Tự bao giờ, đêm thơ Nguyên tiêu đã trở thành một lễ hội truyền thống ở Phú Yên. Đó là một hội thơ rất độc đáo và khó có nơi nào sánh được. Kể từ khi hình thành năm 1980, hội thơ đã được tổ chức ở nhiều nơi nhưng cuối cùng, địa điểm lý tưởng nhất được chọn là trên sân núi Tháp Nhạn – Tuy Hòa.

Đây là một vị trí tuyệt vời, có thể nhìn bao quát khung cảnh đồng bằng Tuy Hòa với đầy đủ các dạng địa hình: núi, sông, đồng, biển. Ta đứng giữa thành phố mà có cảm giác như đứng giữa núi rừng, có thể nhìn thấy nông dân cày ruộng, ngư dân đánh cá… Đứng bên núi Nhạn giữa thời công nghiệp hóa, ta vẫn nghe vang vọng dư âm của ngàn xưa dân tộc. Vẻ đẹp đất trời, hồn thiêng sông núi đã tụ về đây, dòng người trăm ngả hội về đây làm nên một vẻ đẹp vừa trang trọng vừa lãng mạn của những đêm trăng rằm trên tháp cổ.

Tiếng lành đồn xa, mỗi năm, đến hẹn lại lên, các thi nhân bốn phương tụ về. Từ Huế, Bình Định vào, từ Sài Gòn, Khánh Hòa ra, từ Tây Nguyên xuống… Tiếng đồn đêm thơ trên núi Nhạn Tuy Hòa bay ra Hà Nội. Năm 2003, Hội nhà văn Việt Nam đã lấy đêm Nguyên tiêu làm ngày thơ Việt Nam. Từ đó, các tỉnh đều có tổ chức hội thơ Nguyên tiêu. Nhưng nhiều văn nghệ sĩ các tỉnh lân cận vẫn thích đến Tuy Hòa hơn vì nơi đây có “không gian thơ” hấp dẫn hơn các nơi khác. Từ khi có thương hiệu, hội thơ Phú Yên còn đón các khách thơ từ Hà Nội, Hải Dương… bay vào. Có những năm còn giao lưu với các văn nghệ sĩ Hàn Quốc. Nhiều hoạt động văn hóa của tỉnh cũng được tích hợp trong hội thơ núi Nhạn. Tiêu biểu như cuộc thi Người đẹp Nguyên tiêu…

Hội thơ trên núi Nhạn cũng được tổ chức vào thời điểm tương đối thích hợp. Đó là thời gian sau tết nửa tháng. Nói đúng hơn, nó diễn ra vào thời điểm hết tết nhưng vẫn còn nằm trong quỹ đạo của “tháng ăn chơi”. Nhiều Việt kiều về Phú Yên ăn tết cũng nấn ná sau rằm mới đi. Nhiều người từ Sài Gòn về ăn tết cũng đợi sau Nguyên tiêu mới vào mặc dù có vô số công việc làm ăn đang chờ. Đi chơi tết, ta thường nghe câu hỏi quen thuộc là sắp tới có dự đêm thơ Nguyên tiêu không ? Đây chỉ là câu hỏi xã giao chứ chưa hẳn đã yêu cầu người nghe trả lời có đi hay không. Rồi họ hẹn nhau gặp vào rằm tháng giêng trên núi Nhạn. Cả gia đình cùng đi, bạn bè rủ nhau đi. Nhiều cặp trai gái hẹn hò gặp nhau đêm hội trăng rằm. Người ta tới nghe thơ cũng có, gặp gỡ chuyện trò riêng tư cũng nhiều. Nói chung đủ lý do, đông vui như hội.

Hội thơ Nguyên tiêu trên Tháp Nhạn là điểm cuối của chuỗi hội thơ kéo dài gần mười ngày ở Phú Yên. Từ mùng 4 tết, bắt đầu diễn ra hàng loạt đêm thơ của các huyện, xã, câu lạc bộ, trường học… Thậm chí, có xã cũng tạo ra đêm thơ truyền thống khá hoành tráng, chẳng kém cấp huyện, như xã Hòa Đồng quê tôi. Suốt gần nửa tháng, các văn nghệ sĩ chạy xô đi dự đêm thơ khắp các huyện thị. Họ đi ké xe của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh, Sở Văn hóa Thông tin… Nhưng phần đông là tự đi bằng xe máy. Nhiều cụ già vẫn chịu khó cỡi xe máy từ huyện này đến huyện nọ để chơi thơ. Nghe thơ xong, dự liên hoan nhẹ hay rủ rê bạn bè cà phê cà pháo tới khuya. Sau khi dự xong hội thơ các huyện, họ rủ nhau hội tụ về điểm cuối cùng: tháp Nhạn đêm rằm.

Đêm Nguyên tiêu nào, tôi cũng có mặt trong đoàn người gõ gót thơ trên “Đường lên núi Nhạn quanh quanh…”. Trong đêm thơ, tôi thường đi loanh quanh để hóng gió và tán chuyện với những người quen vô tình đụng phải trong đám công chúng yêu nghệ thuật và ham vui. Người ta hỏi tôi: “Đã đọc thơ chưa ?”, dường như họ nghĩ tôi là nhà thơ (!). Tôi đã xuất bản một tập thơ và có thơ đăng trên một số báo nhưng thú thật là chưa một lần đọc thơ trên núi Nhạn quê nhà. Họ tỏ vẻ không tin nhưng cũng mường tượng rằng hình như tôi có giữ một vai trò nho nhỏ nào đấy đằng sau cánh cửa đêm thơ. Ấy là việc thẩm bình các tập thơ Nguyên tiêu xuất bản hằng năm. Hồi tôi còn ở Phú Yên, tết nào, nhà thơ Huỳnh Văn Quốc ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cũng “lì xì” tôi một tập thơ Nguyên tiêu với câu nói quen thuộc: “Tui chọn và biên tập suốt cả tháng trời mới có được bao nhiêu thơ đó, ông viết lời bình nhanh lên nghen !”.

Tôi hiểu công việc bình cả tập thơ quả là không đơn giản. Không chỉ nhìn vào tác phẩm mà còn nhìn tác giả nữa. Tôi bắt đầu nhiệm vụ của mình bằng việc đọc và chọn ra những câu thơ hay. Và cũng để ý cả những bài có nghệ thuật tàm tạm nhưng nội dung tốt để minh họa cho một số ý nào đó. Rồi định ra cái hướng đi của bài viết, tức là đề tài và đặt tên cho bài. Tiếp theo là sắp xếp các ý theo trật tự hợp lý, vừa đảm bảo tính khoa học lại vừa nghệ thuật. Rồi chọn các bài thơ tiêu biểu để lắp vào các ý. Dĩ nhiên là có cân nhắc kỹ nên chọn bài nào, nhiều hay ít, trường hợp nào trích thơ hoặc chỉ nêu tên tác giả, bài nào cần bình và không cần bình. Phải viết sao cho tất cả mọi người đều vui vẻ, tự hào về thơ ca tỉnh nhà. Và phải cân nhắc từng câu chữ, độ dài ngắn. Viết cho tạp chí Văn nghệ Phú Yên thì dài bao nhiêu cũng được. Nhưng viết cho báo Phú Yên thì phải tiết kiệm số trang. Tôi không cho thơ xuống dòng mà bắt chạy cùng hàng với lời văn xuôi.

Lại nghĩ, còn phải gửi qua chỗ Tường Văn để phát trên đài Phát thanh tỉnh nên tôi coppy thành bản nữa rồi trình bày theo phong cách báo nói… Vì giọng đọc văn khác giọng đọc thơ nên để cho cô phát thanh viên dễ nhận ra, tôi cho phép các câu thơ trở lại vị trí cũ. Thế là các con chữ vui mừng tưng tưng nhảy xuống hàng, xếp thành dòng ngay ngắn trông mát con mắt. Còn nếu đăng trên trang web phamngochien.com thì phải kiếm thêm hình minh họa… Năm 2010, tôi đăng hàng loạt hình ảnh về Nguyên tiêu làm cho nhiều cư dân mạng ở phương Nam ngạc nhiên tò mò phát biểu: “Năm tới em về Phú Yên xem thử đêm thơ Nguyên tiêu như thế nào”.

Nhưng Nguyên tiêu 2011, tôi không dự hội thơ trên núi Nhạn được. Ai cũng bảo: “Tiếc quá, sao không nán lại một ngày dự đêm thơ rồi hãy đi”. Lần này, tôi vào Sài Gòn gấp không chỉ vì lý do có lịch dạy mà còn để dự buổi giao lưu thơ tại bến Nhà Rồng vào sáng 15 âm lịch. Tôi được mời lên khán đài giao lưu với các văn nghệ sĩ trẻ. Chiều đó, tôi tranh thủ viết bài Nguyên tiêu cho báo Phú Yên trong khi Phan Hoàng vội vã dẫn đoàn nhà văn Thành phố “bay” ra Phú Yên dự đêm thơ. Người ta không phải gốc Phú Yên mà còn vượt 560 km để đi dự đêm thơ trên núi Nhạn. Còn mình gốc Phú Yên mà không dự được !

Dẫu đi làm ăn, sinh sống nơi đâu, những người con Phú Yên yêu thơ đều hướng về Cổ tháp đêm rằm.

Sài Gòn, 2011

Nguồn: sách Đời thực và mơ – Phạm Ngọc Hiền, NXB Tổng hợp, 2018

Đêm trăng rằm trên tháp Nhạn

Khung cảnh đêm thơ nguyên tiêu

Đông đảo công chúng yêu thơ đến tham dự

Có sự tham gia của các nghệ sĩ Hàn Quốc

Hiền chụp ảnh cùng các nghệ sĩ Phú Yên và Sài Gòn

Mỗi năm ra một tập thơ Nguyên tiêu như thế này

Khung cảnh dự kiến của đêm thơ nguyên tiêu 2020 nhưng bị gác lại vì dịch cúm Corona