Thời kỳ tuổi dậy thì là giai đoạn đặc thù trong cuộc đời của mỗi con người, cả về tâm lý và sinh lý đều có những biến đổi rõ rệt. Những sự thay đổi đó nếu không được chuẩn bị trước về tâm lý sẽ khiến các em cảm thấy kinh lạ, xấu hổ hoặc lo sợ.
Trong giai đoạn đặc thù này, những đặc điểm tâm lý về tính cách, ý chí, phẩm chất đạo đức, hình thành trong sinh hoạt gia đình được khảo nghiệm trong thực tiễn tiếp xúc với xã hội, phải thông qua năng lực điều tiết của bản thân rồi bổ sung hoàn thiện mới có thể vượt qua thời kì này một cách thuận lợi. Tuy sinh lý và hoàn cảnh biến đổi thúc đẩy tâm lý thích độc lập phát triển nhanh nhưng thường không theo kịp thực tiễn xã hội, vì năng lực nhận thức còn hạn chế nên nguyện vọng và ý tưởng tốt đẹp thường không được như ý. ở lứa tuổi này, trong cuộc sống thường khó tránh khỏi những trắc trở về tâm lý. Sau đây là một số biểu hiện tâm lý thiếu lành mạnh của con cái ở tuổi dậy thì.
1. Tâm lý u uất:
Bước sang tuổi dậy thì, do có nhiều thay đổi về tâm lý và sinh lý đã có ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, học tập và cả đời nội tâm của các em. Chính sự thay đổi về cơ thể, các em đã có những biểu hiện ban đầu về tình cảm với người khác giới. Sự vấp váp trong chuyện tình của tuổi mới lớn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tâm lý u uất. Có thể là do không được đáp lại tình cảm, bị từ chối, bị cha mẹ phê bình, bị thầy cô và bạn lên án. Khi đó, chúng không có ai cảm thông và chia sẻ. Chúng bị dồn vào ngõ cụt của những mặc cảm và rồi tự dày vò mình, biến mình thành kẻ trầm mặc ít nói, mày mặt lúc nào cũng ỉu xìu và ít khi cười, lâm vào tình trạng này ban đầu chỉ là những biểu hiện trên nét mặt không bình thường. Nhưng nếu càng để lâu, các em càng thấy khổ tâm và dần trở thành người trầm cảm.
Ngoài ra, ở lứa tuổi này cũng vướng vào tâm lý u uất là do gia đình không hạnh phúc, cha mẹ không hòa thuận. Cha mẹ nên tránh để con cái biết được những mâu thuẫn trong tình cảm vợ chồng, điều đó sẽ khiến chúng phải suy nghĩ mà ảnh hưởng đến tâm lý bình thường của chúng.
2. Tâm lý ganh ghét:
Khi thấy người khác hơn mình trẻ thường có biểu hiện không thích, không thoải mái, thậm chí còn mang ý chí thù địch. Rồi khi không chịu đựơc thì chúng thường xuyên dùng những thủ đoạn xấu để hại bạn.
Có thể thấy ban đầu những biểu hiện của tâm lý ganh ghét không đáng lo ngại, nhưng càng lún sâu vào đó hậu quả sẽ càng khôn lường. Đối với con gái, sự ganh ghét đôi khi chỉ vì thấy bạn gái khác xinh đẹp hơn, được nhiều bạn trai quan tâm hơn mình. Từ đó, sinh ra ghét bỏ bạn một cách vô cớ, thậm chí còn nói xấu sau lưng bạn. ở con trai sự ganh ghét tuy không nhỏ nhen như ở con gái nhưng dễ nảy sinh các vụ ẩu đả. Đây là một dạng tâm lý mang tính nhất thời hoặc thuộc về bản tính.
3. Tâm lý nổi loạn, tàn bạo:
Những em có biểu hiện tâm lý nổi loạn, tàn bạo thường là do thần kinh quá nhạy cảm, đa nghi, thường tự cho rằng những lời nói và hành động vô ý của người khác là sự miệt thị và châm chọc mình, rồi từ đó nổi cơn thịnh nộ thất thường, nảy sinh những hành vi nổi lọan và tàn bạo khi cha mẹ thầy cô can thiệp chúng sẽ lập tức phản kháng. Lúc đầu, chúng phản kháng bằng sự im lặng, không để ý người lớn nói gì. Sau đó, sự phản kháng tỏ ra bằng hành động, chúng có thể bỏ học, bỏ nhà đi lang thang, kết giao với những bạn bè cũng giống như chúng. Tâm lý nổi loạn ở một số nam, nữ sinh ở tuổi dậy thì là nguy cơ tiềm ẩn của những tệ nạn xã hội.
Thường những đứa trẻ có tâm lý này dễ bị kẻ xấu lôi kéo, sa đà, ăn chơi xa xỉ quá mức, thậm chí nghiện ngập, quan hệ tình dục lăng nhăng. Đó cũng là nguồn gốc của những bệnh tật do lối sống thác loạn. Những em có biểu hiện học tập sa sút và luôn tỏ ra bất cần trong mọi vấn đề.
Giáo dục tâm lý nổi loạn ở lứa tuổi này là một trong những vấn đề khó khăn nan giải đối với cha mẹ và thầy cô giáo. Biện pháp giáo dục cũng không đơn giản mà đòi hỏi cha mẹ phải hết sức thận trọng, khéo léo và cần có thời gian, chứ không thể một sớm một chiều. Nếu chỉ chú trọng học tập mà không chú ý nhiều đến giáo dục nhân cách cho các con, để đến khi phát hiện ra con mình có những biểu hiện không lành mạnh như trên thì sự khắc phục rất khó khăn. Giáo dục con ngay từ khi còn nhỏ, ngay từ ban đầu sẽ dễ dàng và đơn giản gấp trăm lần giáo dục lại.
Cha mẹ phải là người đóng vai trò chính trong việc giúp con không bị nảy sinh những biểu hiện tâm lý thiếu lành mạnh. Muốn làm được như vậy thì ngay từ ban đầu cần bồi dưỡng cho con chiều hướng tâm thái tích cực.Tâm thái tích cực có thể nói là một liều thuốc kích thích khiến các nhân tố cùng phát huy tác dụng để thực hiện mục tiêu cao cả. Còn những biểu hiện tâm lý thiếu lành mạnh chính là biểu hiện của tâm thái tiêu cực. Nó là một loại tâm lý có hại, đem lại những căng thẳng, lo lắng, thất vọng, u uất, phẫn nộ, ghen ghét, bi quan, nổi lọan. Hướng các em đến tâm thái tích cực sẽ giúp cho chúng có được kết quả tốt trong học tập và thành công trong cuộc sống và sự nghiệp sau này.
Để hướng các em có được tâm thái tích cực cần làm những điều sau:
– Luôn yêu cuộc sống tự tin vào bản thân.
– Sống hòa đồng với bạn bè, tập thể.
– Biết sống hòa thuận, khoan dung độ lượng và biết giúp đỡ bạn bè khi gặp khó khăn.
– Bồi dưỡng hứng thú, tinh lực dồi dào.
– Gặp việc khó khăn phải đối mặt, không chốn chạy.
– Phát huy năng lực hiện có của bản thân.
– Xây dựng ý thức tự chủ trong học tập cũng như trong cụôc sống hàng ngày.
*
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn