Câu Chuyện Đầu Xuân

             LỊCH TA – TẾT CẢ
     Tết là một nét sinh hoạt văn hóa cổ truyền quan trọng, phải nói rằng đây là một sinh hoạt lễ hội bậc nhất của người Việt cổ trong nền văn hóa lúa nước.
     “Năm hết Tết đến” mọi công việc hầu như giảm dần khi thời gian bước qua mồng mười tháng chạp…dần đổ dồn cho việc mua sắm tết, lo sắp xếp về quê ăn tết, mọi việc hầu như đắm mình trong không khí tết, vui tết.
      Tết là một sinh hoạt văn hóa cổ truyền quan trọng nhất trong tất cả lễ hội diễn ra hàng năm và là cuộc vui tết, nghỉ tết dài
nhất.
      Tết Ta là Tết của người Việt.
      Tết Cả, bắt đầu từ ngày mồng một tháng giêng, là sự bắt đầu của một năm mới.
      Theo lịch cổ truyền mà ta vẫn quen gọi là âm lịch, nhưng thật ra là Âm – Dương hợp lịch…tháng được tính theo (mồng một lá trai, mồng hai lá lúa…ba mươi không trăng); “hai mươi bốn tiết” trong năm được tính theo mặt trời, tuy nhiên “Nhật – Nguyệt – Tinh” đều được tham chiếu làm lịch…do đó, Lịch không thể gọi là thuần Âm hay thuần Dương, đây chỉ là sự quen gọi, quen dùng.
Cái gọi “Lịch Hạ kiến Dần” là Sở lịch miền kinh Sở thuộc miền văn hóa lúa nước Bách Việt. Sự gọi “Lịch Tàu” hay “Lịch Ta” cũng chỉ là sự gọi nhiều thành quen.
         Lịch vốn là thành tựu văn hóa của người Việt – Sở (lúa nước), Trung Hoa (Tàu) chỉ là sự bổ sung bởi nhiều kinh nghiệm trong thiên văn lịch pháp, khi nhà Tần, Hán chiếm cứ đất Bách Việt.
         Miền châu thổ Sông Nhị, Thanh Hóa…quê hương buổi đầu người Việt Nam,  Lịch đã được điều chỉnh bằng kinh nghiệm “trông trời”, “trông trăng”, “trông sao” và dựa vào thực tiễn đất địa…làm ăn, được biểu hiện qua ca dao tục ngữ đã là vốn liếng từ lâu đời của người Việt. Lịch đã là thành tựu văn hóa chung của lúa nước cổ truyền.
       Thật ra trong ngôn lời người Việt, Tết đã bắt đầu từ 23 tháng chạp(nhưng cũng ít ai nói như vậy), người Việt luôn gọi là “23 tết” và còn gọi là tết “Ông Công, Ông Táo”. Đây còn là nét biện chứng của việc gieo mầm sự sống…cả việc người ta dựng cây nêu tre. Cây nêu ngày tết của người Việt, còn có tên gọi là cây tà leo của các tộc bản nguyên Đông – Nam Á, còn là là cây vũ trụ, cây mặt trời(sự tích cây nêu Việt Nam). Nghi thức quan trọng thứ hai là giây phút giao thừa…điểm thời gian chuyển tiếp năm Cũ – năm Mới, được huyền thoại hóa như sự giao hòa Âm – Dương, phối ngẫu Đất – Trời, để trong cái sự chết của cái cũ…nảy sinh sự sống cho khởi đầu của cái mới. Sự giao hòa, giao hợp trong triết lý phồn thực.
     Lễ lạt đầu năm được gọi là tết(từ 23 tết đến mồng 7 tết).
     TẾT CẢ nghĩa là tết hàng đầu, tết đứng đầu và to nhất, quan trọng nhất trong cả năm. Ngoài Tết Cả, còn có những tết khác (tết con) như: “tết mồng ba tháng ba(hàn thực – tiệc bánh trôi) tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5), tết Trung Thu (rằm tháng 8), tết cơm mới (mồng 10 tháng 10, tùy vùng)
     Tết theo nghĩa rộng bao hàm những định kỳ lễ lạt trong quanh năm. Tết nhân văn vẫn nương theo thời tiết tự nhiên chuyển vần theo mùa vụ trong năm.
      Tết Cả hay Tết Nguyên Đán là nương theo tiết lập xuân được dung hòa giữa cái văn hóa và cái tự nhiên.Theo văn hóa học và lễ hội học, Tết Nguyên Đán có thể xếp loại vào Hội mùa, là một lễ lạt sinh hoạt văn hóa theo mùa, vậy Tết Nguyên Đán là một Hội lễ nông nghiệp.
      “Tết” là âm đọc trạnh đi theo lối dân gian của chữ “Tiết”. Theo tự điển Việt Nam, “Tết” là ngày lễ hàng năm, có cúng lễ, vui chơi hội hè. Chữ “Tiết” có nghĩa là đoạn, khúc, đốt…cũng bao hàm ý nghĩa tinh thần, khí tiết, tiết tháo (Nho Phong) và xác định khí hậu, thời vụ cho phù hợp với tự nhiên.
       * “Tết Nguyên Đán”, Nguyên là đầu tiên; Đán là buổi sớm…theo nguyên nghĩa “Nguyên Đán” là buổi sớm đầu tiên của ngày đầu tiên của tháng đầu tiên “Giêng” của khởi đầu một năm mới.
      Cội nguồn không gian văn hóa của Tết Nguyên Đán là Việt Nam, Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản.
     Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên đã có những thời kỳ dài tuyên bố chính thức bỏ Lịch cổ truyền, bỏ Tết vì mọi hoạt động, sinh hoạt đều theo lịch mới Âu Tây – gọi là Dương lịch. Ở Việt Nam, cũng lẻ tẻ có ý kiến bỏ lịch cổ truyền, bỏ tết nhưng Bác Hồ không đồng ý và nhân dân cũng phản ứng mãnh liệt. Nước ta chưa bao giờ bỏ tết, dù chính thức dùng Dương lịch trong hệ thống công sở, cơ quan nhà nước từ hàng trăm năm nay…Điều đó chứng tỏ xuyên suốt trong văn minh văn hiến hàng nghìn năm của Đại Việt. Cái tết đã thấm sâu vào tâm thức, tập quán trong mạch nguồn văn hóa dân gian Việt Nam. Nhiều nơi ở nước ta, nhất là đô thị đã dần quên tết hàn thực, tết cơm mới và cả tết Đoan Ngọ nữa…Nhưng Tết Nguyên Đán và Tết Giữa Thu thì cả đô thị đến nông thôn đều không bỏ. Cho dù đó những nhân tố ngoại sinh thì chúng đã dược dung hợp hoàn toàn vào cấu trúc văn hóa Việt Nam.
     “Tết” đầu tiên và trước hết là Tết của người Việt.
      Trong các tộc người của cộng đồng quốc gia Việt Nam, tộc Việt chịu ảnh hưởng Trung Hoa sớm nhất, mạnh nhất và cũng dung hợp”văn hiến” nhất. Tuy là những vùng ngoại biên của văn minh Trung Hoa, nhưng vẫn có nhiều khía cạnh văn hóa khác nhau, những nông sâu, khúc xạ khác nhau với nền văn minh Trung Hoa. Một cái Tết chung cho cả bốn nước đã làm cho nhiều người có cảm giác nhầm hiểu Tết đó vốn có cội nguồn của Trung Hoa.
  “Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu thu, Đông tàng”.
      Nguyên Đán là ngày mới(nhật tân) quan trọng nhất, ngày đầu tiên của một năm mới.
        Cái hoa xuân nở, cái lá xuân xanh
        Ai muốn chiết cành, hãy đợi mùa xuân
      Triết lý Nguyên Đán mang tính nguyên hợp và đủ đầy tư duy huyền thoại. TẾT là cái chết tạm thời (trong chu kỳ số 7) từ 23 tết đến mồng 7 tết, sau đó là sự phục sinh của vũ trụ…của từ năm Cũ qua năm Mới, và đã tương hợp với triết lý Bác Hồ:
                Ví không có cảnh Đông tàn
         Thì sao có cảnh huy hoàng ngày Xuân.
    Dương lịch được chính thức áp dụng trong công sở thuộc xứ Đông Dương (sau năm 1862). Nhưng tiểu nông, tiểu thương vẫn sinh hoạt theo “Lịch Ta” truyền thống…từ sinh hoạt lễ hội, sản xuất cho đến các phiên chợ quê. Tâm thức dân gian đến nay vẫn cùng năm tháng thời gian với: Dương Lịch thành chính thống ; Lịch Ta truyền thống thành hệ dân gian song hành.
     Tết Cả – Tết Nguyên Đán luôn tỏ ra một sức sống mãnh liệt thêm hơn, dành nhiều thời gian, tâm sức cho trước và sau Tết Cả như một tập tục đã nhiên thành xưa nay.
      Tết nhất và lễ hội dân gian vốn là sự bắt đầu của cuộc sống…và cuộc sống sẽ luôn có lời giải đáp về điều đó.
      TẾT là sự đón chào năm mới, chào mừng và hy vọng vào sự đổi mới tốt đẹp.
      “Nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân”.
PHÚ HANH
(Phú  Yên)