Võ Gia Trị
 Mới đây, khi đến gửi bài ở tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, tôi gặp nhà lý luận phê bình Nguyễn Ngọc Thiện, anh cho tôi xem bản in thử cuốn sách về lớp văn đại học Tổng hợp Hà Nội của anh với tên sách Người văn-Nghĩ và sống. Tôi góp ý nên đặt chữ “sống” trước chữ “nghĩ” vì phải sống rồi mới có cái để nghĩ và viết. Còn anh đưa ra cái lý là: Phải đặt chữ “nghĩ” trước chữ “sống” là để nhấn mạnh  tinh thần và ý thức trách nhiệm của cả một thế hệ trước sứ mệnh mà lịch sử và Tổ quốc trao cho. Xét cho cùng anh cũng có cái lý riêng, nó mang đậm chất học thuật của một nhà nghiên cứu luôn đặt tư duy lên trước. Theo Lời mở sách thì Người văn-Nghĩ và sống được làm nhân sự kiện “Năm nay là năm lớp văn khóa 8 kỷ niệm tròn nửa thế kỷ Ngày tựu trường Đại học (1963-2013)”. Đây là cuốn thứ hai vì “Cách đây tròn 10 năm, đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày tựu trường, Lớp đã có sáng kiến xuất bản tập Kỷ yếu, nhan đề Từ mái trường này. Và Trong số hơn 50 khóa học đó, Lớp văn khóa 8, Khoa ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp, hệ chính quy 4 năm (1963-1967) đã có vinh dự là lớp mở đầu cắm mốc làm sách kỷ yếu về lớp văn khoa Đại học”. Anh Nguyễn Ngọc Thiện từng làm nhiều công trình lớn, nhưng với anh cuốn sách này có lẽ vẫn là cuốn sách được anh dành cho nhiều tâm sức. Người văn-Nghĩ và sống được nhóm biên soạn của lớp là Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Huy Thông và Nghiêm Thị Minh Mẫn cùng suy ngẫm kỹ lưỡng, kết cấu một cách khoa học, họ quan tâm chăm chút cho từng bức ảnh, từng chân dung với đầy ắp tư liệu, hồi ức và tuyển tác phẩm… tất cả đều được đặt đúng chỗ trang trọng và hợp lý.
Những năm gần đây, nhiều tập sách kiểu này đã ra đời và ta chợt nhận ra: Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây, nay là Đại học khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội từ khi thành lập đến nay đã thực sự là mỏ trí tuệ lớn bồi đắp nhiều tài năng và sức sống cho làng văn cũng như làng trí thức Việt Nam. Rất nhiều thế hệ trong số họ đã trưởng thành từ mái trường thân yêu này. Trước cuốn Người văn-Nghĩ và sống, ngoài cuốn Từ mái trường này như đã nói ở trên, tôi cũng có trong tay một số kỷ yếu về các lớp học sinh từng học dưới mái trường Đại học Tổng hợp này. Mỗi cuốn là một mảng sống sinh động ở các giai đoạn lịch sử khác nhau, như cuốn Mái ấm Văn Ba (Nxb. Hội nhà văn, 2011) nói về lớp học sinh khoa ngữ văn khóa ba của Đại học Tổng hợp với các tên tuổi như: nhà văn Phan Tứ, nhà thơ Ngô Văn Phú, nhà văn Hoàng Tiến, nhà viết kịch Xuân Trình, nhà thơ Võ Văn Trực, nhà văn Đoàn Minh Tuấn, nhà văn Nguyễn Gia Nùng, nhà văn Trần Nguyên Vấn, nhà phê bình văn học Ngọc Trai… Họ thuộc những lứa đầu tiên trưởng thành dưới chế độ mới. Trong lớp lúc đó chỉ có nhà văn Phan Tứ người sau này đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và nhà văn Hoàng Tiến thiếu sinh quân lứa đầu thời chống Pháp là đã có tác phẩm văn học trình làng trước khi nhập học.
Cuốn tiếp theo tôi có là cuốn Ra đi từ mùa xuân năm ấy (Nxb. Hội Nhà văn, 2005) viết về lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du khóa bốn năm 1971 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức để tăng cường lực lượng trí thức cho chiến trường miền Nam. Họ là các cây bút trẻ mà phần đông là sinh viên Tổng hợp khoa văn và khoa sử được triệu tập học lớp này và đa số trước khi nhập học đã có tác phẩm trình làng. Nhiều người đến nay đã thành danh như các nhà văn nhà thơ Nguyễn Khắc Phục, Triệu Bôn, Lê Quang Trang, Nguyễn Tri Huân, Dương Trọng Dật, Nguyễn Bảo, Ngô Thế Oanh, Trần Thị Thắng, Vũ Thị Hồng, Hà Phương… và cũng có người thành danh trên chính trường như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Cuốn thứ ba tôi có là cuốn Những trang văn trong thời lửa đạn (Nxb. Hội Nhà văn, 2006), đây là tuyển tập nhật ký, đọc rất thú vị của 10 nhà văn nhà thơ đi chiến trường miền Nam vào những năm kháng chiến chống Mỹ. Tôi vinh dự được ban biên tập mời viết đề tựa cho cuốn sách này. Phần lớn họ cũng từng học Đại học Tổng hợp. Ngay cả trong kỷ yếu Nhà văn hiện đại của Hội Nhà văn Việt Nam, ta cũng nhận ra có rất đông các hội viên từng dạy và học ở Đại học Tổng hợp.
Trong lời mở sách anh Nguyễn Ngọc Thiện viết: “Như một “cú hích“ gợi mở thân thiện, tiếp đó từ năm 2003, Từ mái trường này kéo theo sự ra đời của các tập kỷ yếu tương tự của các lớp sinh viên văn khoa trước và sau, cũng thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội.” Đó là các cuốn: Dấu ấn một thời kỷ yếu lớp văn khóa 13; Kỷ niệm 45 năm ra trường của lớp văn khóa 7; Mùa thu tôi yêu của lớp văn khóa 15. Như vậy, cùng với Người văn-Nghĩ và sống, thì đây là những cuốn sách đáng quý phản ánh sinh động một thời chiến bi hùng, rồi thời hậu chiến, đổi mới và mở cửa… Những trang sách đó thật giàu ý nghĩa vì nó giúp ta nhận ra vóc dáng trí tuệ vạm vỡ của thời đại.
Diện mạo lớp Văn khóa 8 của anh Nguyễn Ngọc Thiện được thể hiện qua 88 chân dung trong Người văn-Nghĩ và sống, đây là tập thể vừa điển hình cho thế hệ vừa mang những nét đặc biệt thú vị. Lớp anh nói riêng cũng như cả thế hệ anh nói chung là lớp trí thức trẻ đầy nhiệt huyết đã được định hình thật đẹp trong thơ Tố Hữu “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Trong lớp có các tác giả như Trần Vũ Mai, Đoàn Tử Diễn, Ngô Thế Oanh… cũng tham gia học lớp bồi dưỡng viết văn khóa bốn, đã vượt Trường Sơn vào các chiến trường ác liệt tăng cường cho đội ngũ trí thức miền Nam. Anh Vũ Duy Thông với tư cách phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TXVN) cũng đã có mặt tại nhiều chiến trường nóng bỏng và từ thực tế chiến tranh bi hùng anh đã tạo cho mình vóc dáng một nhà thơ. Anh Trương Đức Anh, trưởng thành từ mặt trận Quảng Trị khói lửa sau trở thành Phó Tổng giám đốc TTXVN. Anh Chu Chí Thành là phóng viên ảnh chiến trường, Giải thưởng Nhà nước về nhiếp ảnh; phóng viên ảnh chiến trường Bùi Hoàng Chung từng bị địch bắt được trao trả tại Quảng Trị …Và anh Nguyễn Ngọc Thiện ở giai đoạn này cũng lên đường nhập ngũ… Bên cạnh những nét đẹp điển hình chung đó, lớp văn khoa khóa VIII Đại học Tổng hợp của anh Nguyễn Ngọc Thiện cũng là lớp sinh viên đại học khá đặc biệt. Không chỉ có nhiều thành viên của lớp đã thành danh, trở thành các nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, như Vũ Duy Thông, Phan Cung Việt, Bùi Công Hùng, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Huy Thông, Nguyễn Thị Hồng Duệ, Nguyễn Ngọc Thiện, Ngôn Vĩnh, Vũ Xuân Mai (Trần Vũ Mai), Nguyễn Quang Lộc; trở thành nhà báo như, Phạm Đức Lượng, Trung Đông, Nguyễn Kim Trạch, Nguyễn Trương Đàn, Trần Đức Chính, Trần Đình Thảo, Vũ Thị Kim Hải, Nguyễn Bá Thành, Dương Đức Quảng, Hồ Hoa, Nghiêm Thị Minh Mẫn… Trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh như Chu Chí Thành, Vũ Huyến, Bùi Hoàng Chung … mà còn có người đã thành danh trong chính trị như đương kim Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Thái Ninh nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng văn hóa. Với riêng anh Thiện, người đứng đầu nhóm biên soạn cuốn sách này, thuở đó là cậu học trò nhỏ tuổi nhất lớp, được bạn bè trong lớp yêu quý, thì nay cũng đã ngót ngét ở độ tuổi “Thất thập cổ lại hy” (nghĩa là “Người thọ bảy mươi xưa nay hiếm”).
.
/
.
Chỗ thân tình, đóng vai phản biện tôi hỏi “khó” anh một câu: Sao trong kỷ yếu anh không đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên đầu sách? Anh lập tức khẳng định “Tập kỷ yếu này đặc biệt vì nó dành phần đầu trang trọng nhất để nói về các thầy như Hoàng Xuân Nhị, Hà Minh Đức, Nguyễn Tài Cẩn, Hoàng Như Mai, Đinh Gia Khánh, Nguyễn Kim Đính, Nguyễn Lộc, Nguyễn Trường Lịch, Bùi Duy Tân, Trần Đình Hượu, Võ Quang Nhơn, Nguyễn Ngọc Sơn. Tổng cộng là mười hai thầy đáng kính. Phần tiếp theo về các trò của lớp, Cậu thấy đấy, chúng mình vẫn trang trọng để đồng chí Nguyễn Phú Trọng lên đầu lớp. Sau đó là lãnh đạo lớp và tiếp nữa các thành viên được xếp theo bảng chữ cái. Tôi tâm phục khẩu phục với ý tưởng và sự sắp xếp này của anh vì nó là truyền thống văn hóa “Tôn sư trọng đạo” của dân ta. Và rồi chính phần đầu này của Người văn-Nghĩ và sống đã đã trở thành điểm sáng, nó góp phần cho thấy lực lượng giảng viên hùng hậu từ những nhân vật nổi tiếng ở thời kỳ đầu như các giáo sư Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Đào Duy Anh… Đến lớp các thầy dạy lớp các anh như các thầy Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Tài Cẩn, Hoàng Như Mai, Đinh Gia Khánh, Hà Minh Đức… cũng như nhiều lớp giảng viên tiếp nối sau này… trong thực tế luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo nên danh tiếng thực sự cho Trường. Các thầy là các bậc hiền tài uyên bác với trái tim yêu thương rộng mở đã góp công đào tạo nhiều thế hệ văn nghệ sĩ, các nhà tư tưởng, các nhà chính trị cho đất nước. Đóng góp của các thầy cô Trường Đại học Tổng hợp cho xã hội là to lớn và đáng quý.
Sức mạnh trí tuệ của Đại học Tổng hợp thực ra còn được nhân lên nhờ các giảng viên thỉnh giảng đến từ các viện khoa học trong cả nước cũng như đến từ nước ngoài. Như với Viện Văn học thì hầu hết các lãnh đạo, các tên tuổi sáng giá hàng đầu như giáo sư Đặng Thai Mai, nhà phê bình Hoài Thanh, giáo sư Hoàng Trinh, giáo sư Phong Lê… đều tham gia giảng dạy ở Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhiều chuyên gia và chính khách lớn ở nước ngoài cũng được mời đến giảng dạy ở Trường. Tổng thống Mỹ Bin Clinton lần đầu thăm Việt Nam cũng đến nói chuyện ở Trường Tổng hợp Hà Nội…. Tôi cũng có kỷ niệm với ngôi trường này, đó là khi làm luận văn tốt nghiệp, người hướng dẫn cho luận văn của tôi là giáo sư viện sĩ Hoàng Trinh, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Giải thưởng Hồ Chí Minh, là giáo sư thỉnh giảng của Trường Tổng hợp,  Hà Nội. Tôi nhớ, Giáo sư Hoàng Trinh thường không trực tiếp sửa vào luận văn, ông chỉ dùng bút chì gạch bên lề và ghi ý kiến như đoạn này cần sửa, hay nên phát triển sâu hơn, hoặc lời khen chê của ông… Tôi thích lối làm việc bằng cái tâm và cái tầm của ông. Thầy Hoàng Trinh sở dĩ nhận hướng dẫn tôi vì đề tài của tôi gây hứng thú cho ông. Có lần ông nói với tôi như với đồng nghiệp nhỏ tuổi “Bác nghĩ cháu sẽ tiếp tục có sản phẩm”. Sau này, đúng vậy tôi đã đưa nguyên chương mà thầy Hoàng Trinh thích và khen hay với tiêu đề “Ký hiệu học nhìn từ triết học phương Đông” vào cuốn sách đầu tay Nghệ thuật văn chương và chân lý. Sau khi bảo vệ luận văn thành công, tôi được trao bằng tốt nghiệp chứng nhận học vị “cử nhân khoa học”. Tôi thích chữ “khoa học” trong cụm từ này vì cái sự học ở Tổng hợp thực chất là dạy học sinh cách làm khoa học. Và chính Trường Tổng hợp Hà Nội cũng góp phần to lớn tạo nên tầm vóc cho Viện Văn học. Có thể nói hầu hết các Viện trưởng Viện Văn học đều có duyên nợ với Đại học Tổng hợp Hà Nội, các viện trưởng Đặng Thai Mai, Hoàng Trinh, Hà Minh Đức từng là giáo viên, từng giảng dạy ở Tổng hợp Hà Nội, các viện trưởng kế tiếp như Phong Lê, Phan Trọng Thưởng từng là sinh viên Tổng hợp Hà Nội. Còn với Hội Nhà văn Việt Nam, Trường Tổng hợp Hà Nội cũng đã đóng góp cho Hội rất nhiều tên tuổi văn chương sáng giá.
Cuốn Người văn-Nghĩ và sống trong phần Phụ lục có hệ thống ảnh phong phú và tôi  thích những bức ảnh như “Trên đường vào chiến trường B năm 1971” trong đó có  Ngô Thế Oanh và Đoàn Tử Diễn và ảnh “Nguyễn Ngọc Thiện nhập ngũ từ Viện Văn”. Bức ảnh “Lắng nghe lời bảo ban của Thầy Hà Minh Đức” cũng là bức ảnh đẹp có nhiều ý nghĩa. Anh Thiện hồ hởi kể với tôi: “Trong ký túc xá của sinh viên Tổng hợp lúc chúng tôi học có hàng hoa phượng dọc trục đường chính vào hè nở hoa đỏ đẹp lắm”. Anh tâm đắc chọn bức ảnh nghệ thuật chụp hoa phượng đỏ đó làm bìa cho tập sách này.
Phần chân dung các thầy các bài viết đều chất lượng, nổi trội hơn là phần giới thiệu thầy Hà Minh Đức nhờ vẻ đẹp của các bài thơ do chính thầy làm. Thơ là phần không thể thiếu trong vẻ đẹp Hà Minh Đức. Bài viết “Thầy chủ nhiệm lớp chúng tôi” của anh Thiện cũng gợi mở nhiều kỷ niệm thú vị. Tôi thích chi tiết khi các anh lần đầu gặp thầy Hà Minh Đức, lúc đó “thầy còn trẻ tuổi chưa đến 30, dáng thư sinh trắng trẻo” và sau khi được giới thiệu thầy chủ nhiệm thì “Cả lớp chúng tôi vỗ tay rào rào, nghểnh cố nhìn lên: Ôi thầy chủ nhiệm lớp mình sao mà trẻ trai, hào hoa, đẹp dáng quá!”. Bài viết “Những kỷ niệm không thể nào quên” của thầy Hoàng Như Mai cũng như bài viết của anh Nguyễn Huy Thông về thầy Mai là những bài viết cảm động  về tình nghĩa thầy trò. Trong bài viết của thầy Hoàng Như Mai tôi thích chi tiết anh Thái Ninh đi bộ nhường xe cho thầy Mai. Còn trong bài viết về thầy Nguyễn Tài Cẩn tôi thích chi tiết thầy dạy sinh viên Mỹ làm thơ lục bát.
 Trong Người văn-Nghĩ và sống đứng đầu lớp khóa 8 là người cựu sinh viên nay là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi chú ý đến chi tiết khá thú vị “Năm 1967, với sự hướng dẫn của GS Đinh Gia Khánh, cậu sinh viên năm thứ tư Nguyễn Phú Trọng đã bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp về đề tài: “Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu” với điểm tối ưu của khóa đó.” Nghĩa là năm đó đồng chí đỗ thủ khoa và rồi hiện ông cũng “thủ khoa” khi giữ cương vị đứng đầu Đảng ta. Như vậy, ông là người có duyên đứng đầu. Dân gian có câu “Không thầy đố mày làm nên”… Thầy Đinh Gia Khánh cùng các thầy  dạy ông, và cả nhà thơ Tố Hữu cũng như “Thơ ca dân gian”… là những điểm tựa giúp ông vươn đến thành công. Mỗi chân dung trong cuốn Người văn-Nghĩ và sống đều đem đến cho bạn đọc biết bao thú vị và triết học cổ phương Đông nói quả không sai: Mỗi con người là một tiểu vũ trụ. Tôi cũng quan tâm đến phần trang dành cho anh Nguyễn Ngọc Thiện với phần lưu bút có triện chữ Nho in hình con lợn âm dương tượng trưng tuổi bản mệnh Đinh Hợi của anh. Lời thủ bút đại ý viết: ở gian thờ họ Nguyễn Ngọc ở nhà quê anh có bức hoành phi ghi ba chữ Nho lớn “Thế Uẩn Thiện”, và ông cha anh lấy chữ Thiện từ đó để đặt tên cho anh với ý răn dạy con cháu “hành nghề lương thiện lưu phúc đức cho đời”. Cái tên Thiện sẽ đem lại duyên may cho anh vì nó còn gắn với ba chữ “Chân Thiện Mỹ” vốn là bản thể của những ai có duyên nghiệp làm nghệ sĩ cũng như trí thức. Bài viết “Được Hoài Thanh dẫn vào nghề” của anh có nhiều kỷ niệm thú vị. Tôi thích chi tiết trong bài khi anh “ trịnh trọng bê lên chỗ ông một chồng sổ tay ghi chép lớn, nhỏ có được sau 4 năm ở Đại học-một phần kho tư liệu văn học của tôi, cũng có ý ngầm khoe với ông nữa chứ… Ông cao lớn, nên phải khom người xuống đỡ, tủm tỉm cười, lấy tay vuốt nhẹ lên bìa simili các cuốn sổ tay tôi chép thơ người khác rồi nói nhẹ như thầm thì “Cám ơn cháu, bác sẽ dành thời gian đọc trong ít ngày, rồi trả lại nguyên vẹn cho cháu, không sợ mất đâu!” Những kỷ niệm tươi mới của anh có sức mạnh thật lạ, nó xô đẩy và kích thích làm sống dậy trong tôi những kỷ niệm. “Ở nơi sơ tán của Viện Văn học-một làng nhỏ ven sông Cầu” thuở đó tôi là con em Viện Văn theo mẹ sơ tán ở Hà Bắc. Mẹ tôi là dịch giả Phương Thảo tên thật là Nguyễn Thị Ả. Tôi vẫn nhớ có lần bác Hoài Thanh hồ hởi nói với mẹ tôi: “Đồng chí Trường Chinh vừa gọi điện xuống Viện Văn và cho biết ông đọc được bài thơ hay trên Văn nghệ, chị biết đó là bài gì không? (và ông trả lời ngay) Đó là bài Tôi đi của anh Võ Quảng đấy.” Và ông nồng nhiệt nhờ mẹ tôi chuyển lời chúc mừng đến ba tôi. Thế đấy, với nhà phê bình Hoài Thanh mỗi bài thơ hay thực sự là một sự kiện lớn. Và tôi nghĩ việc anh Nguyễn Ngọc Thiện  được con người kỳ tài, có con mắt xanh trời phú, có tài năng và trái tim tâm huyết với phê bình thơ ấy dẫn vào nghề thì quả là sự may mắn lớn. Tôi không có được may mắn như anh, dù tôi cũng từng ở rất gần ông. Lúc đó tôi còn là trẻ con, chỉ có thể hóng hớt nghe lỏm chuyện người lớn. Thật ra, nhờ bài viết của anh tôi nhớ có lần tôi đến chỗ mẹ tôi làm việc, lúc đó bác Đặng Thai Mai cũng ghé vào để nói điều gì đó quan trọng. Tôi nhanh mồm chào bác. Như vô thức bác đưa tay xoa đầu tôi khi vẫn đang mê mải nói và tay bác cứ đặt rất lâu trên đầu tôi. Tôi đứng im không dám nhúc nhích mắt ghé lên nhìn bác đang nói hăng say. Sau khi truyền đạt chỉ thị xong bác mới nhìn tôi và nói: Bác chào cháu bé ngoan!. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác ấm áp từ tay bác tỏa ra thấm vào mái đầu tóc cháy vì bêu nắng của tôi. Có lẽ năng lượng đó đã vô tình khai mở huyệt đạo “lý luận phê bình” trong đầu tôi để sau này tôi có thể viết được lý luận phê bình. Về chuyện tôi nổi hứng viết lý luận phê bình mẹ tôi lại có cách lý giải khác: “Đó là vì nó ăn nhiều cơm của bếp ăn tập thể Viện Văn học, bị “ngộ chữ” nên  viết lý luận phê bình văn học”. Tôi kể những chuyện tưởng như ngoài lề này thực ra là để chứng minh bài viết của anh Nguyễn Ngọc Thiện là thật thú vị. Đó cũng là thủ thuật của lý luận phê bình “hữu xạ tự nhiên hương”. Vì thơ ca, văn chương cũng như lý luận phê bình trên lý thuyết cũng như thực tế sẽ luôn thú vị và hay nhất khi chúng trở thành chiếc chìa khóa vàng kỳ diệu khai mở những kỷ niệm đẹp của bạn đọc. Và tôi nghĩ cuốn sách Người văn-Nghĩ và sống cũng là một trong những chiếc chìa khóa vàng kỳ diệu đó.