Ông bà ta có câu “Phong ba bão táp, không bằng ngữ pháp Việt Nam” điều này từ lâu đã nói lên trong Tiếng Việt của chúng ta là quá phức tạp và thật sự nó rất phức tạp. Ở Môn Chính tả, trong suốt chương trình cấp tiểu học đều dành nhiều thời gian để phân biệt chính tả như: phân biệt r-d-gi, l-n, n-ng, c-t, s-x… làm mất thời gian học tập của học sinh nhưng vẫn sai là sai. Theo dự đoán chủ quan của tôi những người có trình độ bậc phổ thông nghĩa là từ lớp 1 đến lớp 12 thì viết sai chính tả chiếm 3/4; còn những người có trình độ trung cấp trở lên tôi không dán đoán nhưng cũng không ít đâu. Bởi vì trong tiếng Việt còn nhiều bất cập làm cho nhiều người dễ lẫn lộn ví dụ: khi viết chữ “nga, ngô” thì không có “h”, mà khi viết chữ “nghỉ, nghề” thì có “h”; viết chữ “ga” đọc là ga, chữ “gô” đọc là gô còn chữ “gi” đọc là di; rồi khi nào phải viết “biết hay biếc, ngan hay ngang, sum hay xum, ki hay ky”…Những bất cập đó nó đề nặng lên tư duy của học sinh, nhất là học sinh cấp tiểu học. Do đó, việc cải tiến để loại bỏ những bất cập đó là nhiệm vụ của các nhà khoa học, các nhà ngôn ngữ học.
Dẫu biết rằng tiếng Việt là truyền thống của dân tộc ta, là di sản văn hóa, nó ăn sâu vào tâm khảm của mỗi con người Việt nam, nó theo dân tộc ta qua các thời kỳ đấu tranh chống ngoại xâm từ thời Nhà Nguyễn đến nay. Tuy nhiên, một truyền thống văn hóa nào, một công trình nghiên cứu khoa học nào qua quá trình thực hiện nếu phát hiện bất cập thì chúng ta phải sửa lại cho phù hợp chứ không bỏ nó. Hiện nay, cả nước ta đã duy trì và phục hồi hàng trăm nét văn hóa truyền thống nhưng đều có sự đổi mới cả và Tiếng Việt thì cũng không ngoại lệ.
Thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông và các trang mạng xã hội xôn xao về “Đề án cải cách Tiếng Việt” của PGS-TS Bùi Hiền, đồng thuận thì ít, trái chiều thì nhiều; những ý kiến trái chiều tập trung vào những nội dung sau: kinh phí bỏ ra để cải cách là quá lớn, phải xóa mù chữ cho toàn dân, tạo sự bất ngờ của người trong nước và nước ngoài; còn sự đánh giá, phân tích về nội dung của đề án thì rất ít, có những ý kiến so sánh, phân tích nội dung quá vội vàng.
Như chúng ta đã biết, trước đây dân tộc ta dùng chữ Hán-Nôm là Quốc ngữ, sau đó bỏ Hán-Nôm và lấy Tiếng Việt làm Quốc ngữ. Quá trình hình thành Tiếng Việt như sau.
* Thời kỳ sáng tạo từ năm 1621.
* Thời kỳ xây dựng năm 1651.
* Thời kỳ phát triển từ năm 1867.
Rõ ràng, sự thay đổi đó có quy trình và có thời gian.
Đề án “cải cách Tiếng Việt” của PGS-TS Bùi Hiển là một sáng tạo chỉ đưa ra trong phạm vi hội thảo khoa học để các nhà khoa học góp ý sửa đổi xây dựng cho hoàn chỉnh, chứ đâu phải trình Quốc hội quyết định cải cách ngay trong nay mai đâu mà lo về kinh phí, lo về xóa mù chữ.
Thời kỳ triển khai: triển khai có lộ trình, có giai đoạn, có lựa chon đối tượng triển khai; thời kỳ này có thể kéo dai 10 năm, 20 năm hoặc 30 năm.Lúc đó mọi người không còn bỡ ngỡ nữa và không còn lo xóa mù chữ nữa, còn cụm từ “cô gái nắm chặt anh” sẽ viết là “kô gái nắm cặt an’” và tiếng “cặt” mới lúc đó sẽ không còn ai hiểu theo nghĩa tục tĩu nữa mà hiểu nó là tiếng “Chặt” vì học sinh vào lớp 1 sẽ học chữ “c” có âm là “chờ” chứ không phát âm là “cờ” như hiện nay nữa.
Đề án “cải cách Tiếng Việt” của PGS-TS Bùi Hiền, theo quan điểm của tôi là một sự sáng tạo và mang tính tiên phong, có nhiều năm nghiên cứu công phu, tôi không đủ kiến thức để đánh giá giá trị và tính khả thi của đề án mà tôi khâm phục về tinh thần trách nhiệm của một nhà khoa học đã dày công nghiên cứu mong đem lại lợi ích cho dân tộc và tôi cũng trân trọng tất cả các công trình nghiên cứu khoa học của bất kỳ ai vì nó sẽ đem lại lợi ích cho cuộc sống về tinh thấn và vật chất cho những người dân thường chúng tôi. Quý vị có biết không, học sinh tiểu học tuần nào cũng miệt mài phân biệt “l-n, c-t, s-x, n-ng…” nhưng viết vẫn sai là sai; khi cô giáo đọc bài cho học sinh viết chính tả, cô giáo cố gắng chúm môi, há miệng, uốn lưỡi, xì hơi hết cỡ để phát âm cho học sinh nghe rõ nhưng học sinh viết vẫn sai là sai. Đề án “cải cách Tiếng Việt” của PGS-TS Bùi Hiền đã giải quyết phần lớn những bất cập đó. Khi nghe có đề án “cải cách Tiếng Việt” những tưởng các nhà khoa học, ngôn ngữ học và các tầng lớp trí thức sẽ đóng góp những hiểu biết của mình, bổ sung, xây dựng đề án hoàn chỉnh, nào ngờ bị công kích, bị “ném đá” bằng những lời lẽ rất sinh động nhưng suy gẫm lại cũng rất buồn và rất đáng buồn, có những ý kiến phủ nhận sạch trơn công lao to lớn của đồng nghiệp mình, “sao lại thế”. Đây là dịp để các trang mạng không chính thống lợi dụng xuyên tạc. Nếu trong xã hội luôn có những ý tưởng tiêu cực như thế thì ai dám đưa ra một một sáng kiến nào, và những bất cập của Tiếng Việt vẫn là bất cập.
Đã đến lúc, Chính phủ, Bộ GD&ĐT phải suy nghĩ đến vấn đề này; đã đến lúc các nhà khoa học, ngôn ngữ học cần ngồi lại cùng nhau giải quyết vấn đề này một cách tích cực và có hiệu quả nhằm làm tăng thêm sự trong sáng của Tiếng Việt.

Thầy Lê Bá Phi và cô Võ Thị Lắm