nhiều ảnh chụp và đủ kích cỡ dạng tự. Sách bao quát 9 phần nội dung lớn, phần I có tiêu đề “Làm quen với đất và người Phú Yên”, trong đó đề cập đến lịch sử hình thành vùng đất Phú Yên với dung lượng vừa đúng 6 trang sách trong tổng số 662 trang, không tính phần Mục lục.
Với 6 trang sách mà thực ra tư liệu lịch sử chỉ chiếm phân nửa, bởi in qua hai thứ tiếng, song hết sức bất ngờ vì có quá nhiều kiến thức sai và lượm thượm lỗi trình bày. Tôi xin lần lượt trích dẫn lại phần nội dung lịch sử viết bằng tiếng Việt và chỉ ra những sai sót cơ bản sau đây.
Những phần trích dẫn đặt trong dấu ngoặc kép mà không ghi chú số thứ tự nguồn tài liệu đối chứng là nguyên xi của sách “Phú Yên – Thế và lực mới trong thế kỷ XXI”.
 
1. “Không có bề dày lịch sử nghìn năm như Thăng Long – Hà Nội hay nhiều tỉnh, thành phố phía bắc Tổ quốc, song với tuổi đời gần 500 năm qua, Phú Yên đã chứng kiến sự thịnh, suy của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam, gắn với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc” (tr.39).
Thử chọn ra cột 3 mốc thời gian hình thành nên vùng đất Phú Yên, tại thời điểm sách xuất bản năm 2006:
– Năm 1471 với cuộc chinh phạt của hoàng đế Lê Thánh Tông: 535 năm.
– Năm 1578 với cuộc tiến quân vào Thành Hồ của Lương Văn Chánh: 428 năm.
– Năm 1611 với cuộc tiến quân của Văn Phong và lập phủ Phú Yên: 395 năm.
Kết quả: không có con số nào ứng với “tuổi đời gần 500 năm qua” cả. Trong khi đó, sách đã xác định chắc chắn rằng “năm 1611, khi chúa Nguyễn Hoàng phái chủ sự Văn Phong lập hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, đặt phủ Phú Yên (…) thì vùng đất Phú Yên ngày nay mới được thành lập (tr.41), nghĩa là tuổi tác của Phú Yên chỉ mới gần 400 năm mà thôi.
2. “Ngược dòng thời gian, tìm về thủa đầu lập đất, lập làng, xưng danh của “vùng eo” này, có lẽ không chỉ là ý nguyện của riêng người dân Phú Yên mà còn của nhiều độc giả trong và ngoài nước” (tr.39).
Eo, về phương diện địa lý là chỗ đường hay khúc sông, biển hẹp lại hoặc tóp lại, nhỏ dần ở khoảng giữa [2]. So với địa hình cả nước, Phú yên gắn trong tổng thể khu vực Nam Trung Bộ – Tây Nguyên hoàn toàn không hẹp về bề ngang so với Nam Bộ. Nếu gọi là khúc eo của Việt Nam, chỉ ứng với hình thế vùng Trung Trung Bộ kéo dài đến Bắc Trung Bộ. Chưa từng có một nhà địa – sử hay văn hóa dân gian nào trước nay gọi Phú Yên bằng danh xưng “vùng eo” như vậy cả. Rõ ràng, cho rằng Phú Yên mang xưng danh “vùng eo” là một sự gán ghép tùy tiện và xa lạ, vừa loạn địa lý vừa phi khoa học địa danh.
3. “… Phú Yên vẫn có những vùng đồng bằng màu mỡ mà lớn nhất là đồng bằng Tuy An ở phía bắc và đồng bằng Tuy Hòa ở phía nam do sông Đà Rằng (sông Ba) bồi đắp” (tr.39).
Đồng bằng Tuy An thuộc khu vực Bà Đài xưa được khai khẩn trước tiên trên vùng đất Phú Yên từ những năm cuối thế kỷ XVI, nằm hai bên bờ lưu vực sông Cái, do phù sa sông Cái bồi đắp và cung cấp nước tưới. Không những bồi thành cánh đồng màu mỡ và rộng lớn nhất của Phú Yên cho đến tận những năm đầu thế kỷ XX, sông Cái còn có giá trị giao thương đáng kể đối với sự thúc đẩy phát triển kinh tế. “Phú Yên – Thế và lực mới trong thế kỷ XXI” vì quá nổ lực với những chiến lược vĩ mô hướng xa về phía trước nên quên béng rằng Phú Yên từng có một dòng sông âm vang không chỉ trong ký ức lịch sử mở đất mà còn đang từng ngày hối hả cung cấp nhựa sống cho cả một vùng cư dân nông nghiệp đông đúc thuộc hai huyện Đồng Xuân, Tuy An.
4. “… Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ học còn phát hiện nhiều hiện vật của nền văn hóa Chăm mà đặc biệt là bộ đàn đá cổ, bao gồm 8 thanh được phát hiện ở huyện Tuy An cùng với các nhạc cụ thổi bằng đá rất có giá trị” (tr.40).
Vương quốc Champa cổ bắt đầu hình thành từ thế kỷ II. Phú Yên “Xưa là đất Việt Thường thị; đời Tần thuộc Tượng quận. Đời Hán là đất Lâm Ấp. Đời Tùy là quận Lâm Ấp. Đời Đường đổi làm châu Lâm, sau bị Chiêm Thành chiếm cứ, tức là đất Bà Đài và Đà Lãng” [3]. Như vậy, sớm nhất cũng là đến cuối thế kỷ II (năm 192), Phú Yên mới trở thành một bộ phận đất đai thuộc quốc gia Lâm Ấp (tức Champa cổ). Các hiện vật kể ra như trên được giới khảo cổ học xếp vào niên đại thời kỳ đồ đá, nghĩa là có trước thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh và thời kỳ văn hóa Champa tại khu vực miền Trung Việt Nam. Riêng 8 thanh trong bộ đàn đá Tuy An, “Căn cứ vào kỷ thuật chế tác và nhận xét về thanh âm, đàn đá Tuy An có thể có niên đại khoảng nửa đầu thiên niên kỷ I tr. CN” [4].
Vì vậy, đương nhiên từ đàn đá đến kèn đá, tù và đá Tuy An không thể thuộc về nền văn hóa Chàm như sách đã cực kỳ lầm lẫn, khiến cho từ chỗ chỉ sai 1 ly mà đi lạc cả ngàn dặm thời gian.
5. “Năm Đinh Hợi (năm 214 tr. CN), dưới thời thuộc Tần, đất Bách Việt và Âu lạc được chia làm 3 quận. Trong đó, Phú Yên thuộc quận Tượng Quận” (tr.40).
Một danh xưng không nhất thiết phải có đến hai từ. Cùng với hai quận thuộc đất Trung Quốc ngày nay, gồm quận Quế Lâm (thuộc tỉnh Quảng Tây) và quận Nam Hải (thuộc đất Quảng Đông), quận thứ ba là quận Tượng [5], tức Tượng quận theo cách đọc Hán tự, nằm trên phần lãnh thổ Âu Lạc. Không thể có cái gọi là “quận Tượng Quận” cực kỳ rắm rối và tối nghĩa như kia được.
6. “Tháng sáu năm Tân Mão (năm 1471), Lê Thánh Tông tiến hành công cuộc khẩn hoang về phương nam, cho quân vượt qua đèo Cù Mông đến Đèo Cả và khắc bia trên núi Đá Bia, xác định cương vực biên giới Đại Việt” (tr.40).
Về thời gian, theo lời chiếu đi đánh Champa ban bố ngày mồng 6 tháng 11 năm Hồng Đức thứ nhất (1470), cuộc xuất binh đầu tiên của hoàng đế Lê Thánh Tông bắt đầu đúng vào ngày này: “Hôm ấy, sai Thái sư Lân quận công Chinh lỗ tướng quân Đinh Liệt, Thái bảo Kỳ quận công Chinh lỗ tướng quân Lê Niệm đem thủy quân 3 phủ vệ Đông, Nam, Bắc đi trước” [6]. Ngay hôm sau, Lê Thánh Tông tấu cáo ở Thái miếu, hẹn rằng: “Ngày 16 Canh Dần, thần đốc xuất 15 vạn thủy quân tiếp sau” [6]. Diễn biến cuộc chinh phạt Champa kéo dài gần đúng 4 tháng, cho đến “Ngày mồng 1 tháng 3 [năm Hồng Đức thứ 2 (1471)] hạ được thành Chà Bàn, bắt sống hơn 3 vạn người, chém hơn 4 vạn thủ cấp, bắt sống Trà Toàn rồi đem quân về” [6]. Hay chính xác hơn: “Ngày mồng 2, vua thấy đã phá được thành Chà Bàn, liền xuống chiếu đem quân về” [6]. Trong tháng 6 năm Tân Mão (1471) chỉ có mỗi một sự kiện được ghi lại trong chính sử của nhà Lê như sau: “Tháng 6, lấy đất Chiêm Thành đặt làm thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa. Đặt chức Án sát sứ ở 12 thừa tuyên và đặt 3 ty ở Quảng Nam” [6].
Về mục đích, cuộc Nam chinh của hoàng đế Lê Thánh Tông, như trong lời tấu cáo ở Thái miếu: “Thần là kẻ ít tuổi bất tài, vào nối nghiệp lớn, chỉ mong yên dân giữ nước đâu dám dung nhảm việc binh. Chỉ vì giặc Chiêm Thành ngu xuẩn, nó điên cuồng dòm ngó nước ta. Không sợ trời tạm bợ cho qua; với nước ta, nó gây thù địch. Trước thì đánh cướp châu Hóa để hòng chiếm đoạt đất đai, sau lại sang báo nhà Minh, âm mưu diệt hết tông miếu…” [6]. Rõ ràng, trước những hoạt động quấy rối về quân sự ngày càng quy mô từ phía quốc vương Bàn La Trà Toàn, vị hoàng đế nhà Lê quyết định đẩy lùi biên giới giữa Đại Việt với Champa xa về phía Nam để tạo ra độ khoảng cách an toàn. Mục đích trước nhất là chinh phạt đối phương, còn công việc di dân lập làng chỉ là bước tiếp theo về sau đối với một quốc gia đang hồi vượt lên cường thịnh.
Hơn nữa, việc di dân theo chủ trương của hoàng đế Lê Thánh Tông cũng không vượt quá biên giới đèo Cù Mông, như sắc chỉ ngày 22 tháng 4 năm Giáp Ngọ (1474) cho biết: “Tù nhân bị tội lưu, ở châu gần thì sung làm quân vệ Thăng Hoa, ở châu ngoài thì sung làm quân vệ Tư Nghĩa, ở châu xa thì sung làm quân vệ Hoài Nhân [Qui Nhơn], những kẻ được tha tội chết cũng sung làm quân vệ Hoài Nhân” [6]. Các nguồn sử liệu về sau cũng nhất quán: “từ núi Cù Mông về Nam vẫn là người Man người Lạo ở, chưa có thì giờ kinh lý đến” [3].
7. “Năm Mậu Dần (năm 1578), theo lệnh chúa Nguyễn Hoàng, Lương Văn Chánh tiến hành công cuộc khẩn hoang về phương Nam, thu nhận phần đất Phú Yên. Đến năm 1597, những lưu dân do Lương Văn Chánh chiêu mộ đã đến khẩn hoang lập nghiệp trên vùng đất Cù Mông, Bà đài, Bà Diễn” (tr.40).
Nhiệm vụ của viên đô tướng họ Lương năm Mậu Dần (1578) không phải tiến hành công cuộc khẩn hoang về phương Nam mà là đem quân tấn công Champa ở vùng biên thùy: “… người Chiêm Thành đến lấn cướp. Chính [Chánh] tiến quân đến sông Đà Diễn, đánh lấy được Hồ Thành. Vì có quân công, thăng đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, tước Phù Nghĩa hầu” [7]. Quân công gắn liền với chiến công trận mạc tuyến trước chứ không phải sự thăng quan tiến chức lúc bình nhật ở miền hậu phương tích lực phía sau.
Mặt khác, mưu đồ cát cứ của họ Nguyễn chỉ bắt đầu nảy sinh từ sau lần ra Đông Đô năm 1593 và bị Trịnh Tùng giam lỏng suốt đến năm 1600. Trong quãng thời gian đó, nhằm tăng cường thực lực khu vực Thuận Quảng đặt dưới quyền Tổng trấn của mình, đầu năm 1597 Nguyễn Hoàng bí mật chuyển một sắc lệnh cho viên quan trấn An Biên là Lương Văn Chánh “Hãy liệu đem số dân xã Bà Thê đã trục vào hạng dân và các thôn phường khách hộ theo hầu công việc, lấy riêng số dân khách hộ đến các xứ Cù Mông… kết lập gia cư địa phận, khai khẩn ruộng đất hoang cho tới khi thành thục sẽ nạp thuế như thường lệ…” [8].
Vậy là, không phải công cuộc khẩn hoang lập làng tiến hành trên đất Phú Yên suốt từ năm 1578 đến năm 1597, mà cột mốc năm 1597 mới chỉ là bắt đầu.
8. “Năm 1611, vùng đất do Lương Văn Chánh khẩn hoang chính thức được đặt tên là Phú Yên (…) Sau khi Lương Văn Chánh mất, Nguyễn Hoàng cử Chủ sự Văn Phong vào trông coi vùng đất này” (tr.40).
Diễn biến của sự kiện đã bị đảo lộn cũng như sứ mệnh của nhân vật lịch sử đã bị quy nhầm. Lương Văn Chánh chết trước khi vùng đất do ông hướng đạo cuộc khai phá được chính thức đặt tên. Cái chết của Lương Văn Chánh không được rõ ràng, có thể do tuổi già hoặc do bị kẻ thù sát hại, vì cùng thời điểm này đã diễn ra các cuộc đột kích quân sự từ phía Champa. Văn Phong là người được Tổng trấn Nguyễn Hoàng cử đi trấn dẹp, sau đó lập thành đơn vị hành chính phủ Phú Yên, như chính sử họ Nguyễn ghi nhận: “Bấy giờ quân Chiêm Thành xâm lấn biên giới. Chúa [Nguyễn Hoàng] sai chủ sự là Văn Phong (không rõ họ) đem quân đi đánh lấy được (đất ấy), bèn đặt làm một phủ [Phú Yên], cho hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa lệ thuộc vào. Nhân cho Văn Phong làm lưu thủ đất ấy” [9].
Như vậy, danh xưng Phú Yên xuất hiện sau cuộc chinh phạt Champa thắng lợi của Văn Phong, cũng như Văn Phong được cắt cử làm lưu thủ phủ Phú Yên từ một chiến công quân sự tầm vóc chứ không phải là sự thế chỗ bình thường trong guồng máy hành chính vương quyền của họ Nguyễn buổi quốc sơ.
9. “18 năm sau [1629], Phú Yên được nâng lên cấp dinh – cấp hành chính địa phương cao nhất nước. Năm 1744, Võ vương Nguyễn Phước Khoát chia cả cõi thành 12 dinh. Dinh Trấn Biên đổi thành dinh Phú Yên” (tr.40).
Vị thế địa đầu của dinh Trấn Biên – Phú Yên kéo dài từ năm 1629 đến năm 1698, lúc chúa Nguyễn Phúc Chu “Sai thống suất Nguyễn Hữu Kính kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long (nay thăng làm phủ), dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa ngày nay)…” [9]. Lập một dinh Trấn Biên mới tại vùng đất Gia Định vừa được kinh lý, chính quyền họ Nguyễn không thể giữ lại danh xưng Trấn Biên cũ tại đất Phú Yên, bởi như chính sử họ Nguyễn giải thích: “khi mới mở mang, những nơi đầu địa giới đều gọi là Trấn Biên” [9]. Rõ ràng, ngay tại thời điểm năm 1698, Phú Yên đã trở lại tên gọi lúc ban đầu của vùng đất xác lập 87 năm về trước, với cấp quản lý hành chính là dinh, đồng hành bên cạnh các dinh Quảng Nam, dinh Bình Khang âm vang một thời hay dinh Trấn Biên, dinh Phiên Trấn vừa mới định danh.
10. Toàn bộ lịch sử vùng đất thuộc Phú Yên hơn 2 thiên niên kỷ được sách chia ra làm 8 thời kỳ, theo trình tự: thời thuộc Tần, thời thuộc Hán, thời Hậu Lê, thời chúa Nguyễn… Sách đã quên mất rằng từng có một thời kỳ chiếm gần trọn 3/4 chiều dài lịch sử (từ thế kỷ II đến thế kỷ XV) vùng đất này nằm trong lãnh thổ của vương quốc Champa, đối trọng không hề nhẹ cân của đế chế Trung Hoa thời An Nam đô hộ phủ và Đại Việt thời độc lập – tự chủ. Một bộ phận các giá trị vật chất và văn hóa mà Phú Yên có được trong hiện tại, bởi thế sẽ trở nên hoặc cóp nhặt hoặc ngụy tạo.
 
Trên phương diện học thuật – văn chương, biết là một chuyện còn viết là hoàn toàn chuyện khác, bởi biết có nhiều cấp độ và hình thức mà viết thì chỉ một và duy nhất. Đối với lịch sử, sự viết càng đòi hỏi lòng trung thực và sự chân xác quyết liệt hơn. Đúng như lời dạy của các bậc truyền nhân đối với những người làm công việc biên chép sử: sự thật tự nó biết nói đấy! [10].
Hãy đọc “Phú Yên – Thế và lực mới trong thế kỷ XXI” để phát hiện ra sự thật lịch sử về vùng đất Phú Yên đã được ẩn lậu dưới ngòi bút của các nhà làm sách quảng bá đầu tư và du lịch thế nào!
Đáng lo ngại hơn, với những sự kiện lịch sử chứng cứ rành rành, người ta vẫn hiểu sai, viết sai. Vậy lấy gì đảm bảo rằng những vấn đề đang vận động của hiện tại và dự đoán của tương lai kia được các nhà viết sách kiến lập dựa trên một tư duy thực sự khoa học và lôgíc ? Thật đáng tiếc vì tầm hiểu biết nông cạn của tác giả bài viết này.   
Phong Niên thư quán đầu xuân Nhâm Thìn 2012
 
 
Tài liệu tham khảo
[1] Chu Viết Luân (cb) (2006), Phú Yên – Thế và lực mới trong thế kỷ XXI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[2] Xuân Huy, Đồng Công Hữu (2007), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Trẻ, TP. HCM, tr.387.
[3] QSQ triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 3, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.6, 73.
[4] Nguyễn Quốc Lộc (cb) (2009), Lịch sử Phú Yên từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr.20.
[5] Ngô Sĩ Liên (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr.138.
[6] Ngô Sĩ Liên (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr.445, 449, 450, 452, 464.
[7] QSQ triều Nguyễn (1993), Đại Nam liệt truyện, tập I, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.89.
[8] Trần Viết Ngạc (2000), “Về một công văn của Tổng trấn Thuận Quảng Nguyễn Hoàng năm 1597”, tạp chí Xưa và Nay (số 02), tr.13.
[9] QSQ triều Nguyễn (1962), Đại Nam thực lục tiền biên, tập I, Nxb. Sử học, Hà Nội, tr.43-44, 56, 153.
[10] Tiêu Bản Hùng (2004), Tư Mã Thiên – Ông tổ của chính sử (năm 145 – 86 trước Công nguyên), Nxb. Văn hóa – Thông tin.