THƯƠNG HIỆU TRÂU BÒ NGỰA PHÚ YÊN
LUẬN CỔ SUY KIM

Phú Yên có những cánh đồng cỏ rộng lớn, đất đai phì nhiêu, khí hậu tốt thuận tiện cho việc phát triển chăn nuôi. Từ lâu, Phú Yên đã nổi tiếng về chăn nuôi trâu bò ngựa. Nó đã từng mang về cho tỉnh nhà một nguồn thu nhập rất đáng kể.
Trâu bò Phú Yên nổi tiếng là giống tốt, theo đúng tiêu chuẩn: mình lăn, đùi treo, ngực nở, mình hổ cổ rô, tai nhỏ, mí mắt mỏng, da mỏng lông mượt, ống chân thắt tròn, gót chân mỏng, móng tròn…Trong sách Non nước Phú Yên, Nguyễn Đình Tư viết: “tỉnh này nổi tiếng về giống bò tốt, giá trị ngang với bò các tỉnh Hà Giang (Bắc Phần), Nghệ An, Thanh Hóa (Bắc Trung Phần)”[1, tr.82]. Năm 1959, trong “Hội chợ trâu bò” cho các tỉnh Nam Trung Bộ, trâu bò Phú Yên đứng hàng đầu với 6 giải Nhất và 15 giải khác [2, tr.275].
Trâu bò Phú Yên không chỉ có giống tốt mà còn được nuôi với số lượng rất đông, bán sang các nơi khác rất nhiều, tạo thành một thương hiệu nổi tiếng vào đầu thế kỷ XX. Bò Phú Yên được chở vào bán ở Nha Trang, Sài Gòn, Bà Rịa… Hoặc tập trung ở vịnh Xuân Đài để chở bằng tàu thủy ra nước ngoài. Các nhà nghiên cứu người Pháp nhận định về thị trường buôn bán trâu bò ở đây như sau: “Xuất khẩu trâu bò được thực hiện bằng đường biển đi Bà Rịa và Sài Gòn hoặc trực tiếp từ cảng Vũng Lắm đi Manila (…) Trâu bò được xuất khẩu khắp Đông Dương nên giá cả cao hơn một chút (…) Các loại thú có sừng mang lại giá trị xuất khẩu khá quan trọng đối với Phú Yên. Việc xuất khẩu loại này thường đi về phương Nam đến tận Singapore”[3].
Ngựa Phú Yên từng có một thương hiệu lớn ở trong nước vì nó là “giống tốt nhất ở Trung kỳ”. Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi: “ngựa ở Phú Yên các huyện đều có, trên đường làng ngựa đi từng bầy, người ta buôn bán và chuyên chở. Đàn bà cưỡi ngựa rất giỏi”. Ngựa Phú Yên được triều đình nhà Nguyễn xếp vào loại “ngựa dụng”. Vua Minh Mạng, Thiệu Trị… rất thích dùng ngựa Phú Yên và giao cho quan lại Phú Yên tuyển chọn, chăm sóc những con ngựa quý để đưa về Kinh [2, tr.276]. Trong chiến tranh, người ta huy động một số lượng lớn ngựa Phú Yên để thồ gạo muối, phục vụ chiến trường liên khu V. Xe ngựa Phú Yên trở thành một phương tiện chuyên chở rất phổ biến một thời. Ngày nay, lễ hội đua ngựa gò Thì Thùng cũng trở thành một sự kiện văn hóa thể thao lớn của khu vực Nam Trung Bộ.
Thời Pháp thuộc, Phú Yên có những trang trại chăn nuôi trâu bò ngựa rất lớn, nhất là vùng Sơn Hòa, dọc theo sông Ba. Nhưng về sau, hình thức chăn nuôi quy mô lớn ít dần và chuyển sang chăn nuôi lẻ theo hộ gia đình. Ở nông thôn Phú Yên, hầu như nhà nào cũng nuôi bò. Người ta nuôi trâu bò để cày bừa, kéo gỗ, chuyên chở, lấy thịt, buôn bán…Tuy nhiên, ngày nay, việc nuôi trâu và ngựa giảm mạnh do đã có máy móc thay thế việc cày bừa, chuyên chở. Nhưng số lượng đàn bò vẫn duy trì ở mức độ cao do nhu cầu nuôi để lấy thịt. Ngành chăn nuôi bò không thể thiếu vắng trong nền kinh tế hiện đại, nếu không muốn nói rằng, xã hội càng phát triển thì ngành chăn nuôi bò càng ăn nên làm ra.
Xét trong tổng thể các ngành kinh tế, ta thấy Phú Yên có nhiều mặt khó theo kịp các tỉnh khác như công nghiệp, thương mại, du lịch… Phú Yên vốn nổi tiếng về lúa gạo nhưng nay khó cạnh tranh nổi gạo của đồng bằng sông Cửu Long. Phú Yên từng nổi tiếng về mía đường nhưng ngành này cũng gặp nhiều bất ổn. Có lẽ chăn nuôi và đánh bắt thủy sản là mặt mạnh của Phú Yên. Về chăn nuôi, Phú Yên có đồng cỏ rộng, đất đai phì nhiêu, khí hậu thích hợp với việc nuôi trồng. Và một yếu tố nữa không kém phần quan trọng mà trước đây người Pháp đã nhận ra: “May là ở Phú Yên ít khi có dịch động vật xảy ra, thỉnh thoảng thì có nhưng chỉ do ảnh hưởng của các tỉnh lân cận nên chỉ xảy ra ở một vài vùng rồi dứt; điều ấy cho phép Phú Yên duy trì việc xuất khẩu trên thị trường rộng rãi”[3].
Để phát triển chăn nuôi, trước hết, cần phải nghiên cứu quy hoạch các khu vực chăn nuôi theo quy mô trang trại và đầu tư kinh phí thích đáng. Dùng phương pháp trồng cỏ hiện đại để phủ xanh các cánh đồng và những ngọn đồi bạt ngàn ở các huyện Tuy An, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh…Chọn giống tốt và phát triển đàn gia súc với số lượng đông đảo. Nên ưu tiên cho việc chăn nuôi bò sữa vì nền công nghiệp sữa bò rất phát triển trong xã hội ngày nay. Có như vậy, ta mới tiếp tục phát huy thương hiệu trâu bò ngựa Phú Yên trên thị trường Việt Nam và thế giới.
¬¬
TS. PHẠM NGỌC HIỀN
Tài liệu tham khảo:

1. Non nước Phú Yên – Nguyễn Đình Tư – NXB Thanh Niên, 2004
2. Địa chí Phú Yên – UBND tỉnh Phú Yên – NXB Chính trị quốc gia, H. 2003
3. Les Provinces de L’Annam (Phu – Yen) – Revue Indochinoise (1907) – bản dịch của Lương Công Hùng, tài liệu do thạc sĩ Ngô Minh Sang, Viện KHXH Nam Bộ cung cấp.

/