Phú Yên là tỉnh Nam Trung Bộ, có toạ độ địa lý từ 12độ39’10” đến 13độ45’20” vĩ độ Bắc và từ 108độ39’45” đến 109độ29’20” kinh độ đông. Phía Bắc giáp Bình Định, Nam giáp Khánh Hoà, Tây giáp Gia lai – Daklak, phía đông giáp biển Đông.
Diện tích tự nhiên 5045km2 với 9 Thành phố, thị xã, huyện (TX Sông Cầu – Tuy An – Đồng Xuân – TP Tuy Hoà – Phú Hoà – Đông Hoà – Tây Hoà – Sông Hinh – Sơn Hoà). Dân số: 840846 người
Phú Yên ba mặt giáp núi, phía bắc có dãy cù Mông, phía Nam có dãy Đại Lĩnh, Phía Tây là trùng điệp núi non của dãy Trường Sơn đan xen thấp dần về phía biển có đường bộ và đường sắt chạy dài từ Bắc đến Nam ( có hai hầm tàu lửa và hai đèo cao dài của QL để mở ngõ cho đường vào Phú Yên để thông tuyến Nam Bắc Việt Nam). Hiện nay đã xây dựng hoàn thành và đã đưa vào sử dụng hai hầm đường bộ (Hầm Đèo Cả – Hầm Cù Mông). Mở thông cánh cửa gập ghềnh gian khó cho giao thông và phát triển của Phú Yên trong nhiều trăm năm qua. Ngoài ra còn có cảng vụ hàng không Đông Tác, cảng biển Vũng Rô với 198km đường biển và rất nhiều đầm phá, cửa, tấn, đảo, hòn, để vươn xa, tiến xa ra Biển Đông.
Phú Yên còn có gần 50 con sông lớn nhỏ và hàng nghìn khe suốí, thác ghềnh, ao hồ, vũng, bầu, đầm, đìa…Tuy vậy, nhưng hầu hết là không thuận tiện cho việc đi lại, thông thường, mà chỉ vận dụng được tuyến đò ngang, đò dọc theo từng đoạn ngắn để chuyên chở sản vật từ thượng nguồn là chủ yếu. Đường sắt là tuyến đường được người Pháp xây dựng từ những năm 1926 và đã hoàn thành nối tại Hảo Sơn 1936 (sau khi xây dựng xong đường hầm Đèo Cả, Bảo Đại đã làm lễ hợp long tại đây). Phạm vi trong tỉnh Phú Yên từ Mộc Thịnh Vân Canh – Đèo Cả – Đông Hoà dài 120km (đi qua 4 huyện thành phố thuộc cận đông của Phú Yên. Đường hàng không, Phú Yên có vị thế rất thuận lợi cho phát triển ngành hàng không. Từ những năm trước 1945 người pháp đã xây dựng tại Phú Yên một sân bay có tính chất dự phòng và vừa cứu hộ cho những chuyến bay Hà Nội – Sài Gòn, tại Hoà Thịnh. Dưới thời Mỹ, lại xây dựng thêm Sân Bay Củng Sơn – Sân bay Sơn Hoà – Sân bay Chóp Chài – Sân bay Đồng Tre Xuân Phước – Sân bay quân sự Đông Tác và Sân bay dân dụng Đông Tác (1966)
Đến sau 1975 vào thời kỳ tách tỉnh đến năm 1996 ngành hàng không đã xây dựng được nhiều chuyến bay đến TPHCM – Hà Nội và còn phát triển vươn xa hơn nữa cho tuyến đường hàng không Phú Yên.Với một vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi nhiều mặt của Phú Yên. QL1 đường sắt, hàng không, đường sông và bờ biển dài, đẹp với những đặc thù hoàn chỉnh đó đã tạo cho Phú Yên một vị thế địa văn hoá, địa chính trị rất đặc biệt.
Trở lại những năm của giai đoạn (1611 -1802-1885) thời kỳ của 8 chúa Nguyễn và các Vua từ Gia Long đến Tự Đức đã mở cõi, mở mang phát triển những con đường với tính chất đi lâu thành đường chủ yếu dựa núi rừng và nhằm mục đích ban đầu là phục vụ quân sự, đưa vào khai khẩn tạo thế lực để mở mang dần về phía Nam đồng thời phát triển ngành đường biển (chủ yếu từ thời Gia Long – Minh Mạng) để đánh bắt và xác định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Những cung đường đầu tiên vào thời (1471) Lê Thánh Tôn đã vào đất Phú Yên để xác định biên giới tại Đại Lĩnh. Thạch Bi Sơn, rồi lần theo dấu chân của Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh bạt phá Thành Hồ năm (1578) đưa dân vào xây dựng, khai khẩn (1597) và quyết định thành lập Phú Yên (1611) đã vượt đèo Thạch Lãng Thượng ngàn sông Kỳ Lộ để vào Phú yên rồi mở dần phát triển ra toàn tỉnh (chủ yếu là hướng Nam và phía đông đến gần sát bờ biển đầm phá từ Cù Mông – Bà Đài – Bà Diễn – Bà Nông và đặc biệt là nhũng khu vực hai bên các dòng sông từ phía bắc Phú Yên vào đến chân Đại Lĩnh (Đèo Cả – Hảo Sơn) như hiện nay.
Đến thời chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc Tần – Nguyễn Phúc Chu – Nguyễn Phúc Khoát) đã mở thông con đường thiên lý Bắc Nam qua hướng đèo Cù Mông, từ Gò Dúi – Quán Đế – Quán Sở phát triển rộng khắp vùng vịnh Xuân Đài – Ô Loan. Đặc biệt mãi đến thời Gia Long đánh nhau với nhà Tây Sơn và sau này khi lên ngôi cung đường thiên lý (QL1 hiện nay mới phát triển). Tuy vậy, đường cũ vẫn được mở mang và phát triển hình xương cá để tạo hình thể rộng khắp như hiện nay.
Đường QL1A từ km 1243.293 đèo Cù Mông đến 1366.546 Đèo Cả dài 123km thuộc địa phận Phú Yên. Ngày nay tuyến đường này đã thêm một đường rẽ từ bến đò Vĩnh Cửu từ cầu vượt Vịnh Xuân Đài đi qua các xã Xuân Thịnh (phía đông Bắc) Xuân Hải – Xuân Hoà, chạy dọc theo chân núi giáp mé biển đến TP Qui Nhơn cảnh sắc rất nên thơ non nước hữu tình được đặc tên cung đường Bình Phú (QL19B). Từ cung đường xương sống quốc gia (QL1) chạy dọc theo song song với biển đông sát bên là cung đường sắt Bắc Nam (dài khoàng 124km). Đã xây dựng những cung đường xương cá để hoà dòng vào giao thông nối liền Đông tây từ nhiều phía rộng khắp toàn tỉnh Phú Yên từ Nam đến Bắc Phú Yên. để lưu thông các vùng đất trong tỉnh, cao nguyên đại ngàn và các tỉnh bạn thuộc về phía tây từ thời hoàng triều cương thổ hay là những vương quốc nhỏ thuộc vào phiên thuộc của các chúa và vua của nhà Nguyễn
Từ phía Bắc (theo trục QL1) từ đèo Cù Mông vượt đèo Gò Dúi -Quán Mới về đến Xuân Lộc- Xuân Cảnh chỉ có những cung đường xương cá, xã lộ huyện lộ hoặc hương lộ nối liền các vùng chung quanh từ Xuân Lộc – Xuân Hải, từ Xuân Thịnh – Xuân Phương. Vào đến thị xã Sông Cầu mới có cung đường đầu tiên nối liền đông tây cung đường phía tây đầu tiên và xuất hiện từ rất lâu (thời chúa vua và thuộc pháp) đến sau 1975 cung đường này mới thông xuống.
– Từ cung đường DT 644 (liên tỉnh lộ 6 cũ) nối quốc lộ từ cầu Thị Thạc sông cầu đi qua phủ đường, hành cung đi Đa Lộc – Xuân Lãnh gặp QL1 (DT 641 cũ) tại Lãnh Thường Xuân Lãnh mở rộng cánh cửa phía Tây của bắc Phú Yên và đã hoàn chỉnh với đúng qui mô của cung đường liên tỉnh lộ bằng cầu bê tông vĩnh cửu, đường bê tông nhựa hai đường chạy chính và hai đường phụ hai bên.
– Cung đường DT 642 (tỉnh lộ 2 cũ) đi từ Chợ Huyện -Triều Sơn Sông Cầu – Hảo Danh – Xuân Sơn Bắc – Thị trấn La Hai – Thôn Long Hà gặp quốc lộ 1 tại chân cầu Long Hà và cắt DT 641 tại chân cầu sắt La Hai.
– Cung đường DT 641(liên tỉnh lộ 6 cũ) đi từ thị trấn Chí Thạnh – Đèo Thị – Cầu Cây Cam – TT La Hai (đoạn La Hai Xuân Lãnh – Mộc Thịnh đã sát nhập thành QL 19C)
– Cung đường DT 643 từ Hoà Đa QL1 cao nguyên Vân Hoà – Sơn Long – Ngã
tư Sơn Định (đoạn Ngã Tư Sơn Định – Trà Kê đã sát nhập thành QL19C)
– Cung đường 645 (trên tỉnh lộ 1 cũ và còn gọi là đường năm) từ TT Phú Lâm – QL1- đi đến cầu Đắc Phú (82km) đến năm 2009 chỉnh trang thành QL29 từ Phước Tân – Bà Ngà – Vũng Rô – Mũi Điện – Phú Lâm – Tây Hoà – TT Hai Riêng – Eabar – Đắc Phú (Thủy điện Krong Năng – vườn quốc gia Easô – Krông năng – Thị xã Buôn Hồ gặp QL 14 tỉnh DacLak
– Cung đường DT 646 đi từ Buôn Thô – sông Hinh (QL29) tỉnh Sơn Hoà – Trà Kê – Tân Lương – Sơn Phước – Trảng Tranh – Trúc Bạch – Suối Mây – Suối Cối gặp DT 647 tại làng Suối Cối – Kỳ Lộ( đoạn Buôn Thô – cầu Đức Bình – Tịnh Sơn- Hiệp Lai – Trà Kê đã sát nhập thành QL 19C). Riêng đoạn Suối Cối – Sơn Phước nơi hoàn thành năm 2016 mở thông trục phía tây nối liền Phú Yên với xã Đất Bằng – IaMLak thuộc huyện KrongPa – Gia Lai.
– Cung đường DT 647 đi từ Xuân Phước – Kỳ Lộ – Phú Mỡ – vượt sông Hà Đan (chưa làm cầu) đi Phú Hải – Làng Đồng – Xuân Lãnh (có một nhánh đi Làng Cát – Canh Liên – Vân Canh) gặp QL 19C (DT 641 cũ )tại gần cầu Đá Chát – Xuân Lãnh
– Cung đường DT 650 từ Thanh Hội – Sơn Hoà đi qua ngã tư Ngân Điền (QL25)- Sơn Nguyên – Sơn Xuận – Vân Hoà – Sơn Long (gặp DT 643) đi An Xuân – An Nghiệp (cầu cây cam) AN Định- thị trấn La Hai tại chân cầu Ngân Sơn giáp QL1A(đây là DT648 cũ)
– Cung đừơng DT 649 đi từ Đức Bình Tây – TT Hai Riêng – xã EaTrol – xã Sông Hinh – MaDrak gặp QL 26 thuộc tỉnh DacLak (cung đường này đã nhập thành QL19C)
* QL19C nối liền với QL19 tại An Nhơn (An Sơn, truông Bà Đờn) đi Tuy Phước_ Vân Canh _Đồng Xuân_ Sơn Hoà(QL25) _ Sông Hinh (QL29)_ MaDak (QL26),đây là điểm lý thú vô cùng đặc biệt của một cung đường có lẽ được hình thành từ những năm 1471 khi Lê Thánh Tôn dẹp loạn Trà toàn tiến vào đất Phú Yên xác định vùng đệm đến đỉnh Đại Lĩnh Đá Bia (Thạch Bi Sơn). Năm 1578 ngài Lương Văn Chánh đạt phá thành hồ cũng đi bằng cung đường này. Năm 1597 đưa lưu dân vào lập làng khai khẩn đất hoang con đường thiên lý vạn dặm xuyên suốt từ Thạch Lãng Đồng Xuân qua 2 ngã Vân Hoà và Đèo Thị tiến về Hòn Chuông – Hoà Vung – Đất Cày – An Thọ về Phú Điền – Thọ Vức – Sơn Triều – Thành Hồ- Bến Đò Dinh ông để vào Nam Phú Yên và cả Khánh Hoà – Ninh Thuận sau này.
Sự phát triển có tính chất qui mô rộng rãi toàn diện về phía đông và Nam đều dựa theo các đầm Vịnh và hai bờ phù sa của sông hồ, cũng có lẽ phát triển mạnh vào thời Nguyễn Phước Tần (Chúa Hiền) (1648 – 1687) biên giới Đại Việt đã đến Biên Hoà – Gia Định. Cho nên có thể nói rằng cung đường QL19c hôm nay là huyết mạch xuyên suốt của Phú Yên từ thời mở cõi, khai phá lập thành Phú Yên từ những năm 1471 đến hôm nay.
Riêng cung đường QL1 hôm nay, hồi đó vào năm (1653) chúa Hiền mới Sai Lộc Hùng Hầu mở đèo Hổ Dương gần Thạch Bi Sơn để vào dẹp loạn và thành lập hai huyện Ninh Khang – Diên Khánh và Ninh Thuận.
Ngoài ra còn có những Huyện Lộ, Xã Lộ, Hương Lộ nối liền các DT lại với nhau như xương cá ngõ hầu kết nối các vùng lân cận lại với nhau bằng giao thông thuận tiện cho đời sống xã hội và phát triển kinh tế như xã lộ 19-20… Phú Vang – Phú Cần – Phú Sơn – Đất Cày, Phước Hậu – Minh Đức – Tường Quang- Cẩm Tú.
Đường vành đai các thị xã, thành phố và kể cả Huyện đều góp phần quan trọng cho từng đơn vị hành chính đó cũng như góp phần mở rộng biên độ cho vùng miền.
– Cung đường QL 25(tức liên tỉnh lộ 7 cũ) đi từ QL1 Tuy Hoà – Sơn Hoà – Phú Túc – Ajunpa – Chư Sê gặp QL 14 tại Gia Lai.
– QL Trường Sơn Đông đi từ Madrak tại QL26 km82 – làng Ba – Eabar – Krongpa – Krongchoro- ĐăcPơ – An Khê giáp QL19.
Những thông tin liên lạc được phát triển rất sớm của Phú Yên trên đường thiên lý(nay là QL) theo ghi chép của Đại Nam Nhất thống chí Phú Yên có 6 trạm là: Bình Phú – Phú Thường – Phú Tân – Phú Vinh – Phú Thạnh- Phú Hòa. Đường quan báo có 5 trạm được lập vào cuối thế kỷ 19 để làm chức năng liên lạc nội tỉnh đó là Trạm Tổng Binh nay thuộc xã Sơn Phước – Sơn Hoà, trạm Phú Sơn là đường chạy giữa Phú Sơn – Phú Hội khoảng cách 11km.
Trạm Phú Xuân thuộc xã Sơn Xuân – Sơn Hoà là đường chạy giữa Phú Xuân- Phú Sơn
Trạm Phú Vân thuộc xã Sơn Long
Trạm Phú Lương thuộc xã An Nghiệp
Mục đích làm công tác thông tin liên lạc bằng người, ngựa để thông báo công văn và các vấn đề khác. Tuy nhiên sau năm 1954 mọi thông tin quan báo điều được chu chuyển qua hệ thống tín hiệu của bưu điện.
Nhìn chung mạng lưới giao thông đường bộ tại Phú Yên đã trải qua một thời kỳ rất dài, từ sơ khai đến giữa thế kỷ 20 cũng có nhiều chuyển biến từ việc đi bộ bằng đôi chân đến việc dùng ngựa, hoặc ngựa thồ, rồi xe ngựa, xe đạp, xe máy … xe tải, ôtô cho việc chuyên chở con người và hàng hoá. Đến những thập niên cuối thế kỷ 20 mới phát triển khá nhanh về số lượng lẫn chất lượng. Hầu hết những tuyến đường từ quốc lộ đến đường tỉnh, huyện kể cả xã lộ đều được nhựa hoá, cấp phối hoá và bê tông hoá. Đường ô tô đã đến tận buôn xã làng, việc đi lại khá dễ dàng, nhanh chóng, khắc phục được hầu hết những khó khăn, ách tắc về mưa lũ nhất là những tuyến đường ngang, dọc về miền núi. Kỷ thuật ứng dụng thành tựu, tiến bộ khoa học kỷ thuật mới, đảm bảo độ chắc chắn an toàn và hiện đại, qui mô trong việc làm đường và cầu cống để phục vụ nhân sinh.
Trong nhu cầu đi lại, giao thông vận chuyển hàng hoá nông thổ sản và cho du lịch khám phá giang sơn gấm vóc và giao lưu văn hóa vùng miền với các tộc người qua lễ hội.
Bài viết có tính chất tổng hợp những cung đường của Phú Yên nói chung cho miền tây Phú Yên nói riêng, ngõ hầu nhìn nhận, giới thiệu đối nét về Phú Yên trên bình diện đường xá giao thông qua nhiều thời kỳ để có được hôm nay và đầy đủ các loại phương tiện vận chuyển giao thông, con người đã nổ lực đóng góp công sức và đã ứng dụng mọi sáng tạo khoa học, cũng như chính quyền của các thời kỳ, đặc biệt là sự nỗ lực vượt bậc sau 1975 Nhà nước đã chú tâm coi giao thông là huyết mạch sống còn để phát triển.
Kính mong sự ủng hộ, quan tâm hơn nữa để có một Phú Yên tươi đẹp, thịnh vượng. Một Miền Trung mở lòng, dang tay đón chào tất cả bạn bè muôn nơi.
Phú Hanh
Tài liệu tham khảo:
– Địa chí Phú Yên
– Đại Nam Nhất Thống Chí
– Triều Nguyễn và lịch sử của chúng ta
– Có 500 năm như thế
– Việt Nam sơ lược
* Niên Giám Phú Yên
– Khánh Hoà – Nha Trang một tiềm năng , một hiện thực