Ứng dụng bản thể luận trong hệ đào tạo vừa làm vừa học

 
Hệ đào tạo vừa làm vừa học (VLVH) góp phần vừa giúp nhà nước giải quyết bài toán nhân lực, vừa giúp người học có thể đạt được nhu cầu phát triển cá nhân. Với kinh nghiệm đang là sinh viên hệ VLVH, tác giả đưa ra sáu góp ý có liên quan đến chương trình này như sau:
Thứ nhất, trong khi chương trình đào tạo đại học tại Việt Nam nhìn chung có khuynh hướng nhấn mạnh đến hệ tư tưởng tri thức luận, tác giả cho rằng các chương trình này nên tập trung thêm vào bản thể luận thông qua sự hiểu biết về sinh viên, với câu hỏi chủ đạo: sinh viên là ai và họ muốn làm được điều gì từ chương trình này? Chúng ta luôn là chúng ta, với quá khứ và khát vọng bước vào tương lai hoàn toàn khác nhau. Sinh viên hệ VLVH lại xuất thân từ các thành phần và mưu cầu khác nhau trong xã hội. Nhưng các chương trình tuyển sinh đều không ghi rõ triển vọng nghề nghiệp, mà chỉ đơn thuần thông báo địa điểm, học phí, thời gian học và cách thức tuyển sinh và không có buổi định hướng nghề. Nói cách khác, thông tin đầu vào xem sinh viên hệ VLVH tương lai như một đối tượng đào tạo đồng nhất, được tiếp nhận theo yêu cầu phát triển nhân lực của nhà nước, mà không chú trọng đến mưu cầu phát triển cá nhân.
Thứ hai, sự giới hạn về mặt tương tác giữa sinh viên và chương trình giảng dạy cũng bộc lộ qua toàn bộ khóa học. Phần lớn sinh viên chỉ máy móc học những gì được dạy trên lớp mà chưa chắc đã biết được tính ứng dụng của kiến thức này vào công việc tương lai. Một mặt, chương trình đào tạo mặc nhiên xem sinh viên là người học trưởng thành có đủ khả năng am hiểu được tính ứng dụng của kiến thức. Mặt khác, chương trình chỉ nhấn mạnh vào mục tiêu số lượng sinh viên tốt nghiệp mà lại bỏ quên đi chất lượng. Dù đã có quy định về việc không phân biệt tuyển công chức có bằng tại chức, nhưng công luận vẫn quan tâm đến chất lượng đầu ra của sinh viên VLVH. Yếu kém về chất lượng đào tạo một phần bị gây ra bởi bản thân sinh viên không hứng thú với bài học. Sinh viên VLVH thường không thể đóng góp kinh nghiệm của mình vào quá trình dạy – học, mà đơn thuần được xem như một đối tượng đào tạo bị động. Thay vì vậy, giáo trình, bài giảng và hoạt động dạy học nên chú trọng vào bản thân sinh viên là ai và họ muốn đạt được gì sau từng môn học và trọn khóa học.
Thứ ba, quan hệ giữa phát triển nhân lực quốc gia và nhu cầu phát triển chuyên môn của từng cá nhân là biện chứng. Bản thân sinh viên là một con người tồn tại trong sự tương tác với thế giới rộng lớn hơn, và phần lớn họ là người đã đi làm, có công việc và cuộc sống gia đình bận rộn của họ với những lo toan thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày. Vậy chương trình giảng dạy có thể vận dụng những cách giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày của họ trong các buổi lên lớp. Một đề nghị thiết thực là việc tổ chức các lớp học thêm với trợ giảng do các sinh viên cao học đảm nhận để giảng lại bài học hoặc để giúp sinh viên gắn kết hiểu biết kiến thức chuyên ngành của mình vào công việc và cuộc sống, giảm thiểu tính kỹ thuật không cần thiết trong chương trình học.
Thứ tư, một cá nhân không thể nào tồn tại trong một ngành nghề, và một ngành nghề cũng không thể tồn tại riêng biệt với ngành nghề khác. Do đó, giáo trình nên khai thác những khoảng không gian mở để giáo viên có thể gợi ý sinh viên khai thác triệt để kinh nghiệm sống. Ví dụ, với bài tập về quy đổi chéo giá ngoại tệ, giáo viên có thể yêu cầu sinh viên chia sẻ với cả lớp về một tình huống trao đổi ngoại tệ đã xảy ra với họ, thậm chí có thể nói về việc mua đô la Mỹ như một cách để dành tiền lương cho cuộc sống gia đình. Chia sẻ kinh nghiệm tích trữ đô la có liên quan đến lý thuyết quản lý tiền tệ, phán đoán kinh doanh, quản lý rủi ro hay quản lý ngân sách trong dự án. Mỗi môn học với các câu hỏi mở sẽ khai thác tính lịch sử của sinh viên, một mặt gắn kết các môn học lại với nhau, mặt khác sẽ tăng cường sự tương tác cần thiết giữa giáo viên – sinh viên – chương trình giảng dạy.
Kiến nghị thứ năm có liên quan đến sự tồn tại cộng sinh giữa các môn học khi sinh viên hệ VLVH có thể học ngành này những không nhất thiết phải làm việc trong ngành đó. Đào tạo bó hẹp trong một chuyên ngành, mặc dù là điều tất yếu, lại không thể đáp ứng được nguyện vọng của sinh viên, bởi vì mỗi cá nhân sinh viên luôn có tính lịch sử và mưu cầu cuộc sống khác nhau. Thay vì vậy, tăng cường tính ứng dụng của chuyên ngành vào ngành nghề mong muốn của sinh viên thông qua các bài tập dưới dạng câu hỏi mở sẽ giúp cho sinh viên có thể áp dụng kiến thức vào lĩnh vực mình đang hoặc sẽ làm việc. Điều này cũng sẽ tăng cường sự hiểu biết của giáo viên, tạo ra thế đứng mới cho giáo viên như là người hướng dẫn định hướng kiến thức, hơn là một “cỗ máy phát ra kiến thức một chiều”.
Thứ sáu, đành rằng “học đi đôi với hành”, và sinh viên hệ VLVH phải tham gia các chương trình thực tập. Nhưng các doanh nghiệp hoàn toàn không giống nhau, họ có cách ứng xử xã hội và kinh doanh khác nhau. Thực tập đến bao nhiêu là đủ cho kiến thức và kỹ năng? Ai sẽ là thước đo chuẩn mực? Làm sao giáo viên có thể giúp sinh viên áp dụng những kinh nghiệm sống của họ vào những tình huống này? Học tập thông qua thực hành chỉ là sự “mô phỏng gần giống với thực tế”, chứ không là thực tế. Sự mô phỏng này có thể được thực hiện thường xuyên ngay tại lớp, trước khi đưa sinh viên đi thực tập. Sinh viên làm việc trong ngành nhà hàng khách sạn sẽ có thể chia sẻ cách quản lý nhân viên thời vụ theo ca trong lớp học về quản trị nhân sự. Sinh viên đã từng tham gia quân đội có thể kể lại kinh nghiệm tăng thu nhập cho đơn vị từ việc trồng trọt trong lớp học về quản trị doanh nghiệp.
Nói tóm lại, chương trình giảng dạy hệ VLVH phải tập trung vào tính bản thể của sinh viên, xem họ là đối tác của quá trình đào tạo, chứ không phải là đối tượng bị động của mục tiêu phát triển nhân lực quốc gia.
.
Mai Quốc Đạt