/

(Đọc Đá Bia huyền ảo – Nguyễn Hoài Sơn – NXB Khoa học xã hội, H. 2013)

Lâu nay, chúng ta đã nghe nói nhiều đến văn hóa nước, văn hóa lửa, văn hóa gốm… nhưng vẫn còn lạ tai với văn hóa đá. Chưa biết lĩnh vực nghiên cứu này có triển vọng như thế nào nhưng hiện tại, có người đã bỏ ra khá nhiều công sức để vật lộn với nó. Đó là một thạc sĩ Văn hóa học quê ở đất tổ Phú Thọ, vào lập nghiệp ở Phú Yên nhưng vẫn nặng lòng hoài niệm núi non đúng như tên gọi của anh: Nguyễn Hoài Sơn. Sau công trình Di sản văn hóa đá Phú Yên (2011), anh lại xuất bản Đá Bia huyền ảo (2013). Thêm một lần nữa, ta thấy ngọn núi Thạch Bi Sơn đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực xưa nay.

Đá Bia huyền ảo là công trình nghiên cứu văn hóa đá nhưng chỉ chuyên sâu về một ngọn núi nổi tiếng là Đá Bia. Mở đầu cuốn sách, tác giả giúp bạn đọc xác định tọa độ của quả núi: 12 độ 55 vĩ Bắc và 109 độ 23 kinh Đông. Tảng đá cao 706 mét, dựng đứng trên dãy núi Đèo Cả giống như một cái Linga khổng lồ, quanh năm ẩn hiện trong sương mù nên càng tăng thêm sự huyền ảo, đúng như tên gọi của cuốn sách.

Nguyễn Hoài Sơn đã dày công nghiên cứu các thư tịch cổ ở Việt Nam, Trung Quốc và Pháp để cung cấp nhiều góc nhìn khác nhau về Nam thiên đệ nhất trụ. Khi xử lý các tài liệu này, tác giả cố gắng giữ một thái độ khách quan khoa học, trích dẫn nhiều ý kiến trái ngược nhau để bạn đọc tham khảo. Tương truyền rằng, Thạch Bi Sơn chính là cột đồng mà Mã Viện xây để phân chia nước Tây Đồ Di (ở phía Nam) và quận Nhật Nam (nước chư hầu của nhà Hán). Có thể thấy giả thuyết này trong các sách: Phương đình dư tạp chí, Di vật chí, Quảng Châu ký, Năm sử, Thủy kinh chú, Tùy sử, Đường thư, Tân Đường thư, Thông điển, Tấn thư địa lí chí, Lâm Ấp chí, Nam Việt chí, Thái Bình hoàn vũ ký…

Tuy nhiên, cũng có nhiều tài liệu nghi ngờ là vị trí cột đồng Mã Viện không nằm ở đây: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam dư chí ước biên và các công trình của Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Tố, Trương Hữu Quýnh… Nói chung, đến nay, vẫn chưa ai rõ cột đồng nằm ở đâu. Giả thuyết Mã Viện khắc chữ trên Đá Bia: Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt có vẻ không đứng vững. Đến thế kỷ XV, Lê Thánh Tông cho khắc trên Thạch Bi Sơn dòng chữ: Chiêm Thành quá thử, binh bại quốc vong, An Nam quá thử, tướng tru binh chiết. Nhưng cũng có người cho rằng, vua cho khắc chữ: Dĩ Nam Chiêm Thành, dĩ Bắc dân triều mệnh Việt Nam, hoặc chỉ có hai chữ Hồng Đức mà thôi. Cái nào đúng – sai chưa biết, vì hiện nay chẳng còn chữ nào trên tảng đá này.

Nguyễn Hoài Sơn đã chứng minh tầm vóc của vấn đề Đá Bia trên phương diện quốc gia. Trong chín đỉnh đồng đặt tại cung điện Huế, có một đỉnh dành cho núi Đại Lãnh (bao gồm Đá Bia). Hòn đá này nổi tiếng đến mức, chỉ riêng một việc sét đánh nó năm 1771 mà cũng được các chính sử triều đình ghi chép như: Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Phủ biên tạp lục… Nguyễn Hoài Sơn đã kỳ công vẽ một con đường lịch sử ngoạn mục quanh hòn Đá Bia suốt từ thế kỷ I đến thế kỷ XXI. Từ những chuyện to tát như phân định lãnh thổ quốc gia đến việc dân Chăm đặt tên cho nó là núi Cùi Bắp, người Pháp gọi nó là Ngón tay trời. Từ những truyền thuyết thời trung đại đến chuyện chiến tranh, xây dựng thời hiện đại… Chuyện nào cũng đáng nghe nhìn ngẫm ngợi, khêu gợi trí tưởng tượng của độc giả.

Ở chương II, Nguyễn Hoài Sơn phác họa hình tượng Đá Bia trong văn học nghệ thuật. Tác giả đã chịu khó sưu tầm trong kho tàng truyện cổ của các dân tộc Chăm, Êđê, Việt…nhiều câu chuyện kỳ thú về núi Ông. Mỗi truyện phủ thêm một màu sắc huyền ảo lên hòn đá kỳ dị này. Xưa nay, có rất nhiều thơ ca về Đá Bia, trong đó có bài hát ru con khá quen thuộc như: Chiều mây phủ Đá Bia / Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng / Mất chồng như nậu mất trâu / Chạy lên chạy xuống cái đầu chôm bôm… Đá Bia cũng đi vào tác phẩm của các nhà thơ nổi tiếng như: Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ, Quách Tấn, Hữu Loan, Nguyễn Đình Tư… Rất nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, âm nhạc… đã được gợi cảm hứng từ Hòn Vọng Phu. Đá Bia là hình tượng chính trong logo kỷ niệm 400 năm Phú Yên của họa sĩ Võ Tấn Hoàng…

Chắc hẳn sẽ có người thắc mắc: vẽ vời chuyện một hòn đá suốt 115 trang sách như vậy để làm gì, hay chỉ làm đề tài phiếm luận lúc trà dư tửu hậu. Nguyễn Hoài Sơn cũng biết điều đó nên trong Đá Bia huyền ảo, anh không chỉ chứng minh đây là một di tích văn hóa đặc sắc mà còn là hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển kinh tế du lịch. Tác giả dành hẳn chương III để nói về những thế mạnh để phát triển ngành công nghiệp không khói xung quanh Đá Bia. Trước hết, Đá Bia nằm trên quốc lộ 1A, rất tiện lợi để đón khách du lịch Bắc – Nam. Xung quanh nó là quần thể những thắng cảnh và di tích lịch sử cấp quốc gia. Nhân tiện đó, tác giả cũng đóng vai trò hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu thêm những họ hàng làng xóm với Ông Bia.

Gần Đá Bia, có thắng cảnh Đập Hàn suối chảy róc rách, có thung lũng Biển Hồ rợn ngợp. Nơi đó có Bầu Sấu, khe Ông Dậu lưu giữ nền văn hóa Sa Huỳnh và Hang Vàng – nơi người Chăm đã giấu vàng trước khi chạy vào Nam. Đèo Cả hùng vĩ từng là trạm thiên lý Bắc – Nam của nhà Nguyễn, là nơi in dấu chân đoàn quân Nam Tiến trong cuộc chiến với Pháp năm 1946. Dưới chân núi là Vũng Rô, từng nổi tiếng với vụ tàu không số của miền Bắc chở vũ khí vào chi viện cho cách mạng Nam Trung Bộ. Năm 2008, Bãi Môn – Mũi Điện được công nhận là thắng cảnh quốc gia. Mũi Điện còn gọi là mũi Kê Gà, mũi Đại Lãnh là nơi đón bình minh sớm nhất Việt Nam. Bãi Môn, Bãi Bàng, Bãi Gốc đều là những bãi tắm thơ mộng. Xa xa là đảo Hòn Nưa đứng lẻ loi giữa biển trời xanh biếc…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Sơn không chỉ am hiểu địa linh, nhân kiệt của vùng đất Phú trời Yên mà còn có khiếu dẫn chương trình. Hãy đọc những câu văn của anh mời chào du khách đến với quần thể danh thắng Đá Bia: Du khách như những vận động viên leo núi, người tiền phu trong cánh rừng nguyên sinh hay các ngư phủ trên biển cả mênh mông sóng nước hoặc như chàng Rô Bin Sơn trên hoang đảo ngắm những tia bình minh đầu tiên trên mảnh đất Việt Nam thân yêu. Đến Đá Bia huyền ảo, du khách được trở về với thiên nhiên hoang sơ (…) Bạn sẽ tìm được sự thỏa mái, cảm giác thư thái, nhẹ nhàng yên bình khi đi dưới những tán rừng có cỏ cây hoa lá, có tiếng chim hót líu lo, có tiếng rả rích của côn trùng, tiếng róc rách của suối chảy qua kẽ đá, tiếng thì thầm của gió và lá rừng, xa xa vọng lại tiếng rì rào của biển cả.

Có lẽ vấn đề Đá Bia đã được gói lại tròn trịa trong cuốn sách chuyên khảo này. Nguyễn Hoài Sơn đã làm tròn nghĩa vụ của một nhà khoa học: cung cấp những thông tin quý giá, tham chiếu những góc nhìn khác nhau, đề xuất ý kiến về bảo tồn, phát triển văn hóa. Còn việc cái hòn đá kỳ ảo kia sẽ mang lại nguồn lợi du lịch như thế nào thì cần có sự chỉ đạo của các cấp chính quyền. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, quần thể Đá Bia sẽ trở thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn cho nhân dân hai tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa và là điểm dừng chân lý tưởng cho khách du lịch xuyên Việt.

Phạm Ngọc Hiền