Trong đời sống cộng đồng lời nói, xưng hô có nhiều lối nói với nhiều cách dụng âm, dụng từ, dụng ý trong ứng xử, giao tế khác nhau qua nhiều vùng miền địa phương, khu vực khác nhau. Những từ ngữ đi vào kho tàng ngôn ngữ dân tộc, vùng miền địa phương bằng dấu ấn từ ngữ sở chỉ của từng vùng địa phương khác nhau, mà trong đó còn có thể kể cả sản vật, nông thổ sản đặc thù, đặc sản mà chỉ có ở vùng này mà không có ở vùng khác; chẳng hạn như cây đước, cây bần, cây đỏ…bông giờ, lá é…sò huyết, hàu sữa Ô Loan không như hàu ở Cái Nước, Năm Căn…hoặc sắn nước, dâu tằm, lụa, lãnh Phường Lụa – Ngân Sơn, thúng chai Phú Mỹ – An Dân, gốm Quảng Đức, những làng nghề, làng chài, có từ thủa mở cõi tụ về trên đất Tuy An – Phú Yên từ thế kỷ XVI, và dọc dài ven biển, đầm, phá…của một nhóm cư dân sử dụng nước mặt. Ở Nam Trung Bộ nói chung, Tuy An – Phú Yên nói riêng, đôi khi còn có những biểu hiện những tính cách rất riêng trong ứng xử, giao tế, tiếp xúc trong môi trường cụ thể hàng ngày…

    Từ Nậu đến Nẩu, Nẫu ở Nam Trung Bộ, ở khu vực Bình Định – Phú Yên là cụ thể. Nẩu, hay Nẫu là một đại từ tương đương với họ hay chúng nó (ngôi thứ ba số ít và cả số nhiều), lắm khi cũng được dùng ở ngôi thứ hai và cả ngôi thứ nhất nữa, khá phổ biến và thành thạo trong lời ăn tiếng nói của nhân dân lao động toàn vùng, phổ biến rộng rãi đến mức có người “xấu miệng, mồm” đã dùng tên gọi chung cho cả vùng là “dân Nẫu”…”mượt Nẫu” để chỉ cư dân Nam Trung Bộ. Nhưng trước hết, Nẫu không hoặc chưa phải là từ cổ, từ những văn bản xưa cũ hoặc trong từ điển cũ vẫn chứ có từ Nẫu…chẳng hạn như từ “đầu Nậu” trong tự điển Việt – Pháp của J.F.M Génibrel giải thích bằng  “Chef de group” = bọn, lũ (Huỳnh Tịnh Của, Tom II trg 73…).
    Có lẽ từ Nậu – Nẩu – Nẫu (hiện nay) là từ gộp. Nhiều người nước ngoài, cũng như người Việt và người địa phương (Nam Trung Bộ) đã tương đối đồng thuận với ý kiến này. Theo thiển nghĩ của chúng tôi, trong phạm vi bài viết này…Phạm vi tiếng địa phương, phương ngữ, trong Tiếng Việt toàn dân đang hiện hành, sử dụng trong vai trò chỉ trỏ (chỉ chỏ) và xác định một số từ như: ấy, đó, nọ, kia, qua, này (như ấy, nậu kia, nậu đó, bà nọ, ông kia, cô này, mượt Nẫu, kệ tui…) thậm chí, trong phạm vi hẹp trong giao tế vẫn vòn có cả ni, nớ, tê, tề nữa. Đến nay, hai từ Nậu, Nẩu trong Nẫu đã phân hóa chức năng sâu sắc hơn nữa về mặt ngữ nghĩa:
   – Một bên mang nghĩa xác định (Nẩu, Nẫu)
   – Một bên trái lại (Nậu)
Về mặt sử dụng:
   – Một đằng có dùng độc lập từ (Nẩu, Nẫu)
   – Một đằng không thể dùng độc lập (Nậu),
đó là chưa kể đến chức năng hồi chỉ…cho nên, có thể xem đây là hai từ riêng biệt. Quan sát cách nói, biểu hiện của người địa phương, cũng như trong ca dao, thành ngữ, tục ngữ…từ “Nẫu” có phạm vi hoạt động rộng hơn, thường thì Nẫu dùng như một đại từ ngôi số ba, thứ hai nhiều hoặc ít, và cả ngôi thứ nhất nữa, đặc biệt là cả trong khả năng thậm xưng nữa:
    Giàu như nẫu, sáng cơm chiều cá
    Nghèo như em sáng rổ rau má, chiều trã cua đồng
    Ơn cha không bỏ, nghĩa chồng không quên
Hoặc:
    Thuốc ngon Kỳ Lộ, mắm nhỉ Tiên Châu
    Nẩu xa mượt Nẫu, đôi mình không xa.
    Một khẳng định không lay chuyển, vượt lên cả lề thói thường tình. Có thể nói, ở đâu đó trong ca dao Nam Trung Bộ cũng có ít nhiều hoặc đôi lời ai oán, thở than duyên tình trắc trở, luôn có từ “Nẫu” mang theo với một sắc thái biểu cảm rất rõ nét. Nói cách khác, hễ nói Nẫu, có từ Nẫu mang theo là có chủ quan nhất định của người nói, mang đầy tính biểu cảm, và đôi khi còn gồm cả chất diễn xướng nữa (kèm theo cả múa tay, động chân nữa). Thế nên, Nẫu đã không còn giữ nguyên vị trí đại từ ngôi thứ ba nữa, mà còn tiến đến ngôi thứ hai và dùng như ngôi thứ nhất về sở chỉ là vậy, như:
     – mượt Nẫu trong kệ tui,
     – Nẫu đi, đở Nẫu một mình bơ vơ
Trong khi đó, ngọt lịm và hào phóng chất Nam Bộ:
     Miễn sao bậu đành ừ,
     Qua chẳng từ lao khổ
     Dẫu đăng sơn tìm hổ
     Hay nhập hổ tróc long
     Trước sau vẫn vẹn lòng.
Hoặc đằm thắm, mượt mà như ngoài Bắc:
     Anh về để áo lại đây
     Đêm khuya em đắp gió tây lạnh lùng.
     Phải chăng những biểu cảm khác nhau đã chi phối cách lựa chọn…bởi trong câu ca, tiết tấu, cao trào trên từng cung bậc, được biểu hiện theo từng sắc thái tình cảm khác nhau, như trong “Nẫu ca”:
    Nhớ hầu nào đi tác nước cũng kêu, cũng hú
    Nhớ hàng nào hàng củ, cũng rủ cũng ren
    Bây giờ trống nọ xa kèn
    Đàn kêu khác tiếng, em đi theo nẩu rầu,
    Úi chu choa là nẫu buồn.
Hay trong phương ngữ: âm..”ôi”, “hồi” cũng gần nghĩa với âm “âu”, ” hầu” trong ca dao, dân ca Nam Trung Bộ:
    Nhớ hồi nào ăn một nồi, ngồi một chiếu
    Xem lời thiết yếu, xử dạ nhất như
    Dầu nên nẫu đợi, dẫu hư nẩu cũng chờ
    Đến ngày nay, nẫu phụ nghĩa tóc tơ
    Người nam kẻ bắc, em đi theo nẫu rầu
    Úi chu choa là nó buồn.
    Ngoài quan hệ giao tiếp địa phương..  Phương ngữ và ca dao – dân ca chỉ thật sự tồn tại và phát triển trên môi trường diễn xướng. Trong môi trường diễn xướng, ngoài yếu tố làn điệu còn phải kể đến hệ thống phương ngữ thật sự rất cần cho việc đệm lót, nhấn nhá trên từng con chữ, làn điệu…mà còn góp phần tạo nên sắc thái riêng biệt về âm vực, và bản sắc chuyên biệt trong môi trường giao tiếp của một nhóm dân cư cùng sinh sống trên một địa bàn nhất định, phản ánh một khuynh hướng thẩm mỹ cụ thể về tư cách chất liệu nghệ thuật nội hướng cấu thành phương ngữ…góp phần tạo nên bản sắc độc đáo và chất liệu rất riêng của ca dao – dân ca, thành ngữ, đồng dao của trên từng vùng miền sinh sống của người Việt, đặc biệt là giai đoạn Xứ Đàng Trong mở cõi Phía Nam.
    Với tư cách là chất liệu, mà đôi khi còn hơn thế nữa đây là chất liệu nghệ thuật… nghệ thuật diễn xướng thi ca từ các thành tố cấu thành bằng phương ngữ, cần một đáp ứng đầy đủ về nhu cầu giao tiếp thông thường của địa phương, tại một địa bàn nhất định. Mặt khác ca dao – dân ca còn phản ánh một khuynh hướng, góc nhìn thẩm mỹ cụ thể, xu thế này luôn là sự lan tỏa, trải dài trên diện rộng và chi phối cả một vùng miền văn hóa rộng lớn…chẳng hạn, sự ưa chuộng cách nói giản dị, tự nhiên, sảng khoái của ca dao – dân ca Nam Bộ, nhưng thường được thể hiện hết sức tinh tế qua cách dùng từ, cấu trúc từ, chọn vần nhằm tạo hiệu quả nghệ thuật và thích nghi với sắc màu thời gian, không gian sinh động qua môi trường diễn xướng.
    Xét trên bình diện môi trường diễn xướng, cộng đồng xã hội và ngôn ngữ hoàn toàn không có sự khác biệt giữa từng phương ngữ so với hệ thống quốc ngữ toàn dân. Nói cách khác, ngôn ngữ và văn hóa là sự gắn bó chặt chẽ trong qui luật tất yếu. Bởi, ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp, không chỉ là công cụ để biểu hiên tư duy của con người, mà còn là quan niệm của chính con người với tư cách là chủ thể tri nhận và phân cắt hiện thực bằng cái mã của từng mỗi ngôn ngữ. Do đó, quan hệ giữa ngôn ngữ và nhận thức, ngôn ngữ và tư duy, đặc biệt hơn cả là ngôn ngữ với văn hóa là một trường độ trong phạm trù triết học…và là tiên đề tính đối xứng, đối ngẫu của phương ngữ với tính tương đối trong  quan hệ nhận thức nhằm xác định rõ ràng là: bản sắc của ngôn ngữ là không thể tách rời hoàn cảnh giao tiếp và phong cách ngôn ngữ mà nó hành chức. Phong cách học ngôn ngữ được hiểu như là một tập hợp bao gồm nhiều đặc trưng khu biệt trong và ngoài vỏ ngôn ngữ, như giao tiếp ngoại giao, giao tiếp hành chính công vụ, giao tiếp nghệ thuật, giao tiếp sinh hoạt…Mỗi giao tiếp, ứng xử như vậy đều có yêu cầu riêng về mặt ngôn ngữ.
   Thực chất, phương ngữ là hành chức mỹ cảm ngôn ngữ thể hiện cái nhìn thực tiễn, và tình cảm đậm ấn dấu địa phương, còn là nét văn hóa đậm tính trung dung, trung thực trong lời ăn tiếng nói của nhân dân lao động trên từng mỗi vùng miền đất nước.
   Việc nghiên cứu phương ngữ vùng miền, sưu tầm, hiệu đính ca dao – dân ca địa phương là một yêu cầu cấp thiếc và xác đáng có tính nguyên tắc. Tách rời thực tế sống trong cộng đồng là đồng nghĩa với việc tước bỏ đi phần lớn tinh hoa văn hóa vốn có của nó, quan trọng hơn là chúng ta đang cố tình đánh mất đi tiêu chí nhận diên sự hạn hữu vốn có lâu đời trong việc truy tìm xuất xứ, cội nguồn, cũng như phân loại, đánh giá nghĩa lý của ca dao – dân ca, thành ngữ, đồng dao trên từng vùng miền địa lý Việt Nam. Phương ngữ là điều kiện sống còn của ca dao – dân ca…những đặc trưng, đặc thù về cơ chế tiết tấu của phương ngữ trong ca dao – dân ca đã khoác lên những nét rất riêng trên từng làn điệu, giá tri biểu hiện nghệ thuật.
   Suy đến cùng, vẫn còn ít nhiều về ngộ nhận, định kiến về sự khác biệt hoặc chưa thông tỏ giá trị đặc trưng văn hóa – xã hội trong ứng xử, giao tiếp, đối thoại bằng phương ngữ trên từng vùng địa lý…sự khác biệt về âm vực và nghĩa sở chỉ, về ý, tứ cách vận dụng phương ngữ có khác nhau, đã dẫn đến những kiến giải khác biệt hoặc sai lệch về góc nhìn. Hãy xem xét những từ tố trong câu ca dao sau:
    Anh đau em vái tận tình,
    Vái cho anh mạnh, mở cửa đình cúng heo
    Em vái rồi, anh vọt miệng vái theo
    Đau Nam vái Bắc, biết mấy heo bịnh chày.
Có thể nói ca dao – dân ca gắn bó thân thiết với lịch sử – văn hóa của vùng đất, trong trường hợp này, phương ngữ quả rất bổ ích, lý thú, xác tín với diện trình lịch sử – văn hóa.
Phú Hanh