/

THẾ  GIỚI CỦA HƯƠNG VỊ VÀ Ý VỊ

NHẬT CHIÊU

Hương vị dường như dâng lên từ những trang sách của Miếng nhớ miếng thương.
Những hàng chữ từ từ biến thành hàng quán trước mắt ta, mời mọc ta bước vào thế giới của thời trân, mùa nào thức ấy, thế giới của mĩ vị, thế giới của mặn mà, chua ngọt, nồng cay, thơm bùi, thế giới của giòn xộp, nhừ tơi, béo ngậy, ngào ngạt, đăng đắng, thanh thanh…
Ẩm thực đối với Vũ Tam Huề cũng là phiêu du. Và anh là nhà thơ của những cuộc phiêu du ấy.
Phiêu du ngay trong gian bếp, anh gọi vú nuôi của mình là Bà tiên bếp ngay từ những ngày thơ ấu.
“Nhiều đêm tôi nằm mơ gặp được bà tiên bếp đang loay hoay dọn dẹp, nấu nướng. Mừng húm vội chạy đến, nhưng nhìn đi ngó lại, hóa ra vẫn là vú nuôi tôi”.
Từ bếp tiên ấy, anh ra đi qua quê này tới quê khác, bước vào những cuộc phiêu lưu. Những nẻo đường quê đầy quà bánh. Không chỉ nằm mơ, anh bước thẳng vào rừng mơ Hương Tích.
“ Trong tiết lạnh giá, với những trận gió bấc buốt thấu xương, rừng mơ Hương Tích lặng lẽ đơm hoa. Rừng mơ chạy dài hun hút, lúc dâng lên vách thẳng triền cao như mây trắng phiêu bồng, khi lan xuống bãi thấp thung sâu như mây chiều lãng đãng. Vây quanh ta một màu trắng muốt và một làn hương mơ thoảng nhẹ mơ hồ”.
Anh chuẩn bị cho ta món quà những quả mơ rừng:
“ Chắt chiu tinh chất của đá của nước, của khí núi mưa rừng, nên chi quả chỉ nhỏ tháu tháu, điểm vài chấm son tươi, nhưng vị chua thanh thoát và hương thơm bát ngát hút hồn”.
Và cuộc phiêu du vào thế giới những món quà quê của anh quả là có sức hút mê ly. Anh có tài đặc tả phẩm chất của từng món ăn với hương vị, màu sắc, phối cảnh, chế biến, thưởng thức và cả hồn mùa của nó. Phải, món quà nào anh cũng nêu ra được hồn mùa: cá mòi tháng ba, chim ngói tháng mười, ếch cốm mùa mưa, bánh dầy lễ hội, thang cuốn mùa xuân…Có cả mùa phù du vỡ tổ vào tiết xuân để có miếng phù du…
“ Ôi! Miếng ăn nóng hổi, thơm dấm dứt, béo ngầy ngậy, ngọt lừ lừ, lại tanh tanh, lại chua chua, lại cay cay…thật khó diễn tả chuẩn xác, chỉ tưởng tưởng nó hao hao cái đỏng đảnh của ả Thị Mầu…”
Anh dùng từ “mùa” như một nhà thơ Haiku ( Vũ Tam Huề chính là tác giả nhiều tập thơ Haiku rất hay, rất ấn tượng ).
Đi với hồn mùa, mỗi món ăn lại có một hồn riêng qua ngòi bút của anh, thể hiện nghệ thuật của vị giác.
Mà món ăn đâu chỉ là món ăn. Đó là món tình. Đâu cũng là tình. Tình thương của vú nuôi, tình chị, tình mẹ và đương nhiên có những bạn gái, những em thơ, rồi tình của những người xa lạ chỉ gặp nhau một lần trong đời nhưng vẫn nhớ. Ăn trong bóng tình. Bởi thế anh gọi nó là Miếng nhơ miếng thương. Mỗi miếng ăn ghi dấu một hoài niệm, một hoài cảm…
“ Tôi dẫu có muốn cũng không thể tìm về cái làng quê bé nhỏ bên bãi sông bên lở bên bồi ấy, để đón mùa phù du vỡ tổ, để hưởng thụ món ăn thật độc chiêu, dễ có mấy ai có duyên nếm trải trong đời, như bữa rượu cụ lang đãi tôi ngày xuân năm ấy”.
Chính những kỷ niệm ấy, những cánh phù du ấy đem lại ý vị cho mỗi cuộc đời. Phải, món ăn đâu chỉ là chất là vật mà còn là ý là tình….
                                                                        Sài gòn, mùa mưa 2016