src=http://old2.baodatviet.vn/dataimages/201302/original/images1184019_Suc_song_Truong_Sa_hom_nay_datviet.vn_05.jpg
.
Tôi chờ đợi chuyến đi Trường Sa có đến mười mấy năm rồi.Sau khi đọc “Đảo chìm” của nhà thơ Trần Đăng Khoa,tôi cứ ước ao được tận mắt xem cái đảo chìm nó như thế nào mà những người lính sống chung với đảo hồn nhiên đến thế? Ngày đó tôi nhờ ông anh rể ở Ngân hàng Nông nghiệp Khánh Hòa hỏi giùm có chuyến nào ra đảo thì tìm cách gửi tôi đi ké.Nhưng rồi chờ mãi mà ông anh rể không liên hệ được nên tôi đành lưu giữ Trường Sa trong mơ ước.
Bất ngờ được Hội Văn nghệ Bình Thuận cử đi Trường Sa, tôi mừng và háo hức như đứa trẻ lần đầu được đi một chuyến xa nhà. Trong gia đình tôi cũng có ý kiến trái chiều, cho rằng ở tuồi lục tuần, lại là thương binh, thì sức khỏe tôi không đủ để chống chọi với sóng gió mùa mưa bão cuối năm này. Không khéo lại là gánh nặng cho bộ đội, cho các thành viên trong đoàn. Nhưng không biết có động lực gì thúc đẩy mà tôi cảm thấy mình hoàn toàn tự tin, rồi tự nhủ thầm rằng mình phải đi và sẽ cố gắng hết sức để không làm ảnh hưởng tới mọi người. Tôi háo hức đi Cam Ranh, háo hức xuống tàu với bao tâm trạng hồi hộp đón đợi mọi thứ ở phía trước.Vui thì rất vui,nhưng cũng lo nhỡ bị say sóng sẽ làm phiến đến những người xung quanh.Trong buổi họp báo đầu tiên trên tàu,thượng tá Nguyễn Hông Quân phó lữ đoàn trưởng quân sự Lữ đoàn 146 truyền kinh nghiệm rằng :”Nằm sấp thì sẽ đỡ bị say sóng”.Nhà báo trẻ Nguyễn Phong Anh của báo Tin tức buột miệng hỏi:”Thế cháu còn ít tuổi,chưa quen nắm sấp thì làm thế nào để khỏi say?”làm cả đoàn cười ồ lên vui vẻ.Còn tôi,tôi tự chuẩn bị cho mình tâm lý thật thoải mái để không bị say.
Và quả nhiên trên đường ra đảo tôi không hề bị say, trong khi nhiều anh em ói ra mật xanh mật vàng, bỏ ăn, nằm la liệt trên sàn tàu. Đoàn trưởng đoàn công tác Nguyễn Hồng Quân động viên anh em ráng ăn vào mới có cái mà ói ra, còn không ăn thì không có gì trong bụng mà ói, sẽ ói mật xanh mật vàng, càng mệt. Vậy là bữa nào tôi cũng nhắm mắt nuốt lấy hai bát cơm. Nhìn những chiếc xoong quân dụng, những cái vung gồ lên hình chữ thập chia ra 4 ngăn để đựng các món ăn cho bộ đội tôi rất xúc động, vì nó quá thân thuộc với tôi cách đây mấy chục năm về trước. Và tôi đã giữ được sức để vượt qua trùng trùng lớp sóng đến với Trường Sa, đến với những người lính đảo. Có lẽ do được thủy thủ đoàn nhường cho một mình một giường nằm nên tôi không bị say chăng?
8giờ sáng ngày 17-12-2011 tàu được phép cập cảng Trường Sa lớn thuộc huyện đảo Trường Sa tỉnh Khánh Hòa. Chúng tôi lên đảo an toàn trong sự đón tiếp nồng nhiệt chu đáo của bộ đội và nhân dân trên đảo.
Cách Cam Ranh khoảng 450 km về phía đông, đảo Trường Sa lớn nằm ở phía tây nam Quần đảo Trường Sa có tọa độ 08 ·38’30” độ vĩ bắc; 111 ·55’55” độ kinh đông, là nơi đặt trụ sở UBND huyện đảo Trường Sa tại thị trấn Trường Sa.
Đảo hình dáng tam giác, có diện tích 0,2 km², có đường băng đáp máy bay cỡ nhỏ, có giếng nước tương đối ngọt để tắm rửa, còn nguồn nước mưa dự trữ chỉ để nấu ăn uống. Có nguồn năng lượng sạch dồi dào từ gió và nắng do thiên nhiên ban tặng. Cùng với những công trình kiến trúc như Nhà Tưởng niệm Bác Hồ, Đài liệt sỹ trang nghiêm bên những tán cây bàng vuông sum xuê, hoa nở quanh năm tóe ra như pháo hoa trông rất đẹp mắt, những cây phong ba chịu đựng bão tố kiên cường như những người lính đảo và cả cây tra, bộ đội thường lấy lá non cuốn với cá, thịt ăn chát chát, ngọt ngọt chua chua rất lạ miệng và ngon
Đặc biệt đảo có một ngôi chùa rất đẹp và thanh tịnh, khiến đảo chẳng khác đất liền là mấy. Chẳng thế mà các chiến sỹ đảo chìm gọi đảo Trường Sa lớn là “thủ đô” của quần đảo Trường Sa. Để có được một “thủ đô” như hôm nay là nhờ sự quan tâm của cả nước hướng về vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, cùng sự hy sinh cống hiến của cán bộ chiến sỹ Hải quân ngày đêm bám đảo, trong đó có những chiến sỹ đã ngã xuống vĩnh viễn nằm lại nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ biển đảo quê hương. Khi đặt những trái cây thơm ngọt của đất liền trước hai ngôi mộ liệt sỹ Hoàng Văn Nghĩa sinh năm 1986, hy sinh ngày ­­21-3-2010 và Lê Văn Tuấn sinh năm 1988, hy sinh trên đảo Trường Sa lớn, chúng tôi ngùi ngùi cắm nén nhang lên mộ các anh và thầm biết ơn những hy sinh của các anh cho sự an bình của chính chúng tôi hôm nay.
Vài ngày ít ỏi trên đảo tôi được gặp anh lính kỹ thuật Phạm Văn Hoàng, quê Vĩnh Thành, Yên Thành, Nghệ An. Nhìn bên ngoài chàng trai xứ Nghệ khỏe mạnh, tươi tắn và khá điển trai, tôi không thể nghĩ rằng anh đang phải chịu đựng sự ngặt nghèo của số phận. Anh tâm sự: “Là lính đảo lấy được vợ đã là một kỳ tích”. Vợ anh là chị Ngô Thị Hằng ở quê. Anh chị gắn bó nhau đã hơn chín năm, chín năm mòn mỏi niềm mong ước của cả nhà, nay anh mới có được mụn con.
Nhưng ông trời ăn ở không cân. Anh chị đều là người hiền lành chịu thương chịu khó, không làm mất lòng ai bao giờ. Vậy mà con của họ sinh ra mới hai tháng tuổi đã phải ba lần truyền tổng cộng đến 2000 đơn vị máu. Rồi vào bệnh viện Nhi Đồng 2 nằm cho tới nay với căn bệnh hiểm nghèo cần phải thay tủy mới sống được. Nhưng cháu còn non tháng tuổi chưa thể chọc tủy để thay thì lại mắc thêm bệnh gan. Mỗi ngày chi phí điều trị lên tới 500 ngàn đồng.
Ông bà thân sinh ra anh đều đã ở tuổi 80 cả, nên không thể bay từ Nghệ An vào chăm cháu. Thành thử mấy tháng nay chị Hằng cứ lẽo đẽo trong bệnh viện, một mình ôm con với bao lo lắng, thương con và thương phận mình. Còn anh Hoàng lúc đầu rất bức xúc, căng thẳng muốn xin vào đất liền. Nhưng vào đất liền thì lương thấp, lấy tiền đâu lo cho con! Anh lúng túng và bế tắc. Cán bộ đảo, anh em đồng ngũ, bạn bè động viên anh rất nhiều, anh đã ở lại yên tâm công tác. Lãnh đạo đảo mở cuộc phát động “nghĩa tình đồng đội”. Một tháng lương mỗi chiến sỹ chỉ được một triệu đồng, nhưng ai cũng bỏ ra 500 ngàn ủng hộ bạn. Tổng cộng đảo đã quyên góp được 26 triệu đồng giúp gia đình anh qua cơn nguy khó. Ngoài ra thiếu tướng phó tổng giám đốc tập đoàn viễn thông ra thăm đảo cũng ủng hộ anh Hoàng 10 triệu đồng.
Nghe chuyện, chúng tôi ai nấy đều lặng đi. Chính trị viên Phạm Quang Trung nhìn ra những con sóng ngoài khơi xa, trầm ngâm như đang nói với chính mình: “Thường ở nơi nào ác liệt, gian khổ nhất lại là nơi có tình người cao quý nhất”.
Chia tay với Trường Sa lớn trong niềm cảm xúc khó tả như không muốn rời. Anh em chiến sỹ chuẩn bị cho chúng tôi những bao nilon dày bọc đồ cho khỏi ướt, nhắc nhở từng li từng tý những thao tác lên xuống xuồng như thế nào để tránh tai nạn… Thật khó có thể nói hết được những tình cảm nồng ấm của cán bộ chiến sỹ trên đảo dành cho chúng tôi. Tạm biệt Trường sa lớn, chúng tôi đi sang đảo chìm.
Năm 1996 tôi viết bài thơ “Thư Trường sa là tự tưởng tượng ra nơi đầu sóng ngọn gió ấy,giữa trùng khơi ấy,chỉ có nắng,gió và song,nên người lính đảo nghĩ ra cách gửi nắng về làm quà ngày xuân cho vợ con là tự an ủi mình để yên tâm làm nhiệm vụ giữ bình yên chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.Những tưởng tượng đó có lẽ do đọc bút ký “Đảo chìm”.Nhà thơ Trần Đăng Khoa viết đại ý rằng đảo chìm những nước là nước,ở giữa mọc lên một cái nhà giàn chung chiêng đến mức bộ đội còn không muốn mặc quần áo dài,chỉ đánh mỗi cái quần sà lỏn để đỡ công giặt vì sóng đánh ướt sũng suốt ngày.
Còn bây giờ, tàu Trường Sa 22 đang neo đậu ngoài mép xanh, chúng tôi đã nhìn rõ hai căn nhà thuộc điểm B đảo Thuyền Chài, khoảng cách khoảng hơn km. Chúng tôi lần lượt xuống xuồng để chiếc xuồng máy kéo vào đảo.

Trên xuồng có Thượng úy Nguyễn Văn Ngọc, điểm trưởng điểm B đảo Thuyền Chài. Anh mới vào bờ 6 tháng, nay ra lại điểm đảo anh từng phụ trách. Sóng to, nhiều lúc chúng tôi không nhìn thấy chiếc xuồng máy đang kéo xuồng chúng tôi bằng một sợi dây chão khoảng hơn chục mét.

Con xuồng chồm lên ngọn sóng rồi lại chúi đầu xuống chân sóng một cách thụ động. Vào sâu trong bãi san hô vài chục mét, chiếc xuồng máy bị vô hiệu hóa bởi nước cạn. Thượng úy Ngọc lập tức cùng mấy chiến sỹ trong nhóm ra thay quân lội ào xuống đẩy xuồng tiến về phía đảo. Đến nơi chúng tôi mới nhìn thấy chân các anh tóe máu vì bị san hô cứa.
Điểm B đảo chìm Thuyền Chài nằm ở 08 ·10’00” độ vĩ bắc và 113 ·18’00” độ kinh đông. Còn toàn đảo Thuyền Chàilà một bãi đá san hô hình con thuyền, dài 29 km, gồm ba điểm đảo đều được xây dựng hai ngôi nhà đúc kiên cố hình lục giác, nối nhau bằng cây cầu bê tông cốt thép. Có bể chứa nước mưa, khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt triền miên những năm trước đây. Có năng lượng sạch là pin mặt trời và tua bin sức gió cung cấp điện năng cho hai ngôi nhà đủ cho bộ đội sử dụng trong sinh hoạt và làm việc. Có điện là có ánh sáng văn minh, có ti vi, máy vi tính để cập nhật thông tin và hoạt động công tác.
Đó là sự quan tâm thiết thực của Đảng và nhà nước, là sự đền đáp của nhân dân trong đất liền với sự hy sinh cống hiến tuổi trẻ của những người lính đang gìn giữ từng tấc đất tổ tiên mình để lại.
Tôi lại gặp ở đây một anh lính Trường Sa quê xứ Nghệ, Diễn Lâm, Diễn Châu, Nghệ An, nhanh nhẹn hoạt bát nhưng có cặp mắt luôn ưu tư. Hỏi ra tôi mới biết anh tên là Vương Minh Trụ. Hiện anh đang phục vụ bên đơn vị hậu cần thuộc Lữ đoàn 146. Hàng ngày trên tàu, anh chăm bẵm đàn heo, gà sao cho thật khỏe mạnh tươi ngon mang ra phân phát cho anh em các đảo ăn tết. Anh trai anh là liệt sỹ Vương Viết Mão hy sinh ngày 17-01-2004 trên đảo Trường Sa Đông. Khi nghe tin anh trai mất, Vương Minh Trụ đã không giữ nổi thăng bằng, anh định bỏ lại tương lai tiền đồ, tuổi xuân, bỏ tất cả để đi theo anh trai luôn. Được sự động viên của thủ trưởng đơn vị. Đồng thời đọc và ám ảnh lá thư của người anh trai đã hy sinh,nghĩ đến người mẹ già héo hắt nơi quê nhà mà anh đã gượng đứng dậy khoác ba lô về trường sỹ quan lục quân học cho đến khi tốt nghiệp. Và người vợ hiền của anh bây giờ chính là một trong những người biết chuyện buồn của anh qua báo chí đã viết thư chia sẻ động viên anh mà nên duyên chồng vợ. Tôi nói đùa với anh: “Có lẽ chỉ lính đảo mới lãng mạn đến vậy”.
Quả thật, chỉ có ở đảo chìm mới có những ý tưởng ngộ ngĩnh, độc đáo và lãng mạn đến khó tin. Xuất ăn thường ngày của các anh là thịt hộp, dưa chuột hộp và dưa cải hộp. Những ngày lễ tết mới được miếng thịt tươi. Vậy mà vừa chuyển dưới tầu lên hai con heo tiêu chuẩn tết nguyên đán, các anh mổ phăng luôn một con để tiếp đoàn nhà báo. Chúng tôi vừa áy náy vừa thương bộ đội quá, nên đề nghị các anh hàng ngày cho nhà báo được thưởng thức thịt hộp. Các anh nói biển ở đây sẵn cá, nhà báo đừng lo bộ đội thiếu đồ tươi, còn hơn trong bờ ấy chứ!
Thế là giờ nghỉ các chiến sĩ chứng minh ngay điều mình vừa nói. Anh thì mang súng bắn tên lặn xuống bắn một loáng đã quăng lên cả xâu cá bò sừng, anh khác vác cần câu đi câu. Đảo chìm có chỗ nước chỉ ngang thắt lưng, các anh mang lưới ra quây. Chỉ một tiếng huýt sáo hiệu lệnh là đàn chó hơn chục con lao xuống lùa cá vào lưới. Những con cá trố óng ánh tím dính lưới được các ngư phủ không chuyên quăng lên bờ oành oạch. Chó của đảo Thuyền Chài được huấn luyện rất công phu, đêm chỉ một tiếng động nhỏ là chúng bật dậy như lò xo đánh hơi rồi chạy vòng quanh khu nhà đảo như tuần tra. Tầu mới đến mép xanh, chúng đã sủa ầm lên như mách chủ.Khi xuồng của đoàn vào gần tới đảo,những chú chó tinh khôn nhận ra có người nhà đi cùng, thế là chúng ào xuống nước bơi ra đón.
Cả đàn vịt đẻ các anh nuôi như cũng thích nghi với điều kiện sống của đảo chìm, khi đói chúng lặn hụp bắt những con ốc nhỏ ăn đến no căng diều, lúc khát chúng xuống mé nước vục mỏ làm vài ngụm nước mặn vô tư.
 Ngay từ khi mới lên điểm B đảo Thuyền Chài, tôi đã phát hiện ra một con chim bồ câu đậu hiền lành bên bờ công sự. Tôi nhẹ chân từ từ bước ra tận nơi, con chim vẫn không bay. Tôi ngồi xuống bờ công sự ngửa lòng tay giơ ra như cho ăn, nhưng dường như nhận ra người không quen nên con bồ câu cứ lùi dần lảng đi dọc theo bờ công sự. Điểm trưởng đảo Thuyền Chài B Nguyễn Văn Ngọc nhìn thấy tôi đang dụ con chim cười nói:
“Trước đây chúng có cả đôi, không biết ở đâu bay về đảo, anh em bộ đội mang gạo cho ăn nên chúng quen dần rồi ở hẳn đảo. Chiều chiều nhớ nhà, anh em chiến sỹ hay ra bờ công sự ngồi chơi nói chuyện với chim. Thời gian qua đi đôi chim trở nên thân thiết với lính đảo. Anh em đi công tác xa đảo vài ngày khi về thể nào cũng nhơn nhác tìm chim để cho ăn và chơi với chúng. Thế rồi sau một đêm mưa to gió lớn, mọi người nhận ra mất đâu đôi chim bồ câu, cả đảo buồn, chiều nào anh em cũng ra ngóng nơi công sự xem chúng có về không. Đến cả hơn tuần sau mới thấy có mỗi mình con chim này về. Nó nhớ bạn bỏ ăn mấy ngày, anh em lính đảo phải dỗ mãi nó mới chịu ăn nhỏ nhẻ vài hạt đậu tương. Giờ nó trở nên cô đơn trầm lặng và lảng lảng như vậy đó”.
Quay trở về đất liền lại thấy nhớ đảo, lòng nao nao như còn say sóng. Nhớ bữa ăn ốc nhảy chấm mắm gừng thả phanh do các anh mò mẫm dưới biển mang về luộc đãi khách. Nhớ những chàng trai lội dưới san hô tứa máu chân để đẩy xuồng vào đảoThuyền Chài, và những người lính đảo An Bang cả đêm qua họ lăn lóc dưới sàn nhà ẩm ướt, nhường chỗ cho nhà báo ngủ, sáng nay lại gồng mình đẩy con xuồng chở đầy nhà báo từ trên bãi cát xuống nước. Họ luôn giành lấy những khó khăn vất vả về mình, dù ở trên đảo hay dưới tàu họ luôn bảo vệ và giúp đỡ bất kỳ người khách nào đã đến với họ. Nhớ những chiến sỹ cảm tử của đảo An Bang lao uống những con sóng dữ để dìu xuồng vào bãi cát. Và tôi lại thấy không riêng gì các chiến sỹ đội cảm tử đảo An Bang, mà bất kỳ người lính nào ở đây cũng là lính cảm tử, vì đơn giản họ là chiến sỹ Trường Sa – hình ảnh đẹp mãi trong ký ức tôi.
Nếu được phép đề xuất ý kiến của mình, chúng tôi mong cấp trên nên trang bị những con tàu hiện đại có đủ giường nằm cho bộ đội đỡ vất vả mỗi lần thay quân. Và mong nhà nước đầu tư xây dựng các đảo đều khang trang như đảo Trường Sa lớn để tiếp thêm sức cho các anh gìn giữ vững vàng chủ quyền biển đảo của tổ Quốc Việt Nam.