Tuổi 20 của chúng tôi là những ngày dài bộn bề bên sách vở, lo toan cho cuộc sống xa nhà. Sống trong guồng quay của đất Sài Gòn, chúng tôi khát khao sao được về nhà. Về với vùng quê nhỏ bé, bình yên của mình như bao đứa con xa quê khác. Tôi cũng yêu thành phố với cái nắng rực vàng như cô thiếu nữ đang tuổi xuân thì năng động, thỉnh thoảng sẽ yếu lòng rồi thủ thỉ khóc cho mối tình dang dở hay những ngày chớm đông se se lạnh làm thổn thức nỗi lòng bao người tha hương mong ngóng ngày đoàn tụ với gia đình. Sài Gòn ồn ào, tấp nập như cái lẽ vốn có của nó, dòng người lướt qua thật nhanh, mọi thứ đều trở nên vội vã và thời gian trôi chảy không ngừng.

Nếu như ở thành phố lúc nào cũng đông đúc người, phương tiện, kẹt xe,… thì nơi chúng tôi sắp tới sẽ khác hẳn, không còn kẹt xe, chen lấn của nhiều phương tiện mà thay vào đó là bạt ngàn của núi rừng với những cánh rừng nguyên sinh và những nông trường chè, cacao, cà phê trứ danh. Cùng với nó là những nụ cười rạng ngời và tấm lòng hiếu khách của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở đây. Không phải đâu khác, đó chính là vùng đất Tây Nguyên trìu mến. Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng là năm tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên hùng vĩ, xanh ngát của núi rừng đại ngàn và lần này hành trình sẽ đến với ba tỉnh : Đắk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai. Nơi có những nét văn hóa đặc trưng, phong phú còn được lưu giữ đậm đà bản sắc dân tộc.

Hành trình ngày đầu tiên (10/12/2018)

Chúng tôi gặp mọi người trong đoàn vào buổi sớm một ngày Sài Gòn se lạnh, những đôi mắt vẫn  nhắm ghiền thiếu ngủ vì dậy sớm. Năm giờ sáng, chúng tôi yên vị trên chỗ ngồi của mình, thưởng thức hương vị yên ả của thành phố khi mọi hoạt động của ngày mới đang bắt đầu. Bác Hiệp người cầm lái cho chuyến đi đã xếp xong hành lý của mọi người vô cốp xe và chúng tôi rời Sài Gòn lúc năm giờ ba mươi phút. Xe lăn bánh để đưa chúng tôi tới một vùng đất mới.

Chúng tôi ăn sáng tại khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến (Đại Nam Du lịch thần tiên) ở Bình Dương. Nơi đây nổi tiếng với quy mô hoành tráng và sở hữu nhiều kỷ lục của Việt Nam. Diện tích khu du lịch Đại Nam tỉnh Bình Dương trải rộng hàng trăm hécta, tái hiện cảnh núi non, sông hồ, biển cả cùng nhiều hạng mục kiến trúc độc đáo, trong đó điểm nhấn quan trọng nhất là đền thờ Đại Nam hay còn gọi là Kim Điện và dãy núi Bảo Sơn.

Tám giờ ba mươi phút sáng, chúng tôi tiếp tục hành trình dài hơn 350 km nữa để đến với Đăk Lăk, một trong những cái nôi nuôi dưỡng không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu phi vật thể của nhân loại. Bản sắc văn hóa đa dạng như các trường ca truyền miệng lâu đời Đam San, Xinh Nhã dài hàng nghìn câu, như các ngôn ngữ của người Ê Đê, người M’Nông… Như các đàn đá, đàn T’rưng, đàn ‘lông pút.. Các lễ hội đáng chú ý gồm có Lễ mừng lúa mới, Lễ bỏ mả, Lễ hội đâm trâu, Lễ cúng Bến nước, Lễ hội đua voi, Lễ hội Cồng chiêng… được tổ chức đều đặn hàng năm.

Sau khi dùng cơm trưa tại Đăk Nông, chúng tôi dừng chân tham quan thác Draysap, một thác nước trên dòng sông Serepôk huyền thoại gắn liền với truyền thuyết của người dân Ê Đê và văn hóa con người nơi đây. Con thác quanh năm nước đổ trắng xóa, ngay dưới chân là những mỏm đá với những hình thù khá kì lạ. Thiên nhiên vừa có chút hoang dã lại vẫn rất thư thái và đem đến cảm giác yên bình.

Rời thác, chúng tôi đến Chùa Sắc tứ Khải Đoan là ngôi chùa lớn nhất thành phố Buôn Ma Thuật và cả tỉnh Đắk Lắk, nằm ở phường Thống Nhất. Đây cũng là ngôi chùa lần đầu tiên được xây dựng ở Cao Nguyên. Tên gọi Khải Đoan là ghép từ tên vua Khải Định và vợ ông là Đoan Huy hoàng thái hậu. Chùa được xây dựng bởi bàn tay khéo léo của những người thợ cố đô Huế nên có kiến trúc nhà rường Huế xen lẫn với kiến trúc địa phương. Trải qua bao thăng trầm lịch sử vẫn giữ nguyên vẻ trang nghiêm, tĩnh mịch là nơi lui về cho những tâm hồn muốn được an yên, thanh tịnh, xa khỏi bi ai, trầm luân của cuộc sống phức tạp bên ngoài xã hội.

Kết thúc ngày đầu tiên, tôi về khách sạn nghỉ ngơi sau một ngày dài di chuyển. Nơi tối nay tôi ở lại là một khách sạn nằm trong buôn làng của người dân tộc. Thưởng thức bữa ăn tối với các món ăn đậm chất văn hóa Tây Nguyên bên nhà sàn và bếp lửa, khép lại một ngày với bao điều mới mẻ.

Hành trình ngày thứ hai

Nhắc đến Tây Nguyên không thể không nhắc đến cà phê. Ngày thứ hai ở Buôn Ma Thuột, 7h sáng, chúng tôi khởi hành đến tham quan làng cà phê Trung Nguyên. Cà phê là tinh túy, là một phần bản sắc văn hóa của vùng đất Buôn Ma Thuột, nhấp một ngụm cà phê Ban Mê như sống dậy trong trí óc cả đại ngàn Tây Nguyên. Hai bên đường dẫn vào khu trưng bày trồng san sát những cây cà phê nhỏ, vào sâu hơn là gian nhà trưng bày những dụng cụ làm cà phê cổ xưa mang đậm phong vị của thời gian. Ngoài gian trưng bày thì bên trong còn trang trí thêm thác nước, núi đá và một quầy bán cà phê để khác tham quan có thể thưởng thức ly cà phê Ban Mê đậm đà.

Xe tiếp tục lăn bánh đưa chúng tôi đến với khu du lịch Buôn Đôn nằm cạnh dòng sông chảy ngược Sêrêpốk. Đến nơi chúng tôi được khám phá kiến trúc nhà dài độc đáo gắn liền với phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của người dân tộc Ê- đê. Ngôi nhà được làm hoàn toàn bằng tranh, tre, nứa, lá. Từ mặt đất đến mặt sàn ngồi, nhà cao từ 1,2 đến 1,5 m để phòng tránh thú dữ. Khi lên ngôi nhà sẽ thấy hai cầu thang, cầu thang thứ nhất là cầu thang cái (cầu thang ván) có để bầu ngực người phụ nữ tượng trưng cho chế độ mẫu hệ và phía trên là vầng trăng khuyết thể hiện tục nối dây và chỉ người phụ nữ trong gia đình mới được đi cầu thang này. Cầu thang thứ hai đặt phía bên trái ngôi nhà và chỉ gồm các bậc thang dành cho các thành viên nam trong gia đình. Cả hai cây cầu thang thì đều có số bậc lẻ 3, 5 hoặc 7 và thường là 7 vì họ cho rằng số 7 đem lại sự may mắn. Khi đi vào thì mặt luôn hướng vào ngôi nhà và khi đi ra thì đi lùi lại. Trong ngôi nhà sẽ có một phòng dành riêng cho sinh hoạt vợ chồng và phòng của các cô con gái, có bao nhiêu cô con gái thì sẽ có bấy nhiêu phòng đặc biệt khi người con trai lấy người con gái thì phải về nhà vợ vì quan niệm “thuyền theo dòng và chồng thì phải theo vợ”. Trong ngôi nhà thì không thể thiếu bếp lửa, chiếc trống làm bằng thân cây độc mộc khoét rỗng một mặt là da trâu đực và một mặt là da trâu cái, khi có tin buồn đánh mặt da trâu đực, khi có tin vui đánh mặt da trâu cái. Khi vào ngôi nhà dài này chúng tôi còn được tận mắt nhìn thấy các dụng cụ thuần hóa voi từ dây thừng bằng da trâu, cùm số 8, gậy K’reo… Chung tôi được nghe kể về cách săn voi, cách thuần dưỡng voi của dân tộc Ê- đê và chiến tích của ông vua săn voi Khunjunop, và dũng sĩ săn voi Amakong.

Tạm biệt ngôi nhà dài, chúng tôi tiếp tục đến tham quan ngôi mộ của ông vua săn voi Khunjunnop nằm trong khu mộ của những người thợ săn được từ 20 con voi trở lên. Ở đây chúng tôi được biết thêm về kiến trúc nhà mồ của người dân tộc Ê- đê cũng như kiến trúc nhà mồ của người Lào. Theo phong tục của người dân thì từ 1 đến 3 năm sẽ làm lễ bỏ mã để người mất về cõi vĩnh hằng còn trước đó linh hồn vẫn quanh quẩn bên ngôi mộ. Mộ người đàn ông sẽ khắc hình những con voi còn mộ của người phụ nữ sẽ khắc hình những con công và tất cả các nhà mồ đều quay mặt về hướng tây là hướng mặt trời lặn, mỗi ngôi mộ đều có mái che như nhà người sống, ngoài kiến trúc nhà mồ thì chúng tôi còn được nghe thêm về phong tục bỏ mả của người Ê- đê kéo dài trong 7 ngày. Sau đó, chúng tôi tiếp tục đến tham quan ngôi nhà của dũng sĩ săn voi Amakong, ngôi nhà được người con gái lớn của ông duy trì, trong ngôi nhà dễ dàng thấy nhất là các dụng cụ săn bắt voi và thuần dưỡng voi bên cạnh đó là một quầy bán vị thuốc mang tên ông. Nghe kể rằng trong quá trình săn bắt voi, ông đã tìm ra vị thuốc này và được người con gái lớn của ông duy trì đến ngày nay.

Cuối ngày thực tế thứ hai, chúng tôi đặt chân vào học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – cái nôi đào tạo thế hệ bóng đá trẻ cho quốc gia. Điều đầu tiên làm cho mọi người hứng thú là tiết trời hơi se lạnh của Gia Lai, những sân cỏ xanh mởn dưới ánh nắng chiều, những hàng cây thông dẫn vào sân tập tạo bầu không khí nhẹ nhàng, khoan khoái. Sau khi dành ít phút xem các cầu thủ tập luyện, chúng tôi ra về tiếp tục chuẩn bị cho ngày thực tế tiếp theo.

Hành trình ngày thứ 3

Trong cái không khí se lạnh, chúng tôi đến một địa điểm có không gian thoáng đãng, không khí mát mẻ, đó chính là biển hồ trái tim của thành phố sương mù Pleiku. Theo người dân địa phương, đến Pleiku mà không đến biển hồ thì xem như bạn chưa đặt chân đến phố núi. Điều gì làm biển hồ quan trọng trong lòng người thành phố Pleiku đến thế ?. Không quá xa thành phố, chúng tôi theo quốc lộ 14 khoảng chừng 7km là đến được với viên ngọc xanh quý hiếm của núi rừng Tây Nguyên.

Hai bên đường xuống biển hồ là hai dãy thông xanh thơ mộng thấp thoáng những đám mây trắng nối tiếp nhau tạo thành một khung cảnh thật hùng vĩ, không kém phần diễm lệ. Không qua xa tầm nhìn nơi cuối đường tôi đã nhìn thấy biển hồ, mặt hồ như chiếc gương để mây trời nghiên bóng, bên cạnh đó là vẻ đẹp của núi rừng trùng điệp tạo thành một bức tranh lung linh huyền ảo trong mắt chúng tôi. Đứng bên bờ hồ nghe những tiếng chim ríu rít giữa mây trời lộng gió. Thiên nhiên khắc nghiệt, nắng hạn đến đâu nhưng nước nơi đây chưa bao giờ cạn. Hồ T’nưng là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân TP Pleiku. Đây vốn là miệng núi lửa khổng lồ, quanh năm đầy nước và luôn xanh ngắt. Biển Hồ được ví như viên ngọc bích giữa núi rừng Tây Nguyên.

Biển hồ T’nưng có nhiều sự tích cũng như gắn liền với nhiều giai thoại của người GiaRai, có chuyện kể rằng T’nưng chính là tên một làng cổ trong huyền thoại nhưng đã bị núi lửa chôn vùi và những người sống sót đã khóc thương và nước mắt ấy đã chảy thành biển hồ ngày nay.

Pleiku xinh đẹp mộng mơ
Đã làm điên đảo hồn thơ bao người

Và rồi cũng phải chia tay với người tình biển hồ Pleiku để tiếp tục chuyến hành trình khám phá vùng non cao.

Tiếp tục chuyến hành trình, đoàn chúng tôi đi đến đồi chè nằm kế bên Chùa Bửu Minh. Chúng tôi vừa đến gần đã nghe đâu đó thoảng mùi hương của lá chè. Đến đây ta thấy được sự trong lành, mát mẻ của một đồi chè xanh mang nét nguyên sơ của núi rừng Tây Nguyên. Chúng tôi cảm nhận được đời sống của người dân nơi đây được nâng cao hơn, sự cần cù, nỗ lực trong lao động của họ được đền đáng xứng đáng thông qua hình ảnh những cây chè xanh tươi.

Đồi chè như một thiếu nữ đôi mươi luôn khoe sắc chào đón khách phương xa bằng một nụ cười dịu dàng nhưng không kém phần e thẹn. Chính vì thế, tâm hồn tôi đã bị xao xuyến bởi nét đẹp ấy chỉ muốn ở lại mãi mà chẳng  muốn rời đi. Nhưng vì hành trình của chúng tôi còn khá dài nên không thể ở lại lâu hơn nữa và chúng tôi phải nói lời chào tạm biệt thân thương với đồi chè để tiếp tục hành trình cùng mọi người.

Xe chúng tôi lăn bánh đến điểm đến tiếp theo đó chính là ngôi chùa Minh Thành. Chùa rất cổ kính, trang nghiêm, nằm cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 12 Km tọa lạc ở số 14 A đường Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Chùa Minh Thành là dấu ấn lớn góp phần làm đẹp hơn phố núi mùa đông với án sương chiều lãng đãng Pleiku. Chùa được xây dựng từ năm 1964 bởi Hòa thượng Thích Giác Đạo và trở thành nơi thờ cúng, dâng hương của phật tử trong vùng.

Từ vòng xoay ngã ba Hoa Lư, du khách di chuyển theo đường Cách Mạng Tháng Tám tầm hơn 2 km sẽ tới làng Plei Ốp. Đây là làng văn hóa du lịch đầu tiên của Pleiku, có thể coi là điểm đến lý tưởng cho đoàn du khách chúng tôi muốn thưởng ngoạn và lưu giữ một chút gì đó bản sắc văn hóa buôn làng mà không có nhiều thời gian ở lại Gia Lai.

Nhà rông văn hóa, linh hồn của buôn làng được lợp mái lại khang trang với sân ốp đá, rộng rãi và rợp mát bóng cây. Tại khoản sân này, dân làng Ốp thường xuyên tổ chức các lễ hội của làng. Mọi người cùng nhau quây quần trước mái nhà rông, dưới cây nêu, thưởng thức những ché rượu cần thơm ngọt và hòa mình trong âm thanh cồng chiêng ngân vang, trong điệu múa xoan mượt mà, uyển chuyển… Kế bên cạnh nhà rông là khu trưng bày tượng gốc dân gian Bahnar, Jrai. Khu trưng bày tượng gỗ dân gian Bahnar, Jrai” là công trình thuộc đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Bảo tồn và phát huy giá trị tượng gỗ dân gian của người Bahnar và Jrai trên địa bàn tỉnh Gia Lai” do Bảo tàng tỉnh Gia Lai chủ trì. 

Hành trình ngày thứ 4

Vậy là đã bước sang ngày thứ tư trong chuyến hành trình đến Gia Lai- Đắk Lắk của đoàn chúng tôi. Thời gian trôi qua thật nhanh…

Sau khi dùng bữa sáng và trả phòng ở khách sạn Tre Xanh, chúng tôi lại lên xe cùng mọi người khởi hành trở về Đắk Lắk. Thời tiết sáng hôm nay khá lạnh, tôi có thể cảm nhận đựơc từng đợt gió se se nhẹ nhàng thổi qua da. Rồi trời bắt đầu lất phất những cơn mưa phùng nho nhỏ. Mưa cứ kéo dài mãi cho đến lúc chúng tôi dùng bữa trưa tại khu du lịch Kotam. Đây là một khu lịch nhỏ, xinh xắn và tĩnh lặng với rất nhiều loài hoa đang đua nhau khoe sắc. Không khí nơi đây khiến tôi cảm thấy bình yên đến lạ kì. Khu du lịch Kotam đựơc trang trí theo phong cách dân tộc miền núi với những chiếc chuông gío bằng tre treo dọc hai bên đường. Nhân viên trong khu du lịch là những cô gái xúm xính trong bộ trang phục dân tộc truyền thống, mang đến cho du khách cảm giác như đang thực sự hòa mình với nhịp sống của buôn làng ở núi rừng Tây Nguyên. Họ còn rất thân thiện cho du khách mặc những bộ trang phục dân tộc ấy để du khách có thể cảm nhận hết cái tinh hoa, độc đáo của một trong những nét văn hóa của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.

Khi trời đã ngớt mưa cũng là lúc tôi cùng đoàn chia tay Kotam đã tiếp tục chuyến đi trở về Đắk Lắk. Đến Đắk Lắk, chúng tôi thăm quan biệt điện của vua Bảo Đại – vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn. Đây là một di tích lịch sử, nổi tiếng với lối kiến trúc đẹp và là nơi ghi lại nhiều dấu ấn, sự kiện của tỉnh Đắk Lắk. Đến gần cuối ngày, đoàn chúng tôi đã đến Hồ Lắk, tại đây chúng tôi đựơc tận tay chạm vào những chú voi và trải nghiệm cưỡi voi ra giữa hồ, cảm giác rất chân thực và thú vị.

Rồi trời cũng đã sập tối, thời gian trôi nhanh quá, đây chính là đêm cuối cùng trong chuyến hành trình của chúng tôi, là đêm cuối cùng chúng tôi đựơc ở bên nhau dưới bầu trời núi rừng Tây Nguyên. Đêm nay, cũng là với những gương mặt này nhưng sao cảm xúc bồi hồi đến lạ. Có lẽ là vì ai trong chúng tôi cũng ý thức đựơc rằng ngày mai sẽ không còn những lúc quây quần bên nhau ăn chung một mâm, ngủ chung một giường nữa, mà mỗi người sẽ trở về ngôi nhà riêng của chính mình. Vì vậy, chúng tôi đã rất trân trọng từng khoảnh khắc đêm hôm ấy.

Sau khi nhận phòng khách sạn ở khu du lịch Hồ Lắk, chúng tôi tập hợp tại gian nhà ăn của khu du lịch để bắt đầu đêm Gala chia tay đầy đáng nhớ. Mở đầu là lời cảm ơn và chào mừng của già làng gửi đến tất cả đoàn chúng tôi vì đã ghé thăm và tìm hiểu về văn hoá của họ. Sau đó, từng món ăn mang đậm hơi thở của dân tộc Mơ Nông đựơc mang lên cho chúng tôi thưởng thức: ếch om chuối đậu, heo nướng lá mắc mật… Dù hương vị có chút lạ miệng nhưng rất thú vị, từng món như gói trọn tinh hoa ẩm thực – một phần không thể thiếu trong văn hóa của đồng bào dân tộc miền cao. Song song với vịêc thưởng thức ẩm thực, chúng tôi cũng được mãn nhãn với những màn tái hiện các nét văn hóa truyền thống như phong tục uống rượu cần, các điệu nhảy với nhạc cụ dân tộc,… Tất cả đều mang đến những trải nghiệm cực kì thú vị. Nói đến phong tục uống rượu cần, đây là lần đầu tiên chúng tôi đựơc xem tận mắt nghi thức này, ghè rượu to được buộc vào một cây tre to giúp giữ cho ghè không bị đỗ, ghè đựơc cắm hai thanh trúc hoặc tre dài khoảng 1 mét gọi là “cần” dùng để hút rượu, khi uống, bắt buộc phải có hai người uống song song với nhau, như vậy nghi thức uống rượu cần mới hoàn thành. Chúng tôi thay phiên nhau lên thưởng thức, ai cũng tấm tắc khen ngon và ngưỡng mộ cái cách họ gìn giữ nét văn hóa của dân tộc mình, để nó không bị mai một đi theo năm tháng. Sau khi uống rượu, chúng tôi được thưởng thức những điệu múa dân tộc kết hợp cùng những nhạc cụ làm bằng tre, nứa, đồng,… Từng động tác nhẹ nhàng khoan thai kết hợp cùng thanh âm trong trẻo của nhạc cụ dân tộc tạo nên một không khí mang đậm hơi thở núi rừng. Kết thúc buổi biểu diễn văn hóa truyền thống, chúng tôi đựơc mở mang tầm mắt. Nét văn hóa của dân tộc Tây Nguyên không hề bị mai một mà luôn đựơc bảo tồn và phát triển qua từng thế hệ. Chúng tôi âm thầm ngưỡng mộ sự gìn giữ văn hóa lối sống của họ ngay trong một xã hội đang ngày càng phát triển hiện đại.

Sau cùng, chỉ còn lại đoàn chúng tôi tại gian nhà. Chúng tôi đã hát với nhau, nhảy với nhau, vui cười bên nhau,… Chúng tôi trân trọng từng phút giây vì đêm nay chính là đêm cuối cùng, những khoảnh khắc tươi đẹp này có lẽ sẽ không bao gìơ có lại đựơc nữa. Kết thúc ngày cuối cùng của chuyến hành trình, bao cảm xúc vui buồn lẫn lộn, có lẽ vui vì những trải nghiệm đầy thú vị, còn buồn là vì sắp chia tay Tây Nguyên.

Hành trình ngày thứ 5 (14 tháng 12 năm 2018)

Kết thúc chuyến thực tế Tây Nguyên

Hành trình thanh xuân của chúng tôi trong chuyến đi thực tế ở vùng đất xa xôi mang tên Tây Nguyên đã đến ngày kết thúc. Khép lại chuyến đi với biết bao là kỉ niệm. Những kỉ niệm đó sẽ mãi không thể nào quên trong cuộc đời sinh viên của mỗi người chúng tôi.Tôi nhớ như in rằng, cô bạn của tôi bảo: ”tụi mày chụp hình nhiều nhiều nha, cứ tạo kiểu thỏa thích đi… để khi ra trường rồi có cái mà nhắc lại cái tuổi thanh xuân”. Lúc ấy chúng tôi vui đùa không xiết, ai cũng cười mà không thấy cả ánh mặt trời.

Tạm biệt vùng đất đỏ Bazan.

Chúng  tôi lên xe quay trở về lại Sài Gòn nơi có cái nắng chói chang. Chắc có lẽ những ngày qua chúng tôi đã cháy hết mình với tuổi trẻ, cháy với đam mê nên ai ai cũng đã hết năng lượng và chìm vào giấc ngủ. Khi ấy trên xe chỉ còn lại bác tài cố gắng tỉnh táo để lái xe. Xe vẫn chạy… chạy và chạy mãi… Về đến TP. HCM lúc ấy là khoảng 5h30 phút, chúng tôi đã kết thúc chuyến đi với biết bao kỉ niệm. Chỉ mong những khoảnh khắc ấy chỉ mới bắt đầu chứ không phải ngày kết thúc. Thời gian là vô hạn nhưng kỉ niệm với chúng tôi là hữu hạn, những kí ức sẽ còn mãi mãi …

Nhóm tác giả: Trần Thị Kim Ngân, Trịnh Thị Kim Dung, Trần Thị Kiều My, Phan Thị Bích Nhản, Nguyễn Thị Hồng Thắm (sinh viên lớp Ngữ văn K17B – ĐH Sài Gòn)

Xem thêm các hình ảnh khác tại đây