src=http://i770.photobucket.com/albums/xx343/phamngochienpy/6%20Hien%20va%20nguoi%20quen/6b%20Hinh%20nguoi%20quen/coHong.png
Cô Nguyễn Thị Hồng
.
Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao… Em hát một câu thơ cũ, Cái say mê một thời thiếu nữ…, thời thiếu nữ,  thời hoa đỏ  rực lửa với những niềm vui, những trăn trở, suy tư và cả những hồi hộp lo âu… Em hãy hát tiếp khúc hát say mê ấy, khúc hát mà Cô đã hát một thời  nhen Thủy…

 

Đó là những dòng thư mà cách đây hơn 20 năm cô giáo chủ nhiệm đã viết để động viên cô học trò nhỏ của mình. Cô học trò ngày ấy là tôi, lúc tôi đang học Đai học sư phạm Văn ở Quy Nhơn và Cô giáo chủ nhiệm mà tôi muốn nói đến chính là Cô giáo Nguyễn Thị Hồng, hiện đang là Giám đốc Trung tâm Hổ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên. Với 20 năm công tác, tôi được thấy, được biết nhiều tấm gương điển hình về nữ cán bộ, công chức, viên chức trong ngành giáo dục cũng như ở những lĩnh vực khác nhưng hôm nay tôi xin phép được viết về Cô. Một cô giáo mà tôi rất  quý mến.
Năm 1961, Cô được sinh ra ở quê ngoại Thái Bình. Còn quê nội ở xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên quê nội ở xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên (ngày đó là huyện Tuy Hòa tỉnh Phú Khánh). Cả hai quê nội, ngoại đều là những vùng quê thuần nông với truyền thông nghề lúa, và có lẽ đó cũng là một trong những yếu tố góp phần hình thành nhân cách của Cô – sự giản dị, chịu khó. Cô lớn lên và học tập ở Miền Bắc. Tháng 9/1982 sau khi tốt nghiệp Đại học Thái Nguyên với chuyên ngành Văn Cô về Trường THPT Lê Hồng Phong, huyện Tuy Hòa giảng dạy. Đó cũng chính là quê nội Cô. Năm  học 1987 – 1988, Cô được phân công dạy Văn và chủ nhiệm lớp tôi – lớp 10A3, bao gồm học sinh xã Hòa Bình (hồi đó học sinh trong một xã thì được xếp thành 1 lớp). Măc dù Cô chỉ chủ nhiệm lớp chỉ hơn một năm nhưng có thể nói Cô đã để lại trong tôi những ấn tượng đặc biệt và hình ảnh Cô đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống, sự nghiệp của tôi sau này.Ở Cô toát lên vẻ đẹp của sự nhân hậu, giản dị, chân thành. Tôi cảm nhận Cô là một giáo viên vững về chuyên môn. Trong công việc Cô rất chu đáo, năng nổ, nhiệt tình; Với vai trò là Tổ trưởng Tổ văn Cô đã xây dựng Câu lạc bộ văn học dân gian. Cô cùng các thầy cô trong Tổ trực tiếp tập cho chúng tôi rất nhiều tiết mục văn nghệ dân gian…Và rồi những buổi sinh hoạt ngoại khóa, những đêm hội diễn văn nghệ dân gian diễn ra rất thành công. Chính những hoạt động này đã giúp chúng tôi yêu hơn câu hát dân ca, hiểu hơn những lời ru của Mẹ, say mê, hứng thú hơn với bộ môn Văn. Cô giảng văn rất hay, chúng tôi rất mong đến giờ văn để nghe Cô bình văn.
Cách nói lôi cuốn, chữ viết đẹp, rõ ràng; Cô chấm bài, sửa bài cũng rất kỹ. Cô yêu cầu chúng tôi làm bài viết trong vở, ôm cả chồng vở nặng nề nhưng Cô bảo: làm trong vở nó có nhiều cái ưu. Thứ nhất giáo viên dể dàng  theo  dõi sự tiến bộ của học sinh qua từng bài viết, thứ 2 kết thúc năm học, các em có được một tập những  bài văn là chính tác phẩm của các em.Và đúng như vậy đến nay tôi vẫn còn lưu những tập văn viết đó, vẫn còn hiện rõ những dòng nhận xét chu đáo của Cô. Và tôi cũng đã học ở Cô điều này khi làm Cô giáo dạy Văn – Đây là một phương pháp kiểm tra  chấm bài phù hợp với đặc thù môn Văn.

 

Ngày ấy, thời bao cấp, cùng với sự khó khăn chung của cả nước, đời sống của các thầy cô rất  khó khăn. Lương không đủ sống, nhiều thầy cô đã phải bỏ nghề, tìm kiếm những việc làm khác để để trang trải chuyện áo cơm. Thời đó cũng chưa có phong trào học thêm, dạy thêm như bây giờ nên ngoài giờ dạy các thầy cô tăng gia sản xuất. Nuôi gà, lợn hoặc trồng thêm rau, khoai, sắn trong khu vườn của để cải thiện thêm đời sống. Các Thầy cô nấu cơm chung, ăn chung và Cô Hồng được gọi là chị Hai của  ngôi nhà chung đó. Các thầy cô trong trường rất quý mến Cô, người Chị Hai của đơn vị. Khó khổ là vậy nhưng tôi cảm nhận các Thầy Cô sống rất vui, cuộc sống thiên về tinh thần, hát nhiều, sinh hoạt tập thể nhiều. Cũng chính vì những lẽ đó mà sau này tôi quyết định vào trường sư phạm. Cô giáo tôi rất đẹp. Nghề giáo rất đẹp. Tôi sẽ là một cô giáo dạy Văn tiếp bước Cô chủ nhiệm của tôi. Cô đã hát khúc hát say mê của một thời hoa đỏ, thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của mình; giảng dạy, phấn đấu không mệt mỏi và đạt đạt được nhiều thành tích cao, được đồng nghiệp tin yêu, bao thế hệ  học trò kính mến. Chỉ sau 5 năm giảng dạy, Cô được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ Ngữ văn; làm Chủ tịch Công đoàn nhà trường và năm 1989 cô được kết nạp vào Đảng. Thấm thoát rồi ba năm THPT cũng trôi qua, tôi vào Đại học để thực hiện mơ ước của mình. Còn Cô lập gia đình và chuyển về công tác ở Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, thành phố Tuy Hòa hồi đó là Thị xã Tuy Hòa. Cô kết hôn với Chú Bùi Thanh Chi, lúc đó Chú là PGĐ Trung tâm nuôi người có công và bảo trợ xã hội. Cô nuôi con chồng như con mình, yêu thương, xây dựng tổ ấm của mình. Với bản tính nhân hậu, Cô chăm sóc hai cháu Bùi Thị Thanh Tâm và Bùi Trung Hiếu con chồng rất chu đáo. Mẹ mất sớm, các cháu hụt hẫng, lơ là việc học. Thật may mắn hai cháu đã gặp được người Mẹ hiền thứ hai. Việc trường, việc nhà bề bộn, Cô sắp xếp mọi việc chu đáo, dành nhiều thời gian dạy dỗ, chỉ bảo hai cháu. Từ những đồng lương khiêm tốn của chồng cùng với những tháng lương ít ỏi của một cô giáo dạy Văn. Cô đã cố gắng trang trải chuyện cơm áo đời thường, đảm đang nuôi hai con ăn học. Điều tôi muốn nói ở đây là cháu Thanh và Hiếu đã rất tiến bộ và cũng rất yêu thương người Mẹ kế của mình. Nhà Cô thuộc ngoại ô Thành phố Tuy Hòa (Bình Kiến). Một ngôi nhà nhỏ nằm xa đường lộ, xung quanh chỉ có cát và gió và những loại cây chịu đựng nắng nóng. Cả xóm chỉ một vài nhà heo hút. Nhà Cô nằm sâu nhất, các loại xe không thể chạy xuống được vì đường cát. Những lần ra thăm Cô chúng tôi cũng gửi xe và đi bộ. Được biết hằng ngày mỗi khi Cô đi dạy về, cháu Hiếu, cháu Thanh đã chạy lên trước trên đường lộ để đón Mẹ về. Tôi xúc động và thầm mừng cho Cô về điều này. Các cháu đã cảm nhận được tình thương của Cô và cũng đã biết quý trọng yêu thương Cô. Có lần tôi hỏi: Cô là một trong những giáo viên từ trường trên quê chuyển xuống phố sớm nhất (năm 1991), sao Cô không ở trong trung tâm phố cho vui và đi dạy gần hơn. Cô bảo hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô mua đất ở Bình Kiến gần với cơ quan Chú là hợp lý, hơn nữa ở đây hơi buồn nhưng yên tĩnh em à.  
Về trường Chuyên của tỉnh, năng lực của Cô càng được phát huy hơn. Thời gian này Cô có cả một gia đình để lo toan nhưng những bề bộn kia vẫn không làm giảm đi nhiệt huyết trong Cô. Ở đây Cô có thêm những đồng nghiệp mới, học trò mới và dĩ nhiên Cô có thêm nhiều thành tích nữa. Câu lạc bộ văn học nhà trường  hoạt động sôi nổi; tổ chức bồi dưỡng đội  học sinh giỏi Văn đạt kết quả cao.
 Nhiều năm liền Cô đạt Giáo viên giỏi cấp tỉnh; đạt CSTĐ cấp tỉnh. Chính nhờ những nỗ lực không mệt mỏi nên tháng 1/2008, Cô đã được bổ nhiệm Phó Hiệu Trưởng trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. 

src=http://i770.photobucket.com/albums/xx343/phamngochienpy/6%20Hien%20va%20nguoi%20quen/6b%20Hinh%20nguoi%20quen/cohong3.png

Cô Nguyễn Thị Hồng cùng các đồng nghiệp trường THPT Lê Hồng Phong năm 1990

Thời gian này hai cháu Hiếu, Thanh cũng đã tốt nghiệp phổ thông và tiếp tục vào các trường đào tạo.Vợ chồng Cô lo dựng vợ, gả chồng cho hai cháu rất chu đáo. Hiện tại hai cháu cũng đã có công việc làm riêng, nhà riêng, sống ổn định. Cô đã làm tốt, rất tốt vai trò của một người Mẹ. Sau 20 năm công tác ở trường Lương Văn Chánh, Cô đã tiếp tục để lại những ấn tượng đẹp trong lòng học trò, thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp. Tiếp tục gặt hái những thành tích cao trong sự nghiệp.Cô  là một nữ cán bộ năng động và rất  nhiệt tình.
Tháng 9/2011 Cô được phân về làm Hiệu trưởng Trường Niềm vui (bây giờ là Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên). Đây là một ngôi trường mang ý nghĩa nhân đạo. Tôi hỏi Cô: Từ một trường phổ thông nay chuyển về một trường đặc thù như vậy có khó khăn trong công tác quản lý của Cô không? Cô bảo: lúc đầu chưa quen nên cũng hơi khó nhưng dần dần Cô cũng quen em à. Thấy Cô giáo và  các cháu nói chuyện với nhau bằng động tác, Cô không hiểu nhưng Cô thấy  thương lắm em, đến hôm nay thì Cô đã quen với mọi thứ, Cô rất yêu chúng nó – Với Cô, tôi hiểu đó là những lời nói thật. Ở một mô hình trường mới, Cô lại tiếp tục có những thành tích mới.  
Đơn vị Cô trong ba năm liền đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc. Dù ở cương vị nào, công tác nơi đâu Cô vẫn rất  nhiệt tình, năng nổ. Mặc dù sức khỏe Cô không tốt như trước nhưng tôi vẫn thấy Cô rất lạc quan, vui vẻ, vẫn sống, vẫn công hiến hết mình.
Những ngày lễ, tết chúng tôi thường đến thăm Cô. Con đường xuống nhà Cô nay đã được bê tông hóa; có thêm những ngôi nhà mới cao tầng khang trang nhưng nhà Cô vẫn lặng lẽ nằm  sâu cuối xóm. Chú Chi đã nghỉ hưu về nhà chăm sóc vườn cây cảnh. Giản dị, khiêm tốn. Lần nào tiếp chuyện, Cô cũng ân cần  thăm hỏi sức khỏe Ba, Má tôi, hỏi thăm các bạn trong lớp; sức khỏe, việc làm. Và Cô rất vui  khi được biết lớp tôi đa số đã có việc làm ổn định, thành đạt. Cô bảo rằng Cô tự hào về các em. Cô giáo tôi là vậy, luôn lo lắng cho người khác. Còn nhớ năm tôi học năm thứ 2 ĐHSP Quy Nhơn, Ba bệnh nặng, hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi rất buồn và có ý định nghỉ học về phụ giúp Mẹ. Giữa lúc tâm trí đang hoang mang thì lá thư của Cô đã đến (hồi đó chưa có điện thoại di động). …em hãy hát khúc hát say mê một thời thiếu nữ mà Cô đã hát nhé… Giữa bao lo toan, bề bộn của công việc đời thường, Cô vẫn dành thời gian để thư hỏi tôi. Cô ân cần chia sẻ, động viên. Nhìn những dòng chữ thân quen tôi rất xúc động, tôi càng hiểu hơn tấm lòng Cô giáo chủ nhiệm của  mình. Thư Cô đến đã truyền lửa, tiếp sức cho tôi, giúp tôi vượt qua chặng đường khó khăn đó. Từ đó tôi quyết định cố gắng khắc phục  hoàn cảnh, cố gắng thực hiện ước mơ làm cô giáo dạy Văn, tiếp bước theo Cô.

 

Khi tôi đang viết những dòng này cũng là lúc Cô đang trên đường vào thành phố để tái khái, để điều trị bệnh. Cô đang bệnh. Nhưng tôi cảm nhận tuổi tác, sức khỏe, cả những khó khăn của cuộc sống vẫn không làm giảm đi nhiệt huyết, lòng yêu nghề của Cô. Cô giáo tôi vẫn luôn lạc quan, tràn đầy nghị lực. Bao thế hệ học trò của Cô đã thành nhân, thành tài, đó là hạnh phúc của người Thầy. Cô còn là tấm gương sáng cho tôi, cho bao thế hệ học trò noi theo. Chúng tôi học ở Cô một phong cách sống giản dị, chân thành; học ở Cô về tấm lòng nhân hậu, bao dung; đức hy sinh; về nghị lực kiên cường; về lòng yêu nghề, yêu đời tuyệt vời của Cô.
Một năm học nữa đã đến, Cô sẽ lại bận rộn với việc trường, việc lớp. Bận rộn nhưng hạnh phúc và ý nghĩa phải không Cô. Cô sẽ gặt hái thêm nhiều thành tích mới nữa. Em cầu  mong Cô luôn khỏe, luôn vui. Mong những điều tốt đẹp sẽ luôn đến với Cô cùng  gia đình.
Chúng em luôn nhớ về Cô !
.
src=http://i770.photobucket.com/albums/xx343/phamngochienpy/6%20Hien%20va%20nguoi%20quen/6b%20Hinh%20nguoi%20quen/cohong2.png