/
.

Ngày nay, con người đang tự làm hại mình bằng sự can thiệp quá nhiều vào quá trình sinh dưỡng tự nhiên. Họ ăn uống mất cân bằng sinh thái, hấp thu những sản phẩm độc hại do chính đồng loại mình tạo ra. Vì lợi nhuận, một số nhà sản xuất đã bỏ độc tố vào đồ ăn thức uống. Giới truyền thông, quảng cáo thường thổi phồng ưu điểm, gây hỏa mù làm cho người sử dụng không nhận ra được những nhược điểm của sản phẩm. Một trong những thức uống phổ biến hiện nay đang gây nhiều ngộ nhận cho người tiêu dùng là sữa bò.
1.  Những quan niệm lệch lạc về chức năng của sữa bò

 

Theo quy luật tự nhiên, những động vật cái sản sinh ra sữa là để cho thú sơ sinh bú, chẳng hạn, sữa bò cái dành cho bò con bú. Nhưng sẽ bất thường khi sữa bò dùng cho con chó, con lợn đã trưởng thành. Lại còn bất thường hơn khi sữa của con vật ngu như bò lại dùng cho một loài thông minh như con người. Dùng một ít thì có vẻ vô hại nhưng nếu lạm dụng, chắc hẳn sẽ có rất nhiều bất ổn nhưng khó nhận ra.
Ngày nay, sữa bò dường như mất đi chức năng ban đầu của nó: dùng cho bò con bú để mau lớn. Con người đã thay bò con bú dòng sữa ấy và nâng nó lên thành một thức uống vạn năng. Trẻ em uống, người già cũng uống, người bệnh uống, người khỏe cũng uống, uống thay cơm, uống để giải khát, chứng tỏ mình sành điệu. Uống sữa bò như một cái mốt của thời đại và số tín đồ bò sữa ngày càng đông.
Ảnh hưởng những lời quảng cáo đường mật của các nhà sản xuất và giới truyền thông, nhiều bà mẹ tin rằng sữa bò giúp trẻ tăng chỉ số IQ, tạo thần đồng. Muốn nhờ con bò cải thiện nòi giống con người, nhiều gia đình nghèo đã gác lại các giấc mơ thực tiễn để đầu tư tiền bạc mua sữa cho con. Lúc nào trẻ cũng no sữa, bỏ ăn cơm cháo, biếng ăn gây rất nhiều khổ sở cho những người nuôi trẻ từ gia đình đến trường mầm non.
Do có quá nhiều người tin tưởng vào khả năng thần kỳ của sữa bò nên ngành kinh doanh sữa cũng ngày càng phát đạt và kéo theo nhiều hệ lụy. Các chính phủ đã tốn không biết bao nhiêu tiền của, công sức cho việc kiểm tra, giám sát, nghiên cứu, thảo luận về sữa bò. Khẩu hiệu Nuôi con bằng sữa mẹ là tốt nhất dường như bị chìm nghỉm trong dòng thác quảng cáo sức mạnh của sữa bò.
Trước đây, người Việt Nam không biết đến sữa bò nhưng họ vẫn có bộ xương khỏe mạnh, cứng cáp hơn những bộ xương được đắp bằng sữa bột. Từ khi người Pháp mang sữa bò sang Đông Dương, mới xuất hiện thói quen Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò (Tú Xương). Ngày nay, có nhiều thói quen thái quá thành bệnh: nghiện mua sắm, nghiện internet, nghiện sữa bò, nghiện rượu, nghiện ma túy… Loại nghiện nào cũng xuất phát từ tư duy lệch lạc của con người.
2.  Những vụ tai tiếng của sữa bò nhân tạo
Do sữa bò tự nhiên có nhiều nhược điểm trong khâu bảo quản, sử dụng và thành phần dinh dưỡng nên ngành công nghiệp chế biến sữa bò ngày càng làm ăn phát đạt. Nhưng bên cạnh những hãng sữa làm ăn chân chính, cũng có nhiều hãng làm ăn bất chính. Do cố tình hay thiếu trách nhiệm, thiếu hiểu biết, một số công ty sữa đã bỏ nhiều hóa chất độc hại vào sữa công thức. Và trẻ em là đối tượng chính phải thưởng thức những chất độc đó.
Những năm gần đây, dư luận liên tục xôn xao về các vụ độc tố trong sữa hóa học. Vụ đầu tiên gây sốc nhất diễn ra vào năm 2008, có liên quan tới 22 công ty sữa của Trung Quốc. Người ta tìm thấy trong các hộp sữa này có chất độc melamine, vốn là hóa chất chỉ dùng trong kỹ nghệ nhựa, bê tông, phân bón… Vì lợi nhuận, các nhà sản xuất đã bỏ chất độc này vào sữa để tăng lượng đạm giả tạo và kết quả là có khoảng 300.000 trẻ em bị bệnh thận. Nhiều quý tử con một bị tử vong khiến các bà mẹ la khóc vang trời.
Một số hãng sữa nổi tiếng của Mỹ, Úc, New Zealand, Sri Lanca, Malaysia, Nhật Bản, Hồng Kông… cũng từng bị tố cáo có hóa chất độc hại. Năm 2013, báo chí Việt Nam rầm rộ đưa tin hàng loạt nhãn hiệu sữa bò có hại cho trẻ em. Để trấn an dư luận và vì nhiều lý do tế nhị khác, người ta nói rằng cửa hàng X, công ty X đã thu hồi một số lô sữa nhiễm khuẩn. Nhưng không ai biết còn có bao nhiêu lô sữa nhiễm khác chưa bị phát hiện và chúng sẽ tiếp tục đầu độc trẻ em đến bao giờ.
Những độc tố mà người ta phát hiện (hoặc nghi ngờ) trong sữa nhân tạo rất đa dạng. Có khi là nhiễm độc chì, phóng xạ, độn da động vật và các chất phụ gia, thừa cacbonat canxi nhưng lại thiếu lượng iốt cần thiết, có ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp, tác động xấu đến não bộ trẻ em. Những hộp sữa nhiễm vi khuẩn C. Botulinum gây hội chứng viêm dạ dày – ruột cấp tính, gây khó thở và có nguy cơ tử vong đối với trẻ em. Đây là loại độc tố gây tác hại đến hệ thần kinh chứ không hề có tác dụng bổ não.
Những người có suy nghĩ nông cạn thường đặt niềm tin tuyệt đối vào thần tượng của mình. Những tín đồ bò sữa không thể tin rằng sữa bò lại có hại. Những người chín chắn hơn thì cho rằng những hộp sữa độc hại đã bị thu hồi và đặt niềm tin vào các hộp sữa còn lại. Một số khác vẫn biết là còn nhiều lô sữa độc chưa bị phát hiện nhưng phó mặc vào sự may rủi. Trong khi nhiều người thất vọng với sữa nhân tạo nhưng không dứt được cơn nghiện thì chuyển sang các chế phẩm khác của sữa bò.
Một chế phẩm khác của sữa bò là sữa chua cũng gây nhiều tác hại như: ngứa ngáy, khó thở, phát ban, nôn mửa, khó tiêu, béo phì, tiểu đường, bệnh tim, ung thư, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm… Nó cũng không tốt cho phụ nữ mang thai, người bị bệnh đường ruột, xơ cứng động mạch, viêm túi mật và viêm tuyến tụy… Cảm thấy sữa bò không an toàn nên nhiều người tìm đến một họ hàng xa với nó là sữa đậu nành nhưng hậu quả là nhiều nam giới bị vô sinh. Nói chung, không nên tin tưởng tuyệt đối vào thế giới sữa.
3. Những tác hại từ sữa bò tự nhiên
Nhiều người tin rằng sữa bò tươi đạt tiêu chuẩn chất lượng cao hơn sữa nhân tạo nhưng không hẳn như vậy. Bạn vắt một ly sữa tươi, uống ngay trước mặt con bò cũng chưa chắc an toàn. Có thể con bò ấy bị bệnh, vừa mới tiêm thuốc cách đó mấy ngày, chất độc chưa kịp thải ra theo đường nước tiểu thì đã theo sữa vào ruột của bạn. Đó là chưa nói, ngày nay, người ta cho bò ăn đủ loại thức ăn tăng trưởng có hại cho con người. Nhiều con bò sữa có lượng hóc-môn cao, làm tăng nội tiết tố nữ, khiến bé gái sớm dậy thì.
Người ta thấy rằng trong sữa bò có chất gây nghiện, gây ngủ là tryptophan, giống như morphine tự nhiên [7]. Bởi vậy, để cho trẻ em dễ ngủ, các bà mẹ cho uống một bình sữa. Ngay cả người lớn cũng vậy, uống một cốc sữa bò sẽ dễ ngủ hơn. Nhiều người mắc chứng nghiện sữa bò thường có cảm giác lâng lâng, khoan khoái giống như người nghiện ma túy. Chúng ta đều biết rằng việc lạm dụng thuốc ngủ sẽ có hại cho thần kinh thì chắc hẳn việc lạm dụng sữa bò phải có tác hại cho thần kinh trẻ em.
Sữa mẹ có đầy đủ các chất bổ cần thiết nhưng sữa bò lại thiếu rất nhiều chất cần cho trẻ em như: clorua, crôm, lysozym, chất sắt… Ngược lại, sữa bò lại có thêm nhiều chất có hại cho trẻ em như chất vô cơ, anbumin, axit aliphatic… Nếu trẻ không bú sữa mẹ mà chỉ bú sữa bò thì sức đề kháng sẽ rất yếu và thường mắc phải các bệnh như: dị ứng, eczema, viêm da, cảm lạnh, tiêu chảy, táo bón, béo bệu, tiểu đường, sâu răng, chảy máu dạ dày, viêm đường tiết niệu, viêm tai giữa, viêm đường ruột, viêm phổi do vi khuẩn [2, tr.10,11,12].
Cơ địa của mỗi người mỗi khác nên có hiện tượng người này uống sữa bò rất nhiều mà không sao nhưng người kia dùng một chút lại có vấn đề ngay. Trẻ em dưới một tuổi không nên uống sữa bò tươi, nhất là sữa đặc vì hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh, dễ bị vi khuẩn tấn công và sinh ra trướng bụng, tiêu chảy, xơ cứng tâm huyết quản, thị lực kém, yếu thận… Trẻ sinh ra trong gia đình có tiền sử bệnh tim cũng nên cẩn thận. Những người sau cũng không nên uống sữa bò: béo phì, viêm gan, viêm thực quản, vừa mới mổ dạ dày, bị viêm túi mật và tuyến tụy, bị viêm loét kết tràng…[6, tr.68,69].
Người lớn không thích sữa bò thì có thể chọn thức uống khác nhưng nhiều trẻ không thích nghi với sữa bò vẫn bị ép uống nên sinh ra nhiều bệnh tật. Các thầy thuốc thường chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác nên chưa có hướng điều trị đúng cách. Trong Hội thảo khoa học Chẩn đoán và xử trí dị ứng đạm sữa bò ở trẻ nhũ nhi do Hội Nhi Khoa Việt Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội tháng 6 năm 2013 vừa qua, người ta đã đưa ra các biểu hiện của dị ứng sữa bò như sau: phát ban, viêm da, sưng môi và mi mắt, nổi mề đay, thường xuyên trào ngược và nôn trớ, tiêu chảy hoặc bón, máu trong phân, thiếu máu, sổ mũi, ho kéo dài, khò khè, mệt mỏi kéo dài hay đau quặn…[4].
Ngoài ra, việc vắt sữa, bảo quản và chế biến sữa bò không đúng cũng gây nhiều tác hại. Những con bò bị viêm tuyến vú thường có rất nhiều vi khuẩn. Máu và mủ từ vú, hậu môn, cơ quan sinh dục của bò chảy vào sữa và đi vào bụng người. Nếu vắt sữa không đảm bảo vệ sinh thì người uống sữa tươi sẽ bị các chứng như: tả, lỵ, thương hàn, lao, sốt, bệnh than, nhiễm tụ cầu khuẩn gây ngộ độc thức ăn, sẩy thai…[6, tr. 30, 31]. Nếu để sữa tươi ra ngoài không khí lâu ngày, hoặc bỏ vào tủ lạnh rồi đưa ra ngoài sẽ làm sữa mau hư, người uống bị Tào Tháo rượt. Trong quá trình vận chuyển, nếu bao bì rách thì có thể khuyến mãi cho khách hàng mấy chú dòi. Rồi có những người pha chế sữa bò không đúng cách hoặc ăn sữa tươi, sữa chua với lạp xường, xúc xích… cũng bị ung thư.
4. Những nghi vấn khác liên quan tới tác hại của sữa bò
Ngoài những căn bệnh nêu trên, người ta nghi ngờ sữa bò có thể gây ra nhiều căn bệnh khác rất khó chữa trị. Những người chủ trương thực dưỡng theo nguyên lý âm dương của phương Đông không tán thành việc lạm dụng sữa bò. Theo Ohsawa, dầu cho khoa học có tiến bộ đến đâu cũng không thể vượt qua luật sinh học được, tức là làm cho sữa thú hoàn toàn giống như sữa người. Và nếu là sữa thú, nó sẽ ảnh hưởng xấu đến não bộ, tức trí phán đoán của người. Ngày nay, chúng ta thường thấy phụ nữ giàu, ăn uống thiếu gì chất bổ, thế mà khó sinh, vô sinh hoặc sinh con được thì con lại yếu đuối, mang dị tật. Điều ấy chắc có lẽ họ dùng rất nhiều đồ tẩm bổ quá âm, nhất là sữa thú không thích nghi với luật sinh học của con người [3, tr.72].
Nhiều nhà khoa học Âu – Mỹ cho rằng, sữa bò là nguyên nhân sinh ra hội chứng tự kỷ, một căn bệnh đang ngày càng phổ biến. Trẻ bại não không có khả năng tiêu hóa một số chất trong sữa bò. Những chất này, đặc biệt là casein sẽ quay sang tấn công bộ não của trẻ, làm cho trẻ chậm hiểu, nói khó, ăn khó, ngủ khó, kém tập trung, động kinh, tăng động, hung hăng… Bởi vậy, để chữa tự kỷ, phải kiêng sữa bò và các sản phẩm làm từ sữa (sữa chua, phô mai…). Có thể thấy quan điểm này trong các sách: Mười điều trẻ tự kỉ mong muốn bạn biết – Ellen Notbohm (Minh Đăng dịch – NXB ĐHSP TP.HCM, 2010); Những điều cần biết trong chẩn đoán đánh giá về hội chứng tự kỷ, Hỗ trợ kiến thức về chăm sóc và giáo dục trẻ mắc hội chứng tự kỉ (Trung tâm Nghiên cứu giáo dục và Chăm sóc trẻ em – NXB ĐHSP Hà Nội, 2011; Tự kỷ – những vấn đề lí luận và thực tiễn – Nguyễn Thị Hoàng Yến (NXB ĐHSP Hà Nội, 2013) v.v… Vấn đề này cũng được diễn giải khá sinh động trong sách Đưa con trở lại thiên đường – NXB Phụ nữ, 2012. Tác giả Lê Thị Phương Nga đã hùng hồn tuyên chiến với sữa bò để giành quyền sống cho trẻ tự kỷ [5, tr. 99,100].
Một số trang trại ở Anh, Mỹ cho bò ăn uống các chất tăng trưởng nhân tạo trái với quy luật tự nhiên nên một số bò nuôi mắc chứng bò điên. Não bò điên có thể xốp giống như những người bị bệnh xốp não (hoại não). Những người mắc bệnh này thường sa sút trí tuệ, không tập trung tư tưởng, chai lỳ cảm xúc, rối loạn ngôn ngữ… Bệnh bò điên lây lan rất nhanh và làm chết nhiều người nên nhiều nước cấm nhập khẩu thịt bò. Người ta thấy tố chất prion có trong xương, não, tủy, lòng bò… nhưng chưa dám khẳng định nó có mặt trong sữa hay không. Nếu có sữa bò điên thì bộ não non nớt của trẻ em sẽ bị con prion đục phá thành thể hang rất nhanh. Hiện nay, còn nhiều nghi vấn: có hay không có sữa bò điên ? Nếu có thì các nhà kinh doanh có dám công bố điều này không (vì sẽ làm phá sản nền công nghiệp sữa bò, kéo theo sự thất thu ngân sách quốc gia).
Có một điều đáng chú ý là phần lớn những chất độc hại trong sữa bò đều hướng đến tấn công bộ não non nớt của trẻ em. Nhưng nhiều hãng sữa lại dùng cách quảng cáo ngược là sữa bò sẽ làm cho trẻ thông minh hơn (!). Thật khó tin khi nghe nói một con vật ngu như bò lại có sứ mệnh cải tạo trí tuệ con người. Chúng ta thừa nhận rằng, sữa bò có một vài chất bổ, có thể tốt cho con người nếu biết dùng đúng cách, đúng người, đúng hoàn cảnh. Nhưng sữa cũng như thuốc men, là con dao hai lưỡi, dùng đúng bệnh lành, dùng sai thêm bệnh. Trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, người khôn ngoan bao giờ cũng thận trọng với tất cả các loại hàng hóa, thực phẩm. Hãy cẩn thận với sữa bò !
 PHẠM NGỌC HIỀN
Tài liệu tham khảo:
1. Nhị AnhNhững vụ bê bối sữa chấn động thế giới – http://m.vietnamnet.vn/vn/kinh-te/134867/nhung-vu-be-boi-sua-rung-dong-the-gioi.html
2.  Trần Thục Anh – Nuôi con bằng sữa mẹ – NXB Văn hóa thông tin – 2010 tr. 10, 11, 12.
3.  Huỳnh Văn Ba – Phương pháp Ohsawa – hỏi và đáp – NXB Văn hóa thông tin, 2012, tr.72
4.  Lê Thị Minh HươngHướng dẫn chẩn đoán và xử trí dị ứng đạm sữa bò ở trẻ em – Trang điện tử của Bệnh viện Nhi trung ương: http://www.nhp.org.vn/show.aspx?cat=022&nid=1382
5.  Lê Thị Phương Nga – Đưa con trở lại thiên đường -NXB Phụ nữ, 2012, trang 99-100
6.  Thu Quỳnh – Dùng sữa đúng cách để sống khỏe – NXB Hồng Đức, 2013, tr. 30-31
7. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Lưu ý khi uống sữa bò – http://www.vietq.vn/chat-luong-song/suc-khoe/277-luu-y-khi-uong-sua-bo