Thế là đã qua rồi cái thời đi học không trả tiền, mọi chi phí do Nhà nước lo. Lại càng xa lơ xa lắc cái thời học phí trả bằng thúng nếp, con gà…có hay không cũng được, tùy lòng hảo tâm của phụ huynh, thầy trò ngượng miệng không dám bàn chuyện tiền nong. Ngày nay, mỗi lần nhắc tới chuyện đi học, người ta nghĩ ngay đến điệp khúc đóng tiền. Nhà trường không ngại đưa ra giá cả trước, học sinh ngẩn ngơ lựa chọn mức học phí của từng trường giống như chọn hàng hóa. Giá cả thị trường càng cao, học phí càng tăng, năm sau cao hơn năm trước giống như câu nói cửa miệng: thành tích cơ quan ta năm nay cao hơn năm trước.

Trong năm học 2010 – 2011, được Bộ Giáo dục và đào tạo cho phép điều chỉnh khung học phí, các trường Đại học đồng loạt tăng tiền học phí lên mức cao nhất là 240.000 đồng/tháng. Thấy trường công tăng học phí, các trường tư cũng đua nhau tăng học phí. Có trường học Đại học quốc tế tăng học phí với giá ngất ngưởng trên chín tầng mây: 15.000.000 đồng/tháng (150.000.000 đồng/năm). Sự tăng học phí với mức cao thực sự gây sốc cho rất nhiều phụ huynh và học sinh. Lý do để các trường tăng học phí thì nhiều lắm: bù trượt giá, chi phí đầu vào cao, tăng cường mua sắm trang thiết bị và trả lương cho giảng viên… Nhưng nhiều người nhận thấy rằng, sự tăng học phí không đồng nghĩa với nâng cao chất lượng đào tạo. Giả sử cứ tăng lương gấp đôi cho một thầy giáo trường công lập, có ai dám chắc rằng thầy sẽ dạy nhiệt tình hơn, soạn giáo án kỹ hơn, quan tâm tới học sinh nhiều hơn. Hay là có nhiều tiền rồi, thầy đi nhậu nhẹt nhiều hơn, chơi bời nhiều hơn, xao nhãng việc dạy hơn…
Ở nhiều nước tiên tiến, học sinh phổ thông không phải đóng học phí. Còn ở ta, khi hỏi một học sinh vì sao bỏ học, chắc chắn sẽ nghe câu trả lời quen thuộc là: do hoàn cảnh nhà em khó khăn nên phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. Học phí càng cao, học sinh càng có nhiều lý do để bỏ học và Nhà nước càng phải bỏ ra khoản tiền khổng lồ để chi cho phổ cập. Mà nghe kể những câu chuyện học hành, thi cử phổ cập thì ai cũng cười vỡ bụng… Ở nhiều nước tiên tiến, Nhà nước không phân biệt đối xử trường công, trường tư, không có chuyện cho tiền con ruột, còn con ghẻ thì để tự nuôi sống, nếu nghèo nàn quá thì răn đe đòi “cấm cửa”. Nhà nước nên đầu tư theo người học, bất kể người ấy học ở loại hình trường nào. Một khi loại hình trường tư đã cứng cáp thì nên để cho các trường công tự chủ tài chính để tạo ra cuộc cạnh tranh lành mạnh, dân chủ. Các trường sẽ thi nhau giảm học phí, tăng học bổng để lôi kéo “thượng đế”. Giống như nhờ có sự cạnh tranh các dịch vụ điện thoại di động mà giá cước giảm, lượng khách hàng càng nhiều. Lại có người nói, một số trường học phí cao nhưng cũng có nhiều người theo học. Điều này làm ta liên tưởng đến những bộ quần áo hàng hiệu giá cả tới vài triệu đồng, những chiếc xe máy hàng trăm triệu đồng vẫn có người mua. Lại có những người bỏ cả đống tiền mua một biển số xe đẹp, một số điện thoại đẹp… để làm le với bạn bè. Nhưng cũng có người quan niệm, số xe nào cũng được, số điện thoại nào xài cũng xong, chẳng quan trọng gì, tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Ta xài sao cho hợp túi tiền của mình, hợp với hoàn cảnh đất nước. Loại quan niệm này có lẽ chiếm đại đa số.
Trong khi phụ huynh và sinh viên quan tâm lo lắng chuyện tăng học phí thì hình như đại đa số giảng viên thờ ơ vì chuyện thu học phí không phải là việc của họ. Biết rằng thu học phí nhiều thì có thể tiền lương và phụ cấp cho giảng viên cũng tăng. Lãnh tiền nhiều thì tốt nhưng nhiều thầy cô bỗng thấy nghèn nghẹn khi biết rằng để có được đồng tiền này, bao phụ huynh phải dãi nắng dầm mưa vất vả. Và chạnh lòng khi nhiều sinh viên của mình phải thường xuyên vắng học để đi làm thêm kiếm tiền. Nhiều sinh viên vay mượn ngân hàng những khoản tiền lớn để đóng học phí mà không biết đến bao giờ mới trả xong. Hai tiếng “học phí” trở thành nỗi ám ảnh thường xuyên suốt một thời sinh viên mộng đẹp.
Nhưng không đóng học phí ở bậc sau phổ thông thì cũng không được vì Nhà nước không thể gánh chịu nổi khoản kinh phí khổng lồ ấy. Ta chỉ còn có một niềm mơ ước là… ước chi Nhà nước ngừng đầu tư cho hàng loạt hoạt động vô bổ để lấy khoản kinh phí ấy chi cho giáo dục và y tế.
 
PHẠM NGỌC HIỀN