Trần Thị Thu Hiền
Phạm Thị Kiều
Lê Thị Mùi
Sáng 29/01/2013, đúng 6h30 chúng tôi được triệu tập tại nhà hàng để ăn sáng, chuẩn bị đi đến điểm tham quan – Viện hải dương học. 7h30 xe bắt đầu chạy bon bon trên con đường, ngồi trên xe mà lòng cứ nghĩ mình sẽ đến nơi lý thú và hấp dẫn như thế nào, hay một địa điểm du lịch nổi tiếng, điều này làm chúng tôi thích thú. Từ nhà hàng đi đến Viện hải dương học mất chừng khoảng 15 phút.
Viện hải dương học là một nơi nghiên cứu đời sống động thực vật hải dương tại thành phố Nha Trang, nó nằm trên một khu đất cao ráo. Được thành lập năm 1922 thời Pháp thuộc, đến Tháng Chạp năm 1969 thì chuyển sang Viện Đại học Sài Gòn quản lý. Viện là nơi lưu trữ loài sinh vật, các dữ kiện về địa chấn học, chu kỳ thủy triều và hải lưu vùng Biển Đông. Và Viện được xem là nơi nghiên cứu về biển lớn nhất Đông Nam Á tính tới nay.
Đến thăm Viện, chúng tôi đã được tận mắt xem Bảo tàng sinh vật biển với trên 20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loại sinh vật biển và nước ngọt đã được sưu tầm, gìn giữ qua các bộ xương, những mẩu vật được bảo vệ bên trong mặt kính. Ngoài ra chúng tôi còn được chiêm ngưỡng biết bao loài sinh vật sống được thả nuôi trong những bể kính.
Trong gian trưng bày riêng của bảo tàng, ta còn gặp đại diện của cá heo và cá mập trắng nhồi bông.
Ngoài ra, trong Viện còn lưu trữ bộ xương của cá voi lưng gù dài 18m, cao 3m, nặng tới 10 tấn với đầy đủ 48 đốt cột sống và nay đã được phục chế.
Sau khi đã tham quan Viện hải dương học và dưới sự giúp đỡ của chị hướng dẫn viên thì chúng tôi đã biết them được nhiều thông tin thú vị và bổ ích.
/
Địa điểm thứ hai, đoàn chúng tôi đến là ngồi thuyền và tham quan những hòn đảo xung quanh vịnh Nha Trang – một thắng cảnh ở Việt Nam được du khách biết đến và ưa chuộng. Ngồi trên thuyền chúng tôi cảm nhận được mùi vị mặn mà của biển phả vào mặt, cùng với cảnh non nước hữu tình ấy, có lẽ không ít người trong chúng tôi có một chút gì đó xao xuyến, bồi hồi nơi con tim. Người xưa quả thật không sai, nơi nào vừa có sông nước, vừa có núi non thì nơi ấy sẽ hình thành một nền văn hóa lớn.Và Nha Trang cũng không ngoại lệ, với những cảnh đẹp của thiên nhiên ban tặng, cùng với sự nhiệt tình hiếu khách của con người nơi đây đã khiến Nha Trang trở thành một nới lý tưởng cho du khách nghỉ ngơi. Trước khi lên thuyền chúng tôi được mặc áo phao bảo hộ xinh xắn để bảo đảm an toàn.
Hình ảnh bờ được chúng tôi bỏ dần phía sau, thay vào đó xung quanh toàn một màu xanh thẳm của biển, một mùi mặn của biển cũng dần len lỏi, hòa mình vào chúng tôi.
Những hòn đảo nhỏ dần dần hiện ra trước mắt chúng tôi, rồi lại bị chúng tôi bỏ lại, nhưng những xúc cảm về “nó” thì có lẽ mỗi người sẽ không quên.
Trên mỗi hòn đảo đều có khu du lịch để du khách có thể đến và nghỉ ngơi.Thuyền cập bến, chúng tôi được đưa vào Bãi tắm Nhũ Tiên (một trong những bãi tắm đẹp nhất của thành phố biển Nha Trang). Mỗi người mỗi việc, người thì nằm tránh cái nắng gay gắt với vị mặt của biển, nhưng đa phần chúng tôi đều ùa ra biển, gieo chân xuống dòng nước mát lạnh.
Chơi chán, tắm chán thì lại lên bờ, rồi lại xuống. Cứ như thế cho đến giờ cơm trưa thì chúng tôi mới bắt đầu lên xe trở về khách sạn ăn trưa và nghỉ ngơi. Chuẩn bị tinh thần đón một buổi chiều đầy bất ngờ và lý thú.
2h30 cùng ngày!Chúng tôi leo lên xe, đến một nơi quan trọng. Có thể nói, bất kì ai khi đến với Nha Trang mà chưa ghé qua “nơi này” thì cũng đồng nghĩa là bạn chưa tới Nha Trang. Vâng! Đó chính là Tháp Bà Ponagar, một công trình kiến trúc đặc sắc của người Chăm.
Công trình kiến trúc này bao gồm một quần thể những ngôi tháp được xây lên một cách đặt biệt với những phong cách xây dựng khác nhau. Tổng thể kiến trúc của Ponagar gồm 3 tầng, đi từ dưới lên trên.
Tầng thấp: Ngang mặt đất bằng là ngôi tháp cổng mà nay không còn nữa. Từ đấy có những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa.
Tầng giữa: Nơi đây hiện chỉ còn hai dãy cột chính bằng gạch hình bát giác, mỗi bên 5 cột có đường kính hơn 1 mét và cao hơn 3 mét.
Ở hai bên các dãy cột lớn có 12 cột nhỏ và thấp. Theo thời gian những cây cột này cũng đã hư hỏng theo năm tháng, vì vậy đã được trùng tu lại.
Tầng trên cùng: Là nơi các tháp được xây dựng, ngay trước mặt ngôi tháp chính. Những bậc thang dẫn lên tháp chính,đã lâu không còn được sử dụng.
Về kiến trúc, toàn bộ quần thể tháp này chỉ có một tháp chính, với bốn cửa nhưng chỉ có một cửa thật còn ba cửa khác đều là giả. Với phong cách Hòa lai thì tầng trên là mô hình thu nhỏ của tầng dưới, thu nhỏ từ từ rồi vuông lên nên khi du khách vào tháp thì sẽ cảm thấy ngột ngạt, khó chịu.
Ngoài khu tháp chính, thì còn có những tháp lớn nhỏđược xây theo kiểu tháp của người Chăm.
Điều đặc biệt của quần thể tháp này là tất cả cửa tháp đều quay về hướng đông vì theohọ hướng đông là hướng của thần linh và hướng tây là hướng của sự chết chóc,mặt ngoài thân tháp có nhiều gờ, trụ, đấu. Trên đỉnh các trụ, thường đặt gạch trang trí hoa văn hình vòm tháp, trông như chiếc tháp nhỏ đặt lên một tháp lớn. Đối với tháp thì phần đầu được xem là quan trọng nhất, nên phần đầu được trang trí hoa văn với những bức tượng với kích cỡ lớn nhỏ khác nhau và những tấm phù điêu. Mặt ngoài tường tháp lại được trang trí bởi những hình điêu khắc vào đá như những vũ công, người chèo thuyền, xay gạo hay đi săn với cung tên.
/
Chúng tôi được phép tham quan nơi này gần một tiếng, rồi lại tiếp tục lên xe để đến với một điểm khác. Hòn Chồng! Có thể nói Hòn Chồng là một thắng cảnh tự nhiên ở thành phố biển này. Với một khối đá lớn nẳm chồng lên một tảng đá bằng phẳng, phía mặt đá quay ra biển có một vết lõm như hình bàn tay. Chính diều này cùng với phong cảnh hữu tình, nước biển trong xanh, hiền hòa đã tạo nên sựhấp dẫn thu hút du khách nơi đây.
Truyền thuyết nói về Hòn Chồng có nhiều câu chuyện. Tục truyền rằng, thuở xưa ông khổng lồ ngồi câu cá nơi đây, có một con cá cũng khổng lồ cắn câu lôi đi, ông phải kéo lại, tay cầm cần câu, tay tì vào tảng đá lấy đà khiến bàn tay ấn vào đá và để lại dấu như đã thấy. Hay theo một truyền thuyết khác, xưa có một người khổng lồ đến xứ này ngoạn cảnh, gặp bầy tiên nữ đang tắm, ông dừng lại say sưa ngắm và vô tình trượt chân ngã, ông vội bám tay vào núi khiến sườn núi sụp đổ, đá văng xuống để lại vết tay ông hằn trên đá.
Đứng trên hòn Chồng nhìn ra xa, ta có thể thấy bao quát toàn phong cảnh của biển, nhìn thấy được những hòn đảo xa gần.
Đằng trước hòn Chồng là hội quán, nơi lưu lại những hình ảnh đẹp của Nha Trang và trưng bày đồ lưu niệm.
Mặt trời dần xuống núi, cũng đến lúc chúng tôi rời khỏi danh thắng hữu tình này. Xe lại tiếp tục bon bon trên đường, lòng tôi có một chút gì đó xao xuyến và tiếc nuối khi phải rời nơi này, khi mà ngày mai đây chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình của mình đến miền đất mới, với những điều thú vị mới. Nhưng những điều thú vị đang chờ sẵn đó vẫn không ngăn được cảm xúc trong tôi, có lẽ tôi đã yêu nơi đây mất rồi. Và tôi tin chắc rằng những người bạn của tôi – họ ít nhiềucũng đã có tình cảm với nơi đây.
18h00, khi đã ăn tối xong, chúng tôi lại trở về khách sạn, và đêm nay, đêm cuối cùng ở Nha Trang. Tất cả mọi người kể cả tôi đều muốn có một chút gì đó mang hương vị của vùng biển này theo bên mình, nên chúng tôi đi dạo chợ đêm và dạo một vòng thành phố. Ngồi trên chiếc xe điện được điều khiển dưới đôi tay của một chị tài xế thật xinh (tôi bất ngờ khi thấy bác tài là phụ nữ), chúng tôi đi qua những ngôi nhà, những con đường lung linh ánh đèn, cảm nhận vị mặn của biển theo gió phả vào mặt. Có gì thích bằng như thế, và càng thích hơn khi mười mấy cái miệng cùng đồng thanh hát vang một bài nào đó, giống như chúng tôi cũng góp phần vào điệu rì rào của sóng, những âm thanh xung quanh, tất cả tạo nên một điệu nhạc vui nhộn.
Đi dạo, mua sắm, ăn hải sản… tất cả mọi việc đều hoàn thành trong đêm nay và giờ đã đến lúc trở về khách sạn vì đã thấm mệt sau một ngày hoạt động hết năng lượng. Chúng tôi trở về khách sạn vào lúc 22h. Ngủ thật ngon!
Ngày 30/01/2013
Sáng, 6h30, chúng tôi tập trung tại nhà hàng ăn sáng. 7h30 xuất phát đến Đà Lạt – thành phố mộng mơ.Trên đường đi đoàn chúng tôi ghé thăm chùa Long Sơn, một điểm du lịch quan trọng thứ hai trong hành trình.
Chùa Long Sơn còn được gọi là chùa Phật Trắng, tọa lạc ở số 22 đường 23 tháng 10, phường Phương Sơn dưới chân hòn Trại Thủy, Nha Trang. Khuôn viên chùa có chiều rộng 44,5m, chiều dài hơn 72m. Bên cạnh chùa là giảng đường của Trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa và trụ sở của Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa. Chính điện rộng 1.670m², có một tượng Phật Tổ bằng đồng đang ngồi thuyết pháp, cao 1,6m, nặng 700 kg. Khi chúng tôi đến thì chùa đang trong lúc dọn dẹp nên cả đoàn không vào được bên trong chính điện, mà chỉ tham quan bên ngoài.
Từ chùa, muốn lên đến đỉnh đồi Trại Thủy phải đi lên 153 bậc tam cấp. Tại bậc thứ 44 là tượng Phật Tổ nhập Niết Bàn dài 17m, cao 5m, đằng sau tượng là bức phù điêu mô tả cảnh 49 đệ tử túc trực niệm phật.
Lên khỏi tượng Phật nằm 5 mét là tháp chuông với quả đại hồng chuông cao 2,2m, nặng 1.500 kg do phật tử tại Huế tặng năm 2002.
Trên đỉnh đồi là bức tượng Kim Thân Phật tổ (còn gọi là tượng Phật trắng) ngồi thuyết pháp, tượng cao 24m, đài sen làm đế cao 7m. Đây là điểm nổi bậc của ngôi chùa và cũng là điểm thu hút khách đến tham quan.
Rời khỏi ngôi chùa Long Sơn cũng đồng nghĩa hành trình tại Nha Trang kết thúc. Chúng tôi lại lên đường tiếp tục cuộc hành trình khám phá. Xe lăn bánh… Bỏ lại sau lưng là Nha Trang với bao kỉ niệm, với bao xúc cảm và với bao thân thương. Có lẽ Nha Trang giờ đây đã nằm trong tim tôi và mọi người, nên dù đi xa nhưng vẫn nhớ.
/