src=http://2.bp.blogspot.com/-p5Xn-Cdj7Ow/UYTLNQxKb9I/AAAAAAAAID4/QzjaHR_wRDI/s320/bia+dienminh1.JPG
LỜI GIỚI THIỆU
Chiến tranh kết thúc, hơn hai chục năm qua đất nước ta thực hiện công cuộc đổi mới. Những mặt tích cực của Kinh tế thị trường đã làm cho xã hội trở nên năng động, phát triển. Nó thực sự là động lực cho tiến trình phát triển kinh tế đất nước và có vai trò quan trọng đối với quá trình dân chủ hoá xã hội. Bên cạnh những mặt tích cực như chúng ta đã thấy, mặt trái của kinh tế thị trường đã và đang làm chao đảo nhiều giá trị tinh thần, tình cảm. Lối sống ích kỉ, thực dụng, buông thả, sùng bái đồng tiền quay lưng lại với những giá trị văn hóa truyền thống.
Thói đạo đức giả với những biểu hiện trong gia đình, nhà trường, cơ quan, công sở và ngoài xã hội đã gây ra phản cảm nặng nề đối với thế hệ trẻ, làm cho họ mất niềm tin trong cuộc sống. Trong những năm gần đây, xã hội xuất hiện nguy cơ khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa chọn giá trị – niềm tin và lối sống, không biết tìm những điểm tựa tinh thần, tư tưởng, chuẩn mực đạo đức và lối sống ở đâu. Sách báo, Internet hằng ngày đăng tải quá nhiều các chuyện giật gân câu khách như; đâm thuê, chém mướn, phụ tình, bạc nghĩa, loạn luân… nhiều trang sách, báo tập trung câu khách, kiếm tiền, phục vụ thú chơi giải trí, ít chú ý đến những giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục nhân cách, đạo đức lối sống con người.
“LÀM NGƯỜI TỐT KHÓ HAY DỄ” của Diên Minh (có trích đoạn đã đăng trên Đôn Thư Quê Mẹ) viết theo lối trải nghiệm thực tế: nghe, nhìn, cảm nhận những gì diễn ra trong đời sống thực hằng ngày, trải bày nỗi niềm, kinh nghiệm sống của tác giả đến với bạn đọc. Những giá trị cuộc sống về hiếu, nghĩa, tình cảm giữa cha mẹ – con cái; anh- chị – em; thầy – trò; bạn bè; chủ – nhân viên; giữa con người – con người với nhau…được diễn đạt thực tiễn, không còn là mờ ảo, bởi sự khó khăn của chính những con người mong muốn “làm người tốt” không dễ dàng trong cuộc sống thực tại bao nhiêu, nó lại làm cho sự quyết tâm “làm người tốt” mạnh mẽ và chân thực bấy nhiêu.
“LÀM NGƯỜI TỐT KHÓ HAY DỄ” cho người đọc thấy: mọi người cần sống tốt đẹp với nhau, thân thiện với nhau hơn… cổ vũ mọi người, đặc biệt là lớp trẻ tin tưởng hơn, gần gũi hơn với những chuẩn mực văn hóa truyền thống của dân tộc: “CHÂN, THIỆN, MỸ” vô cùng đáng quý ở sát gần bên mỗi con người chúng ta.
TRẦN HỢP
TRÍCH ĐOẠN TRONG CUỐN: “LÀM NGƯỜI TỐT KHÓ HAY DỄ”
Dạy con thói quen đọc sách là một “đầu tư” khôn ngoan và thiết thực nhất!
Sách có nhiều loại: tiểu thuyết, trinh thám, hình sự, thiên văn, địa lý, lịch sử, gia chánh, tình cảm, học trò, tướng số, phong thủy, khoa học viễn tưởng, danh nhân, triết học, nghệ thuật v.v…Bất kì loại sách nào cũng giúp người ta mở mang kiến thức, rèn luyện tư duy, sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn…Một sinh viên, nhân viên hay giám đốc, kỹ sư, bác sĩ…  à ngoài kiến thức chuyên môn, họ còn có kiến thức tổng quát rộng, hiểu nhiều, uyên bác như một nhà thông thái không tốt hơn sao? Có nhiều bậc cha mẹ, sanh con rồi chỉ biết vùi đầu làm ăn, nghĩ rằng nuôi con ăn học là  tốt rồi, nhưng họ không biết hướng con đến một đời sống tinh thần cao quí, đó là dạy con đọc sách, tìm bạn tốt, tránh xa những thú vui vô bổ, thậm chí tệ hại nữa. Khi con vướng vào ma túy, ăn chơi, trai gái trụy lạc, bài bạc, rượu chè… bấy giờ mới té ngửa thì đã muộn!
Y vừa tốt nghiệp ra trường loại giỏi và đi xin việc làm, anh ấy được một giám đốc mời phỏng vấn trực tiếp. Ông Giám đốc hỏi nhiều vấn đề về chuyên môn của anh, xong ông ta bất ngờ hỏi: “Anh biết tri kỷ là gì không? Anh có thể cho tôi biết về một tình bạn tri kỷ”. Y lúng túng nói một cách khó khăn, anh cũng không hề nêu lên được tình bạn tri kỷ của Bá Nha – Tử Kỳ, hoặc Lưu Bình – Dương Lễ (là điều mà ông Giám đốc muốn biết). Ông Giám đốc lại hỏi anh biết về đại văn hào Victohuygo và những tác phẩm nổi bật của ông không? Anh cũng lúng lúng không nói được. Rồi ông lại hỏi về Địa lý, Lịch sử cơ bản, vài Danh nhân thời xưa, song anh vẫn không trả lời được! Ông Giám đốc rất thất vọng về một người có trình độ như anh, nhưng tiếc là anh đọc sách quá ít, không am hiểu về nhiều vấn đề trong xã hội, nên cuối cùng anh đã bị loại. Sách là một “Người Thầy” cao quí nhất! Sách đem lại cho chúng ta biết bao nhiêu lợi ích…Có những cuốn sách dạy về đối nhân xử thế rất hay, nếu chúng ta xem và làm theo, chắc chắn sẽ được nhiều người quí mến và tôn trọng! Đọc sách nhiều sẽ nâng cao kiến thức, sẽ biết viết đúng ngữ pháp và không sai lỗi chính tả. Trong nhiều công ty hiện nay, đa số nhân viên đều viết sai lỗi chính tả và dấu “hỏi, ngã”. Có một công ty nọ, ông chủ đề ra sáng kiến thưởng cho người nào viết đúng chính tả, còn ngược lại sẽ bị trừ lương! Thật không có gì đáng cười hơn khi một bảng hiệu treo trước cửa công ty, hoặc cửa tiệm lại sai, ví dụ như: “Nhận sữa chửa máy móc, đồ da dụng”, “sữa dầy dép”, “sữa Hon-da”, “Nhận cắc kiếng”, “Tẩy tàn nhan”, “Xóa nút ruồi” v.v…
Dạy con đừng nói quá nhiều và “ngồi lê đôi mách”, phải biết giữ miệng và giữ bí mật cho người khác!
Trời sinh con người hai lỗ tai mà chỉ có một cái miệng, như vậy có nghĩa là Ngài muốn chúng ta “lắng nghe” nhiều hơn “nói”. Kẻ nói quá nhiều không bao giờ biết nghe người khác nói, họ chỉ cần nói cho thỏa, cho sướng miệng nên không cần hiểu ai. Trong công ty tôi lúc trước có một cô nhân viên lớn tuổi. Cô nói nhiều tới mức mọi người trông thấy cô là bỏ đi chỗ khác. Cô vẫn không bỏ được tật nói nhiều, càng nói càng làm đồng nghiệp khó chịu, ngán ngẩm. Cô làm việc kém cỏi, sổ sách “lem nhem”, tính toán sai …nên chủ phải cho nghỉ việc. Người ta mà “nói ít làm giỏi” mới đáng phục, còn nói nhiều mà làm dở thì ai cũng chê cười thôi! Bà A hay nói nhiều, nói hết chuyện nhà đến chuyện hàng xóm, hết chuyện người sống đến người đã chết. Đám con gái của bà cũng ảnh hưởng tính mẹ. Họ thường tụm năm tụm ba nói đủ chuyện, có khi thêm thắt, thêu dệt làm câu chuyện sai lệch đi, hoặc có khi phê bình, nói xấu người này người nọ. Một hôm, câu chuyện thêm thắt đến tai “khổ chủ”, người này kéo cả nhà sang chửi bới thậm tệ nhà bà A, còn hăm dọa sẽ “gặp đâu đánh đó” cái bọn “nhiều chuyện, rỗi hơi”! Y là một cô gái gia giáo, có học tử tế. Tính tình cô rất ôn hòa, hiền lành nên được lòng nhiều người. Có một cô bạn rất thân than thở với Y: “Mình đã “lỡ dại” với tên khốn đó, có thai mấy tháng rồi, không biết phải làm sao!”. Y an ủi bạn và giữ kín chuyện này, bất kỳ ai hỏi (kể cả người thân) cô cũng không dám nói. Sau này, cô bạn gái đính hôn, người chồng sắp cưới của cô hỏi Y về chuyện cũ, Y chỉ nói: “bạn tôi rất đàng hoàng, chỉ bị người ta chơi xấu chứ không bao giờ bạn tôi chơi xấu ai. Vả lại, anh phải tìm hiểu, phải rất yêu thương, tôn trọng mới đi đến hôn nhân. Nếu nghe lời người này người khác, không tin tưởng người yêu, làm sao có hạnh phúc đến bạc đầu?”. Cô bạn gái nghe chồng sắp cưới kể lại, cô rất kính phục bạn mình, vì Y không hề kể xấu cô, và Y cũng không hề biết rằng, cô đã kể lại toàn bộ “tai nạn” của đời mình cho anh ấy biết rồi!.
Khi biết được bí mật hay một sự việc nào đó mà một người cố giấu (vì tế nhị, hoặc vì nhiều lý do khác), ta không nên loan báo với người khác, bởi người khác có hiểu rõ đầu đuôi tâm lý, suy nghĩ của người kia đâu, lắm khi họ lại còn chụp mũ, chà đạp và nói xấu khổ chủ vì sự nông cạn, vì những ác ý mà bản chất họ vốn có. Như vậy, vô tình ta đã làm hại, gây tổn thương cho người ấy chỉ vì người ấy tin tưởng, quí mến ta, thổ lộ riêng với ta. Đây cũng là phạm trù đạo đức tối thiểu của một người tốt, nhưng có lẽ trên đời này rất hiếm ai suy nghĩ được rốt ráo như thế!….
DIÊN MINH
Website: http://dienminhkiepphongtran.com/
LÀM NGƯỜI TỐT KHÓ HAY DỄ của Diên Minh.
Nhà xuất bản Lao động – xã hội.

Sách có bán tại các nhà sách TP Hồ Chí Minh (NS Kinh tế. FIRST NEW, Nguyễn Văn Cừ…)

Liên hệ mua sách qua mạng tại: TIKI>VN

src=http://4.bp.blogspot.com/-B-pbjgat4MI/UYTLY3fAYuI/AAAAAAAAIEA/3zZIfHvt_b0/s320/bia+dienminh2.jpg