“Mối lương duyên giữa anh và tôi có lẽ được định từ kiếp trước. Cha mẹ sinh ra chúng tôi là để giành cho nhau”. Đó là lời nói trải lòng của cô giáo Nguyễn Thi Hoài Diệu nói về chồng mình – thầy giáo Hồ Đăng Vu khi tuổi đời của họ đã thuộc vào tầm “xưa nay hiếm”.

       Đã cán mốc hơn năm mươi năm, thầy cô dắt tay nhau trải qua những thăng trăm của cuộc sống, nhưng hạnh phúc luôn vẹn nguyên vì giữa họ không chỉ có nghĩa phu thê mà còn là tình thầy trò, tình bạn, tình tri kỉ. Kí ức về những ngày gặp gỡ, bén duyên như chỉ mới ngày hôm qua trong tâm trí của đôi vợ chồng già.

Sinh ra trên mảnh đất nổi tiếng với đặc sản cam Xã Đoài ở xứ Nghệ, lại thuộc dạng “con hiếm” của một gia đình địa chủ kháng chiến thời Pháp thuộc. Cô Hoài Diệu được sự chăm sóc và dạy bảo chu đáo của mẹ cha. Thời kỳ ấy, cả vùng quê nghèo chỉ duy nhất có cô Diệu là nữ học lên được cấp hai trường huyện. Để rồi cái gì đến nó cũng đến, khi thầy cô gặp nhau dưới cùng một mái trường. Chỉ có điều khác là, họ ở hai địa vị khác nhau, vùng quê khác nhau.

Là con trai Huế chính hiệu, thầy giáo trẻ Hồ Đăng Vu giã từ quê hương để đến với mảnh đất Nghệ An xa lạ với một hoài bão được cống hiến vì sự nghiệp trồng người. Sự nhiệt huyết của thầy đã truyền lửa cho biết bao thế hệ học sinh trong đó có người vợ hiện tại của mình – trò Diệu.

Trò quý thầy vì đức độ, thầy mến trò vì sự đa cảm và thông minh, tình cảm thầy trò cứ lớn dần lên cùng những buổi đến trường. Động lực mà họ trao cho nhau là phải cố gắng đạt được những kết quả tốt nhất trong học tập và giảng dạy. Những lá thư tay viết cho nhau ngày một ít đi vì họ phải lo lắng cho sự nghiệp ở tương lai.

Thế nhưng, rào cản lớn nhất mà thầy Vu – trò Diệu phải đối mặt lúc ấy chính là khoảng cách vùng miền. “Quê anh thì ở rất xa, tôi không biết về gia đình, các em anh như thế nào. Tôi cũng không muốn xa đình mình, nơi ấy có ba mẹ và các em tôi”, đến bây giờ cô Hoài Diệu cũng không biết động lực nào để mình vượt qua những trăn trở ấy. Năm lần bảy lượt nói lời chia tay, nhưng sự đau khổ và cảm giác “sống không thể thiếu nhau” đã giúp họ đến được với nhau và tới tận mãi bây giờ.

Theo chồng về làm dâu xứ Huế, cô Diệu chỉ mang theo duy nhất một thứ là “đức tin”. Cô tin ở con tim mình mách bảo, tin vào sự lựa chọn của bản thân và cũng bởi cô tin thầy – người luôn trao cho cô cái nhìn ấm áp và cái nắm tay rất chặt.

Trường Cao đẳng Sư phạm Huế, tiếp tục là nơi chứng kiến tình cảm gia đình khi thầy Vu đảm nhận chức vụ hiệu trưởng, còn cô Diệu là giảng viên dạy Ngữ văn. Công việc bận rộn nhưng sau giờ tan trường, họ lại vui vẻ trở về thiên chức của những người làm cha làm mẹ khi các con lần lượt chào đời.

Giờ đây, thầy cô đã thành ông thành bà của những đứa cháu nội. Bốn người con trai ngoan, thành đạt, dâu, cháu thảo hiền, với đôi vợ chồng già, họ gọi đó là một kỳ công. Bởi trong tâm niệm của thầy Vu “lấy chồng lấy vợ có thể coi là duyên trời, nhưng nuôi nấng và dạy bảo con cái là do “nhân định”- tức là phụ thuộc ở đấng sinh thành”.

Chính nền tảng vững chắc lấy nhau vì nghĩa, vì tình nên chuẩn mực vợ – chồng; cha mẹ và con cái được gia đình cô thầy chú trọng. Không chỉ hàng xóm láng giềng mà ngay cả con cái trong nhà cũng chưa bao giờ họ thấy ba mẹ cãi nhau hay nói với nhau nặng lời. Bởi với họ, sự tôn trọng được đặt lên hàng đầu. Điều dó không đồng nghĩa trong gia đình không có những bất đồng, tuy nhiên, giải pháp để giải quyết bất đồng được thầy cô chú trọng. Đợi lúc vắng các con, họ ngồi lại để đưa ra quan điểm của nhau. Lấy sự nhẹ nhàng  để nói lên ý kiến của mình, cô Diệu đã nhận được sự hài hước, sáng suốt để hóa giải vấn đề của thầy Vu. Thấu hiểu, lắng nghe, nhường nhịn, đồng cảm là sợi dây gắn kết của vơ chồng cô thầy. Căn nhà nhỏ nhưng ấm áp tình thương là cảm nhận của bất cứ ai khi được tiếp xúc với gia đình thầy Vu.

Tự nhận mình luôn “là trò” trong mắt của chồng, cô Diệu không giấu được nụ cười viên mãn. Sự tận tâm, tận tụy của người chồng, người cha đã giúp cho nếp nhà thầy cô thêm vững chắc. Trên bảo dưới nghe, trên kính dưới nhường, bí quyết của gia đình thầy Vu chính là “ba mẹ phải làm gương”. Làm gương từ lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành động cho đến say mê trong học tập cũng như sinh hoạt thường ngày. Chính vì thế mà, dù đã trưởng thành nhưng từ cháu đến dâu con, nếp nhà thầy Vu luôn được mọi người ngưỡng mộ.

Được chăm sóc chồng con là hạnh phúc của bất cứ người vợ nào,với cô Diệu nó càng trở nên thiêng liêng. Như cô đã nói ” khi con còn nhỏ, tôi mong các con lớn để được chăm anh. Nhưng con lớn thì đã có cháu. Chỉ giờ đây, khi đã về già, chúng tôi mới có điều kiện chăm sóc nhau”. Thật xúc động khi chứng kiến thầy cô lo cho nhau từ ly nước nóng mỗi sáng mai thức dậy hay lấy nước ngâm chân cùng nhau khi màn đêm buông xuống.

Cuộc đời có những thứ bình dị nhưng đôi khi lại hóa xa khi chúng ta không biết yêu quý, vun đắp và giữ gìn. Thế nhưng, ở mảnh đất Cố đô, vẫn có những ngôi nhà luôn ấm dù mùa đông buốt giá. Bởi trong đó, họ đề cao giá trị tinh thần hơn những giá trị vật chất và nhất là họ sống vẹn nghĩa, trọn tình trước sau như một. Minh chứng thật gần là gia đình cô Diệu thầy Vu.

                                                                             Lâm Hoàng

 

Nghĩa thầy trò, sự đồng điệu nên duyên chồng vợ

Các con thầy Vu tổ chức kỉ niệm 50 năm ngày cưới của ba mẹ

Niềm vui về già của thầy cô là đi chơi cùng con cháu

  Ông bà vui cùng cháu

Giây phút sum họp đại gia đình thầy Vu