THƯ  NGỎ GỬI  NHÀ  THƠ  TRẦN  NHUẬN  MINH

 
                                                                              Đào Giáng Vân 
                                                                 
  Kính gửi: Nhà thơ Trần Nhuận Minh, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam – Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh.
 Trước tiên tôi xin cám ơn anh – người đã viết về Đêm thơ Nguyên tiêu của Phú Yên – bởi anh đã  gợi cho tôi sống lại những ngày tháng đầu tiên đầy kỷ niệm của sự ra đời của Đêm thơ xuân ấn tượng ấy.
  Hội những người yêu đọc sách ra đời, công đầu là của ông DƯƠNG THÁI NHƠN (Hồi đó là nhân viên thư viện Hải Phú, sau này là Giám đốc). Trong Ban chấp hành Hội bấy giờ chỉ có 2 nữ- tôi và cô giáo PHẠM THỊ HỒNG – đều cùng là giáo viên Trường phổ thông trung học Nguyễn Huệ, Tuy Hoà. Hội đề ra lịch sinh hoạt mỗi tháng một lần theo chủ đề của tháng, với nội dung giới thiệu, thảo luận các tác phẩm văn học trong và ngoài nước được bạn đọc yêu thích . Ví dụ : tháng 2 chủ đề về Đảng, tháng ba chủ đề về phụ nữ (có năm tôi phụ trách giới thiệu tác phẩm văn học BÀ ĐẠI SỨ). Còn tháng giêng, tôi xin trích trong bài Từ Đêm thơ Nguyên tiêu đến ngày thơ Ngày thơ Việt Nam của ông DƯƠNG THÁI NHƠN (nguyên là giám đốc Thư viện Hải Phú ) viết ngày 18/2/2010 trên báo điện tử Phú Yên:
 
  …Chúng tôi bàn nhau: Đêm thơ xuân nên chọn ngày rằm tháng giêng âm lịch là tốt nhất – Đêm trăng tròn và sáng đầu tiên của một năm, lại đang còn không khí tết, mọi người sẽ đi dự đông – Lại có bài thơ Nguyên Tiêu nổi tiếng của Bác Hồ viết ở chiến khu Việt Bắc năm 1948…( Giáng Vân xin nhấn mạnh: Đêm thơ Nguyên Tiêu Phú Yên xuất phát từ bài thơ Nguyên Tiêu của Cụ Hồ, chứ không phải như anh đã viết trong bài “Từ Đêm thơ Nguyên Tiêu đến Ngày thơ Quảng Ninh và Ngày thơ Việt Nam” với câu:  “… Cách tư duy về ngọn nguồn, Ngày thơ Việt Nam giống Ngày thơ Quảng Ninh. Trước khi có Ngày thơ Việt Nam, Đêm thơ Nguyên Tiêu của Phú Yên là một Đêm thơ xuân  tổ chức vào đêm nguyên tiêu Rằm tháng giêng, không xuất phát từ bài thơ Nguyên Tiêu của Cụ Hồ. Đấy là 2 xuất phát điểm khác nhau, dù cùng là ngày Rằm thángGiêng.”)

  Thế là đêm thơ xuân đầu tiên của Phú Yên ra đời vào Rằm tháng giêng năm 1981( có một số người nhầm năm 1980). Tại sân của thư viện Hải Phú, hoa, chậu cảnh, pháo được chuẩn bị đầy đủ, số người tham dự ngày càng đông. Các bài thơ của các nhà thơ lớn và các bạn thơ tại địa phương được trình bày qua các giọng đọc và ngâm thơ rất hay. Một đêm thơ đầy ấn tượng đối với tôi. Không hiểu sao tôi cứ nghĩ Ngày thơ Việt Nam được bắt nguồn từ Đêm Nguyên tiêu của Phú Yên. Sau này tôi biết mình đúng. Tôi xin trích tiếp bài viết  trên của ông DƯƠNG THÁI NHƠN như sau:

“… Như vậy, rất tự nhiên từ lúc nào Đêm thơ Nguyên tiêu Tuy Hòa trở thành một lễ hội văn hóa mang tính khu vực hiếm thấy trong thời gian đó. Rất vui mừng và tâm huyết với sinh hoạt này, tháng 9 năm 2002, tại Hội nghị Văn học miền Trung lần thứ II được tổ chức tại Sầm Sơn, Thanh Hóa, nhà văn Nguyễn Gia Nùng có tham luận “Luận án Thơ từ Núi Nhạn”. Bản tham luận sau khi đọc gây ngạc nhiên và rất thú vị cho tất cả các đại biểu, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ chưa biết có sinh hoạt này. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nhạc sĩ Trần Hoàn, Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa rất quan tâm, trực tiếp hỏi thăm nhà văn Nguyễn Gia Nùng về “hiện tượng Thơ Nguyên tiêu Tuy Hòa”. Tiếp đó, ngay sau khi về Hà Nội, nhà thơ Hữu Thỉnh và nhạc sĩ Trần Hoàn đã lập tức làm những gì cần thiết để có thể từ kinh nghiệm Phú Yên nhân rộng ra tổ chức Ngày thơ Việt Nam trong toàn quốc mà Hội nhà văn Việt Nam đã từ lâu muốn có nhưng chưa làm được. Cùng với kinh nghiệm Phú Yên, ở Quảng Ninh, từ năm 1988 cũng đã tổ chức “Ngày thơ Quảng Ninh” thành công và tiếp tục duy trì vào mùa Xuân hàng năm. Chọn ngày Nguyên tiêu, ngày Bác Hồ có bài thơ “Nguyên tiêu” nổi tiếng làm Ngày hội thơ thật phù hợp, giàu ý nghĩa…”
 
  Tôi vô cùng biết ơn và gửi lời cám ơn chân thành nhất tới nhà thơ Phạm Dạ Thủy đến từ Khánh Hòa, người đã dành tình cảm rất mặn nồng cho Đêm thơ Nguyên tiêu của Phú Yên. Nhà thơ đã từng nói: Mỗi lần ra dự Đêm thơ Nguyên tiêu của Phú Yên tôi rất xúc động, bởi vì đây là nơi độc nhất ở Việt Nam tổ chức Hội thơ Đêm Rằm Tháng Giêng từ năm 1980 ( tôi, Đào Giáng Vân,  xin đính chính là năm 1981) và thu hút rất đông khán giả thuộc các tầng lớp nhân dân và đây là khởi nguồn để Hội Nhà văn Việt Nam cho ra đời Ngày thơ Việt Nam”.
 
   Kính thưa nhà thơ Trần Nhuận Minh !
Tôi – Đào Giáng Vân, là một trong những người trực tiếp sáng lập ra Đêm thơ Nguyên tiêu của Phú Yên, xin có đôi lời thưa lại như vậy, không biết có làm vừa lòng nhà thơ không ? Tôi thiết nghĩ: Khi viết về vấn đề mà những người trong cuộc còn sống, nhà thơ nên làm việc với họ trước đã, rồi hãy nêu quan điểm của mình. Nếu không bài viết của nhà thơ  sẽ lại là điểm bất lợi cho nhà thơ đó.
    Tôi xin kính chúc nhà thơ mạnh khỏe, vui, hạnh phúc và có nhiều tác phẩm hay.
 Tuy Hoà, Phú Yên, ngày 12 tháng 2 năm 2012
                                                            Kính thư
              Đào Giáng Vân
Nguyên là GV Trường PTTH Nguyễn Huệ
Tuy Hoà, Phú Yên
 
Thư điện tử:   daogiangvan@gmail.com
ĐT:   0906 506240 
Triệu Lam Châu
Đôi điều suy nghĩ nhân đọc bài “Hành trình từ Đêm thơ Nguyên Tiêu đến Ngày thơ Quảng Ninh và Ngày thơ Việt Nam” của nhà thơ Trần Nhuận Minh
 
Hôm qua vào Trang lethieunhon.com thấy bài viết của nhà thơ Trần nhuận Minh với tựa đề “Hành trình từ Đêm thơ Nguyên Tiêu đến Ngày thơ Quảng Ninh và Ngày thơ Việt Nam”, tôi liền hồ hởi đọc ngay. Đọc một lần, hai lần, rồi đọc kỹ… ngẫm nghĩ và bây giờ tôi xin có đôi điều suy nghĩ như sau:
 
 Mở đầu bài viết của mình, nhà thơ Trần Nhuận Minh viết “ Tôi có đọc trên trang mạng lethieunhon.com chùm thơ Nguyên Tiêu của các nhà thơ Phú Yên nhân 31 năm Đêm thơ Nguyên Tiêu. Phần giới thiệu của nhà thơ Triệu Lam Châu là rất phải chăng và phần thơ của các nhà thơ có nhiều bài khá, có bài hay. Xin chúc mừng các bạn đồng nghiệp và sáng kiến xuất bản tập thơ của Hội bạn tỉnh Phú Yên. Nhưng đọc ý kiến phản hồi của bạn “Ơt chỉ thiên” thì tôi thấy phải có ý kiến để các bạn rõ thêm, điều tưởng như đã rất rõ rồi. Tỉnh Phú Yên có sáng kiến tổ chức Đêm thơ Nguyên Tiêu đến nay là 31 năm. Đó là một sáng kiến đẹp góp thêm vào sự phong phú của đời sống văn hóa của địa phương và của cả một vùng văn học…”  Phải nói rằng nhà thơ Trần Nhuận Minh viết những dòng trên với một tâm thế rất trân trọng đối với Sáng kiến tổ chức Đêm thơ Nguyên Tiêu của tỉnh Phú Yên. Sự trân trọng ấy của nhà thơ, theo tôi nghĩ, trước hết là dành cho Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Phú Yên, sau đó là dành cho bạn viết và công chúng yêu thơ của vùng đất nam Trung Bộ xa xôi này. Điều đó thật vui mừng và cảm động. Chính vì vậy nhà thơ không ngần ngại dành cho vùng đất, con người và văn hoá Phú Yên những dòng ưu ái “Đêm thơ Nguyên Tiêu ở Phú Yên về ngọn nguồn của nó là thú chơi tao nhã của các thi nhân xưa, thường gặp nhau, đọc thơ, thưởng trà và ở nhiều nơi, có các nhóm thơ, thành một phong tục đẹp. Nhưng chỉ có ở Phú Yên mới thành một dòng chảy văn hóa, nhất là từ khi có Ngày thơ Việt Nam tổ chức vào ngày nguyên tiêu….”
 
  Sau đó Trần Nhuận Minh viết về quá trình hình thành và phát triển của Ngày thơ Quảng Ninh từ năm 1988 tới giờ. Quả thật đọc bài viết này, tôi mới hình dung được sự hoành tráng và tầm vóc của Ngày thơ Quảng Ninh. Sự hoành tráng của Ngày thơ Quảng Ninh có được, trước tiên là nhờ có sự quan tâm chỉ đạo đúng mức của Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Quảng Ninh, sau đấy là nhờ sự tận tâm đầy sáng tạo trong khâu tổ chức của các ban ngành, đặc biệt là các văn nghệ sĩ của mảnh đất này. Do đó nhà thơ Trần Nhuận Minh đã trích dẫn thật xác đáng vào bài viết của mình, lời phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh ( Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam, năm 2003):
“Thay mặt Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, tôi xin trân trọng thông báo với các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các bạn văn nghệ sĩ dự đại hội toàn thể của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, rằng: từ thực tế tổ chức và những bài học kinh nghiệm của Ngày thơ Quảng Ninh, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, trong phiên họp toàn thể ngày 26 tháng 12 vừa qua, đã quyết định lấy ngày Nguyên tiêu, Rằm tháng Giêng âm lịch hằng năm, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh, viết bài thơ Nguyên tiêu năm 1948 làm Ngày thơ Việt Nam”.
 Trong bài viết của mình, nhà thơ Trần Nhuận Minh phân biệt rõ rằng Phú Yên có Đêm thơ Nguyên Tiêu, Quảng Ninh có Ngày thơ Quảng Ninh. Tôi xin trích nguyên văn như sau:
“ …Như vậy, ngày thơ mang tên một vùng đất, chứ không phải là Đêm thơ xuân, được tổ chức bài bản theo kiểu lễ hội, lễ trước rồi hội sau, có sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và sự tham gia của các đoàn thể quần chúng, các tiết mục ngâm thơ, hát thơ, trình diễn thơ trên các sân khấu, ở trong nhà hay ngoài trời, có đánh trống khai hội, in những câu thơ hay vào cờ phướn treo lên cây nêu ( chưa có thả thơ)… thì Quảng Ninh là tỉnh làm đầu tiên. Còn Đêm thơ Nguyên tiêu thì tỉnh Phú Yên làm đầu tiên, không phải trước Quảng Ninh vì Quảng Ninh có Ngày thơ Quảng Ninh, không có Đêm thơ Nguyên Tiêu. Sau này cùng với Ngày thơ Việt Nam, Quảng Ninh vẫn tổ chức ngày thơ truyền thống của mình vào 29 / 3 như trước…”
  Tôi nhất trí với nhà thơ Trần Nhuận Minh là không thể đồng nhất Đêm thơ Nguyên Tiêu với Ngày thơ được. Và theo tinh thần bài viết của Trần Nhuận Minh, mà cũng đúng thực tế như vậy, bạn đọc cần phải hiểu rằng: Đêm thơ Nguyên Phú Yên đầu tiên năm 1981, Ngày thơ Quảng Ninh đầu tiên năm 1988, Ngày thơ Việt Nam  đầu tiên năm 2003.
 
   Một chút chạnh lòng tôi lại nghĩ tưởng như lạc đề như sau:
  Hẳn mọi người còn nhớ, năm ngoái (năm 2011) tỉnh Phú Yên kỷ niệm 400 năm thành lập, với một lễ hội thật hoành tráng mang tầm quốc gia. Lễ hội này được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan, ban ngành Trung ương, địa phương và các tỉnh bạn. Vì sao vậy? Vì vùng đất, con người và văn hoá Phú yên – là một phần lãnh thổ và văn hoá thiêng liêng của Tổ Quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta. Hai tiếng Phú Yên cũng được sống một cách thiêng liêng trong miền nhớ của mọi người con đất Việt ngàn năm văn hiến này.
 
 Hết phút chạnh lòng ấy, tôi xin quay về với Hội thơ xuân Rằm tháng giêng. Ngày thơ Quảng Ninh hay Đêm thơ Nguyên Tiêu Phú Yên có được sự thành công, có thể gọi là đáng tự hào trong những năm qua, ngoài sự cố gắng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính quyền và văn nghệ sĩ – còn có sự ủng hộ, cổ vũ nhiệt thành của công chúng yêu thơ chân chính. Có thể nói không ngoa rằng: Công chúng yêu thơ chân chính là nhân tố cực kỳ quan trọng quyết định sự thành công của các Đêm thơ Nguyên Tiêu Phú Yên và Ngày thơ Quảng Ninh.
  Theo tôi, Triệu Lam Châu, sự ngưỡng mộ thơ ca hết sức vô tư, nhiệt thành và say đắm của công chúng yêu thơ ở Phú Yên và ở Quảng Ninh – là như nhau. Chính lòng yêu thơ nhiệt thành ấy của công chúng yêu thơ, là tiềm năng, là năng lượng thúc đẩy và làm cho Đêm thơ Nguyên Tiêu Phú Yên và Ngày thơ Quảng Ninh ngày càng đi vào chiều sâu và mãi mãi trường tồn…
  Do đó lòng yêu thơ của công chúng yêu thơ ở Phú Yên, cũng xứng đáng được nằm trong miền nhớ của công chúng yêu thơ cả nước mỗi độ xuân về cùng với Ngày thơ Việt Nam hôm nay và mai sau…
 Với suy tư sâu lắng và tâm huyết như vậy, tôi cầu mong nhà thơ Trần Nhuận Minh hào hiệp ban thêm hai chữ “Phú Yên” thiêng liêng vào tựa đề bài viết tâm huyết của mình. Và như vậy tựa đề đó sẽ là: Hành trình từ Đêm thơ Nguyên Tiêu Phú Yên đến Ngày thơ Quảng Ninh và Ngày thơ Việt Nam.
  Tôi nghĩ rằng niềm ao ước cháy bỏng ấy, không phải chỉ của riêng tôi (Triệu Lam Châu), mà hẳn cũng là niềm ao ước của  Đảng bộ, Chính quyền cùng văn nghệ sĩ và đông đảo công chúng yêu thơ ở Phú Yên.
  Tôi lại đinh ninh rằng: Đó không phải là một tựa đề bình thường nữa, mà sẽ là một câu thơ bất hủ của nhà thơ Trần Nhuận Minh trong tương lai… Để rồi mỗi dịp đến Ngày thơ Việt Nam, công chúng yêu thơ cả nước (và con cháu mai sau) cứ thầm ngâm ngợi trong lòng “Hành trình từ Đêm thơ Nguyên Tiêu Phú Yên đến Ngày thơ Quảng Ninh và Ngày thơ Việt nam” – Mà thấy hiện lên rực rỡ trong lòng mình Vầng sáng của sự toàn vẹn lãnh thổ (và toàn vẹn văn hoá) thiêng liêng của Tổ Quốc Việt Nam ngàn đời yêu dấu…
 
Tuy Hoà, Phú Yên, đêm 17 tháng giêng năm Nhâm thìn (2012)
Triệu Lam Châu
trieulamchau@gmail.com
ĐT:  0983 825502